Một ngôi nhà ba nhạc sĩ

Thứ Ba, 12/03/2013, 08:00

Hoạt động âm nhạc bao gồm nhiều lĩnh vực: Sáng tác, lý luận - phê bình, sưu tầm - nghiên cứu, đào tạo, biểu diễn. Tính tới nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có tới hàng ngàn hội viên, bao gồm tất cả các lĩnh vực trên. Hai thế hệ cha con hoặc hai anh em ruột đều là nhạc sĩ, có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Thế hệ cha - con có: Đỗ Nhuận - Đỗ Hồng Quân, Tô Vũ - Hoàng Sơn, Hoàng Vân - Y Linh; hai anh em ruột có: Hoàng Quý - Hoàng Phúc (Tô Vũ), Lê Yên - Lê Lôi, Trọng Loan - Trọng Bằng, Hoàng Long - Hoàng Lân, Nguyễn Đăng Quang - Nguyễn Đăng Hiếu… Song, một nhà có tới ba anh em ruột đều là nhạc sĩ, có thể nói là điều xưa nay hiếm! Điều hiếm hoi ấy xuất hiện vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước tại quê nhãn Hưng Yên, thuộc làng Đào Xá, xã Đào Dương, huyện Ân Thi, trong một gia đình giáo chức có truyền thống Cách mạng. Đó là gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Cảnh và bà Nguyễn Thị Thanh. Ông Cảnh tham gia Cách mạng và hy sinh tại Hà Nội vào năm 1946. Hai ông bà sinh hạ được bảy người con. Cả bảy người sau này đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba người con của ông bà sàn sàn cách nhau hai tuổi. Cả ba đều là nhạc sĩ, cả ba đều có tên đệm là Vĩnh. Vì thế, khi nói tới "Ba anh em họ Vĩnh" là giới nhạc sĩ chúng tôi nhận ngay ra họ. Đó là: Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Long, sinh năm 1932; nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát, sinh năm 1934; nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1936.

Sau khi chồng hy sinh, năm 1947, bà Nguyễn Thị Thanh đưa cả bảy người con theo kháng chiến, lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1950, cả ba anh em họ Vĩnh cùng tham gia Đoàn Nhạc kịch Thiếu nhi (tiền thân của Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật). Hai năm sau ngày kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, cả ba anh em họ Vĩnh đều vào học khóa I trường Âm nhạc Việt Nam, cùng khoa sáng tác. Người anh cả Nguyễn Vĩnh Long được giao trách nhiệm lớp trưởng. Sự nghiệp âm nhạc gắn chặt với cuộc đời họ từ đó.

Về nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Long:

Tốt nghiệp khóa I trường Âm nhạc Việt Nam, Vĩnh Long về công tác tại Ban Nghiên cứu âm nhạc (tiền thân của Viện Nghiên cứu âm nhạc hiện nay). Ông đảm trách sưu tầm âm nhạc Việt Bắc, chủ yếu của dân tộc Tày, Nùng và được bổ nhiệm Trưởng phòng sưu tầm tư liệu của Ban. Dấu ấn lịch sử đánh dấu sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu của ông, đó là năm 1966, Viện Nghệ thuật ấn hành tác phẩm "Sự tròn vành rõ chữ của tiếng hát dân tộc" do ông biên soạn. Tác phẩm đã thể hiện sự tâm huyết của ông với nền văn hóa, văn nghệ của các dân tộc anh em miền sơn cước.

Năm 1981, Nguyễn Vĩnh Long được Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam mời sang đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng kiêm Thủ trưởng cơ quan Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và được bầu vào Ban chấp hành Hội.

Tuy đã nghỉ hưu, song nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Long vẫn say sưa nghiên cứu. Ngoài lĩnh vực âm nhạc, ông còn "với" sang cả lĩnh vực văn hóa đối ngoại. Hiện Vĩnh Long đang biên soạn giáo trình "Dạy và học tiếng Việt nhanh nhất cho người nước ngoài". Giới ngôn ngữ học rất quan tâm, động viên khích lệ ông. Mong rằng giáo trình sớm ra đời và đưa vào sử dụng.

Về nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát:

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát.

Tốt nghiệp khóa I, Vĩnh Cát được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Đây chính là mảnh đất gieo mầm để sau này ông trở thành vị Giáo sư âm nhạc tầm cỡ của nước nhà. Từ cán bộ giảng dạy của trường, ít lâu sau, ông được cử đi tu nghiệp tại Liên Xô. Tốt nghiệp, lại về trường tiếp tục giảng dạy. Rồi được đề bạt Phó giám đốc, được bầu làm Bí thư Đảng ủy Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Tiếp đó, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội. Với tình yêu thiết tha, cháy bỏng về một Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, hơn 10 năm làm công tác quản lý, Vĩnh Cát cùng nhiều nhà khoa học tâm huyết đã đóng góp cả trí tuệ lẫn sức lực, tạo nhiều dấu ấn sâu sắc trong công tác nghiên cứu, tu bổ, xây dựng nhiều công trình lịch sử, văn hóa của thủ đô. Từ Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam tới phương án bảo tồn không gian văn hóa các phố cổ Hà Nội, khu di tích lịch sử văn hóa Quốc Tử Giám, công trình tu bổ Thăng Long Tứ Trấn, Tượng đài Thánh Gióng ở núi Sóc Sơn… tới các công trình kỷ niệm Đại lễ một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Dẫu bộn bề trong công tác quản lý, nhưng bầu nhiệt huyết và cảm hứng âm nhạc vẫn chan chứa trong ông, đặc biệt là cảm hứng về Thăng Long - Hà Nội, đó chính là nguyên cớ để không ít người cảm nhận rằng: "Dường như nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh ra để viết về Hà Nội". Nhiều ca khúc, nhạc khí, giao hưởng nổi tiếng của ông là những tác phẩm viết về Hà Nội. Từ "Gửi bạn Thủ đô", "Hà Nội của ta", "Hà Nội thủ đô ta đó", "Hoài niệm tên em", "Thuở ấy tình yêu"… tới những bản giao hưởng mới nhất về Hà Nội được ra đời sau nhiều năm nhạc sĩ Vĩnh Cát đã nghỉ chế độ hưu trí và trong không khí tưng bừng cả nước đang gấp rút chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là bản côngséctô ông viết cho dàn violon và dàn nhạc giao hưởng, bản "Đây sông Hồng, sông Cái" gồm 3 chương và bản "Không chỉ là huyền thoại" gồm 5 chương.

Về nhạc giao hưởng, có thể nói đó là một thành công lớn trong đời ông. Bản giao hưởng đầu tay của nhạc sĩ Vĩnh Cát với tên gọi "Hái hoa dâng Bác" cũng là bản giao hưởng đầu tiên của nền thanh nhạc Việt Nam, được NSND Thái Ly dựng thành kịch múa, Đoàn Nhạc giao hưởng Việt Nam trình diễn năm 1960 nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo:

Chân dung nhạc sĩ - liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo.
Sau khi tốt nghiệp khóa I khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam, từ năm 1961 tới năm 1964, Nguyễn Vĩnh Bảo được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Kiep (Liên Xô). Năm 1965 về nước. Năm 1966 ông xung phong đi chiến trường miền Nam, hoạt động tại chiến trường Tây Bắc Sài Gòn. Ngày 4 tháng 6 năm 1967, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo đã anh dũng hy sinh tại thượng nguồn sông Sài Gòn.

Chỉ ngắn ngủi hơn 10 năm học tập, công tác và chiến đấu, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo đã để lại cho đời 26 ca khúc và 15 bản khí nhạc.

Nguyễn Vĩnh Bảo bộc lộ tài năng âm nhạc rất sớm. Khi ở Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật, mới hơn 10 tuổi, ông đã sáng tác hàng loạt ca khúc như: "Cô gà mái mơ" (1948), "Xuân rừng xanh" (1948), "Em về Thủ đô" (1950)… Khi học tại trường Âm nhạc Việt Nam, ông đã sáng tác hơn 10 ca khúc và khí nhạc. Đặc biệt, quá trình học tại Liên Xô, ông đã sáng tác 6 ca khúc và 14 khí nhạc, viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu violon - cello - piano, nhiều bản đã được các nghệ sĩ: Thái Thị Liên, Tào Thị Huệ, Đặng Thái Sơn, Tuyết Minh biểu diễn ở Việt Nam. Sự say mê sáng tác của Vĩnh Bảo còn thể hiện ngay trên đường vượt Trường Sơn vào chiến trường đầy gian nan vất vả: Với bút danh Bảo Vinh, ông vẫn cho ra đời ca khúc "Trên đường hành quân". Vào tới B2, nằm trong lòng địa đạo Củ Chi mà vẫn cho ra đời ca khúc "Những người chiến thắng".

Tiếc thay! Nguyễn Vĩnh Bảo đã hy sinh quá sớm, ở tuổi ba mươi mốt hừng hực sức xuân, để lại cho đời 41 tác phẩm âm nhạc. Năm 2012, hai người anh: Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Long, Nguyễn Vĩnh Cát đã có đơn đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với em trai mình là nhạc sĩ - liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo.

Hà Nội, tiết xuân năm Quý Tỵ

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Dương
.
.