Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị đã lên tên phố

Thứ Ba, 18/06/2013, 08:00

Thầy Hoàng Xuân Nhị sinh năm 1914, mất năm 1991. Chỉ còn một vài tháng nữa thầy đã ở tuổi 100. Một tài năng phát triển sớm. Học giỏi, được cấp học bổng du học ở Pháp. Năm 1937 đỗ cử nhân, năm 1938 đỗ thạc sĩ. Sau một thời gian học tập và làm việc ở Pháp và Đức, năm 1946 thầy về nước tham gia kháng chiến ở Nam bộ, lần lượt giữ nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Hòa bình lập lại, tập kết ra Bắc, thầy Hoàng Xuân Nhị được điều về công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là người tham gia vào hoạt động văn chương, trong thời gian ở Pháp, qua những sáng tác về văn học thầy được xem như một nhà văn người nước ngoài viết tiếng Pháp. Thầy đã dịch giới thiệu một số tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là tác phẩm "Chinh phụ ngâm", được độc giả Pháp hâm mộ, in tại Nhà xuất bản Mercure de France được nhà văn Pháp Paul Valéry giới thiệu. Về dạy tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy vẫn tiếp tục đi về hướng văn chương và nhận dạy một môn học mới là văn học Nga và Xô viết. Thực ra thầy Nhị có thể dạy văn học Đức, văn học Pháp, nhưng chuyên trách về văn học Pháp đã có Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, văn học Đức chưa có trong chương trình dạy. Bộ môn mới là một thử thách mới, việc đầu tiên là thầy phải học tiếng Nga. Thầy có năng khiếu về ngoại ngữ và thuận lợi là đã biết nhiều thứ tiếng châu Âu như Pháp, Đức, Anh,... nên việc học tiếng Nga tuy khó khăn nhưng thầy đã hoàn thành trong vòng 5 - 6 tháng để có thể nghiên cứu và dịch nhiều tác phẩm văn học Nga. Hồi đó, tôi là chủ bút Báo Sinh viên. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, tôi nhờ thầy dịch hộ một tác phẩm ngắn của Gorki. Thầy dịch "Bài ca chim báo bão" và chú thích ở dưới "dịch từ nguyên bản tiếng Nga". Thầy nhận dịch và hoàn thành sớm công trình Mỹ học Mác - Lênin do Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản, một công trình dày hàng ngàn trang, phong phú về tư liệu, đặc biệt là những tri thức mới về Mỹ học theo quan điểm Mác - Lênin. Chúng tôi được nghe thầy lên lớp về lịch sử văn học Nga từ Lômônôxốp đến các tác giả Puskin, Lécmôntốp, Biêlinski, Tsecnưsepki, Đôbrôliubốp, đặc biệt là một số nhà văn thời kỳ Xôviết như Sôlôkhốp, Alếchxây Tônxtôi. Từ việc giảng bài theo giáo trình văn học sử, thầy đi sâu vào một số tác giả như Biêlinxki, Tsecnưsepki, Gorki. Có thể nói thầy là người đi tiên phong vào văn học Nga, Xôviết và nhanh chóng chiếm lĩnh khu vực tri thức rộng lớn này.

Khi Giáo sư Đặng Thai Mai chuyển sang làm Viện trưởng Viện Văn học và sau cuộc đấu tranh của các thầy ở trong khoa về quan điểm tư tưởng, Giáo sư Hoàng Xuân Nhị làm chủ nhiệm khoa trong một thời kỳ dài gần hai chục năm. Có lần thầy nói vui: "Làm bộ trưởng lâu nhất là Nguyễn Văn Huyên, Hiệu trưởng lâu nhất là Ngụy Như Kon Tum và chủ nhiệm khoa lâu nhất là mình" (1957 - 1982). Thầy có sức vóc cao khỏe, dáng vẻ tươi cười, được nhiều sinh viên quý mến. Thầy thường đi xe máy Simson, có khả năng tự sửa chữa. Quen tác phong sinh hoạt ở châu Âu, xe thường treo ba, bốn cái túi để kết hợp với việc mua bán, chợ búa. Thầy có tiêu chuẩn ở cửa hàng Tôn Đản - nơi cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho các quan chức cỡ thứ trưởng trở lên. Nghe tiếng xe máy nổ là anh em biết thầy đến. Sinh viên có câu ca:

Thầy Nhị nét mặt tươi cười
Mái đầu tóc bạc, mình ngồi Simson
Văn khoa là một giang sơn

Ngoài việc dạy học, thầy còn nghiên cứu và dịch thuật. Giỏi ngoại ngữ, thầy chú ý đến tính chuẩn xác của các văn bản dịch. Thầy có điều kiện so sánh giữa các văn bản Pháp, Đức, Anh. Có lần thầy nói với tôi: "Đồng chí phải chú ý tìm hiểu nguyên bản". Ví dụ câu: "Con người sáng tạo theo quy luật của cái đẹp", theo thầy văn bản gốc là "những quy luật của cái đẹp". Thầy lại nói: "Chữ littérature ngày nay thường dịch là văn học, nhưng hàm nghĩa của nó, ở nhiều nước châu Âu rộng hơn là văn chương, có thể hàm nghĩa cả những ngành khoa học xã hội". Cứ thế, thỉnh thoảng gặp những từ ngữ khó tôi lại hỏi ý kiến thầy. Thầy là một kho kiến thức phong phú. Thầy nói chuyện ở Câu lạc bộ Đoàn Kết về Sile, về "Faust" của Goethe, về "Thần khúc" của Dante. Thầy giảng bài vui, mở rộng phạm vi văn học sang nhiều chuyện đời thường và hay cười, có lúc cười lâu chảy cả nước mắt. Thầy kể chuyện "Thập tự chinh" ở châu Âu. Đi vào đoàn quân Thập tự chinh phải xa nhà, xa đất nước một vài năm nên làm sao bảo hiểm được người vợ trẻ ở nhà không phụ tình. Họ tìm cách đối phó bằng cách làm những khung sắt nhỏ đeo cho người phụ nữ và khóa lại rồi cầm chìa ra đi. Khi trở về dấu vết phải còn nguyên vẹn. Thầy nói rồi cười và bảo, có dịp sang Pháp, các đồng chí có thể trông thấy các hiện vật này còn giữ ở một số bảo tàng. Thầy cũng nhận xét, như thế hà khắc quá và thầy liên hệ đến một chuyện tiếu lâm cùng đề tài ở Việt Nam. Khi người chồng đi xa thì vẽ lên đùi người vợ trẻ một người lính vác súng để canh giữ. Khi trở về, người chồng nhận thấy dấu vết thay đổi, súng không ở vai phải lại chuyển sang vai trái. Khi chồng hỏi thì vợ trả lời: "Anh đi lâu quá, nó vác súng cũng mỏi nên phải đổi vai". Thầy nói: "Tôi kể chuyện này ở bên Đức cho sinh viên, họ cười rũ rượi và khen tiếu lâm Việt Nam quá hay". Sinh hoạt ở Tây Âu, thầy biết nhiều chuyện xen vào bài giảng nên càng hấp dẫn.

Nhà thầy ở khu tập thể Kim Liên, có ba phòng rộng. Một phòng cho sinh hoạt gia đình, một phòng là thư viện riêng và một phòng là nơi làm việc. Tòa nhà B6 Kim Liên cũng là nơi nhiều giáo sư nổi tiếng ở đấy như Giáo sư Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Hoàng Tụy, Phan Cự Đệ. Khu Kim Liên dạo ấy còn vắng vẻ, muỗi nhiều nên cũng khó làm việc vào ban đêm. Một lần tôi đến gặp thầy vào buổi tối. Khi mở cửa ra đã thấy một chiếc màn trắng phủ trùm lên chiếc bàn bên trong. Thầy ngồi làm việc và chiếc màn rộng bao phủ, màn trắng, tóc thầy bạc trắng trông như hình ảnh một đạo sĩ đang tu luyện. Thầy bảo: "Muỗi quấy rầy mình quá, mình phải có sáng kiến này".

Từ măm 1965, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhà trường phải đi sơ tán lên Đại Từ - Thái Nguyên, nơi nổi tiếng về bệnh sốt rét. Khoa Văn được bố trí ở làng Vạn Thọ cho các thầy giáo và ven sườn núi dựng nhiều nhà ở cho sinh viên. Phong cảnh rất đẹp, có con suối Đôi, nước trong chảy ngang qua cánh đồng. Dọc bờ suối, một số thầy dựng nhà, nhà của các thầy Hoàng Như Mai, Hoàng Xuân Nhị, Hồ Tấn Trai. Con suối nhiều cá ăn đêm, thầy Nhị là người câu có hiệu quả. Thầy nói: "Mình biết quy luật của cá ăn chìm nên câu được nhiều cá trê, cá quả". Nhiều lúc khách vào nhà thấy tiếng cá giãy đành đạch ở trong vại nước. Thầy nói vui: "Ở đây biết cách làm ăn, cũng nhiều thú vui". Xung quanh nhà thầy trồng đu đủ, chẳng mấy chốc đã có quả. Ở vào lứa tuổi năm mươi, thầy còn khỏe và năng động. Thầy sáng tác mô phỏng "Truyện Kiều" thành kịch để cho sinh viên diễn. Ngày nay, các anh chị đóng Kim Trọng, Thúy Kiều cũng đã ở vào tuổi về hưu nhưng vẫn còn nhớ các vai diễn thuở nào. Anh Hoàng Chương là đạo diễn, chị Hồng Duệ, Thu Hương lần lượt thay nhau đóng Thúy Kiều, anh Trần Đức Chính đóng Kim Trọng. Không khí đêm diễn kịch rất vui, dân làng xem đông.

Trong tổ chúng tôi hồi đó có thầy Nhị, thầy Mai, thầy Kỵ, thầy Đệ và anh Đinh Xuân Dũng. Thỉnh thoảng họp tổ, thầy Nhị lại khuyên chúng tôi. Thầy bảo đèn dầu thiếu, mình có kinh nghiệm, khi nào suy nghĩ thì vặn đèn nhỏ, khi nào ý nghĩ đã rõ ràng thì vặn đèn to lên để viết. Chúng tôi cảm ơn thầy và có anh nói: "Vặn đèn nhỏ tầm mươi mười lăm phút là chúng em đã ngủ". Thầy cười: "Có lẽ kinh nghiệm ai thì người ấy dùng thôi". Trong hoàn cảnh sơ tán, lớp học phải học dưới hầm sâu, nhà tranh vách đất nhưng tinh thần thầy trò thì rất phấn chấn.

Quen cách sống ở phương Tây, khi trở về Việt Nam, lại sống ở thành phố nên đời sống ở nông thôn có phần xa lạ. Nhiều lúc thầy có những câu hỏi ngây thơ. Có lần thầy hỏi tôi: "Đồng chí Đức này, sao dân làng lại gọi mình là cố?". Tôi trả lời: "Thưa thầy, cố là mức cao tuổi hơn cụ. Tóc thầy bạc trắng, dáng thầy oai vệ nên mọi người gọi thầy bằng cố". Thầy cười và nói: "Hóa ra mình già lắm rồi à?". Trong căn nhà của thầy, thầy mang theo một số sách và thường bị chuột cắn. Thầy hỏi tôi: "Tại sao chuột miền núi lại cắn sách?". Câu hỏi tuy mơ hồ nhưng có lẽ thầy muốn nói: chuột miền núi chưa quen với sách vở như chuột miền xuôi nhưng tại sao vẫn cắn? Tôi trả lời: "Ngoài gặm nhấm những thức ăn được, chuột thường mài răng và cắn những vật cứng. Sách của thầy là sách tiếng Nga, sách dày và có bìa cứng nên chúng gặm để mài răng". Thầy lại cười và nói tiếp: "Đồng chí quan hệ rộng, đồng chí thấy ở đâu có mèo mua cho mình một con". Cứ những câu hỏi như thế, thầy tìm hiểu và vui vẻ tiếp nhận những ý kiến trả lời. Tuy nhiên, có lần tôi hơi vụng dại, thân tình hỏi thầy: "Thưa thầy, hồi thầy ở trong Nam có thầy giáo đọc cho em một câu đối vui nói về thầy". Thầy hỏi: "Đồng chí có nhớ thì đọc đi!". "Em xin đọc: Ông Hoàng Xuân Nhị cùng sư Tam Không đánh tứ sắc gặp Ngũ gia liên bảo lục soát chạy thất điên bát đảo ra sông Cửu Long thập tử nhất sinh...". Thầy không nói gì nhưng rồi bảo: "Chuyện tầm bậy rồi, họ trêu chọc mình". Tôi xin lỗi thầy vì không biết xuất xứ và nội dung của câu nói trên.

Ở khu sơ tán, việc nghiên cứu được tiến hành khá tốt. Riêng ở tổ hiện đại Giáo sư Lê Đình Kỵ viết xong "Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực". Giáo sư Phan Cự Đệ hoàn thành cuốn "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" và tôi cũng hoàn thành quyển "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại". Tư liệu của khoa không nhiều nhưng các thầy đều có tư liệu riêng, không khí làng quê lại vắng vẻ, tĩnh lặng nên thuận lợi cho việc nghiên cứu. Riêng thầy Hoàng Xuân Nhị thì có một bước chuyển quan trọng. Thầy tập trung vào nghiên cứu thơ của Hồ Chủ tịch. Sau những năm sơ tán trở về Hà Nội, thầy cho xuất bản cuốn "Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch". Thầy vận dụng lý luận vào để phân tích thơ Bác, các phạm trù, cái anh hùng, cái bi, cái hài đều được phát hiện và bình luận từ nhiều bài thơ của Bác. Đó là chỗ mạnh của tập sách. Đặc biệt là tấm lòng của tác giả kính yêu Hồ Chủ tịch và tập thơ của Người. Tuy nhiên, tập "Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch" cũng có một số ý kiến không đồng tình đăng trên báo. Có người cho rằng, tác giả đã khiên cưỡng, gò ép các phạm trù lý luận, áp đặt cho thơ Bác. Cái hay của thơ Bác phân tích chưa thuyết phục qua một số bài. Số lượng bài hay của tập "Nhật ký trong tù" theo tác giả quá nhiều, đến 2/3 số bài thuộc dạng bài hay. Nhà phê bình Hoài Thanh nêu con số khiêm tốn và thích hợp hơn là khoảng trên dưới ba chục bài. Thầy Nhị trực tiếp lên lớp chuyên đề thơ Hồ Chủ tịch và khi được tin Bác mất, thầy không cầm được nước mắt khi giảng bài trên lớp. Tấm lòng của thầy với Đảng, với Bác, với nền văn học cách mạng thật sự gắn bó sâu sắc với tinh thần ngưỡng mộ, tôn kính.

Sau thơ Bác, thầy lại tiếp tục nghiên cứu thơ Tố Hữu cũng với một tinh thần ngưỡng mộ, say mê. Với thơ Tố Hữu cần đòi hỏi sự phân tích tinh tế và đi sâu vào nghệ thuật nữa. Đây chưa phải là mặt mạnh của thầy nên công trình nghiên cứu về thơ của Tố Hữu không được các nhà xuất bản đón nhận nhiệt tình. Không sao, thầy vẫn tiếp tục say mê nghiên cứu thơ ca cách mạng, thơ Sóng Hồng, thơ Lê Đức Thọ, thơ Xuân Thủy và dịch ra tiếng Pháp. Tập "Nhật ký trong tù" đã được Phan Nhuận dịch ra tiếng Pháp và giới thiệu ở Pháp. Còn thơ Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy chưa được giới thiệu rộng rãi trên đất nước này. Thầy quyết tâm chuẩn bị cho một chuyến đi. Thầy trình bày ý định với cấp trên. Đi Pháp lúc này là một vấn đề rất khó khăn nhưng thầy đã thuyết phục được và chuẩn bị kỹ cho chuyến đi. Sang Pháp, thầy đến sứ quán, túi đã cạn tiền, hay đúng hơn là không có tiền, thầy gọi điện cho ông Hoàng Xuân Hãn. Thấy ông cháu có yêu cầu cấp thiết, ông Hãn mang tiền đến 1.000 quan để tặng thầy. Lúc này, thầy Nguyễn Văn Tu đang ở Pháp dạy ngôn ngữ ở trường Paris 7. Các thầy chuẩn bị cho cuộc nói chuyện của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị về đề tài thơ cách mạng, thơ Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy làm sao thuyết phục được người nghe. Bằng khả năng nhạy cảm qua những câu chuyện riêng, thầy mở thêm các đề tài nói chuyện khác, đặc biệt là về chuyện dịch "Chinh phụ ngâm" ra tiếng Pháp. Thầy giỏi tiếng Pháp, nói năng lại rất nhiệt tình nên cũng được hoan nghênh. Thầy lại được tin nhà xuất bản Mercure de France sắp tái bản cuốn "Chinh phụ ngâm". Thầy bảo với chúng tôi: "Mình tìm đến nhà xuất bản, nhận tiền ứng trước, không chịu để thiệt một xu nào".

Chuyến đi Pháp trở về, thầy nói chuyện vui vẻ với mọi người những điều thú vị mà thầy đã làm được. Về với nước Pháp là về với một đất nước quá quen thuộc. Thầy có nhiều sáng kiến, nhanh chóng phát huy mặt mạnh của mình. Năm tháng tiếp theo, tuổi thầy đã cao, việc nghiên cứu cũng khó khăn và chính thầy cũng cảm nhận thấy điều đó. Tuy nhiên, thầy không bi quan mà vẫn giữ vững niềm tin sâu sắc ở Đảng, ở các đồng chí lãnh đạo, nhất là sau khi được gặp các đồng chí lãnh đạo như Lê Đức Thọ, Tố Hữu. Sức khỏe thầy xuống dần. Một lần, tôi vào bệnh viện Việt - Xô thăm thầy, thầy nằm trên giường bệnh, nắm tay tôi và nói: "Tuổi cao, nhiều thứ bệnh lại phát ra một lúc nên mau chóng mệt mỏi, sa sút". Nhưng rồi thầy lại nói tiếp: "Mình sẽ khỏe lại. Các đồng chí còn trẻ, có băn khoăn,thắc mắc gì về phương hướng nghiên cứu, về chính sách cứ nói cho mình biết, khi nào khỏe hẳn, mình sẽ lên trình với Trung ương để giải quyết".

Vì các con đều đi vào ngành khoa học tự nhiên, thầy gửi lại tặng khoa Ngữ văn cả thư viện riêng với những dãy sách dài về các tác phẩm của văn học Nga, các cuốn sách kinh điển của Mác - Ăngghen.

Thầy ra đi trong niềm tiếc thương của các thế hệ học trò. Phải có một cái gì đền đáp cho tấm lòng của thầy, cho công sức của thầy suốt một đời tin yêu và đi theo Đảng. Khoa Ngữ văn và con cái cũng không chuẩn bị hồ sơ trong các đợt về giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng có một tin thật vui đến với chúng tôi, đó là ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, có một đường phố mang tên Hoàng Xuân Nhị. Còn ở tận đất mũi Cà Mau, những cựu học sinh thời kháng chiến mới xây dựng một trường học mang tên thầy. Thật là niềm vui chung của thầy và trò khoa Văn khi được biết tin này. Cho dù chỉ là một con phố nhỏ, một trường học bình thường cũng biểu thị lòng biết ơn với thầy…

Hà Minh Đức
.
.