Một nhà thơ lập kỷ lục về phim chân dung

Thứ Hai, 17/05/2010, 11:55
Khởi nghiệp bằng thi ca, đoạt nhiều giải thưởng văn xuôi nhưng càng về sau, nhà thơ Vũ Đình Minh lại được biết nhiều với tư cách là người lập kỷ lục về làm phim chân dung.

Trong hơn 20 năm công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, từ một biên tập viên rồi lên làm Trưởng Ban Văn nghệ, ông đã "sở hữu" trên 100 phim về đề tài chân dung văn nghệ sĩ (có phim ông làm đạo diễn, phim thì ông là tác giả kịch bản hoặc người viết lời bình). Hiện nay, mặc dù nhà thơ Vũ Đình Minh đã nghỉ hưu và đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản, nhưng mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về những ngày công tác, ông vẫn khẳng định, đó là những ngày tháng hạnh phúc mà ông không thể quên trong cuộc đời mình!

- Thưa nhà thơ Vũ Đình Minh, ông được coi là người lập kỷ lục làm phim chân dung văn nghệ sĩ. Vậy ông có nhớ, mình đã đến với "nghề" làm phim chân dung như thế nào không?

+ Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khoa Văn, ra trường làm giáo viên nhiều năm liền ở Cao Bằng, sau đó về Vĩnh Phú (hồi chưa tách tỉnh) dạy trường cấp III Đoan Hùng. Như là duyên nợ, một ngày tôi nổi hứng thi ca, tôi sáng tác nhiều thơ, rồi viết văn và một thời gian sau thì tôi chuyển hẳn sang làm ở Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú. Được một thời gian thì người của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mời tôi về làm việc tại Ban Văn nghệ của Đài. Kể từ đó, tôi chuyển qua một chặng đường mới: làm báo hình.

Tôi có một người bạn thân là nhà thơ Hoàng Hữu, tác giả bài thơ nổi tiếng "Hai nửa vầng trăng". Anh mất ở Việt Trì và tôi vẫn ấp ủ phải viết một cái gì đó về anh. Khi tôi nói ý tưởng của mình với người bạn làm ở Đài Truyền hình Việt Nam, nhà báo Thế Sơn, anh rất ủng hộ. Anh Sơn có thâm niên trong nghề nên anh làm tổng đạo diễn, còn tôi viết lời bình. Hồi đó, tìm tư liệu rất khó nên phải mất nửa tháng chúng tôi mới làm xong bộ phim về anh Hoàng Hữu. Khi phim chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều người xem rất thích. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng khen phim làm tốt!

Tôi nghĩ, làm báo hình có cái hay là ngoài chữ nghĩa, người ta còn ghi lại được những hình ảnh, những khoảnh khắc một thời của một đời người mà qua đi rồi không lấy lại được. Thực ra, con số 100 là tính cả những phim tôi chỉ viết kịch bản, hoặc lời bình. Tôi thấy đây cũng là một nghề có ích và gắn bó với nó cho đến ngày nghỉ hưu.

- Chắc hẳn ngoài việc lưu giữ những khoảnh khắc cho các nhân vật, ông cũng lưu giữ cho mình nhiều kỷ niệm với những người mà ông đã từng gặp và làm phim?

+ Kỷ niệm nhiều lắm, nhớ không xuể. Chẳng hạn, hồi làm phim về NSND Tào Mạt, tôi nhớ khi đó, ông đang bị ung thư, phải nằm điều trị trong Bệnh viện 108. Lúc đầu, khi đến xin bệnh viện để quay về ông thì họ không đồng ý. Nói lý do kiểu gì người ta cũng không cho mang máy quay vào phòng bệnh. May quá, sau đó tôi gặp được đồng chí Trung tướng Lê Hai, lúc ấy ông đang là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông đã viết thư giới thiệu chúng tôi tới Ban Giám đốc bệnh viện. Lúc đó, chúng tôi mới được vào. 

NSND Tào Mạt vui lắm, mặc dù đi lại khó khăn nhưng ông vẫn vừa làm các động tác múa tay, vừa hát những điệu chèo cổ ở hành lang bệnh viện để cho đoàn làm phim quay. Phim sau đó đã được phát lên sóng và chúng tôi cũng kịp mang đến tận nơi chiếu cho NSND Tào Mạt xem. ít lâu sau, ông mất. Phim tài liệu về Tào Mạt năm đó đã đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốc. Hay như khi làm phim về nhà thơ Vũ Cao, đoàn làm phim chúng tôi đón ông trở lại làng Xuân Dục, gặp lại những người quen cũ hồi ông còn "nằm vùng" ở đó. Chúng tôi vào thăm gia đình cô du kích, người mà cả làng cho rằng đó là nguyên mẫu trong tác phẩm "Núi đôi" của ông. Cô gái ấy năm 17 tuổi cũng yêu một người hơn cô 3 tuổi (tức là đôi mươi), rồi anh kia cũng đi bộ đội ở Tây Bắc và sau này, cô du kích cũng bị giặc bắn dưới gốc cây thông... Bài thơ "Núi đôi" của Vũ Cao sau này đã trở thành bài thơ của làng và họ vẫn cho rằng Vũ Cao là người đã có công chép lại bằng thơ cuộc đời của người con gái làm du kích.

Tôi nhớ, hôm về quay phim, khi thắp hương cho cô xong, trở ra ôtô, tôi hỏi Vũ Cao: "Có thật là anh viết về cô gái du kích ấy không?". Nhà thơ Vũ Cao bảo: "Lạ thế, đó hoàn toàn là nhân vật tưởng tượng của tớ, vậy mà không hiểu sao lại trùng khớp đến vậy!". Hay như khi làm phim về nhà thơ Huy Cận, hồi đó ông đang giữ hàm Bộ trưởng, ông thích lắm, ông có mời tôi đến ăn cơm trưa nhân ngày giỗ của Xuân Diệu. Cũng từ đó, hễ có bài thơ nào mới, ông đều đọc cho tôi nghe. Có hôm, nửa đêm ông gọi điện thoại và đọc thơ cho tôi nghe đến cả... 30 phút…

- Trong số những phim chân dung ông đã làm, ông tâm đắc nhất với nhân vật nào?

+ Thú thật là tính tôi, đã không làm thì thôi, mà đã làm phải tìm người đáng làm, họ phải có nhân cách cũng như có đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tôi nhớ nhất khi làm phim về nhạc sĩ Văn Cao. Ý tưởng làm phim về ông rất tình cờ, trong một Đại hội Văn nghệ, nhà văn Nguyễn Đình Thi phát biểu điều gì đó, anh chỉ về phía hàng ghế của Văn Cao, bảo: "Như ông bạn râu dài, tóc bạc của tôi ở dưới kia kìa...". Lúc đó, tôi nghĩ bụng, ông Thi "hỗn" quá, ai lại gọi Văn Cao là "ông bạn". Sau tìm hiểu ra thì tôi mới biết là Văn Cao chỉ hơn Nguyễn Đình Thi có một tuổi. Thời điểm đó, Văn Cao chỉ mới ngoài năm mươi mà trông râu tóc bạc như... ông lão! Sau đó, tôi đến gặp Văn Cao để xin làm chân dung về ông. Khi phim chuẩn bị phát sóng, tôi mang đến cho ông "duyệt", vì ông vốn là người kỹ tính. Ông xem xong, tôi hỏi: "Anh có ý kiến gì không?". Ông vờ nghiêm mặt rồi nhẹ cười, bảo: "Còn ý kiến gì nữa, mang Văn "Chai" ra đây!". Vợ ông mang chai rượu Tây vừa được nhà báo Trần Bạch Đằng biếu ra đãi tôi. Với tôi, Văn Cao là một nhân cách lớn. Thời gian đó Văn Cao đã hơi yếu, ông đi lại khó khăn, phải dùng đến gậy. Đặc biệt, lúc nào trước mặt cũng có cút rượu và tẩu thuốc lá.

- Thời gian gần đây, do môtíp làm phim chân dung của các nhà Đài có vẻ hơi giống nhau, từ việc vào nhà nhân vật, mở cửa, bắt tay, sau đó đưa nhân vật trở về tuổi thơ đi trên con đê làng, kết thúc lại là ánh hoàng hôn rơi xuống ở triền sông... nên người xem đã bắt đầu thấy "nhàm". Là người đi trước, khi xem phim của các bậc đàn em sau này, ông có nhận xét gì?

+ Thời chúng tôi chưa có nhiều các phương tiện truyền thông như bây giờ nên phải lọ mọ tới cả tuần mới quay xong một bộ phim tài liệu dài chừng 30 phút. Ngày nay, có khi chỉ một, hai ngày đã quay xong rồi. Điều này lợi bất cập hại, vì làm nhanh, làm ẩu sẽ tạo ra những sản phẩm hời hợt. Thật ra, với nghệ sĩ, dấu ấn tuổi thơ là vô cùng quan trọng nên nói về họ không thể không nói về nơi chôn nhau cắt rốn được. Tuy nhiên, nếu dụng công thêm một tí thì sẽ hiệu quả hơn. Tôi nhớ, khi làm phim về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, để tạo được cảnh "người thật, việc thật", khi nhắc đến bài thơ "Mưa" của Vũ, chúng tôi đã phải thuê một chiếc máy bơm của cửa hàng rửa xe và xả nước từ trên một cành cây cao để tạo mưa. Chúng tôi thuê một cô nữ sinh mặc áo dài trắng nhặt lá dưới làn mưa ấy. Cũng may, đúng mùa lá rụng nên khi phun nước, lá cây rụng xuống rất nhiều tạo nên không gian đẹp và lãng mạn.

Hay như hồi làm phim về Văn Cao, để minh họa bài hát "Làng tôi", cả đoàn kéo về Đoan Hùng (vì ca khúc này Văn Cao sáng tác trong thời gian ở đây) để quay cảnh làng bị đốt. Tôi nhớ, để quay cảnh này cần phải có khói. Chúng tôi đã mất cả buổi để chờ một gia đình nọ khai trương đốt... lò gạch và quay cảnh khói. Tôi nhớ, nhạc sĩ Văn Cao khi xem đến đoạn này, đã hỏi: "Cảnh này quay ở đâu mà tốt thế!".

- Làm nhiều bộ phim tài liệu chân dung văn nghệ sĩ thế, ông có làm riêng những thước phim về mình?

+ Tự làm phim về mình bao giờ cũng khó. Sau ngày tôi nghỉ hưu, các đồng nghiệp của tôi ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội có làm phim chân dung về tôi nhưng sau khi lên sóng, tôi gọi điện thoại bảo họ thôi đừng phát sóng nữa, vì xem xong, tôi thấy... không giống mình!

- Nói đến Vũ Đình Minh, độc giả nghĩ ngay đến bài thơ "Hội Lim". Thời gian về sau, hình như vì quá bận rộn nên ông không còn mặn mà với thi ca nữa?

 + Tôi là người ham vui, mải chơi, khi làm báo tôi đã có một mảnh đất rộng để mà rong ruổi với các nhân vật của mình, ngoảnh đi ngoảnh lại thế mà đã gần hết cả cuộc đời. Tôi nhớ, bài "Hội Lim" tôi làm trên một chuyến xe khi chúng tôi đi làm phóng sự về Hội Lim. Tôi đã viết một mạch trên xe ôtô từ Bắc Ninh về Hà Nội. Làm xong, tôi còn đọc cho anh lái xe nghe và không sửa một chữ nào: "Tôi trót biết đời riêng em trắc trở/ Nên hồi này em hát chẳng vô tư/ Nón thúng quai thao em thẹn thùng che má/ Hát đắm say cho đứt ruột gan người/ Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ/ Chỉ để thương, để nhớ, để yêu thôi/ Xin gió lạnh đừng lật tung vành nón/ Để tôi nhìn thấy nước mắt em rơi!". Tôi nghĩ, thơ là trời cho nên "ông ấy" cho được chừng nào mình nhận chừng đó, không phải cố gắng mà được.

- Xin cảm ơn nhà thơ Vũ Đình Minh!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.