Martha Gellhorn - Tình yêu định mệnh của Ernest Hemingway.

Thứ Năm, 17/06/2021, 17:59
Martha Gellhorn là một trong số những nữ phóng viên chiến trường đầu tiên và cũng thuộc số những nhà báo phóng sự giỏi của thế kỷ 20. Ngoài ra, bà còn được biết đến từng là người vợ thứ ba của Ernest Hemingway. Bà sống thọ đến 90 tuổi với 60 năm làm nghề báo.


Martha chính thức được vinh danh là một trong năm nhà báo có ảnh hưởng nhất đến xã hội Mỹ ở thế kỷ 20. Thậm chí, để kỷ niệm sự kiện này, đã có một loạt tem bưu chính đặc biệt được phát hành tại Mỹ. Có một số bộ phim và cuốn sách về bà đã trở thành bestseller như “Người di cư tuyệt vời - cuộc đời của Martha Gellhorn” của Carla Rolliston, và “Gellhorn: Cuộc sống ở thế kỷ 20” của Caroline Moorehead. Ngoài ra, có lẽ Martha là người phụ nữ duy nhất đã rời bỏ E.Hemingway huyền thoại chứ không đợi đến lúc ông rời bỏ bà.

Nữ phóng viên chiến trường qủa cảm Martha Gellhorn. 

Nghiệp báo chí

Martha Ellis Gellhorn sinh ngày 8-11-1908 tại thị trấn Sant Louis nước Mỹ. Cha của bà là bác sỹ, mẹ là một người khá nổi tiếng về bảo vệ nữ quyền. Từ nhỏ cô bé Martha đã làm thơ và viết một số truyện ngắn, để rồi sau khi tốt nghiệp đại học bà từng muốn chinh phục thế giới với ước mơ trở thành một nhà văn lớn. Một vài năm Martha đã làm phóng viên tin tức hình sự, tuy nhiên khát khao với những chuyến đi xa đã thôi thúc Martha đến châu Âu.

Thật ngạc nhiên là nữ phóng viên trẻ đã có nhiều mối kết giao với những nhân vật có ảnh hưởng. Vì thế mà tại Pháp, gần như ngay lập tức Martha được nhận vào làm việc tại tạp chí danh tiếng “Vogue”. Tại Paris, Martha đã làm quen với nhà văn Bertran de Juvenel, con trai của một chính khách và là nhà ngoại giao danh tiếng của Pháp. Cuối cùng, xã hội Pháp nhanh chóng làm cho Martha cảm thấy chán chường. Khi đó một cuộc chiến tranh khác đang nổ ra tại châu Âu.

Khi Martha trở về nước Mỹ, các bài phóng sự của bà đã gây nên sự chú ý của một người rất quyền lực là Harry Hopkings - người làm việc trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Franklin Roozvelt thời đó. Nữ nhà báo trẻ và năng nổ được ông phái đi khắp đất nước để viết một loạt bài về hậu quả của cuộc Đại suy thoái. Kết quả là Martha đã dần trở nên thân thiết với Đệ nhất phu nhân Eleonor Roozvelt.

Martha có cơ hội được nhận một chức vị trong chính quyền và tạo dựng sự nghiệp chính trị. Tuy vậy, trong tiềm thức của bà thì sự say mê những cuộc phiên lưu còn lớn hơn. Nhờ vậy mà bà đã được làm quen với một nhà văn viễn tưởng nổi tiếng khác là Gerbert Wells, là người có mối quan hệ gần gũi với gia đình tổng thống Mỹ. Wells đã có vợ và có nhiều nhân tình. Thế nhưng, dưới sự ảnh hưởng của Martha, ông đã cùng với bà đến châu Âu là nơi ngọn lửa nóng bỏng của cuộc chiến tranh mới đang bùng lên mạnh mẽ. Thực tế thì chính Well đã đưa Martha vào thế giới của một nhà báo lớn và đã bảo trợ cho bà mọi thứ. Suốt nhiều năm sau họ vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết ngay cả khi cả hai đã có gia đình riêng.

Cuộc hôn nhân với Ernest Hemingway

Giữa những năm 30 Martha Gellhorn đã bước lên đỉnh cao trong nghề báo. Bà đã nhiều lần đi khắp châu Âu, viết các bài phóng sự về cuộc sống tại các vùng sâu, vùng xa của nước Mỹ và bóc trần những vấn đề nhức nhối khác nhau của xã hội này.

Một lần Ernest Hemingway đã gặp Martha tại Phlorida trong quán bar Naughty Joe. Người phụ nữ tóc vàng và sắc sảo mặc chiếc váy dài màu đen thực sự đã làm cho ông rung động. Họ nhiều lần nói chuyện về Tây Ban Nha là nơi mà Hemingway say mê. Và không có gì ngạc nhiên khi cặp đôi đã cùng đi đến nước này khi cuộc nội chiến đang bùng phát. 

Cả hai đến Tây Ban Nha vào năm 1937 với một chiếc va ly duy nhất dùng chung và với 50 đô-la trong túi. Martha lúc đó 29 tuổi, còn Hemingway đã 37. Cả hai đều có cảm tình đối với chính phủ Tây Ban Nha trong cuộc đấu tranh chống lại các tướng lĩnh phát xít và họ đã viết nhiều bài phóng sự về những sự kiện bi thảm đã xảy ra. Tuy nhiên, một số nhà phê bình thời đó và cả đến bây giờ vẫn coi các bài viết của Martha hay hơn nhiều so với các bài của Hemingway, người yêu danh tiếng của bà.

Đến năm 1940 Martha và Hemingway chính thức kết hôn. Họ cùng nhau đến Phần Lan, Pháp, Indonesia, Trung Quốc và tỏ ra là những phóng viên chiến trường sáng giá. Chính nhà văn si tình Hemingway đã viết tặng Martha một trong số những tiểu thuyết hay nhất của mình “Chuông nguyện hồn ai” và cuốn sách đã mang đến cho ông vinh quang khắp thế giới. Hai vợ chồng sống tại Havana, lúc đầu họ ở một căn phòng của khách sạn Ambos Mundos, sau đó ở điền trang riêng Finca Vigia vì Martha đã chán cảnh sống lang thang đây đó.

Thế nhưng cuộc hôn nhân của Martha và Hemingway chỉ kéo dài được bốn năm. Martha có tính độc lập cao độ. Bà đã từ chối thay đổi theo họ của chồng cũng như những ý thích bất chợt của ông. Bà hoàn toàn không hứng thú với cuộc sống của một người nội trợ giống như hai người vợ trước của Hemingway. Và Hemingway từng than phiền với bạn bè rằng: “Bà ấy là một phụ nữ tham vọng nhất trong số tất cả những người đã sống trên trái đất này”.

Phóng viên chiến trường xuất sắc

Rút cuộc thì Martha đã bỏ đi châu Âu để viết những bài báo mới từ các chiến trường của cuộc chiến tranh Thế giới II. Martha gần như là nhà báo duy nhất đã được lên tàu cứu thương và tham gia trực tiếp vào cuộc đổ bộ của quân đồng minh tại Normandi khi Mặt trận thứ hai được mở ra. Sau đó bà đã thuyết phục binh lính để được lên chiếc máy bay của Anh có nhiệm vụ đi ném bom xuống các địa điểm của quân Đức. Nữ phóng viên này còn tham gia vào việc giải phóng trại tập trung Dahau. Bà là một trong số những người đầu tiên viết về tất cả những điều khủng khiếp diễn ra tại các trại tập trung của quân Đức.

Martha Gellhorn và Ernest Hemingway.

Hemingway bị bỏ lại ở Cuba và với tâm trạng tuyệt vọng, ông đã đến châu Âu để tìm vợ nhưng Martha đang thực hiện chuyến đi tiếp theo. Sau đó tại một buổi tiệc, Hemingway đã làm quen với một người đẹp tóc vàng khác cũng là nhà báo tên là Mary Wels và lập tức tuyên bố muốn kết hôn với cô. Sau buổi tiệc và ngà ngà say, ông đã lái xe trở lại khách sạn, bị mất lái rồi lao vào bồn nước. 

Khi Martha tìm thấy ông trong bệnh viện với băng cuốn đầy đầu, bà chỉ cười vẻ ngoài lạ lẫm của ông cùng với lời nói “trong chiến tranh người ta không xử sự như vậy” rồi bà lại đi ra chiến trường. Hemingway đã không tha thứ cho điều này, kết quả là một bức thư được gửi đi: “Hoặc em là phóng viên trong cuộc chiến này, hoặc là người phụ nữ trên giường của tôi”. Martha đã chọn nghề báo, còn Hemingway thì cưới Mary Wels.

Thế nhưng cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Hemingway vẫn lưu tên Martha vào danh sách dài “những người phụ nữ của Già Hem” và là người vợ cũ thứ ba của ông. Nhiều năm sau bà đã than thở với các đồng nghiệp trong một buổi phỏng vấn: “Tôi đã là một nhà văn trước khi gặp ông ấy và tôi là một nhà văn trong suốt 45 năm sau đó. Vì sao tôi phải là một cái bóng đối với cuộc sống của ai đó?”.

Thực vậy, sự nghiệp của Martha vẫn tiếp tục sau khi chia tay với người chồng nổi tiếng. Những gì được chứng kiến trong chiến tranh đã khiến Martha tích cực ủng hộ quyền của người Do Thái tạo nên quốc gia riêng của họ trong những năm hậu chiến. Bà là một trong số ít những nhà báo đã viết chi tiết về việc tìm kiếm những kẻ tội phạm Đức Quốc xã và đặc biệt là về phiên tòa xét xử Adolf Eichmann.

Nhưng cuộc chiến trên trái đất vẫn không dừng lại. Vào thập niên 60, Martha Gellhorn đã sang đất nước Việt Nam đang có chiến tranh. Sau khi nói với thế giới về Chiến tranh Việt Nam, bà không thể tha thứ cho quê hương mình vì những điều khủng khiếp mà bà đã thấy ở đó. Sau này, bà còn viết về vụ thảm sát ở El Salvador và các nước Mỹ Latinh khác, về các cuộc xung đột Ả Rập - Israel. Bà đến châu Phi và Java. Độc giả Mỹ và những thế hệ sau có cơ hội được biết đến hầu như tất cả các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20 thông qua cách nhìn của Martha Gellhorn. Bà chỉ không thể đến được điểm nóng Nam Tư và buồn bã thừa nhận rằng mình “đã quá già để viết về nó”.

Sự độc lập tuyệt đối và tính khí quyết liệt (và có lẽ từ cuộc hôn nhân không thành công với Hemingway) đã không cho Martha có được hạnh phúc trong đời tư. Năm 1953, bà kết hôn lần thứ ba với Tổng biên tập tờ “Times” T.Matthews. Cuộc hôn nhân tan vỡ vào năm 1963 sau khi bà phát hiện chồng mình có một cuộc tình lâu dài với người phụ nữ khác. Martha có một con trai là George Alexander Gellhorn và một người con nuôi là Sandy Matthews. Nhưng Martha không che giấu sự thật rằng bà từng thất vọng trong hôn nhân.

Vào cuối đời, Martha gần như bị mù, bị ung thư và mắc nhiều trọng bệnh khác. Bà hầu như không thể đọc, viết và thấy cuộc sống đã mất hết ý nghĩa. Tại nhà riêng ở London vào ngày 15 tháng 2 năm 1998, nữ nhà báo, nhà văn Martha Gellhorn đã uống thuốc ngủ từ giã cuộc đời, cũng giống như Hemingway từng làm.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.