"Một thế giới không có đàn bà" đã được viết như thế nào?

Thứ Hai, 03/10/2005, 08:48

Tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà” (MTGKCĐB) đã được viết như thế nào? Nhiều người hỏi tôi câu này và đôi lúc chính tôi cũng tự hỏi mình như vậy. Trả lời phỏng vấn báo chí lẫn bạn bè đồng nghiệp… tôi đã nói lý do, nhưng dường như không làm cho mọi người thỏa mãn, vẫn có những lấn cấn nào đó, tôi biết.

Tôi không thể hình dung nổi trên cuộc đời này có những người đàn ông với đàn ông và đàn bà với đàn bà lại có thể “yêu” nhau được. Họ “yêu” nhau vì cái gì và “yêu” nhau như thế nào, làm sao có thể “yêu” được…

Thật ra dự định ban đầu của tôi đơn thuần chỉ là những bài báo thôi. Thời gian đầu đi lấy tư liệu phải nói là rất vất vả, tôi cùng vài người bạn từng giả dạng là sinh viên đến những tụ điểm của người đồng tính để lượn lờ giả “bán dâm” với lý do sinh viên nghèo cần tiền, để gần gũi tìm hiểu họ và từng bị công an cùng dân phòng rượt đuổi chạy gần chết; từng vào những quán bar, cà phê, vũ trường nơi có nhiều người đồng tính đến sinh hoạt và chóng mặt khi thấy cả trăm gã đàn ông ôm nhau nhảy điệu tănggô mùi mẫn dưới ánh đèn mờ ảo; từng bị sốc khi tìm hiểu sâu hơn về những quan hệ sinh hoạt riêng tư của người đồng tính, quả thật là nó nằm ngoài những quan niệm hiểu biết thông thường của mọi người.

Nếu bạn đọc tinh ý sẽ nhận thấy khi tôi tả hai nhân vật chính trong tiểu thuyết “hôn” nhau, thú thật viết đến đấy tôi rất lúng túng với câu hỏi họ “hôn” nhau như thế nào và mùi vị, sự cảm nhận sẽ ra sao? Miêu tả theo kiểu tình yêu nam nữ thông thường thì e rằng không thật… Cuối cùng, tôi vẫn cho họ “hôn” nhau, nhưng là lá là hoa mà thôi. Trong quá trình đi sâu tìm hiểu vấn đề đồng tính tôi mới thấy, đấy là cả một thế giới nội tâm nhiều màu sắc bi hài, hỉ nộ ái ố mà những bài báo khó có thể nói hết được. Vì vậy, tôi đã liều lĩnh viết tiểu thuyết.

Đó là tác phẩm thứ hai của tôi được xuất bản, (cuốn sách đầu tiên là tiểu thuyết “Kế hoạch hậu chiến 72”). Trước đó, tôi cũng có viết một số truyện ngắn và “tiểu thuyết”, và đều nhận được những lời động viên chung chung của các biên tập viên các nhà xuất bản và để rồi, không thấy được xuất bản. Thất vọng tràn trề, nhưng trong tim vẫn cháy lên một niềm khao khát được viết, được bày tỏ chính mình.

 Thật ra, tôi hoàn toàn không tự tin khi nghĩ rằng MTGKCĐB sẽ được xuất bản, nên tôi đã gửi bản thảo cho một người bạn, làm đại diện cho chi nhánh một nhà xuất bản của Trung ương đóng tại thành phố, với một lời yêu cầu, hãy đọc giùm và trả lời là tôi có viết văn được không? Người bạn đọc và khẳng định tôi viết được. Hồi hộp và đầy lo âu căng thẳng, cho đến khi cầm cuốn tiểu thuyết trên tay mà tôi vẫn ngỡ như mơ, không tin đấy là sự thật. Công sức bao nhiều ngày lao động vất vả nhọc nhằn nay đã được đền đáp, hạnh phúc khó nói hết được.

Tôi luôn hiểu rằng, lao động viết văn là một lao động cực nhọc và cô đơn trước trang giấy trắng. Để được gọi là một nhà văn, hay đơn giản hơn là một cây bút thì mỗi người cầm bút phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Ngoài tình yêu, niềm say mê thì còn một chút gì đó gọi là năng khiếu trời cho và cuối cùng còn là may mắn nữa. Với tác phẩm MTGKCĐB cũng vậy, tôi nghĩ nó có phần may mắn vì ra đúng thời điểm, vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Rất có thể năm mười năm nữa tác phẩm này sẽ chìm vào dĩ vãng, nhưng tôi tự hào là tác phẩm của mình đã làm tròn nhiệm vụ trong một giai đoạn nhất định.

Người đầu tiên “phát hiện” ra MTGKCĐB và viết bài phê bình giới thiệu trên báo Thanh Niên là nhà văn Ngô Thị Kim Cúc. Một bài dài chiếm gần hết một trang báo, đến nay thì có rất nhiều bài báo khen, chê khác nhau, tuy nhiên bài viết của chị Kim Cúc vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ và tôi đánh giá cao nhất. Tác phẩm này về một khía cạnh nào đó được coi như là “thành công”, có tiếng vang trong dư luận. Nhưng thuở ban đầu cầm bút viết, tôi hoàn toàn không thể ngờ được nó lại được nhiều người biết đến và tại sao lại “nhiều” người đồng tính đến thế, đấy là câu hỏi mà sau này bạn bè vẫn hỏi, thậm chí nhiều người còn “kết tội” vì tôi mà giới đồng tính mới nhiều như vậy?--PageBreak--

Đến nay tôi có được rất nhiều bạn bè là người đồng tính, gần như tất cả các tỉnh, thành lớn trong cả nước tôi đều có “người quen”, còn ở nước ngoài là Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức… độ tuổi từ 13 đến trên 60 tuổi, đa dạng ngành nghề, từ nhà văn, nhà báo, bác sĩ, kỹ sư, ca sĩ, sinh viên, người lao động bình thường… cho đến những cậu học sinh vừa hết cấp II. Chưa kể có những ông bố, bà mẹ tìm đến tôi với câu hỏi day dứt tại sao con, em, cháu tôi lại như vậy. Và cũng nhiều ông bố tìm đến tôi với câu hỏi, tôi là một người chồng đàng hoàng đứng đắn, một người cha tốt nhưng tại sao tôi…bị như vậy? Rất nhiều và đến nay tôi vẫn tiếp tục có những bạn đọc mới tìm đến.

Thế họ cần gì ở tôi? Chẳng cần gì cả! Tôi không hề có chuyên môn về y khoa hay tâm lý để làm tư vấn, tuy thế tôi vẫn làm “tư vấn” được qua việc chia sẻ với họ những niềm thông cảm, giúp họ tìm được một chút gì thăng bằng bình ổn trong tâm hồn để tiếp tục sống và làm việc. Đến nay tôi đã viết được ba tác phẩm về đồng tính, tất cả đều bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết MTGKCĐB, chưa kể là còn được mời đi nói chuyện nơi này nơi kia, cũng về vấn đề đồng tính. Cọ xát tiếp xúc nhiều, tôi chỉ muốn nói rằng đồng tính là vấn đề xã hội và cũng chẳng có gì ghê gớm lắm, nếu chúng ta nhìn nó dưới góc độ bình thường. Người đồng tính, họ cũng là người như chúng ta với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của xã hội, còn chuyện kia, xem ra nó là chuyện riêng. Xin đừng tỏ vẻ khinh bỉ, né tránh, xua đuổi lẫn quan tâm một cách thái quá, hãy bình thường mọi chuyện và tôi tin rằng một tương lai gần xã hội sẽ hiểu và thông cảm, chấp nhận chuyện này thôi.

Thành công nào cũng có mặt trái của nó, tiểu thuyết MTGKCĐB đã cho tôi được nhiều thứ, vật chất lẫn một chút tiếng tăm. Thế tôi mất gì? Cũng chẳng mất gì ngoài lời ong  tiếng ve nghi ngờ trong nhiều năm nay của gần như tất cả người quen biết lẫn không quen biết về giới tính thật của tôi. Thời gian đầu tôi bị “sốc”, đi đâu cũng cố thanh minh và cố làm những điều gì đó để có thể chứng minh. Thậm chí có một thời gian tôi cố tình “chối bỏ” tác phẩm này bằng cách không nhắc, không nói gì đến nó và lao vào viết những tiểu thuyết khác mà đề tài chẳng liên quan gì đến đồng tính cả (thời gian này tôi viết xong cuốn tiểu thuyết “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” và đã được NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản). Thế rồi nó được giải thưởng, được dựng thành phim và rồi mọi người cũng chỉ biết đến một Bùi Anh Tấn của MTGKCĐB chẳng biết nên buồn hay vui, nhưng từ đó tôi hiểu một điều rằng “số phận” của tôi gắn liền với cuốn tiểu thuyết này mất rồi.

Cố nhà văn Nguyên Hùng trong một dịp gặp tôi có hỏi: “Thế giới của cậu có đàn bà chưa?”. Người đàn bà tôi yêu cũng từng nghi ngờ về giới tính của tôi bằng câu tuyên bố, tôi có thể khoác vai bất kỳ cô gái nào nhưng đàn ông thì không (!). Rất nhiều người đồng tính tin chắc một điều rằng, tôi phải là họ, như họ thì mới có thể viết như vậy, cho nên có những chuyện chẳng biết nên cười hay khóc, tôi nhận được khá nhiều lời “tỏ tình”. Một sự khâm phục, một sự quý mến thật lòng và đôi chút tò mò muốn xem tôi là ai… tôi hiểu những lời tỏ tình đến với mình là như vậy. Và tôi tôn trọng tất cả bạn đọc của mình, chẳng việc gì phải giãy đành đạch để kêu thét lên, tôi cảm nhận được nhịp đập trái tim của bạn đọc dành cho tôi.

Cuộc sống có muôn vàn màu sắc, trong tình yêu cũng vậy, nhưng với tình yêu đồng tính thì nó còn nhiều màu sắc hơn và đau đớn hơn. Đến bây giờ thì tôi không “thanh minh hay thanh nga” về chuyện giới tính của mình nữa, ai muốn hiểu sao cũng được, nói gì cũng vậy, quan trọng tôi vẫn là tôi là được. Tôi tin vào mình vì hiểu chính mình. Đây có lẽ không phải là mặt trái của tấm huân chương mà với tôi, nó còn là hạnh phúc, nhưng có điều hạnh phúc này đôi lúc không trọn vẹn và khó xử. Điều cuối cùng tôi muốn nói với tất cả  bạn đọc của mình, nhất là những bạn đọc đồng tính rằng đừng loanh quanh luẩn quẩn mãi trong giày vò đau khổ cô đơn về chuyện đồng tính của mình nữa, tất cả đều phải sống, làm việc và hy vọng một ngày kia mọi người sẽ hiểu. Đây cũng là điều tôi muốn viết, muốn nói trong tiểu thuyết MTGKCĐB nhưng có lẽ chưa viết hết thì nay, xin nói thêm và xin kính chuyển tới quý bạn đọc những lời tâm sự gan ruột của mình

Bùi Anh Tấn
.
.