Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của văn hào Mỹ O.Henry (1862 - 2012)

Một đời kịch tính

Thứ Năm, 23/02/2012, 08:00
Nước Mỹ có nhiều nhà văn lớn. Nếu nói về "tầm vóc" thì chắc chắn nước Mỹ có nhiều nhà văn khác tầm vóc hơn O.Henry. Song đây lại là tác giả của những câu chuyện có dung lượng gọn xinh nhưng lại rất gây dư ba trong lòng độc giả. O.Henry thực sự là một nhà văn chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc, một sự yêu mến bền bỉ, dài lâu...

Giải thưởng truyện ngắn mang tên O.Henry ra đời sau khi nhà văn mất chưa đầy chục năm tới nay vẫn là giải thưởng văn học danh giá nhất nước Mỹ. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của O.Henry (1862-2012), chúng ta cùng ôn lại một chút chặng đường đời đầy vinh quang và tủi nhục của một cây bút tài hoa...

Hẳn nhiều bạn đọc yêu quý văn tài của O.Henry sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng, bình sinh, tác giả của các kiệt tác "Chiếc lá cuối cùng", "Quà tặng của những người thông thái" lại chỉ được học ở trường tư và mọi sự dừng lại vào năm…15 tuổi. Chính trường "đại học cuộc sống" (theo cách nói của Gorky) đã hỗ trợ nhiều cho các trang sách của nhà văn có tuổi thọ ngắn ngủi này (O.Henry tạ thế vào năm 1910, khi mới ở tuổi 48). Độc giả có thể tìm thấy trong tác phẩm của O.Henry đủ các hạng người trong xã hội, từ những cô gái bán kẹo ngủ trọ trên những căn gác tồi tàn đến những người sống bằng nghề đào đãi vàng, các nhân vật cao bồi hoặc những gã lái buôn… Chính những ngày lang thang kiếm sống với nhiều thứ nghề đã khiến O.Henry có đủ lưng vốn để tái hiện một xã hội với muôn hình vạn trạng sắc màu. Bản thân O.Henry từng tự tin trả lời câu hỏi của một người bạn, rằng tại sao nội dung thể hiện trong tác phẩm của ông lại đa dạng đến vậy: "Tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều mang trong mình những cốt truyện".

O.Henry tên thật là William Sydney Porter (nghe nói, mặc dù rất nổi tiếng nhưng phải đến khi nhà văn mất đi, người ta mới biết đích xác tên thật của ông). Porter sinh ngày 11/9/1862 tại Greenboro, Bắc Carolina, Hoa Kỳ trong một gia đình có bố là thầy thuốc. Vì mẹ mất sớm, cậu bé Porter lớn lên chủ yếu trong vòng tay chăm sóc của bà và các cô chú. Tuy không được học hành đến nơi đến chốn nhưng bù lại, cậu rất ham mê đọc sách. Năm 15 tuổi, Porter phải bỏ học để đến làm việc tại một hiệu thuốc của người chú ruột. Ít lâu sau, ông chuyển đến thành phố Houston, bang Texas và từ đây là những tháng ngày chóng mặt với việc mưu sinh. Khó có thể tính được bao nhiêu công việc mà Porter đã từng trải qua, từ vẽ kỹ thuật cho sở đạc điền, đầu bếp nhà hàng đến nhân viên thư ký, nhân viên xưởng in...

Năm 1884, Porter chuyển đến thành phố Austin (vẫn thuộc bang Texas). Ông không từ việc gì để mưu sinh. Thậm chí, người ta còn thấy ông tham gia ca hát và diễn kịch. Cũng tại đây, ông gặp và đem lòng yêu Athol Ester, 17 tuổi, con gái một gia đình giàu có. Mối quan hệ không được gia đình cô gái chấp thuận. Tháng 7/1887, Porter rủ Athol bỏ trốn. Sau sự kiện đó, hai người nên vợ nên chồng. Tới tháng 9/1889, họ có với nhau cô con gái đầu lòng, đặt tên là Margaret Worth Porter.

O.Henry cùng vợ và con gái (ảnh chụp năm 1890).

Năm 1894, Porter đứng ra thành lập tuần báo The Rolling Stone. Một nửa số bài in trên báo là do Porter chấp bút. Hầu hết các tranh minh họa cũng do ông "tự biên tự diễn". Đây quả là một sự phiêu lưu. Chẳng bao lâu, The Rolling Stone rơi vào tình cảnh nợ nần, phải phá sản. Cũng thời gian này, Porter bắt đầu sa đà vào các cuộc rượu.

Sau khi The Rolling Stone phá sản, Porter  xin được một chân nhân viên ngân hàng First National Bank ở Austin. Làm việc chưa ấm chỗ thì nhà văn tương lai bị nghi biển thủ công quỹ. Hiện vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh sự cố này. Theo các tài liệu còn lưu lại thì sinh thời, Porter từng lên tiếng phàn nàn việc quản lý sổ sách ở ngân hàng này giai đoạn trước ông khá lỏng lẻo. Bản thân bố vợ ông cũng đã trả hộ khoản tiền bị cho là thất thoát song chính quyền liên bang vẫn muốn truy tố Porter. Kể ra, theo phân tích của nhiều chuyên gia thì nếu chịu ra tòa, hẳn Porter cũng chỉ bị xử án treo vì số tiền thất thoát thực tế không lớn (chỉ là 1.156 đôla), song ngặt nỗi, ông đã quá nệ vào lời khuyên của bạn bè mà bỏ đi đến Honduras - một nước nằm ở Trung Mỹ, rồi sau đó rong chơi tại Mexico và một vài nước ở Nam Mỹ. Bởi vậy mà vụ việc càng thêm trầm trọng.

Năm 1896, hay tin vợ đau nặng, Porter vội vã trở về Austin để thăm nom. Nhà chức trách "lờ" đi, chờ tới mùa hè năm sau, khi Athol qua đời và mồ yên mả đẹp mới thực hiện lệnh bắt giam Porter. Nhà văn tương lai bị tòa xử với mức án 5 năm tù giam. Tại nhà tù ở thành phố Columbus, bang Ohio, những người quản tù nhận thấy Porter có kiến thức về dược học nên đã cắt cử ông làm dược sĩ cho bệnh viện của nhà tù.

Trong tù, ngoài thời gian phục dịch, Porter đã tranh thủ sáng tác gửi ra bên ngoài in báo lấy tiền nuôi con gái Margaret. Truyện ngắn đầu tiên của ông được in trên tờ tạp chí MacLure với bút danh O.Henry đã gây tiếng vang trong dư luận. Từ đó, O.Henry càng hăng sáng tác. Tương truyền, truyện ngắn trứ danh "Quà tặng của những người thông thái" (có nơi dịch là "Món quà của các nhà hiền triết" hoặc "Món quà của của các đạo sĩ") sau khi được in báo, tiền nhuận bút đã đủ để ông mua cho cô con gái một con búp bê bằng sứ có mái tóc dài - thật là một kết thúc có hậu như những gì mà thiên truyện ngắn nói trên của ông mô tả.

Hiện thiên hạ đã tốn nhiều giấy mực để cắt nghĩa việc tại sao William Sydney Porter lại lấy bút danh là O.Henry. Theo một giả thuyết thì bút danh này được Porter sử dụng như một cách trả ơn người cai ngục từ tâm tên gọi Orrin Henry. Lại có giả thuyết đó là tên ghép của Eteinne - Ossian - Henry,  một dược sĩ Pháp - tác giả cuốn sách thuốc mà Porter từng nhiều lần tra cứu. Cũng có giai thoại cho rằng, Porter chọn chữ O làm tên vì đó là chữ cái đơn giản nhất trong bảng chữ cái.

Mặc dù mới thụ án được hơn 3 năm, song do cải tạo tốt nên O.Henry đã được ra tù trước hạn (năm 1901). Thoạt đầu, ông cư ngụ tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Một năm sau, ông chuyển đến sống tại New York và ở đó cho đến ngày mất. Cố giấu tung tích mình từng là tù nhân, từ ngày được tha cho tới khi tạ thế, O.Henry đã sáng tác trên 600 truyện ngắn. Sức sáng tạo dồi dào, sung mãn của ông từng được ví với văn hào Anton Chekhov của Nga. Từ năm 1904 tới 1910, đã có cả thảy 10 tập truyện ngắn của O. Henry ra mắt bạn đọc.

Những năm cuối đời, mặc dù đã có đủ cả tiền tài, danh vọng song thần Hạnh Phúc vẫn cứ trốn chạy O.Henry. Cuộc hôn nhân thứ hai với Sara Lindsay Coleman - người bạn gái thuở thiếu thời đã không đem lại cho nhà văn sự thư thả. Họ chia tay nhau chỉ một năm sau ngày cưới. Nhà văn mang tâm trạng chán đời. Chứng rượu chè bê tha ngày nào đã quay trở lại hành hạ ông, đã thế, bệnh tật cũng lại không buông tha. O. Henry qua đời ngày 5 tháng 6 năm 1910, cùng năm với các đại văn hào Lev Tolstoy của Nga và Mark Twain của Mỹ. Câu nói cuối cùng của ông được người ta ghi lại là: "Bật đèn lên! Tôi không muốn về nhà trong cảnh tối tăm". Được biết, nhà văn mất tại một khách sạn. Trong bệnh án của ông, bác sĩ ghi "Không rõ nguyên nhân". Còn hiện nay, có nhiều lý do để các nhà nghiên cứu khẳng định O. Henry đã chết vì bệnh gan mãn tính.

Các truyện ngắn của O. Henry (nhất là ở những truyện tiêu biểu) thường được viết với một văn phong nhẹ nhàng, trữ tình, nội dung cô đọng, súc tích, đặc biệt thường gây bất ngờ ở phần kết. Cấu tứ của các truyện luôn làm bừng lên vẻ đẹp sâu xa của tâm hồn con người. Các truyện "Quà tặng của những người thông thái" và "Chiếc lá cuối cùng" đã trở thành những tác phẩm kinh điển, rất phổ biến với bạn đọc trên khắp thế giới, trong đó có đông đảo bạn yêu văn học ở Việt Nam. Đây cũng là những tác phẩm được đưa vào dạy trong hệ thống nhà trường từ nhiều năm nay… Hình ảnh lão họa sĩ Behrma đã kịp vẽ một chiếc lá trường xuân bất tử tặng cô gái đang vật lộn với bệnh tật, với cái chết chính là một thông điệp về vẻ đẹp giàu tính nhân văn của nghệ thuật nói chung, của thiên chức người nghệ sĩ nói riêng.

Năm 1919, nghĩa là sau khi O.Henry tạ thế được gần chục năm, Hội Nghệ thuật và khoa học Mỹ đã lập nên Giải thưởng Tưởng niệm O.Henry dành để trao cho những truyện ngắn xuất sắc, với mục đích "khuyến khích nghệ thuật truyện ngắn và các tác giả trẻ viết truyện ngắn". Đã có những tác giả gạo cội của nền văn học Mỹ sau này như Ernest Hemingway, William Faulkner, J.D.Salinger… được trao giải thưởng O.Henry

Triệu Đình Cung
.
.