Một cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ

Thứ Bảy, 21/07/2007, 09:48
Nhà xuất bản Thế giới sắp phát hành cuốn sách “OSS và Hồ Chí Minh – những đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống Nhật Bản” của tác giả Dixee R. Bartholomew-Feis đề cập đến một cơ hội lịch sử trong mối quan hệ Mỹ - Việt đã bị bỏ lỡ do những toan tính sai lầm của Washington.

VNCA xin trích giới thiệu đoạn kết của cuốn sách này qua bản dịch của Lương Lê Giang.

Một số nhân viên trong Chính phủ Mỹ hy vọng rằng quan điểm chống thực dân của Mỹ sẽ tiếp nối dưới chính quyền của Tổng thống Truman. Nhưng sau khi Franklin Roosevelt mất vào tháng 4 (1945) và sau khi cuộc chiến ở châu Á - Thái Bình Dương kết thúc thắng lợi thì thế giới đã thay đổi.

Tình trạng khẩn cấp thời chiến dẫn đến việc các phái đoàn OSS (Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ) cộng tác với các nhóm cộng sản trên khắp thế giới không còn tồn tại nữa; sự khinh bỉ đối với người Pháp bại trận phải đặt sang một bên khi họ được giải phóng và giành lại vai trò quốc tế nổi bật; và chủ nghĩa lý tưởng đối với tương lai thường đến cùng nỗi khiếp sợ chiến tranh được thay thế bởi tính thực tế thời bình.

Vào tháng 3, lần đầu tiên Charles de Gaulle đã “đe dọa” các nhà ngoại giao của Roosevelt rằng Pháp có thể bị “đẩy vào” tầm ảnh hưởng đang nổi lên của Liên Xô nếu như chính sách của Mỹ làm Pháp xa lánh hơn với đề tài tước bỏ thuộc địa của Pháp.

Đối với Truman, khả năng Pháp trở thành một phần “quỹ đạo của Nga” trong thế giới thời bình mới này thậm chí còn đáng sợ hơn.

Đối với Pháp, để có được sự ủng hộ của họ chống lại người Nga có nghĩa là không xa lánh họ bằng những tuyên bố chống thực dân, và điều đó có nghĩa là “bỏ mặc các dân tộc thuộc địa nếu cần thiết”.

Như lịch sử ghi nhận vài năm sau: “Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phó thác những người dân Đông Dương cho người Pháp định đoạt một cách có hệ thống, và khi làm như vậy họ đã hy sinh những khát vọng và ước mơ của người Việt Nam trong những toan tính rộng hơn của chính sách Chiến tranh lạnh”.

Khi chính sách này xuất hiện, một số nhân viên biết rõ châu Á đã cố lái nó theo một chiều hướng khác. Vào tháng 9/1945, Patrick Hurley, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã cảnh báo “dư luận tại châu Á cho rằng nước Mỹ ủng hộ chủ nghĩa đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan chống lại chế độ dân chủ đang dâng cao tại châu Á”.          

Không chỉ một mình Đại sứ Hurley “đau lòng”. Abbot Low Moffat và Edwin F. Stanton chuyên viên châu Á thuộc Bộ Ngoại giao đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Dương như “một nguồn nguyên liệu thô, một thị trường đầy tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu, một căn cứ chiến lược tại vùng Viễn Đông và cảnh báo rằng, sự trở lại của hiện trạng trước chiến tranh sẽ không phục vụ được lợi ích của Mỹ”.

Vào năm 1946, Moffat đến thăm Việt Nam và hội kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã lầm tưởng rằng chính sách của Mỹ là “kiên quyết - không tán thành khôi phục quyền lực thực dân”.

Moffat bị ấn tượng bởi cả đất nước lẫn con người và chuyển cho cấp trên của mình thái độ chần chừ nhưng nói chung là tích cực của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước Mỹ.

“Hồ Chí Minh nói về tình bạn và lòng ngưỡng mộ của ông đối với nước Mỹ và những người Mỹ mà ông đã biết và làm việc cùng trong những cánh rừng, và họ đã cư xử với người An Nam bình đẳng như thế nào” - Moffat viết.

Tiếc rằng những lời ca ngợi của ông lại rơi vào những cái tai điếc tại Washington. Một quyết định đã đưa ra thì không sửa đổi được nữa.

“Trước khi tôi ra đi, Hồ Chí Minh đưa cho tôi những lá thư gửi tới Tổng thống Truman và Ngoại trưởng Mỹ, theo kiểu thông thường ông trao cho tất cả mọi người. Tôi mang chúng đi và làm những gì người ta mong đợi, nhưng chính phủ của chúng ta không hề quan tâm đến chúng. Nước Mỹ đã quyết định mối quan hệ với Pháp trong thời hậu chiến quan trọng hơn là mối quan hệ với Việt Nam hay phong trào ít được biết đến của Việt Nam lúc đó đang nắm quyền”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên khác trong chính phủ của ông rõ ràng rất thất vọng.

Dẫu vậy ông vẫn tiếp tục gửi điện tới Truman “tha thiết yêu cầu” tổng thống và nhân dân Mỹ “can thiệp khẩn cấp để ủng hộ nền độc lập của Việt Nam” và thúc giục người Pháp “tiến hành thêm các cuộc đàm phán theo các nguyên tắc của Tuyên bố Đại Tây Dương và San Francisco”, nhưng ông luôn được trả lời bằng sự im lặng.

Hồ Chí Minh không hề ngạc nhiên, vì rõ ràng hy vọng vào sự ủng hộ của Mỹ chỉ là hy vọng. Nhưng ông vẫn đủ minh triết, thậm chí một thời gian dài sau khi mối quan hệ thân thiết giữa hai nước đã chấm dứt, để nắm bắt được thực chất chủ nghĩa lý tưởng Mỹ khi nói chuyện với người Mỹ.

Phóng viên ưa tranh cãi Harrison Salisbury đã thể hiện khả năng này trong lời giới thiệu cuốn “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh bằng cách trích dẫn một câu hỏi thường được đặt ra cho những người Mỹ đã đến Hà Nội về lợi ích kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.

“Hãy nói cho tôi biết - Hồ Chí Minh sẽ hỏi - Tượng Nữ thần Tự Do vẫn đang còn đứng phải không? Đôi khi tôi cảm thấy hẳn là nó đang trồng cây chuối”. Nhiều lính Mỹ đã từng ở Việt Nam cũng sẽ tin rằng lẽ phải và chủ nghĩa lý tưởng Mỹ thực chất đã bị lộn ngược.

Nhiều năm sau, một vài nhà sử học vẫn tìm kiếm lời giải cho câu hỏi tại sao các thành viên OSS lại “cộng tác” với Việt Minh. Stein Tonnesson đã đưa ra ba nguyên nhân có thể:

Thứ nhất, những nhân viên chỉ huy các hoạt động này đã được lựa chọn và đã nhận chỉ thị khi Roosevelt vẫn còn sống; họ tiếp tục thực hiện chính sách của ông.

Thứ hai, OSS có xung lượng như một cơ quan toàn cầu; OSS không được cho phép hoạt động tại mặt trận của Đô đốc Hải quân Nimitz và tướng McAthur, nhưng lại được chào đón tại Trung Quốc. Vì lợi ích của OSS được chấp nhận hết mức có thể tại khu vực của tướng Wedemeyer, dĩ nhiên, OSS cũng hợp tác với những người Cộng sản Trung Quốc.

Thứ ba, việc thu thập thông tin tình báo chính xác và thực hiện các hoạt động phá hoại hiệu quả là lý do tồn tại của một tổ chức như OSS; thông tin và sự hợp tác cần phải được tìm kiếm ở nơi chúng có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Dựa trên những báo cáo và thái độ của những người có mặt tại chỗ, tất cả ba lý do trên chắc chắn là chính xác. Nhưng một nhân tố phụ có ảnh hưởng tới nhiều người: nhân tố con người - khả năng của con người đối với việc phát triển mối quan hệ cá nhân với những người thuộc nhiều đảng phái chính trị.

Những quân nhân đầu tiên có mặt tại Đông Dương như Frankie Tan, Dan Phelan và Charles Fenn đều thiết lập mối quan hệ thân thiết với nhiều người Việt mà họ làm việc cùng, vài nhân viên của “Đội Hươu” cũng làm như vậy, nhất là chỉ huy của họ, Allison Thomas. Cả Henry Prunier và George Wickes cũng coi những người Việt Nam mà họ cùng làm việc như những người bạn mới.

“Thậm chí sau khi sứ mạng của OSS kết thúc - Dương Trung Quốc nhớ lại - mối quan hệ giữa Việt Minh và OSS vẫn duy trì, nhưng trong phạm vi quan hệ giữa các cá nhân… Có rất nhiều tình cảm tốt đẹp, nồng ấm đối với nhau với tư cách cá nhân, với tư cách con người”.

Nhưng liệu những người này vào năm 1945 có cung cấp cho nước Mỹ sự hiểu biết sâu sắc có thể giúp ngăn chặn cuộc chiến tranh trong tương lai không? Có, như George Wickes tuyên bố: “Những bức điện chúng tôi gửi về Washington tiên liệu chính xác những gì rốt cục sẽ xảy ra nếu Pháp cố tình phủ nhận nền độc lập của Việt Nam”.

Nhưng liệu điều đó vào năm 1945 có quan trọng không? Với câu hỏi đó thì câu trả lời phải là không; xu thế chính trị vào thời điểm đó hoàn toàn khác.

Có lẽ mối quan hệ giữa OSS và Việt Minh có thể được minh họa hay nhất bằng một trong những cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa một thành viên OSS với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thiếu tá Frank White từ Sài Gòn (qua Thượng Hải) đến Hà Nội cùng George Wickes và nhân viên điện đài của họ vào mùa thu năm 1945.

White nhớ lại rằng nhóm OSS đóng tại Sài Gòn “hầu như không biết gì về mọi việc đang diễn ra với các đồng nghiệp của họ tại Hà Nội,” và chỉ nhận được những mệnh lệnh ngắn gọn thay thế cho “đội OSS đã rút đi” để tiếp tục thu thập và cập nhật thông tin về tình hình đang tiến triển, và để “tiếp xúc với Hồ Chủ tịch”.

Ngay sau khi White và Wickes thu xếp chỗ ở tại khách sạn Métropole, White gửi một bức thư tự giới thiệu tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và được mời dự một buổi chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch tối hôm đó. Anh đã đến đúng địa chỉ, đúng thời gian và phát hiện ra xung quanh mình là các tướng tá người Trung Quốc, Anh, Pháp, và cả nội các của Hồ Chí Minh.

Biết rõ cấp bậc của mình và cảm thấy không thoải mái, White đứng quay lưng lại khi mọi người chiếm chỗ của mình quanh bàn ăn. Là một thiếu tá mới được bổ nhiệm và rõ ràng có cấp bậc thấp nhất trong phòng, White hy vọng tìm được chỗ ngồi ở “một xó nào đó” nhưng cũng sẵn sàng “chuồn” nếu không còn lại ghế trống nào.

Khi tất cả mọi người đã yên vị thì chỉ còn lại một chỗ trống- chiếc ghế ngay bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

White nhớ lại: “Bữa tối là một nỗi kinh hoàng. Người Pháp tự giới hạn mình trong phạm vi trò chuyện tối thiểu và tuyệt nhiên không nói với người Trung Quốc, những kẻ nhanh chóng say xỉn… Thế rồi tôi nói thầm với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nghĩ, thưa ngài Chủ tịch, có sự nhầm lẫn nào đó trong việc sắp xếp chỗ ngồi tại chiếc bàn này”. Dĩ nhiên, tôi định nói về chỗ ngồi của tôi bên cạnh ông.

Ông suy nghĩ một lát, đoạn thành thật trả lời: “Đúng, tôi thấy điều đó, nhưng còn ai tôi có thể nói chuyện được đây?”

Lương Lê Giang (dịch)
.
.