Chuyện làng văn nghệ

Mỗi người một mẹo

Thứ Hai, 20/02/2012, 08:00

Để làm nên những trang viết có sức chinh phục độc giả, các nhà văn, nhà thơ - ngoài tài năng thiên bẩm của mình còn có những cách thức làm việc khác nhau, và lắm khi rất kỳ công. Thật là "mỗi người một mẹo".

Có lần, Ludovico Ariosto (1437-1533), nhà thơ, nhà viết kịch Italia vĩ đại thời Phục hưng bị ông cụ thân sinh mắng cho một trận tơi bời. Nhà thơ im thin thít không dám cãi một câu. Mãi sau, chờ ông cụ nguôi giận bỏ đi chỗ khác, các bạn của Ariosto mới sán lại hỏi, định an ủi Ariosto. Không ngờ nhà thơ trẻ chẳng những không buồn mà lại còn tỏ ra đắc ý. Ông giải thích: "Tôi đang soạn một vở kịch. Đến đoạn nhân vật người con bị ông bố mắng chửi thì… tắc, chẳng biết dùng lời lẽ thế nào cho hợp ngữ cảnh. Cực chẳng đã, tôi bèn nghĩ ra cách chọc ghẹo bố mình, khiến cụ nổi đóa chửi cho một trận. Vậy là tôi chỉ việc chép lại, phục vụ cho vở kịch…

Văn hào Pháp Alexandre Dumas (1802-1870) là người có sức viết rất dồi dào. Di sản văn chương ông để lại có tới hàng trăm cuốn sách, với hàng ngàn nhân vật. Các nhân vật của ông nhiều đến nỗi có lúc ông viết tiểu thuyết mà quên khuấy rằng mình đã để cho một nhân vật chết ở chương 20 sau đó lại xuất hiện ở chương 40. Để tránh sự trùng lặp đáng tiếc như vậy tái diễn, Dumas đã cắt những tấm bìa thành hình các nhân vật, trên đó ông ghi rõ đầy đủ tên, tuổi, màu tóc, dáng hình… của họ. Trường hợp nhân vật đã chết, ông vứt ngay tấm bìa vẽ hình nhân vật ấy vào sọt giấy lộn.

Với văn hào Nga Nikolai Gogol (1809-1852), trước khi bắt tay vào sáng tác, ông quan sát thực tế rất nghiêm ngặt. Nhà văn từng thổ lộ rằng, ông muốn được "sờ mó xã hội một cách tới nơi tới chốn chứ không phải chỉ liếc nhìn nó trong khi khiêu vũ hoặc khi đi dạo". Chính vì quan điểm như vậy mà hễ có dịp gặp được người có vốn hiểu biết đời sống uyên thâm, Gogol thường bám riết lấy người đó để gợi chuyện. Thời gian sống ở Italia, ông từng có lần đứng lặng lẽ cả tiếng đồng hồ để theo dõi những lời đùa cợt giữa hai người gánh nước trẻ vui tính.

Trong thời gian tập trung hoàn tất một cuốn tiểu thuyết, vì sợ mình có thể bị phân tán bởi những chuyện liên quan đến cuộc sống bên ngoài, văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885) đã tự tay cắt một nửa mái tóc, cạo một nửa bộ râu rồi vứt dao kéo qua cửa sổ. Cứ thế, nhiều ngày liền ông không ra khỏi nhà, cúi mặt vào trang viết. Tới khi râu tóc mọc lại cũng là lúc cuốn tiểu thuyết của ông hoàn thành.

Giống như nhiều nhà văn khác, văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn (1881 - 1936) có thói quen sáng tác vào ban đêm. Trước khi đặt bút viết, bao giờ ông cũng nung nấu thật kỹ. Bởi vậy, bản thảo của ông rất sạch. Nhà văn chỉ chữa một đôi câu chữ chứ ít khi gạch, xóa cả đoạn dài. Và để giữ sức làm việc dài lâu, Lỗ Tấn cẩn thận đến cả cách ngồi viết. Ông kê ghế, kê bàn ngay ngắn, đặt trang giấy vừa tầm mắt. Chính vì thế mà dù sáng tác liên tục nhiều năm, song lưng ông vẫn không hề bị còng.

Văn hào Pháp Gustave Flaubert (1821-1880) là tác giả cuốn tiểu thuyết trứ danh "Bà Bovary". Ông là người có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự nghiệp sáng tác của nhà văn Guy de Maupatssant. Tương truyền, khi mới chập chững vào nghề, Maupatssant đến xin thầy Flaubert "thụ giáo". Maupatssant hỏi: "Thưa thầy, trong phương pháp tả cảnh, tả người, tả vật, ta cần chú ý đến cái gì trước nhất?". Flaubert nói ngay: "Cần lấy cái độc đáo làm chính. Cậu hãy nhìn đàn ngựa kia. Phải tả sao để một con trong đó không giống với bất kỳ con nào khác trong đàn". Đây có thể coi là bài học vỡ lòng và cũng là bài học có ý nghĩa thiết thực nhất trong đời viết văn của Maupatssant.

Đối với thi hào Nga Aleksand Pushkin (1799 - 1837) thì việc viết sao để thu hút độc giả là điều quan trọng hơn cả. Một lần, một người bạn sau khi đọc tác phẩm  "Người tù Kavkaz" của Pushkin đã chê cảnh kết thúc của nó không được rõ ràng. Pushkin liền hỏi lại: "Vấn đề là anh thấy nó có thu hút anh không?". "Dĩ nhiên là có chứ" - Người bạn đáp. Pushkin cười: "Thế nghĩa là tôi đạt được ý định của mình rồi. Trong sáng tác, không nhất thiết mọi việc đều phải nói hết ra. Đó chính là bí quyết để tạo nên sự thu hút"

Kỳ Lâm
.
.