NSƯT Hồng Năm: Chỉ sợ khán giả thất vọng

Thứ Năm, 12/11/2009, 15:15

NSƯT Hồng Năm sinh năm 1957 tại Đức Thành, Yên Thành, Nghệ An. Trưởng thành từ cái nôi dân ca xứ Nghệ, cho dù đến nay đã ở tuổi ngũ tuần, Hồng Năm vẫn đằm thắm và giản dị trên sân khấu lẫn ngoài đời. Chị hiện đang là nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

-Thưa NSƯT Hồng Năm, lâu rồi không thấy chị xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lý do là vì sao vậy, thưa chị?

+ Cũng chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ đơn giản vì tôi nghĩ giờ mình đã... già rồi nên cũng không nên xuất hiện nhiều. Đôi khi chính sự xuất hiện này lại khiến cho nhiều khán giả từng yêu quý mình... thất vọng ấy chứ! (cười). Tôi nghĩ, mỗi một nghệ sĩ đều có "thời" của mình, khi mình... hết thời rồi thì cũng không nên "cố đấm ăn xôi" làm gì!

- Tôi nghĩ không đến mức thế vì nhìn lịch biểu diễn của chị thì nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn theo không kịp?

+ Thực ra tôi vẫn nhận lời mời đi biểu diễn ở các nơi như là cách giúp mình không quên nghề mà cũng có thêm thu nhập. Nói vậy chứ, ca sĩ, trừ phi không hát được nữa, thì ít người bỏ nghề lắm. Chẳng qua, tôi là người "lười" tiếp các nhà báo. Ngay cả chương trình truyền hình gần đây mời tôi tham gia làm khách mời mà tôi phải... lấy đà cả tháng mới tham gia được đấy. Tôi thiết nghĩ, theo thời gian, suy nghĩ của con người sẽ thay đổi đi nhiều, có lẽ đó là do ngày xưa Hồng Năm lên đài báo nhiều quá rồi nên bây giờ tôi thấy... lười chăng?

-  Chị sinh ra và lớn lên ở một vùng quê khá hẻo lánh ở miền Trung, vậy, mối duyên nào đã đưa chị đến với con đường âm nhạc?

+ Hình như mỗi người sinh ra đã có một ngôi sao chiếu mệnh rồi nên không cưỡng được đường đi của số phận. Tôi mê hát từ thuở nhỏ, thuở đi cày, đi cấy trên đồng đã được thấm nhuần những điệu hò ví dặm phục vụ lao động sản xuất. Hồi đó, Đoàn ca múa miền núi Nghệ Tĩnh đi sơ tán ở làng tôi. Tôi vẫn nhớ, cô Trưởng đoàn ở tại nhà tôi và có con nhỏ nên tôi thường bế em cho cô đi diễn. Thỉnh thoảng tôi cũng hát ru cho bé ngủ. Nào ngờ, khi nghe giọng của tôi, mọi người bảo, bé Năm có chất giọng hay, khi đủ tuổi sẽ quay trở về để tuyển vào Đoàn.

Năm ấy, tôi mới 14 tuổi. Hai năm sau, các cô chú của đoàn chèo quay trở về làng tuyển tôi đi văn công thật. Mặc dù trong những giấc mơ thời thơ ấu của tôi vẫn có hình ảnh Hồng Năm là ca sĩ đứng trên sân khấu. Nhưng, khi có người của đoàn văn công về tận nhà tuyển thì tôi đã vội vã chạy lên ngọn đồi sau nhà và dặn mẹ: "Con xấu hổ lắm, không thi đâu, khi nào họ đi rồi thì mẹ gọi con về nhé!". Sau đó anh trai tôi đã lên tận chỗ "ẩn nấp" gọi tôi về. Tôi vẫn nhớ, mình đã thi tuyển bằng bài hát "Ơi con suối La La", bài hát do anh trai tôi đi bộ đội về dạy cho. Tôi đã trúng tuyển và đã theo các cô chú về Vinh, vừa học văn hóa vừa học âm nhạc. Năm đó, tôi chỉ mới học lớp 7.

- Nhưng nghe nói, sau đó, suýt nữa thì đã không có một Hồng Năm với những khúc dân ca đã đóng đinh vào âm nhạc truyền thống như bây giờ chỉ vì chị suýt…"theo chồng bỏ cuộc chơi"?

+ (Cười). Một thời gian sau khi đi văn công, tôi về nhà thăm gia đình và gặp một người lính từ chiến trường trở về. Anh trở về trước sự ngạc nhiên của bao nhiêu người, vì trước đó, làng xóm tưởng anh đã hy sinh ngoài mặt trận. Anh em trong làng biết nhau hết, khi gặp lại, anh có cảm tình với tôi và đặt vấn đề cưới xin. Gia đình tôi chấp thuận. Nhưng hiềm một nỗi, anh bắt tôi bỏ nghề hát để về chăm sóc gia đình.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, nghiệp ca hát là niềm đam mê, nhưng trách nhiệm của một người vợ thì phải chăm lo cho gia đình, cho bố mẹ chồng cũng là lẽ đương nhiên và tôi quyết định sẽ… theo chồng bỏ cuộc hát, như bạn nói. Tuy nhiên, anh trai tôi đã không đồng ý với quyết định đó, anh ấy cho rằng, tôi đã thoát ly nghề nông rồi thì không thể quay trở lại với ruộng đồng được. Anh tôi dọa: "Cái Năm, mày mà bỏ hát về là tao chặt chân!". Đương nhiên là mối duyên đó cũng không thành và tôi trở lại với ánh đèn sân khấu. Giờ thì tôi đã trở thành một ca sĩ.

- Trong suốt thời gian làm văn công, ắt hẳn có nhiều kỷ niệm vui buồn gắn bó với chị. Kỷ niệm nào mà chị vẫn thường nhớ tới nhất?

- Ôi, đời làm văn công có nhiều kỷ niệm lắm, vui có, buồn có. Thời ở Nghệ An là những năm tháng gian khổ nhưng say nghề vô cùng. Năm 1972, cả nước bước vào giai đoạn đấu tranh đánh đuổi giặc Mỹ vô cùng ác liệt. Nhiều lần, chúng tôi đang biểu diễn cho bộ đội xem thì máy bay rú qua bầu trời. Các anh bộ đội vào vị trí chiến đấu, còn diễn viên thì chạy xuống hầm trú ẩn. Khi máy bay bay qua rồi thì tất cả lại tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội.

Hồi đó, đi diễn gặp nhiều gian khổ nhưng vui lắm. Cả đoàn đi bằng xe đạp, diễn viên nam thì chở nhạc cụ, loa máy. Con gái thì đèo nhau, đèo lương thực dự trữ… Vui nhất là đi xe đạp không có gác-đờ-bu, phanh bằng… chân, chở nhau xuống dốc ngã dúi dụi vào nhau, đau kêu trời mà vẫn cười tí toét. Khổ nhất là thời gian tôi sinh con, không có ai trông con cho nên đi đâu cũng phải cắp con theo. Có những lúc, mọi người đã tìm được nhà dân để nghỉ ngơi thì hai mẹ con tôi vẫn phải ôm nhau đứng chờ anh Trưởng đoàn đi liên hệ. Những ca sĩ có con nhỏ thường khó tìm chỗ ở hơn, vì nhiều chủ nhà vẫn ngại con đái dầm, khóc lóc đêm hôm khiến người ta không ngủ được.

Có lần, chúng tôi được mời sang Trung Quốc tham gia một chương trình của phụ nữ. Họ cho chúng tôi đến ở tại một khu nhà mới khánh thành mà trong đó chưa có bất kỳ vật dụng nào ngoài một cái giường. Mới đến, anh chị em trong đoàn đói bụng quá, đành lấy mì tôm ra ăn chống đói. Nhưng lại chẳng có gì để pha mì tôm, chị em sáng kiến pha vào cái cốc đánh răng và thìa là những chiếc bàn chải đánh răng quay ngược trở lại, thế mà mọi người vẫn khều từng sợi mì ăn rất ngon lành. Những kỷ niệm đó, chắc rằng thật khó quên trong cuộc đời.

- Từ một diễn viên chèo chị chuyển sang hát tân nhạc và thành công trên mảng đề tài ấy cho đến ngày hôm nay. Chị có nghĩ rằng mình là một người khá may mắn vì đã chọn được một "gu" riêng đúng chất của  mình?

+ Tôi vào nghề được 2 năm thì Tỉnh có cơ chế tách Đoàn Dân ca, chèo Nghệ An thành hai đoàn mới là Chèo Nghệ An và Dân ca Hà Tĩnh. Tôi sang đoàn dân ca vì tôi thích hát mà ở đoàn chèo thì phải diễn kịch. Khi hát tân nhạc, tôi đã có cơ hội đi học 4 năm ở Nhạc viện Hà Nội để nâng cao tay nghề. Đấy là một cơ hội tuyệt vời mà không phải ai cũng có được.

Khi tốt nghiệp nhạc viện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã bảo tôi ở lại Hà Nội để làm việc nhưng tôi đã nằng nặc về quê để "lập nghiệp". Sau khi trở về, tôi đã tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng với bài hát "Sông Ngàn sâu" của nhạc sĩ An Thuyên. Lúc đó, với ý muốn phát triển nghề nghiệp cao hơn nữa, cũng như muốn có dịp đi biểu diễn nhiều nơi trên toàn quốc, tôi mới quyết định xin ra đoàn ca múa của Bộ Nội vụ (nay là Đoàn Ca múa Công an nhân dân). Đây là một bước chuyển biến mới và cũng cho tôi một nấc thang mới để mang tiếng hát của mình phục vụ khán giả trên khắp cả nước.

- Có ý kiến rằng Hồng Năm đã tham gia cuộc thi hát nào chắc chắn cũng sẽ đoạt giải, chị nghĩ mình có duyên hay là do biết cách "lấy lòng" Ban giám khảo?

+ Quả thật là tôi có duyên với giải thưởng. Tham gia bất cứ cuộc thi nào tôi cũng có giải. Năm 1989 tôi tham gia cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt hai giải: Giải Ba dòng nhạc dân gian và giải Người hát dân ca Việt Nam hay nhất. Hai giải thưởng này cũng là "bệ đỡ" để tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (năm 1997). Thời gian ấy tôi chuyên hát dân ca Nghệ Tĩnh được mệnh danh là người mang dân ca xứ Nghệ ra Hà Nội. Tôi nghĩ, may mắn chỉ chiếm một phần nhỏ trong thành tích của mình.

Hát dân ca hay bất kỳ dòng nhạc nào thì đầu tiên cũng phải hiểu nội dung bài hát ấy và tạo xúc cảm để chuyển tải đến người nghe. Với riêng dân ca thì phải biết bài dân ca ấy là của vùng miền nào để phát âm cho chuẩn tiếng địa phương của vùng miền ấy. Theo tôi, hát dân ca Nghệ Tĩnh không dễ chút nào, phải là người chính gốc Nghệ thì hát mới hay, hát mới có chiều sâu được. Như con tằm rút ruột nhả tơ vậy!

- Nếu điểm danh những ca khúc hợp tạng của Hồng Năm thì khá nhiều, nhưng có lẽ, chị cũng chọn vài bài "tủ" cho mình chứ?

+ Tôi hát nhiều ca khúc của các nhạc sĩ người miền Trung như Trần Hoàn, An Thuyên… và ca khúc nào cũng có đặc điểm riêng khiến cho mình "say" cả. Đặc biệt, không chỉ là những bài hát đã đi vào lòng công chúng mà ngay cả nhưng bài hát mới sáng tác, các nhạc sĩ đều mời tôi là người hát đầu tiên. Tôi vẫn nhớ, khoảng những năm 1986 -1987, hồi tôi đang ở Đoàn Ca múa của Bộ Nội vụ (đường Hoàng Cầu). Cứ mỗi lần trời mưa bão là nước ngập hết cả đường đi, phải rất khó khăn mới lội qua được.

Có lần, nhạc sĩ Trần Hoàn viết được một ca khúc mới, nhà ông ở phía bên kia đường, không thể lội sang được. Hồi đó không có điện thoại như bây giờ đâu, ông xắn quần tận đầu gối và đứng phía bên kia đường gọi "Hồng Năm ơi!". Không nghe tiếng tôi trả lời, nhìn thấy ai thì ông lại nhắn gọi tôi xuống. Thế rồi hai chú cháu, người bên này đường, người bên kia đường trao đổi với nhau rằng ngày này, ngày nọ đến hát ca khúc mới cho chú...

- Xin cảm ơn chị về cuộc chuyện trò cởi mở này!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.