Một thời để nhớ

Thứ Bảy, 23/01/2016, 08:00
Trước năm 1975, người nuôi chó cảnh ở Hà Nội chủ yếu ở Ngọc Hà và làng Thanh Trì. Ngọc Hà là đất hoa, người dân thích cái đẹp nên yêu chó cảnh. Còn Thanh Trì thời Tự Đức là nhà tù cải tạo dân trộm cắp. Đất này có máu tù nên dân nuôi chó thích loại chó Bécgiê to lớn, hung dữ để dọa trộm.

Người nuôi chó cảnh trước năm 1975 ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Nguyễn Bảo Sinh ở 167 Trương Định; Phạt Khoèo, Nghĩa, Hoàng ở Thanh Trì; ông Thoả ở Trương Định. Ông Thoả trước làm tiếp phẩm cho trường nuôi dạy chó của Bộ Nội vụ. Thời đó, kiến thức về chó ít lắm. Ông Thoả là người đầu tiên có công phổ biến cách cho chó Bécgiê giao phối.

Những bậc lão thành chơi chó nay đã giải nghệ, ông Thoả nay đã hơn 70 tuổi, tóc trắng xóa, đi đứng chậm chạp. Còn Phạt Khoèo thời sốt đất phát tài to, song lại lao vào cờ bạc đỏ đen về chơi gà chọi nên tay trắng lại trở về trắng tay. Còn Nguyễn Bảo Sinh vẫn duy trì và phát triển nghề nuôi chó ở Việt Nam và trở thành bậc tổ của ngành nuôi chó cảnh kinh doanh.

Đặc biệt là ông Đỉnh ở Hàng Chiếu đã mất từ lâu, song thời 1990 thì mấy cô con gái ông Đỉnh làm nghề dạy học lại tiếp tục nuôi chó cảnh, nghề mà ông Đỉnh say mê từ năm 1947. Mấy cô gái con ông Đỉnh lại nuôi chó Nhật trên chính ngôi nhà mà ông Đỉnh ở năm 1947.

Sau năm 1975, khi ta giải phóng miền Nam, phong trào nuôi chó mở sang trang mới.

Sau giải phóng, nhu cầu dân Sài Gòn về chó Bécgiê rất cao. Thời ngụỵ, chó Bécgiê là binh chủng bí mật của quân đội nên dân thường không được nuôi, trừ một số gia đình có thế lực mới được phép.

Từ năm 1975 - 1985, người miền Bắc có phong trào nuôi chó Bécgiê bán cho Sài Gòn. Người Bắc kỳ độ ấy nghèo lắm, cơm còn chẳng đủ ăn, mấy ai dám nuôi chó Bécgiê. Người Hà Nội nuôi chó Bécgiê chủ yếu để chống đói.

Lúc đó không ai dám bỏ tiền ra mua chó để chơi. Suốt từ năm 1975-1985, Hà Nội chỉ là bồi chó cho dân Sài Gòn.

Ông Khuyến, tay chơi gà chọi nổi tiếng ở Hải Phòng, là người đầu tiên dùng Hon-đa đặt thêm cũi sắt để chở chó từ Hà Nội xuống Hải Phòng, rồi vận chuyển vào Sài Gòn bán.

Khoảng năm 1975, tôi mua lại con chó Bécgiê tên là Bạch Tuyết của Bộ Nội vụ. Thời ấy, đây là con chó to nhất và đẹp nhất. Đẹp nhất lúc sơ khai thời nuôi chó gần như đồng nghĩa với to nhất. Họ cân chó đẹp như cân lợn, mo tăng phú tất cả mọi chỉ tiêu chó đẹp quốc tế. Vì vậy, Hà Nội có phong trào nhồi chó. Chó Bécgiê nào cũng bụng ỏng như lợn, không thích chạy, chỉ nằm. Chủ chó làm một cái tạp dề đeo cho chủ và chó, một tay cầm phễu to đút vào mồm chó, một tay múc cháo đổ vào miệng chó. Ngày xưa, nhồi cho chó ăn cũng vất vả như ngày nay các bà mẹ quá yêu con, nhồi cho cháu bé đến vã mồ hôi mới xong một bữa.

Nghĩ thật ngây thơ, một lần tôi và cậu Hiếu ở 117 phố Huế đang ngồi chơi lúc 15 giờ ở quán nước, có một ông bạn phất phơ đi qua bảo ở Lạch Tray, Hải Phòng có một con chó Bécgiê to bằng con bê. Thế là máu tò mò của tôi và Hiếu nổi lên. Mặc dầu trời lạnh, mưa phùn, trời lại trở về chiều, hai thằng yêu chó như điên đèo nhau bằng xe máy phi thẳng xuống Hải Phòng. Đến Lạch Tray, tôi và Hiếu tìm đến nửa đêm mới mò ra địa chỉ con chó to như con bê. Ông chủ chỉ cho tôi một con chó nhỉnh gấp rưỡi con chó ta, ông ta trầm trồ cho là nó to nhất. Tôi và Hiếu nản hẳn. Hai người lại hối hả về Hà Nội. Mưa đậm hạt, chân tay tê cóng, nhiều lúc không điều khiển nổi tay lái.

Đến hôm nay, nhiều khi tôi và Hiếu ngồi kể lại chuyện xưa, cái thời ấu trĩ yêu chó đến điên khùng. Trên cả điên khùng là ông Khải mù ở ngõ Trần Quốc Toản. Khải tuy mù nhưng có hai vợ, hai vợ xinh đẹp và sợ Khải một phép. Đến người sáng mắt như tôi cũng không điều khiển được một vợ thì Khải mù quả là "anh hùng dân tộc". Hơn nữa, Khải mù còn là chủ nhiệm một hợp tác xã làm phụ tùng xe đạp. Năm 1975, xe đạp là phương tiện chủ yếu để giao thông thì ông chủ nhiệm Khải là nhà doanh nghiệp vĩ đại của Hà Nội.

Ông Khải mù lại chơi chó. Ông bắt con cái chở đi khắp nơi đồn có chó đẹp. Ông xuống tận Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc để xem chó. Thời 1975, ôtô rất ít, đi như thế cũng khó như ta đi vòng quanh nước Tàu. Bất cứ một con chó Bécgiê dù dữ đến đâu, Khải mù cũng ôm ngay được và sờ mó, vuốt ve, mặt rưng rưng cảm động như ta nắn bóp, vuốt ve người tình, mắt đờ ra toàn lòng trắng.

Nuôi chó Bécgiê thập niên 1980 biết bao chuyện bi hài.

Con chó gây dấu ấn ở thập niên 1980 phải kể đến con Rô-man. Rô-man là chó của Bộ Nội vụ trang bị cho nhân viên bảo vệ kho hàng Yên Viên. Một hôm, kẻ cướp bẻ khoá cướp hàng. Nhân viên bảo vệ và Rô-man xông ra chiến đấu. Rô-man bị đánh què. Còn nhân viên bảo vệ bị đâm chết. Thương binh Rô-man bị thải ra bán cho dân. Trương Tử Nam đẹp trai như người mẫu Hà Nội, đã mua Rô-man về nuôi tại số 17 Nguyễn Huy Tự.

Trương Tử Nam bị dính líu vào phi vụ vượt biên, bị Công an bỏ kho. Trương Tử Nam bán cho Quyết thuốc lào ở Bà Triệu. Quyết thuốc lào yêu quý chó hơn cả vợ con vì mua được chó khôn, giá rẻ. Đặc biệt, Rô-man là chó huấn luyện bảo vệ chủ. Ai đánh chủ là Rô-man xông tới dùng mõm đấm cho quay đơ, rồi há mồm ngửi vào cổ họng đối phương. Dù khôn thế nào thì chó vẫn là chó. Nó không thể nào phân biệt được giữa bạn bè bắt tay nhau, ôm hôn nhau với đánh nhau.

Cho nên, khi ban đêm, Quyết ôm hôn vợ, chó cũng xông đến đả cho vợ một trận. Ông tổ trưởng dân phố vào nhà, khi ra bắt tay Quyết, chó cũng cho một trận no đòn. Nhà Quyết ở trong ngõ, ai đi qua trông thấy ngài Rô-man ngồi lù lù trên giường cũng đều sợ hãi len lét như rắn mùng năm. Bạn bè cũng ít ai dám đến chơi, mặc cho Quyết luôn cam kết: "Mời bác cứ vào chơi, con Rô-man khôn lắm, tuyệt đối không cắn bác đâu".

Đúng là dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng. Nguy hiểm nhất là mỗi khi Quyết mở cửa, Rô-man xông ra bể nước chung uống tòm tọp trên các chậu rửa mặt, khiến người dân rất sợ hãi và tức giận. Người giận nhất là đồng chí thượng tá Quân đội khi bị Quyết mắng: "Mày đừng tinh tướng, Rô-man đi chơi phố, cả nước ra chiêm ngưỡng. Còn mày, cứ đi cả ngày có ai thèm nhìn".

Sau đó, đồng chí thượng tá và nhân dân yêu cầu Công an giải quyết. Quyết cậy mình là thương binh hạng nặng, bỏ ngoài tai. Thời ấy, thương binh được ưu tiên lắm.

Một buổi, Quyết mang Rô-man ra phối giống tại cửa Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Sự việc này gây xôn xao, ầm ĩ. Các em học sinh nam, nữ bỏ học ùa ra xem đôi chó kéo co thở hồng hộc. Khách qua lại dừng chân, ôtô đỗ hàng đoàn xuống xem chó phối giống. Đoạn đường từ phố Bà Triệu tới Đại Cồ Việt tắc nghẽn giao thông. Hà Nội thời 1980 rất vắng, bình thường không bao giờ có tắc đường cả.

Sau phi vụ này, Quyết bị phòng giáo dục lên án là tuyên truyền tệ nạn xã hội cho các em học sinh bằng hình thức: cho học sinh xem chó phối giống.

Lần này thì vợ Quyết khóc mếu máo nhờ bán hộ chó càng nhanh càng tốt, giá bao nhiêu cũng được.

Rô-man lại sang tên cho cậu Nam lái xe ở cuối phố Lê Đại Hành. Cậu này nuôi được một thời gian thì bị tai nạn lái xe, tử vong.

Rô-man rơi vào tay bà Lan Mười, chủ xưởng nhựa lớn ở phố Hàng Bột, bà này bị bắt và bị tịch thu gia sản theo Nghị quyết 228, dân gian gọi là nghị quyết "hai hai túm", những người kinh doanh có máu mặt ở Thủ đô đều bị tóm gọn.

Đúng là con chó mang phúc hoạ cho con người không nhỏ. Vì thế, ở những đền thờ ta có tục lệ thờ chó đá.

Rô-man theo tướng số xếp loại chó phản chủ. Chủ nào nuôi Rô-man nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì tù tội, nặng nữa thì tử vong.

Khoảng năm 1985, đất nước rục rịch chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc này thì vận mệnh con chó cũng thay đổi. Thay đổi vận mệnh con chó cũng tiên tri cho vận mệnh con người. Lúc này đã có nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo về việc có nên bãi bỏ lệnh cấm chó không?

Theo tinh thần họp của Thành uỷ thì đất nước ta còn nghèo, còn có nhiều cụ già chưa đủ cơm ăn, trẻ thơ còn thiếu sữa, ta lại cho phép nuôi chó Bécgiê bằng sữa, bằng thịt thì có đúng với tính chất của Đảng Cộng sản không?

Theo công văn đề nghị của Sở Công an Hà Nội thì:

1. Chó là con vật gắn bó với dân tộc từ mấy nghìn năm lịch sử, gắn bó với tâm linh dân tộc: "Khuyển mã chí tình".

2. Các vị lãnh đạo nhà nước ta có nhiều người rất thích nuôi chó.

3. Các nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Liên Xô… đều được phép nuôi chó.

Những buổi họp hội đồng nhân dân thành phố đều nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề chó.

Rồi người dân Hà Nội choáng váng khi nghe tin được phép nuôi chó. Được phép nuôi chó, từ nay vận mạng dân tộc đã chuyển sang xóa bỏ thời kỳ bao cấp.

Dân nuôi chó nổ sâm banh ăn mừng tin thắng lợi lớn. Mọi người nô nức dắt chó lên số 86 Nguyễn Du xếp hàng tiêm và lấy giấy phép nuôi chó.

Con chó Bécgiê nổi tiếng đầu thập niên 1970-1980 là con A-mi của tôi. Con A-mi thuộc dòng con Bạch Tuyết, chó màu trắng của Bộ Nội vụ, con chó to cao nhất của Việt Nam thời đó. Tôi mua con A-mi giá một cây vàng. Một cây vàng thời đó có thể mua được 2.000m2 đất ở Hà Nội.

Có lần tôi nói chuyện ở quán nước mua Bạch Tuyết giá một cây vàng gây ẩu đả to, vì mấy tay anh chị chửi: "Mẹ mày, trên đời này làm gì có chó giá đến một cây vàng, mày định chửi tụi ông là đầu đất hả".

A-mi là tổ của ngành nuôi chó kinh doanh ở Việt Nam. Năm 2006, tôi tổ chức ngày giỗ thứ 30 của A-mi, tất cả anh em nuôi chó thời 1975-1985 có mặt đông đủ, và những cựu chiến binh nuôi chó gặp nhau rưng rưng cảm động ôm chầm lấy nhau.

Thời 1975 chỉ chuộng chó xám, A-mi mầu xám vàng. Từ năm 1984 trở đi, thời trang chó chuyển sang màu đen. Tính làm mành ở đường Hoàng Hoa Thám nuôi con Nét đen tuyền dáng mảnh mai như ngựa được nhiều người ưa thích. Thời 1985, Phong ở Hải Hưng, dạy trường Đảng, nuôi con chó Mi-sa mầu đen vàng nổi tiếng nhất miền Bắc. Mọi người đua nhau đem chó đến lấy giống. Nhiều con chó nhận bừa là lấy giống Mi-sa để dễ bán con. Thời ấy, giá bán chó con kỷ lục của Mi-sa, cũng của cả nước, là bốn chỉ, năm 2001 là 10 cây vàng một con.

Những chú chó Bécgiê ở Cục Cảnh sát quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ ở xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Nguyễn Bảo Sinh
.
.