Một lần được gặp Rasul Gamzatov

Thứ Năm, 19/11/2020, 13:26
Rasul Gamzatov sinh ngày 8 tháng 9 năm 1923, cha của ông cũng là một nhà thơ nổi tiếng của Daghestan. Ông làm thơ từ khi 11 tuổi và được nhận giải thưởng Stalin vào năm 29 tuổi. Tác phẩm “Daghestan của tôi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông được bạn bè khắp thế giới biết đến, trong đó có Việt Nam.


Tháng 12 năm 1991, Liên xô tan rã, các nước cộng hòa trong liên bang tuyên bố độc lập. Tổng Bí thư Goocbachev từ chức, chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Yeltsin. Theo đó, Hội Nhà văn Liên xô cũng tan như các hội đoàn khác. Hội Nhà văn Nga chia thành hai hội, trong đó có một hội truyền thống vẫn yêu Việt Nam. Việc quan hệ ngoại giao giữa hai bên hội đã bị gián đoạn mà chưa có cơ hội nối lại. 

May thay vào cuối năm 1994, do những mối quan hệ cá nhân, nhà văn dịch giả Thúy Toàn chắp mối với Hội Nhà văn Nga cho Hội Nhà văn Việt Nam một chuyến sang Nga. Và chuyến đi Nga đó, nửa chính thức nửa không, coi như một chuyến đi thăm dò, nếu được sẽ chắp mối quan hệ truyền thống giữa hai Hội Nhà văn Việt – Nga.

Ấy là năm 1994, chúng tôi: Thúy Toàn, Tô Đức Chiêu, Trần Nhương đã sang thăm Nga nối lại quan hệ giữa hai Hội. Chuyến đi được Hội Nhà văn tài trợ một phần kinh phí máy bay, ăn ở các nhà văn tự lo. May thay, Hội Nhà văn có làm việc với Đại sứ quán ta tại Nga nên ngài Đại sứ cho tá túc tại nhà khách của Đại sứ và nộp kinh phí lưu trú như quy định.

Tác giả Trần Nhương và nhà thơ Gamzatov trong cuộc gặp gỡ 26 năm trước.

Những ngày thăm Nga, chúng tôi được Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga tiếp, trao đổi ý kiến về việc nối lại quan hệ hai hội nhà văn. Chúng tôi lĩnh hội ý kiến về báo cáo với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Olex Bavykhin - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Nga tự lái con xe của mình cho chúng tôi đi làm việc, tham quan Mátxcơva, thăm nhà nhà văn Pasternak.... 

Đến bây giờ, trong phòng truyền thống của Hội Nhà văn Nga vẫn treo tấm ảnh chụp chung giữa chúng tôi với Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga. Các bạn Nga coi chuyến đi của chúng tôi là Đại sứ chắp nối lại quan hệ giữa hai Hội Nhà văn Việt – Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.

Có một ngày, Đại sứ Ngô Tất Tố mời vợ chồng nhà thơ Rasul Gamzatop đến thăm và gặp gỡ đoàn nhà văn chúng tôi. Ông vui tươi hóm hỉnh kể chuyện rằng mình có bao huân chương nhưng không nhớ, chỉ nhớ bị kỉ luật vì trót yêu một người ngoài vợ. Bà vợ ông (không biết là người vợ thứ mấy) nghe chồng kể chuyện đã cùng chúng tôi cười rất to. Ông luôn nhắc đến Việt Nam trong cuộc trò chuyện ấy…

Rasul Gamzatov sinh ngày 8 tháng 9 năm 1923, cha của ông cũng là một nhà thơ nổi tiếng của Daghestan. Ông làm thơ từ khi 11 tuổi và được nhận giải thưởng Stalin vào năm 29 tuổi. Tác phẩm “Daghestan của tôi” là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông được bạn bè khắp thế giới biết đến, trong đó có Việt Nam. 

Ông đã được trao tặng các danh hiệu “Nhà thơ nhân dân Daghestan”, “Anh hùng Lao động Liên Xô”, “Nhà thơ lớn của thế kỷ XX” và giải thưởng “Hoa sen” của Hội Nhà văn Á-Phi. Ông còn là Đại biểu Xô- viết tối cao Liên Xô nhiều năm liền và đảm nhận cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn Daghestan hơn nửa thế kỷ.

Những vần thơ về tình bạn, tình yêu, tình nhân ái của Gamzatov làm xúc động lòng người trên toàn thế giới, song đó mới chỉ là bản dịch. Những đồng bào của ông khẳng định rằng, trong tiếng Avar Kavka, những vần thơ đó còn hay hơn rất nhiều.

Tổng thống Vladimir Putin đã từng có lần mời Gamzatov đến chơi thành phố biển Sochi, nơi ông đang có chuyến công du và đích thân chúc mừng nhà thơ. Putin nói: “Bạn đọc yêu mến Gamzatov vì ông đã dạy chúng ta một cách rất chân thành và tinh tế những giá trị chung của con người như tình yêu, tình bạn, lòng thủy chung, sự trung thực... Đã hàng chục năm nay, chưa nói đến văn đàn, ngay cả trong đời sống chính trị của đất nước, Rasul Gamzatov cũng là một tên tuổi không thể thiếu được...”.

Ông có uy tín gần như tuyệt đối với tất cả mọi người ở Kavkaz, một vùng đất có nhiều xung đột sắc tộc, văn hóa, tôn giáo.

Ông đã từng viết những câu thơ nói các vấn đề trong xã hội:

...Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên
Từ xưa tới nay vẫn thế
Thuốc độc, lòng tham và tiền
Có thể giết người ta rất dễ
Nhưng tôi không hiểu một điều
Vì sao, tôi không biết:
Rằng nhiều khi sự thật và tình yêu
Cũng có thể làm cho người ta chết...

Phụ nữ và tình yêu luôn là đề tài chính trong các tác phẩm của ông. Gamzatov được nhiều bạn trẻ biết đến với câu thơ nổi tiếng: “Tôi đã yêu hàng trăm người phụ nữ. Nhưng trong mỗi người đều mang bóng dáng em”, và câu “không có ai hát hay bằng những người mẹ...”.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh đã từng bày tỏ: “Ngoài đời tôi thích Che Guevara, còn trong văn học tôi thích một nhà thơ chỉ đại diện cho 500.000 dân nhưng tác phẩm lại gây dấu ấn mạnh toàn thế giới. Đó là Rasul Gamzatov, người con vĩ đại của dân tộc Dagestan...”.

Cuộc gặp gỡ Gamzatov đã 26 năm vẫn để lại cho tôi kỉ niệm không phai mờ. Một nhà thơ sống chết với quê hương Daghestan, ông đã mang dân tộc Ava đến với thế giới và mang thế giới đến quê hương mình. Ông đã về với đất mẹ Daghestan 13 năm rồi. Nhớ đến ông, tôi lại nhớ câu thơ nịnh vợ tài hoa của ông:

Anh yêu một trăm cô gái trong em
Nghĩa là yêu em mạnh gấp một trăm lần
!”.

Trần Nhương
.
.