Mối tình của một người lính Việt Nam với một phụ nữ Nga

Thứ Năm, 07/09/2006, 10:30

Câu chuyện về người phụ nữ Nga, vợ một liệt sĩ quân nhân Việt Nam sâu nặng song hành cùng tình hữu nghị Xô - Việt đã trải qua hơn 40 năm với nhiều tình tiết.

Hồi đó tôi học ở Moskva cùng thời với Đặng Quý và suốt mấy chục năm qua còn nhiều lần được tới đó học tập và công tác, tôi đã có nhiều dịp gặp mặt và trò chuyện với vợ anh, chị Zoya Grigoryevna Ermakova cùng các con của anh, cháu Alexei và Vera Nguyễn.

Năm 1960 là sĩ quan cấp úy, Đặng Quý được Bộ Quốc phòng nước ta cử sang đào tạo tại học viện quân sự Frunze ở Moskva. Ngày ấy ký túc xá học viện nằm ngay cạnh công viên mang tên Lev Tolstoi. Là những người con xa quê hương hàng vạn dặm có ai không nhớ nhà! Chiều chiều sau giờ học, Đặng Quý cũng như nhiều đồng đội của anh thường tha thẩn dạo chơi trong công viên. Cách đó không bao xa có nhà máy dệt lụa mang tên “Roza” (hoa hồng), nhiều chị em công nhân không phải người Moskva lưu trú tại khu tập thể cũng ở ngay gần đó. Hàng ngày đi làm, họ thường tắt ngang qua công viên Lev Tolstoi.

Lần đầu gặp các chàng trai nước ngoài chị em còn lạ, nhưng sau nhiều lần gặp, chị em chủ động chào hỏi, trò chuyện, làm quen. Biết đây là những thanh niên Việt Nam, một dân tộc đã ngoan cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm, họ lại càng thiện cảm. Trong số đó có Zoya Grigoryevna Ermakova, một cô gái mắt xanh tóc vàng, quê ở Ryazan cách Moskva chừng 300 km về phía tây - nam. Ngay từ lần gặp đầu tiên Đặng Quý đã có cảm tình với Zoya. Họ đã đến với nhau và trải qua mọi “giai đoạn” của tình yêu lứa đôi.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước kia hoàn cảnh kinh tế nước ta còn rất nhiều khó khăn, bởi vậy nam nữ thanh niên đi học nước ngoài phải “cam kết” không yêu người bản xứ để tránh những “hậu quả phiền hà”. Bởi thế, cho dù tình yêu là tình cảm trân trọng nhất của con người, song Đặng Quý vẫn phải lặng lẽ giấu kín. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ đến khi cháu Alexei đã chào đời, bố mẹ cháu mới có thể tổ chức cưới, đăng ký kết hôn.

Nhưng thật oái oăm, đôi vợ chồng trẻ sống bên nhau chưa được bao lâu, thì tháng 8 năm 1964 đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc nước ta. Đặng Quý cũng như các đồng đội của anh phải về nước tham gia chiến đấu. Zoya rất muốn bồng con theo chồng về Việt Nam, cho dù biết chắc cuộc sống sẽ rất gian khổ.  Cũng phải một thời gian khá lâu sau, Đặng Quý mới có thể thu xếp để Zoya bồng con về Việt Nam.

Thời gian đầu sống tại quê chồng, chị Zoya phải vào làm việc tại nhà máy dệt 8-3 để có thêm thu nhập. Nhưng rồi ngày 29/6/1966 máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Hà Nội, hầu hết các xí nghiệp, cơ quan, trường học phải sơ tán về vùng nông thôn. Khi ấy Zoya đã sinh thêm cháu gái Vera, vì vậy Đặng Quý đã quyết định cho ba mẹ con Zoya trở về quê ngoại, yên tâm lên đường đánh Mỹ. Cũng từ đấy Zoya không bao giờ còn được gặp lại người chồng vô cùng yêu thương, các cháu Alexei và Vera không bao giờ còn được cha cưng chiều

 Tháng 8/1974, Zoya nhận được thông báo của Cục cán bộ - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: “Thiếu tá Nguyễn Văn Định, sinh ngày 2/12/1924 tại Thọ Nam, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây đã hy sinh ngày 28/7/1972 tại chiến trường Miền Nam”. Chị ôm hai con vào lòng, đau đớn, cố ghìm nhưng nước mắt cứ tuôn trào.

Trong lá thư chị gửi cho bạn bè anh Quý ở Việt Nam lúc bấy giờ, chị Zoya đau buồn đã viết: “Chiến tranh biết làm sao được. Tôi bây giờ cũng như hàng chục triệu phụ nữ Liên Xô sau khi chiến tranh chống phát xít. Niềm an ủi lớn nhất của mẹ con tôi là vinh dự có người chồng, người cha là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh cho Tổ quốc, như bao chiến sĩ Hồng quân hy sinh cho đất nước Xô Viết trong chiến tranh”.

Từ đấy “cô con dâu” người Nga Zoya và hai cháu Alexei, Vera luôn là khách của Đại sứ quán nước ta ở Moskva trong các dịp lễ lớn, tết Nguyên đán. Theo chính sách hiện hành của Nhà nước ta đối với liệt sĩ, thì người thân là bố mẹ, vợ (chồng) khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng chế độ tuất liệt sĩ, còn đối với các con thì được hưởng đến trên 16 tuổi nếu còn đi học. Trường hợp của liệt sĩ Đặng Quý thì bố mẹ anh ở Việt Nam đã qua đời, nên lúc này chỉ có vợ con anh đang sống ở Liên Xô, nhưng năm 1975, chị Zoya mới 40 tuổi, nên chỉ có hai cháu Alexsei và Vera được hưởng tuất liệt sĩ của bố.

Năm 1984 bà 50 tuổi, theo chế độ của nước Nga bà phải nghỉ hưu, khi ấy cậu con trai Alexei đã tốt nghiệp trường trung cấp kỹ thuật, còn cô con gái Vera cũng đã lấy chồng có cuộc sống riêng. Trở về quê hương ở Ryazan, với đồng lương hưu khi ấy bà có thể thu xếp cuộc sống tạm ổn. Lúc còn sung sức, còn làm việc, có đồng lương, bà Zoya không nghĩ đến những chế độ trợ cấp cho gia đình liệt sĩ. Thế rồi tình hình Liên Xô biến đổi, cuộc sống người dân Nga từ sau năm 1990 trở đi ngày càng khó khăn, trong hoàn cảnh ấy bà Zoya không có việc làm, với đồng lương hưu (tương đương 20 USD) không đủ sống. Chính lúc đó, bà đã nghĩ đến nhờ sự giúp đỡ của người anh em Việt Nam. Song phải đắn đo mãi đến năm 1998 bà Zoya mới viết đơn gửi Bộ LĐTBXH Việt Nam.

Trong đơn bà viết: “Tôi, Nguyễn Zoya Grigoryevna là vợ thiếu tá liệt sĩ Nguyễn Văn Định (tức Đặng Quý) sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Chồng tôi đã hy sinh năm 1972 khi làm nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Tổ quốc. Kính đề nghị quý Bộ xem xét giúp đỡ trợ cấp cho tôi theo tiêu chuẩn vợ liệt sĩ”. Đấy là đề nghị hoàn toàn chính đáng, nên Đại sứ Ngô Tất Tố và Đại tá-Tuỳ viên quân sự  Đinh Nho Hồng (đương nhiệm ở Nga khi ấy) đã hết lòng giúp đỡ bà Zoya. Bộ LĐTBXH ngày 25/7/2000 đã ra Quyết định số 708/QĐ-LĐTBXH cấp tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ một lần cho bà Zoya, tính từ tháng 1-1984 (khi bà hết tuổi lao động) đến ngày 31/12/2001, tổng cộng 216 tháng (mỗi tháng 90 nghìn đồng), được 19.440.000 VN đồng, quy đổi ra được 1359,08 USD.

Nhận được số tiền ấy bà Zoya vô cùng cảm kích bởi đấy là tình nghĩa thuỷ chung, là sự quan tâm trước sau như một của Đảng và Nhà nước đối với thân nhân của những người con đã hy sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa số tiền đó lại đến đúng vào lúc gia đình bà đang vô cùng túng thiếu, đứa cháu nội của bà trượt patanh bị ngã gãy chân, còn chưa biết xoay đâu ra tiền thanh toán viện phí. Bà Zoya nghẹn ngào cám ơn Đảng và Chính phủ, cũng như những bạn Việt Nam đã không quên gia đình bà

Xuân Nguyên - Gia Sơn
.
.