Đạo diễn Trần Quốc Sơn:

Mải miết những thước phim chân thực

Thứ Năm, 21/01/2016, 08:30
Phim tài liệu về đề tài truyền thống, lịch sử vốn bị mặc định là khô khan và kén người xem, nhưng dưới bàn tay của đạo diễn trẻ Trần Quốc Sơn, những thước phim ấy trở thành câu chuyện lôi cuốn nối quá khứ và hiện tại. "Cuộc gặp gỡ sau 48 năm" giành Huy chương vàng thể loại phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 tổ chức tại Quảng Bình cuối tháng 12-2015 là một bộ phim như thế.  


Cựu phi công không lực Hoa Kỳ, Thiếu tá Charlie Plumb tình cờ có được bản dịch tiếng Anh cuốn "Không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965 - 1975 nhìn từ hai phía" của Trung tá không quân Nguyễn Sỹ Hưng. Nhìn thấy tên mình trong sách, ông đọc vội:  "Charlie Plumb nhớ vào chiều ngày 24-4-1967 ở vùng trời đó, ông đụng độ 3 chiếc Mig 17, trong đó có 2 chiếc màu tối, 1 chiếc màu sáng. Ông nói có cách gì tìm được danh tính những người đó. Tra cứu tư liệu thì tôi biết đó là biên đội của Nguyễn Văn Bảy".

Cuốn sách như kim chỉ nam dẫn đường cho Plumb đến Việt Nam gặp lại người mà 48 năm trước không cùng màu da, màu tóc lẫn màu áo lính. 48 năm sau, hai mái tóc đã bạc một màu.

Cựu phi công Charlie Plumb và Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy trong một cảnh phim "Cuộc gặp gỡ sau 48 năm".

Có hạnh phúc nào bằng những hạnh ngộ ngỡ thiên duyên. Charlie Plumb tình cờ nhờ cuốn sách mà hạnh ngộ với  "cố nhân" - Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Bảy - giữa miệt vườn Đồng Tháp bên chén rượu, rau vườn. Còn đạo diễn Trần Quốc Sơn tình cờ biết được chuyến về thăm Việt Nam hiếm hoi của Charlie Plumb mà vội vã mang máy xuôi về miền Tây. Có lẽ cuộc gặp gỡ ấy sẽ chẳng mấy ai biết và nó chỉ lưu lại trong ký ức người trong cuộc, rồi quên lãng khi họ nằm xuống.

Nhưng may mắn thay cho Trần Quốc Sơn hay may mắn thay cho hai nhân vật chính, chiếc máy quay đã kịp ghi lại để cuộc gặp gỡ nêu tên mình vào lịch sử. Huyền thoại không quân Việt Nam một thời nay đã thành lão nông Bảy Lúa, ngày ngày lam lũ ruộng vườn, lấm lem bùn đất. Râu chòm hiền từ, lão nông tri điền ấy toát lên phong thái sang sảng, chất phác của ông già Nam bộ. Tất cả mách Charlie rằng ông không lầm khi nhận mặt người xưa.

Từng là kẻ thù của nhau giữa hai chiến tuyến, giờ đây họ thanh thản bắt tay nhau như hai con người cùng may mắn sống sót qua cuộc chiến để thấm thía giá trị của hòa bình... "Ekip làm phim không có tham vọng làm bộ phim tài liệu khái quát cả một giai đoạn lịch sử mà chỉ thông qua sự kiện phát hiện ra cuộc hội ngộ sau 48 năm gặp nhau trên chiến trường để nói lên tình yêu hòa bình của con người trong cuộc chiến" - đạo diễn Trần Quốc Sơn cho biết.

Để làm nên 27 phút phim tài liệu, đoàn làm phim phải rong ruổi khắp Hà Nội, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa... ghi nhận hình ảnh, gặp gỡ nhân chứng. Charlie chỉ ở lại Đồng Tháp vỏn vẹn hai ngày nên công việc của ekip phải gấp rút để thu được nhiều cảnh quay quan trọng. Tư liệu về thời trẻ của hai nhân vật chính rất khó tìm, phải liên hệ từ nhiều nơi và nhiều nguồn.

Dù chỉ dài khoảng 27 phút, bộ phim "Cuộc gặp gỡ sau 48 năm" với những hình ảnh hiện thực sinh động vẫn dẫn dắt người xem trở về với những thời khắc không thể nào quên. Ở đó, không phải là tiếng bom đạn xé trời mà là câu chuyện thấm đẫm tình người. Phim kể về năm tháng bị bắt, được đối xử đầy nhân văn trong nhà tù và niềm hạnh phúc khôn xiết của Charlie Plumb và gia đình khi ông được trao trả về nước với hình hài khỏe mạnh.

Trên hết, đó là những chiến công lừng lẫy từ chiếc máy bay "cổ lỗ" của anh hùng Nguyễn Văn Bảy. Đời phi công, chưa lần nào ông phải nhảy dù thoát thân trước đối phương hùng mạnh. Người Anh hùng ấy là tượng đài cao đẹp của, một dân tộc không khuất phục trước bất cứ thế lực nào nhưng luôn hiền hòa, yêu hòa bình. "Đối với anh Bảy, bắn rơi một máy bay giống như là nông dân cày xong thửa ruộng thôi" - lời trong phim của đại tá Lương Quốc Bảo.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn tâm niệm "người sống nhiều hơn không phải là người cao tuổi hơn, mà là người biết sử dụng cuộc sống của mình tốt hơn". Đi nhiều, quay nhiều, gặp gỡ những người anh hùng áo vải lấm bùn như lão nông Bảy Lúa, anh hiểu rằng đời sống thực tại có biết bao viên ngọc trong đá. Và viên ngọc đó được bồi lấp nên từ sự phụng hiến hết lòng. Từng kinh qua nhiều thể loại phim từ truyền hình, khoa học, công nghệ… nhưng cuối cùng đạo diễn Trần Quốc Sơn chọn phim tài liệu để gắn bó. Đơn giản, anh yêu những hạt ngọc ẩn trong vỏ chân thực thô mộc.

Năm cuối tại Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, anh tình cờ đọc được một bài phóng sự trên báo Tuổi Trẻ kể về một làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Đó là một trong những làng gốm cổ xưa nhất của đồng bào dân tộc Chăm. Vào thời điểm hưng thịnh, cả làng làm nghề gốm, nhưng đến nay, chỉ còn 30% số hộ dân gắn bó với nghề và tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần.

Đồng cảm với tâm huyết giữ nghề trong vòng xoáy khốn khó của các nghệ nhân, Sơn cùng một người bạn bắt tay chuyển tải những trăn trở ấy lên phim tài liệu. NSND Trần Quốc Dũng, khi ấy là giảng viên môn quay phim, vỗ vai cậu học trò: "Thầy tin tưởng, chờ đợi ở em một tác phẩm mang hơi thở không chỉ đẹp về hình ảnh mà còn có câu chuyện súc tích và nhân văn".

Nghe tin chàng sinh viên Bến Tre tốt nghiệp loại giỏi ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình nhờ bộ phim này, NSND Trần Quốc Dũng không hề ngạc nhiên.

Trần Quốc Sơn đam mê phim tài liệu vì ở đó, anh có thể làm việc độc lập, tha hồ sáng tạo mà ít chịu sự kiểm soát của nhà sản xuất lẫn thị trường. Anh đam mê và ngụp lặn trong cuộc sống đương đại, coi mình vừa là chứng nhân, vừa là sứ giả bắt nhịp giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Những thước phim của anh như "Người thổi hồn cho gốm Bàu Trúc",  "Người Sài Gòn và cá cảnh"; "Họa sĩ Trần Đạt - tốc họa", "Vang mãi bản hùng ca", "NSƯT Thế Hiển - Nhánh lan rừng nở mãi", "Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP Hồ Chí Minh"… đều gặt hái nhiều giải thưởng, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn nhận huy chương vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 tại Quảng Bình tháng 12- 2015.

"Cuộc gặp gỡ sau 48 năm" thể hiện rõ cá tính sáng tạo của Trần Quốc Sơn. "Trong các phim, tôi thường chú ý nhiều đến tính nhân văn, tính xây dựng, cái chân thành của cảm xúc và sự chặt chẽ trong bố cục. Tôi tìm thấy niềm vui trong sự vất vả của những ngày tác nghiệp, thấy hình bóng của mình và những người xung quanh trong các nhân vật mà tôi xây dựng. Khi bắt tay vào làm phim không nên để bất kỳ áp lực nào đè nặng mình. Hãy coi mỗi bộ phim giống như một cuộc chơi nghề mà ở đó tôi cùng các đồng nghiệp của mình được sát cánh, được thỏa sức vùng vẫy trong thế giới hình ảnh và đời sống của các nhân vật".

Phim tài liệu ở Việt Nam vẫn là mảnh đất kén khán giả nên những đạo diễn trẻ hiếm ai mạo hiểm thử sức. Thời gian gần đây nổi lên những gương mặt mới mẻ của dòng phim này như đạo diễn Đặng Hoàng Giang, phim "Lửa Thiện Nhân" hay Nguyễn Thị Thắm, phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng". Nhưng đó đều là những đề tài xã hội nóng bỏng, được nhiều người quan tâm trong khi đề tài truyền thống, lịch sử mà Trần Quốc Sơn dấn thân theo đuổi vẫn bị coi là đề tài "cúng cụ". Cái gì làm nên sức hút ở tác phẩm của anh?

Cách dẫn dắt chuyện của Trần Quốc Sơn thường không đao to búa lớn, lời bình không quá nhiều mà anh bắt khoảnh khắc, câu chuyện của nhân vật để họ tự lột tả chính mình. Thước phim của anh cũng không ẩn ý nhiều như kiểu ngôn ngữ điện ảnh mà giản dị, phóng khoáng như chất miền Tây chảy trong huyết quản. Viết kịch bản, anh tâm niệm phải khác người và khác cả chính mình.

Trần Quốc Sơn thường không quan tâm đề tài đó khó hay dễ, ăn khách hay không ăn khách. Khi đã thích, đã bắt tay thực hiện, cuộc hành trình sẽ đi đến tận cùng có thể. Đó là cuộc phụng hiến hết lòng mà anh học được từ khi bắt tay đi tìm chất ngọc ở đời. Nếu như người ta hay ví von những người làm báo là những người viết sử đương đại thì những người làm phim tài liệu lại là người tái hiện lịch sử qua cách nhìn đương đại.

Nguyên tắc của anh hết sức đơn giản: đạo diễn phim tài liệu phải có hành trang vốn sống để cảm nhận rất nhanh mọi điều, không ngừng trau dồi nghề nghiệp cùng sự say mê và trách nhiệm công dân của nhà báo. Bởi anh tin, với bất cứ đề tài nào, nếu được ủng hộ, khích lệ, kèm thêm tinh thần trách nhiệm cao, tay nghề vững và sáng tạo không ngừng nghỉ thì thước phim ấy sẽ đáng giá và thu hút công chúng.

Quỳnh Nga
.
.