Một đời lặng lẽ, âm thầm

Thứ Sáu, 11/12/2020, 11:52
Ông là Nguyễn Mạnh Thường, hầu như cả đời làm việc ở Đài TNVN, từ sau ngày hòa bình lập lại (1954) đến lúc nghỉ hưu (1988). Chỉ ít ngày sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Việt Nam, ông đã có bài "Hòa bình trên đất nước ta" có sức lan tỏa rộng rãi.


Đúng là cái tên ông gần như xa lạ với nhiều người. Không ít lần có những bạn yêu ca hát - trong đó có cả ca sỹ chuyên nghiệp- hỏi tôi: "Em rất thích và đang tập bài "Phố núi", anh có biết của tác giả nào không?" ("Phố núi của tôi chưa thành tên gọi mà đã in tâm trí bao người…"). 

Cũng như vậy là trường hợp bài "Tình ca muôn dặm", cũng có nhiều bạn ca sỹ không biết tác giả là ai nhưng lại rất ưa thích tác phẩm. Bài hát viết về những người lái xe: "Muôn dặm đưòng xa ngồi sau tay lái tôi đã qua qua bao dốc đèo…". 

Khi tôi cho biết rõ tên tác giả, họ vẫn hỏi lại nhạc sỹ ở đâu, ngoài Bắc hay trong Nam. Chỉ một số ca sỹ thường xuyên đến Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) thu thanh mới biết người nhạc sỹ này vì ông làm công tác biên tập âm nhạc ở đây.

Cố nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Thường.

Ông là Nguyễn Mạnh Thường, hầu như cả đời làm việc ở Đài TNVN, từ sau ngày hòa bình lập lại (1954) đến lúc nghỉ hưu (1988). Chỉ ít ngày sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Việt Nam, ông đã có bài "Hòa bình trên đất nước ta" có sức lan tỏa rộng rãi. 

Năm 1965, trong đợt đi thực tế Quảng Bình, ông viết được bài "Bài ca trên biển" rất hay, đã như một bức tranh bằng âm thanh biểu hiện cuộc sống vừa chiến đấu, vừa đánh bắt tôm cá của ngư dân vùng biển Quảng Bình. Chất trữ tình sâu lắng, chải chuốt ở đoạn A cộng với chất anh hùng ca khỏe khoắn của đoạn B tạo nên một ca khúc hoàn chỉnh, gây ấn tượng mạnh cho người nghe: "Mặt biển mờ hơi sương. Sóng vờn trên bãi cát. Thuyền được gió căng buồm. Bạn chài lên tiếng hát…". 

Sinh thời, có lần NSND Quý Dương nói với tôi: "Mình hát nhiều bài về biển, đảo, bài nào sau đó cũng nổi lên, được nhiều người biết đến. Nhưng riêng bài "Bài ca trên biển" của Nguyễn Mạnh Thường mình đặc biệt ưa thích đến mức hát đi hát lại nhiều lần trước khi thu thanh, đã thành thuộc lòng (mà các bài khác đều cầm giấy hát). Vậy mà không hiểu sao đã không nổi được lên, gần như công chúng không ai biết bài này". 

Rồi ông hỏi tôi: "San có giải thích được không? Vì sao nhiều bài bình thường lại nổi lên, trong khi có bài rất hay - như "Bài ca trên biển" lại bị chìm?". Tôi không biết giải thích thế nào, chỉ biết nói: "Âu cũng là cái duyên, cái số. Nguyễn Mạnh Thường là nhạc sỹ không có duyên với sự nổi tiếng mặc dù anh ấy có những bài rất hay, viết được phần đệm pi-a-nô và cả khí nhạc" (không phải nhạc sỹ nào cũng viết được mà chỉ thạo viết ca khúc). 

Một bài khác của Nguyễn Mạnh Thường cũng rất hay mà ít người biết là bài "Phố núi". Bài hát ngắn gọn, hàm súc như một bức tranh thủy mạc, chỉ chấm phá vài nét nhưng đặc sắc về những vùng quê ở vùng cao mới được con người lên khai phá, lập nghiệp: "Phố núi của tôi chưa thành tên gọi mà đã in tâm trí bao người.." Cố NSƯT Huy Hùng cũng từng cho biết tuy không đơn ca mà song ca với NSND Thanh Hoa nhưng đây là bài anh thích nhất trong hàng trăm bài đã từng thu thanh ở Đài.

Nguyễn Mạnh Thường, sinh năm 1928, quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai (Sơn Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội). Lớn lên đúng lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông tham gia đội tuyên truyền kháng chiến giống như nhiều văn nghệ sỹ khác với vai trò hát và đánh đàn măng-đô-lin, bămg-zô. 

Sau năm 1954, với khổ người thấp, bé và cận thị nặng nên không thể tiếp tục hoạt động văn công, ông về biên tập âm nhạc ở Đài TNVN đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Ông được nhiều ca sỹ, nhạc công quý mến do có công rèn luyện, bồi dưỡng họ trưởng thành từ người mới bước vào nghề đến lúc nổi tiếng. 

Số là ông đảm trách công việc mời cộng tác viên đến thu ca nhạc và lên chương trình giới thiệu họ trên làn sóng. Một thời gian dài - từ khi Đài TNVN ra đời đến mãi tới những năm cuối cùng của thế kỷ trước - Đài phát thanh đã là phương tiện gần như duy nhất giới thiệu các giọng hát và tác phẩm âm nhạc đến với công chúng. Vậy nên được hát, đánh đàn và có tác phẩm lên Đài là niềm vui, hạnh phúc lớn của bất kỳ nghệ sỹ âm nhạc nào. 

Nguyễn Mạnh Thường có công phát hiện các tài năng ca hát từ khi họ chưa nổi tiếng, chưa được ai biết đến. Ông tận tình góp ý, tu sửa từng tiếng, từng lời cho họ để hát hoàn chỉnh hơn. Thu thanh nhiều rồi cũng thành quen, thạo. Được phát sóng, họ lại càng được động viên, thôi thúc, miệt mài tập luyện. 

Giới ca sỹ cho rằng Nguyễn Mạnh Thường rất có tâm với lớp trẻ, khiến các diễn viên quý, nể. Những ca sỹ nổi tiếng như Tiến Thành, Huy Hùng, Ngọc Tân, Hữu Nội, Thúy Lan - những giọng hát đặc sắc của Đài TNVN nay đều đã qua đời. Ngoài tài năng thiên bẩm và nỗ lực cá nhân, còn có thêm sự nâng đỡ không nhỏ của Nguyễn Mạnh Thường khi ông mạnh dạn để họ hát đơn ca ngay từ lúc họ rất trẻ, đang còn hát trong dàn đồng ca.

Cái tâm ấy còn thể hiện ở việc tuy không có chân trong Hội đồng duyệt tác phẩm mới nhưng khi thấy có bài nào hay mà bị bỏ qua, ông đều nói với Lê Lôi, Vũ Thanh là Trưởng và Phó ban Âm nhạc hãy xem lại, kẻo bỏ thì uổng phí. Không ít lần, các vị trên đã nghe theo ông mà phục hồi số phận cho tác phẩm. 

Tôi nhớ có lần lúc vừa tốt nghiệp đại học, mon men đến gửi ca khúc mới sáng tác. Đó là lần đầu tiên tôi gặp và biết Nguyễn Mạnh Thường. Hôm ấy, tôi thấy một người hiền khô, thấp, nhỏ, đeo chiếc kính đít chai dầy cộp, có ý quan tâm đến mình khi đang ngáo ngơ, dè dặt có ý muốn hỏi xem bài của mình ra sao. 

Ông cho biết mấy nhạc sỹ đó đi vắng rồi nói tôi hát cho ông nghe bài đã gửi. Ông khen tôi hát hay, nhưng bài thì cần sang sửa lại. Tôi nghe lời ông đã về sửa lại theo lời ông gợi ý. Lần đó, nhờ ông, bài tôi đã được sử dụng.

Thế là từ đó, tôi với ông có quan hệ, thành bạn vong niên. Càng trở nên thân thiết hơn khi tôi chứng kiến cuộc sống hàng ngày của ông: Sống độc thân trong một phòng nhỏ xíu chỉ 6m2 trên gác 2 một ngôi nhà ở phố Phù Đổng Thiên Vương (Hà Nội). Căn phòng chỉ vừa kê được chiếc giường cá nhân và chiếc tủ nhỏ đựng sách vở, tài liệu. Lúc ấy, ông đã ngoài 40 tuổi, vẫn chưa có vợ, sống cảnh "cơm niêu nước lọ". 

Ông viết được mấy trăm bài hát, tự chép tay và đóng thành một quyển bìa cứng, dày cộp. Tôi giở ra đọc thì thấy có những bài mình đã thuộc từ trước mà không biết tác giả là ông. Ví như bài "Mùa hoa bưởi" thật bâng khuâng, lãng mạn: "Hôm nay trở lại miền quê cũ. Giữa lúc mùa xuân sắp hết rồi. Hoa bưởi đầu cành đang chớm nụ. Ngọt ngào thơm mát dịu lòng tôi…". Hoặc bài "Quê mẹ" bịn rịn nhớ thương da diết: "Quê mẹ tôi bên thành phố cũ. Những cánh đồng thẳng tắp ngô khoai. Quê mẹ tôi có nhánh sông dài. Cuộn dòng nước lũ về xuôi…". Tôi hát cho ông nghe những bài này. 

Ông đưa tôi đến gặp Trần Chung là nhạc sỹ phụ trách chương trình "Khắp nơi ca hát", có ý muốn nhạc sỹ họ Trần giới thiệu giọng hát không chuyên của tôi trên sóng. Nhưng sau khi thu xong, đến lúc duyệt thì bị "đổ" vì khi ấy tuy đế quốc Mỹ đã ngưng ném bom miền Bắc nhưng vẫn còn là thời chiến, mấy bài hát trên không phù hợp do có giai điệu quá "mềm", quá "ướt át".

Một lần, sau khi nghe một bài của tôi vừa được thu thanh với hình thức dàn nhạc đệm, Nguyễn Mạnh Thường nói không hiệu quả do ca sỹ hát hời hợt. Ông đã thu lại cho tôi bằng giọng ca sỹ khác, do ông viết phần đệm pi-a-nô. Sẽ không mất một khoản chi phí nào do ca sỹ và người đánh đàn đều là những người biết ơn ông, sẵn sàng thu giúp ông không cần thù lao.

Mãi đến năm ngoài 50 tuổi, Nguyễn MạnhThường mới lấy vợ. Chị có con riêng. Ông và vợ không có con chung. Cuộc sống êm ả, lặng lẽ, âm thầm đến khi ông nghỉ hưu được mấy năm thì qua đời. Phút ông lâm chung, tôi ở miền Nam, cả tháng sau mới ra được. Tôi nghe nói đám tang của ông cũng bình dị, lặng lẽ như cuộc đời ông vậy. 

Nhưng giới ca sỹ - những người từng có dịp cộng tác với Đài TNVN thì không thể quên ông - một nhạc sỹ luôn hết mình vì công việc, nhiệt tình giới thiệu những tài năng ca hát trên làn sóng, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng một thời.

Nguyễn Đình San
.
.