NSND Doãn Tần: Không được hát là...ốm!

Thứ Sáu, 01/01/2010, 10:00
NSND Doãn Tần tuổi Đinh Hợi. Ông vừa nhận quyết định nghỉ hưu với quân hàm Đại tá sau gần 40 năm ca hát. Tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc cách mạng như "Đường chúng ta đi", "Chim yến bay", "Dáng đứng Việt Nam", "Anh lính tình nguyện và điệu múa Ápsara", "Những ánh sao đêm"...

Với người nghệ sĩ, nghỉ hưu không có nghĩa là rảnh rỗi bởi NSND Doãn Tần dù đã ở tuổi 63 nhưng những lời mời đi biểu diễn "những bài ca đi cùng năm tháng" vẫn không hề thưa vắng. Ông tâm sự rằng, cho đến tận bây giờ, tình yêu với âm nhạc vẫn nguyên vẹn trong ông như thuở ban đầu và "không được hát là buồn lắm, là ốm đấy!".

Cách đây vài tháng, tôi gọi điện cho NSND Doãn Tần xin được gặp để viết bài về ông, nhưng ông từ chối vì lý do sức khỏe không được tốt. Gần đây, thấy NSND Doãn Tần xuất hiện ở nhiều chương trình ca nhạc lớn, tôi nghĩ ông đã khỏe lại nhưng khi điện cho ông, vẫn thấy ông "cáo" ốm. Sau rồi, tôi phải nhờ tới sự "can thiệp" của nghệ sĩ Minh Hồng - người bạn đời của ông mới có được cuộc trò chuyện tại ngôi nhà nhỏ ấm cúng của họ tại khu Tập thể Văn công Quân đội.

Thì ra, từ lâu NSND Doãn Tần có bệnh đau đầu nhưng gần đây nó xảy ra thường xuyên hơn bởi tuổi tác mỗi ngày một cao. Có khi đang khỏe mạnh bình thường nhưng thời tiết đột ngột thay đổi làm ông gục xuống ngay trước giờ lên đường biểu diễn. Vậy là ông lại cần đến một liều thuốc giảm đau để kịp lên ôtô đến nơi biểu diễn. Cũng có khi đang biểu diễn trên sân khấu,  cơn đau ập đến bất ngờ, nhưng ông vẫn gắng sức thể hiện xong bài hát mà không bao giờ để cho khán giả hay biết. Chỉ đến khi bài hát kết thúc, lui vào trong cánh gà rồi ông mới một mình đánh vật với cơn đau.

Căn bệnh đau đầu cũng làm trí nhớ của NSND Doãn Tần suy giảm nhiều. Ông quên nhiều việc, quên nhiều chuyện, quên những cuộc hẹn có khi vừa nhận lời, nhưng điều đặc biệt là ông không hề quên lời các bài hát dù chỉ là một từ. "Như thể nó ngấm vào máu ông ấy rồi" - Bà Minh Hồng nói.

Giờ đây, bà Hồng là người nhớ giúp và nhắc nhở NSND Doãn Tần những việc cần làm hiện tại như lịch diễn hay một cuộc hẹn nào đó. Không những thế, cả những câu chuyện cũ về những năm tháng đã qua bà cũng "nhớ hộ" ông luôn, để khi có ai hỏi đến, bà mới là người có câu trả lời chính xác... Bởi vậy, giờ đây, nếu "cánh" báo chí có đến hỏi chuyện để viết bài thì đều phải có sự "trợ giúp" của bà Hồng. Yêu chồng, thương tính hiền lành đôn hậu của chồng mà những câu chuyện bên lề bà kể đều thật cảm động. Hai người yêu nhau từ ngày còn học chung trường, nhưng đến khi cưới nhau, ông là ca sĩ của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, còn bà sau ngày tốt nghiệp đã trở về công tác tại quê nhà, ở đoàn Văn công Lạng Sơn. Mấy năm trời xa cách cộng với những chuyến đi công tác triền miên của Doãn Tần khiến họ chẳng có mấy thời gian bên nhau.

Sau này, khi xin chuyển được cho vợ về công tác cùng đơn vị, ông cũng vẫn đi biểu diễn xa nhà luôn, có khi hai tháng trời mới có tin về. Một năm có 12 tháng đôi khi có tới 10 tháng nghệ sĩ Doãn Tần vắng nhà. Bà Hồng còn nhớ, có năm cả hai vợ chồng đi công tác ở tận nước bạn Lào rồi ăn tết luôn bên đó. Chuyến đi ấy kéo dài hai tháng, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, bom đạn, họ thấy thật hạnh phúc khi còn được trở về nguyên vẹn bên nhau.

"Lúc ấy, tôi chỉ có suy nghĩ rằng, nếu phải chết xin ông trời cho cả hai cùng chết, chứ đừng chết một người! Khổ lắm!". Nghệ sĩ Minh Hồng tâm sự trong sự xúc động khi nhắc về năm tháng tuổi trẻ họ đã sống và chia sẻ cùng nhau. Sau này, khi có con gái Hồng Vy, hai người không thường cùng đi công tác được nữa mà phải có một người ở nhà. Thường là chỉ có nghệ sĩ Doãn Tần đi, còn Minh Hồng phải ở lại lo toan mọi việc trong nhà để chồng yên tâm đi diễn.

NSND Doãn Tần là người con của vùng quê lúa Thái Bình, nơi có tiếng hát chèo tha thiết đã ngấm vào ông từ tấm bé, đã nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc lớn dần trong ông. Tuổi thanh niên, ông rời quê hương, trở thành công nhân ngành địa chất, làm việc tại Quảng Ninh, sau được cử đi đào tạo một lớp trung cấp ngành khoan và trở thành kíp trưởng của một kíp khoan.

Ngày ấy, công việc đi khoan thăm dò địa chất rất vất vả nặng nhọc, thường phải làm việc ở những nơi núi cao rừng sâu, thiếu thốn đủ thứ. Sau 4 năm làm việc chăm chỉ, chàng trai trẻ Doãn Tần nằm trong danh sách được cấp trên cử đi đào tạo ở Liên Xô. Nhưng cùng thời điểm ấy, Trường Âm nhạc Việt Nam do nghệ sĩ Tạ Phước làm hiệu trưởng tuyển sinh. Doãn Tần đăng ký thi và nghệ sĩ Tạ Phước chính là người phát hiện ra năng khiếu âm nhạc của ông.

Cùng đỗ với Doãn Tần đợt ấy còn có các bạn Duy Quang, Phan Lạc Hoa, Quang Huy mà sau này họ đều là những cái tên sáng giá của nền âm nhạc Việt Nam. Vậy là con đường âm nhạc đã đến với Doãn Tần một cách thật tình cờ, để đến tận bây giờ ông vẫn nói rằng, ông biết ơn âm nhạc bởi nó đã cho ông được sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, đó là được hát trước đồng bào chiến sĩ của mình ở mọi miền Tổ quốc, được đem giọng hát trời phú của mình phục vụ công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước.

NSND Doãn Tần là nam ca sĩ đầu tiên thể hiện bài hát "Đường chúng ta đi" (nhạc: Huy Du; lời thơ: Xuân Sách) được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước đó, mới có một số giọng ca nữ thể hiện như Diệu Thúy, Kim Oanh. Nhà giáo ưu tú Diệu Thúy chính là người đã dạy Doãn Tần hát bài này thành công và bao năm nay, ông vẫn thầm cảm ơn cô giáo Diệu Thúy về điều này. NSND Doãn Tần nhớ lại: "Tôi thu thanh "Đường chúng ta đi" đúng thời điểm Hội nghị Paris đang diễn ra nên bài hát ấy hầu như ngày nào cũng được phát trên sóng phát thanh và được công chúng  yêu mến đặc biệt. Cũng nhờ sức lay động to lớn của nó mà tôi được Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nhận về và trở thành một "nghệ sĩ lính". Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là ca khúc tôi biểu diễn nhiều nhất...".--PageBreak--

NSND Doãn Tần đã hát "Đường chúng ta đi" dọc chiều dài đất nước, qua các miền quê, cao điểm, chiến hào cho đến khi vào tới Sài Gòn lúc thành phố vừa được giải phóng. Ở đây, Doãn Tần hát trong doanh trại, hát trên đường phố, hát trong khu dân cư... Ông bảo: "Cứ chỗ nào có bộ đội, có đồng bào là hát thôi! Không cần sân khấu. Có ngày tôi hát không biết bao nhiêu lần!". Và trong cuộc đời "nghệ sĩ lính" của mình, NSND Doãn Tần đã hàng trăm lần đi biểu diễn ở những nơi xa xôi nhất, khó khăn nhất như biên giới, hải đảo, có khi đến một điểm chốt  nào đó biểu diễn mà số khán giả còn ít hơn diễn viên: có khi chỉ có 3 người. Ông tâm sự, chính những khi ấy mới thấy thấm thía nỗi vất vả của những người lính đang làm nhiệm vụ và trân trọng những tình cảm họ dành cho mình. Là người nghệ sĩ mang áo lính, dĩ nhiên ông cũng phải trải qua nhiều vất vả nhọc nhằn và trong lần trò chuyện này với tôi ông vẫn một điều: "Tôi rất biết ơn quân đội. Chính quân đội đã cho tôi cuộc đời như hôm nay!".

Nghệ sĩ Minh Hồng cho rằng, chồng mình là một người đàn ông không bao giờ biết bon chen hay đòi hỏi điều gì. Ông cứ làm việc, cứ lặng lẽ cống hiến rồi "Nhà nước" cho gì nhận nấy. Trong cuộc sống cũng vậy. Đến giờ Doãn Tần vẫn là người rất... cũ. Bằng chứng là ông vẫn không biết... tiêu tiền. Cứ lĩnh lương về, được bao nhiêu ông đưa cả cho vợ chi tiêu, có khi chẳng giữ lại cho mình đồng nào. Có lời mời đi hát mà đi được là ông nhận lời ngay, không bao giờ hỏi đến tiền thù lao cao thấp, người ta đưa bao nhiêu thì cũng vẫn hát hết lòng.

Ngày xưa, nghệ sĩ ai cũng nghèo, bà Hồng vẫn còn nhớ một lần nhạc sĩ Huy Du khi ấy là Trưởng đoàn Văn công Quân đội - đến thăm nhà bà và tỏ ra rất bất ngờ vì ông không thể nghĩ rằng vợ chồng Doãn Tần - Minh Hồng lại nghèo đến thế: Gia sản trong căn phòng tập thể 15 mét vuông lúc bấy giờ chỉ có độc một bộ bàn ghế trúc mang từ Lạng Sơn xuống. Sau này, hai vợ chồng bà được đơn vị phân cho mảnh đất, đến năm 1998 thì phải bán đi một nửa mới có tiền làm nhà. Bà Hồng lẩm nhẩm: "Giờ mới là năm thứ 11 chúng tôi được ở nhà mới đấy! Chứ trước chật chội khổ lắm!".

Cô con gái duy nhất của NSND Doãn Tần và nghệ sĩ Minh Hồng là ca sĩ Hồng Vy đã lập gia đình từ hai năm nay. Chồng của Hồng Vy là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Hai người hiện chưa có nhà riêng nhưng họ muốn tự lập chứ không muốn phiền bố mẹ nên đã thuê một căn hộ ngay gần đó để được gần bố mẹ. Nhà ít người nhưng trong căn nhà nhỏ của họ luôn có khách khứa ở quê hoặc hàng xóm đến chơi thăm, bởi ông bà là người hiếu khách và quý trẻ con đến lạ. Cứ buổi chiều hoặc ngày nghỉ là đám trẻ con trong khu tập thể lại kéo đến chơi đầy nhà để được ông bà bế ẵm.

Nói đến đây, bà Hồng không giấu được niềm vui: "Vợ chồng Hồng Vy đang "hứa hẹn" sang năm sẽ sinh cho chúng tôi đứa cháu ngoại cho vui cửa vui nhà đấy!"

Việt Hà
.
.