Một thế hệ thầy trò Trường THPT Lương Ngọc Quyến

Thứ Bảy, 05/03/2016, 08:00
Trường THpt Lương Ngọc Quyến - tỉnh Thái Nguyên (đơn vị Anh hùng thời kỳ Đổi mới) được thành lập năm 1946, xuân này vừa tròn 70 tuổi! Trường sẽ tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 13/3/2016, ngày Bác Hồ kính yêu về thăm trường năm 1960, được chọn là Ngày Truyền thống hàng năm của trường!


Là một giáo viên từ lúc mới vào nghề rồi trở thành cán bộ quản lý chủ chốt của trường (giai đoạn từ 1954 đến năm 1959), tôi đã có may mắn và vinh dự được làm việc, cộng tác với một thế hệ thầy trò có nhiều điểm đặc biệt và đã trưởng thành nhanh chóng! Sau đây tôi xin nêu lên những nét đặc biệt đó để minh họa thêm cho cuốn “Lịch sử Trường…”, những mong đóng góp cho sự thành công của Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường năm nay!

Thế hệ của những người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu

Thời đó, dạy ở trường phần đông là các trí thức, công chức, sinh viên học dở bậc đại học hoặc đỗ Tú tài thời Pháp, khi trường mở đã được mời về dạy học. Họ có kiến thức rộng, giỏi ngoại ngữ. Phần lớn không mang theo vợ con; gia đình ở xa, nên toàn tâm toàn ý lo cho việc dạy học; gần gũi, yêu quý các trò phần lớn là con em nông dân nghèo. Sinh hoạt của họ hết sức đơn giản: ở nhờ nhà dân, hoặc cùng học sinh góp gạo thổi cơm chung! Điển hình là một số thầy sau đây: Thầy Uyên hai bằng Tú tài Tây, đã từng làm Thư ký Phủ Toàn quyền…

Thầy Uyên dạy môn Sinh, sau này dạy “kê” Toán lớp 8. Kháng chiến gian khổ, vò võ một thân một mình, một lần thầy đã quyết định về với gia đình đang sống sung túc tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến cửa ngõ Hà thành tráng lệ, thầy bỗng như sực tỉnh, quyết định quay trở lại với các học trò nghèo thương quý lâu nay của mình!

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Lương Ngọc Quyến (13-3-1960). 

Hòa bình lập lại, trường chuyển về thị xã, thầy đã đưa cô con gái nhỏ lên ở nhờ một nhà dân tiếp tục dạy học. Một đêm trời rét, thầy lên cơn đau tim và mất đột ngột tại căn nhà lá ở tạm, không một lời trối trăng! Một tuần trước, em Phước, học sinh miền Nam tập kết, còn bé, học lớp 8, đá phải một thanh nứa thợ đang làm lớp học, nhiễm uốn ván. Thuốc Ban Thống nhất đưa lên không kịp, em đã qua đời. Một tuần hai đám tang của hai thầy trò vô cùng thân quý làm mọi người như bị muối xát vào lòng! Thầy Thu (Hiệu trưởng từ năm 1953), tốt nghiệp Toán học đại cương, vợ con ở xa...

Năm 1956 được Bộ mời về biên soạn sách giáo khoa Toán, rồi chuyển về Thủ đô làm Giám đốc Thư viện Khoa học Trung ương… Thầy Thu thực sự là một người đàn anh, người thầy về chuyên môn đối với những giáo viên mới ra trường chúng tôi! Thầy Chu Thế Kỳ tốt nghiệp Khoa học cơ bản Khu học xá Trung ương, hai lần làm Hiệu trưởng trường, là người có công lao lớn nhất trong việc xác định địa điểm hiện nay, chỉ đạo xây dựng một cơ ngơi Trường sở rộng rãi, bề thế, tạo điều kiện cho hàng ngàn thầy trò hoạt động thuận lợi. Sau thầy đi chuyên gia châu Phi, rồi làm Giám đốc Sở Giáo dục Bắc Thái trước khi nghỉ hưu. Thầy Đỗ Đức Hiểu, Tú tài Văn chương, dạy Văn ở cấp hai rồi lên cấp ba nổi tiếng dạy “hay”, sau này về dạy Văn tại Đại học Tổng hợp được phong hàm Phó giáo sư.

Còn lại là số giáo viên trẻ chúng tôi, được các nhà trường sư phạm của nước ta đào tạo “chính quy”, phân về đảm nhiệm các công tác, giảng dạy của trường. Chúng tôi phần lớn lúc đó đều chưa lập gia đình, ở tập thể, lương bổng, sinh hoạt phí chỉ chênh nhau vài ba cân gạo, nên sống với nhau rất chan hòa, đoàn kết. Làm chủ nhiệm lớp, chúng tôi thường xuyên thăm các tổ nhóm học tập, gia đình phụ huynh để nắm vững tình hình từng em, tổ chức phụ đạo kèm cặp học sinh học yếu kém… Một phong trào dự giờ thăm lớp được phát động để giúp nhau về chuyên môn…

Việc tự học văn hóa, ngoại ngữ trở thành một nhu cầu bức thiết của mỗi người để tự nâng cao hiểu biết, tham khảo tài liệu soạn bài khi chưa có sách giáo khoa… Các thầy trẻ chúng tôi còn tổ chức đưa học sinh đi dân công làm đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, học nghề tại Trường Dạy nghề Quân đội 382, giúp học sinh tổ chức những hoạt động ngoại khóa, văn thể. Suốt năm học ngày nào không khí nhà trường cũng sôi nổi vui vẻ như ngày hội…

Có thể nói, thế hệ các giáo viên, già trẻ của nhà trường thời đó đều là những nhà giáo mẫu mực, đoàn kết, cộng tác giúp đỡ lẫn nhau như anh chị em một nhà để nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy, thực hiện đúng khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”! Nhiều người đã trở thành cán bộ cốt cán của trường: Thầy Nguyễn Đình Khâm, thầy Lương Vĩnh Khang trở thành Hiệu phó, Hiệu trưởng nhà trường ngay từ thời đó!

Sau này nhiều người nổi tiếng, có cương vị cao, là Hiệu trưởng các Trường của Trung ương, Khu, Tỉnh: Thầy Khâm - Vụ trưởng Vụ Các Trường Đảng, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc 5; thầy Khang - Hiệu phó, Hiệu trưởng các Trường Sư phạm Khu, Tỉnh, chuyên gia giáo dục, chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục- Đào tạo. Thầy Nguyễn Như Ất, Thư ký Công đoàn, sau là Phó Tiến sĩ, Giảng viên Đại học, năm 70 tuổi còn được phong hàm Phó giáo sư. Thầy Lâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông vừa học vừa làm Quán Triều, là Nhà giáo Nhân dân. Nhiều thầy trở thành chuyên gia giáo dục tại Lào, Angola, Mali, Algeria…

Thế hệ của những học sinh sống có lý tưởng, niềm tin, là nguồn nhân lực trình độ cao xây dựng đất nước.

Sau khi trường chuyển về thị xã, có 4 thành phần học sinh - một đặc điểm không trường trung học nào thời đó có!

Thành phần học sinh người Kinh: Phần lớn nghèo, hơi lớn tuổi, một số bị gián đoạn việc học… Một số phải đi làm: bán kem; cắt tóc; đánh máy thuê; chở xe bò để ăn học, nhưng sau đều tốt nghiệp đại học, trở thành giảng viên đại học, bác sĩ, viên chức nhà nước… Một số từ các tỉnh bên, từ vùng tạm chiếm ra học…

Có thể nói họ đã xác định được động cơ, lý tưởng học tập. Lớp 8,9 đầu tiên, một số học sinh được chọn đi học nước ngoài, một số đi bộ đội, học sĩ quan; thư từ gửi về làm nức lòng thầy cô và các học sinh đang học tại trường. Một không khí dân chủ, đoàn kết, tự giác bao trùm mọi mặt trong trường: Học sinh đóng góp nhiều vào công việc tự quản của trường: Trực nhật, trực tuần, tham gia đoàn đội, phản ánh, góp ý… việc giảng dạy của giáo viên.

Tôi còn nhớ rõ các gương mặt thân thiết của từng người vẫn làm việc với tôi: Anh Cương, Kiều Tuân, chị Nga, anh Quán Anh, Đoàn Nga… Sau này ra trường trở thành bác sĩ, kĩ sư, giáo sư, tiến sĩ; khi gặp lại họ vẫn gọi tôi bằng từ anh thân thiết, cùng sự kính nể không hề thay đổi. Một số trở thành người có tiếng tăm: Trần Quán Anh: GSTS, bác sĩ đầu ngành Nam học Việt Nam, tác giả vở kịch nổi tiếng “Tiền tuyến gọi”; Tiến sĩ Nguyễn Tiến Nguyên tốt nghiệp Vật lý hạt nhân tại Đúp Na, Liên Xô cũ; Đinh Văn Định, giảng viên Văn học Đại học Sư phạm Hà Nội; Hà Đức Toàn - nhà văn.                            

Thành phần thứ hai là các học sinh miền núi, dân tộc ít người: Tày, Nùng, Mán, Dao, Sán Chỉ, Cao Lan… đến từ các huyện xa trong tỉnh; có cả ở các tỉnh bạn về học. Ban đầu các em trọ học nhà dân cùng học sinh người Kinh. Sau này tỉnh lập kí túc xá cho các em ở nội trú trong trường. Do ngôn ngữ hạn chế, nên học hơi vất vả lúc đầu nhưng sau dần theo kịp các bạn miền xuôi. Tôi được dạy và làm chủ nhiệm lớp 8B lên 10B có các em dân tộc.

Được quan tâm giúp đỡ, các em rất quý thầy, học khá dần. Phan Văn Hỏn (Nùng - Cao Bằng) là sinh viên Nùng đầu tiên bước vào ngưỡng cửa Trường Đại học Y Dược Hà Nội, Phó Tiến sĩ tại Liên Xô cũ, Đại tá, bác sĩ, Viện trưởng một Viện Quân Y lớn;  Vi Hồng (Tày - Cao Bằng) sau này là nhà văn v.v…

Thành phần thứ ba là các học sinh miền Nam tập kết và vượt tuyến do Ban Thống Nhất gửi lên học: Tuy không phải là một trường dành cho học sinh Miền Nam, nhưng Ban Thống Nhất Trung ương tin tưởng ở đội ngũ cán bộ giáo viên và môi trường địa phương nên đã gửi một số không ít các học sinh học ở cấp 2 và 3, cả nam lẫn nữ tới học. Các em ngay từ đầu đã được ăn ở nội trú tại trường và được cấp phát chăn áo… theo tiêu chuẩn chung. Vì miền Nam ruột thịt, các thầy cô dành nhiều tình cảm chia sẻ, chăm sóc các em hơn…

Những ngày Tết, các thầy cô đưa các em về gia đình, vận động nhân dân quanh trường, bạn bè miền Bắc đón các em về ăn Tết để các em nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Kết quả học tập của các em rất tốt! Đại đa số đỗ đại học, số không ít được đào tạo tại nước ngoài trở thành Phó tiến sĩ, giữ trọng trách (Vụ trưởng, Chủ tịch tỉnh) tại các cơ quan ở Thủ đô và sau này ở miền Nam… Khi tôi vào Sài Gòn thăm chị gái, rất đông các bạn học sinh vượt tuyến cũ biết tin, mời tôi đến họp mặt, báo cáo hoàn cảnh từng người sau khi ra trường và kết luận: “Thưa thầy Khang, tất cả chúng em đều nên người, làm ăn tử tế, không ai hư hỏng, thầy ạ!”.

Thành phần thứ tư là các học sinh Lào: Các em là những hạt giống đỏ của Cách mạng Lào, trong số đó có hai con - một trai một gái của Hoàng thân, Chủ tịch Xu Pha Nu Vông; cháu gái của ngài Phumivôngvichit, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào… Các em được gọi để giữ bí mật là học sinh miền núi miền Nam; được ăn ở nội trú tại một khu vực riêng trong trường… Các em đều có ý thức học tập và hoạt động tốt, nhất là văn thể.

Sau này, khi sang Lào công tác, tôi có nhiều dịp gặp lại một số em lúc đó đã là cán bộ cốt cán của nước bạn, điển hình như: Xổm Foon (Xuân Phong), Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân tộc; Ngọc (TS Đa Von) là Ủy viên dự khuyết BCH Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Phó ban Thanh tra Trung ương Đảng; Xỉn xay - Vụ trưởng, nhân vật Tân mà tôi đã nói tới trong câu chuyên “Tiếng gọi thầy giữa rừng vắng Thượng Lào” đăng trên Văn hóa - Văn nghệ Công an số 11-2003 v.v… 

Thế hệ thầy trò Trường Lương Ngọc Quyến giai đoạn 1953-1959 đã xây dựng trường thành một nhà trường đặc biệt lớn mạnh, có uy tín cao, có những nét riêng biệt so với các thời kỳ khác của trường cũng như các trường cấp 2-3 lớn các tỉnh bạn như Hàn Thuyên (Bắc Ninh), Lê Hồng Phong (Nam Định), Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) v.v… làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển rất đáng tự hào sau này!

Hà Nội, Xuân Bính Thân, 2/2016.

Lương Vĩnh Khang
.
.