Long đong phận sách

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:30

Không phải bất cứ một cuốn sách nào, kể cả những tác phẩm mà về sau đã trở thành những viên ngọc trong kho tàng văn hóa chung, đều được đón nhận một cách hồ hởi ở nơi đã sinh ra nhà văn.

Ngay cả cuốn tiểu thuyết rất lừng danh "Sự dễ dàng không chịu nổi của đời sống" của nhà văn người Czech Milan Kundera, được viết ra từ hàng chục năm trước, chỉ mới đây thôi mới được in lần đầu tiên tại Czech. Và ngay lập tức nó trở thành sách bán chạy nhất (best-seller). Nhìn chung, các cuốn sách của Kundera rất ít được in ở tổ quốc ông do nhiều nguyên do. Và phải nói rằng, đây không phải là trường hợp hãn hữu.

Những kiệt tác bị hắt hủi

Theo tư liệu của Trung tâm nghiên cứu Banner Books Resource Guide, không chỉ ở thời Trung Cổ mà ngay trong thế kỷ vừa qua, không ít những tác giả và tác phẩm mà hiện nay được tôn vinh như các cây đại thụ văn chương đã bị cấm đoán. Ngay cả bộ tiểu thuyết ở hàng "tập đại thành" như "Ulysses" của văn hào Ireland, James Joyce, cũng từng bị đốt tại nơi công cộng ở Mỹ năm 1918 (tức là khi chưa kịp được in thành sách hoàn chỉnh), Ireland và Canada năm 1922 và ở Anh năm 1923. Thậm chí, năm 1928, tại Anh còn có lệnh cấm lưu hành cuốn sách này...

Để hình dung ra giá trị của tiểu thuyết "Ulysses" đối với nhân loại hiện nay, có thể tham khảo ý kiến trong cuốn "Từ điển văn học" (bộ mới" mà NXB Thế giới của ta đã phát hành gần đây): "Tác phẩm là một nỗ lực cao độ để chiếm lĩnh toàn bộ cuộc sống trong một thời điểm và một địa điểm đặc biệt: Dublin với một đường phố, nhà ở, cửa hàng, tòa soạn báo, quán rượu, nhà chứa, trường học... của ngày 16/6/1904. Các nhân vật là ẩn dụ về các nhân vật trong sử thi Odysseus của Homeros. Với kỹ thuật đồng ý thức, Joyce đã thành công trong việc tái hiện từ ngoại cảnh, âm thanh, mùi vị của Dublin, đến những kỷ niệm, một trong những cảm xúc, khát vọng của con người trong thế giới hiện đại. "Ulysses" được xem là một tác phẩm kiệt xuất của nhân loại trong thế kỷ XX".

Với hậu sinh thì như thế. Vậy mà lúc sinh thời, Joyce cứ phải "đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Cho tới cuối đời, Joyce đã phải sống trong cảnh túng thiếu và mù lòa, tứ cố vô thân...

3 nhà văn: Mark Twain,  Ernest Hemingway, James Joyce.

Jack London là một nhà văn được yêu thích ở nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí lãnh tụ V.I. Lênin khi thiếp đi vào cõi vĩnh hằng vẫn "còn nghe thánh thót Crúpxcaia, đọc trang sách "Tình yêu cuộc sống"..." của Jack London. Ấy vậy mà nhiều tác phẩm của Jack London, trong đó có "Tiếng gọi nơi hoang dã" tuyệt hay (từng được dịch ra tiếng Việt) lại bị bọn Quốc xã công khai thiêu đốt nhiều lần. "Tiếng gọi nơi hoang dã" cũng từng bị cấm ở Italia và Nam Tư năm 1929...

Ai cũng biết rằng quyền tự do ngôn luận đã được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, luật pháp nước này không cấm các cá nhân đưa ra ý kiến phản đối của mình đối với việc phổ biến những cuốn sách riêng lẻ mà theo họ là có nội dung có hại cho đạo đức hoặc tư tưởng chung.  Chính vì thế mà danh mục những tác giả và tác phẩm phải chịu những chuyện ai oán ở Mỹ hoàn toàn không ngắn. Lắm khi lý do đưa ra những lệnh cấm này khá vô lý, thậm chí nực cười.

Tiểu thuyết "Cuốn theo chiều gió" của nữ văn sĩ Margaret Mitchell cũng từng bị cấm đưa vào đọc ở các trường phổ thông tại thành phố Anaheim, bang California. Tại bang Illinois năm 1984 cũng có một số thế lực muốn đưa ra lệnh cấm tiểu thuyết này. Lý do vì trong sách có dùng một từ duy nhất có vẻ như miệt thị khi nói về người da đen...

John Steinbeck là một tên tuổi lớn trong nền văn học Mỹ thế kỷ XX. Tiểu thuyết "Chùm nho nổi giận" của ông được ấn hành năm 1939. Vì lý do đã sử dụng "những từ dung tục" nên "Chùm nho nổi giận" ngay trong năm 1939 đã bị cấm đọc tại các thư viện công cộng ở New York, ở thành phố Kansas.... cũng như một số địa phương khác ở Mỹ, thậm chí ngay cả ở nơi diễn ra các sự việc được miêu tả trong tiểu thuyết này.

Về sau, tại Ireland (năm 1953) và cả thành phố Morris ở Canada cũng đưa ra lệnh cấm truyền bá tiểu thuyết này (năm 1982). Năm 1973, một số ông chủ xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ bị buộc tội phạm pháp vì đã cho in một số cuốn sách mà chính quyền cho là có hại, trong đó có "Chùm nho nổi giận". Tới những năm 70-80 của thế kỷ trước, một số trường phổ thông ở Hoa Kỳ vẫn liệt "Chùm nho nổi giận" vào danh sách "hại thư". Thậm chí một trường học ở bang Bắc Carolina đã cấm học sinh đọc "Chùm nho nổi giận" vì trong tiểu thuyết này có câu "God damn!" (có thể dịch là "Quỷ tha ma bắt!").--PageBreak--

Một tác phẩm khác của Steinbeck cũng gặp nhiều đoạn trường trên con đường tới độc giả là truyện dài "Của chuột và người", in năm 1937. Nó đã bị cấm tại Ireland năm 1953, tại 4 thành phố ở Mỹ trong giai đoạn từ 1974 tới 1980 và tại ba trường phổ thông ở Mỹ. Tội lỗi của "Của chuột và người", theo các nhà "phê bình học" là ở chỗ tác phẩm này đã phảng phất hơi hướng phân biệt chủng tộc, cổ vũ cho những tư tưởng bài xích kinh doanh, mang hơi hướng khiêu dâm, bôi bác hiện thực và có những câu thô tục... Để có thể biết rõ chân giá trị của truyện vừa này, cần phải đọc nó. "Của chuột và người" đã được dịch và in ở Việt Nam từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, mặc dù tới năm 2004 ở Mỹ vẫn có những thế lực muốn cấm phát hành cuốn sách này.

Ngay cả nhà văn lớn Ernest Hemingway cũng từng phải đối mặt với không chỉ một lần tác phẩm của mình bị các thế lực khác nhau muốn phong tỏa, tất nhiên, không chỉ ở Mỹ. Tiểu thuyết "Mặt trời vẫn mọc" của ông, được xuất bản năm 1926, từng bị lực lượng Quốc xã ở Đức đốt tại nơi công cộng năm 1933. Cuốn sách này từng bị cấm ở Boston, Mỹ năm 1929, ở Ireland năm 1953 và ở một thành phố của bang California năm 1960.

Ngay cả tiểu thuyết lừng danh "Vĩnh biệt vũ khí" mà Hemingway hoàn thành năm 1929 cũng từng bị bọn Quốc xã ở Đức đốt công khai năm 1933. Tiểu thuyết này từng bị cấm tại Boston, Mỹ và tại Italia năm 1929. Năm 1939, "Vĩnh biệt vũ khí" bị cấm ở Ireland. Thậm chí cho tới năm 1980 vẫn còn có những thế lực ở một số hạt thuộc bang New York cố gắng tìm cách đưa ra lệnh cấm "Vĩnh biệt vũ khí" với lý do là Hemingway đã viết văn mang hơi hướng tình dục độc hại(?!).

Tiểu thuyết "Chuông nguyện hồn ai" (rất quen thuộc đối với độc giả Việt Nam) cũng từng phải chịu những chuyện hẩm hiu. Năm 1940, Bưu điện Hoa Kỳ đã từ chối chuyển cuốn sách này trong các bưu kiện, khiến cho việc bán sách theo danh mục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 1973, một số ông chủ xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị kết án vì cho in một số cuốn sách "độc hại", trong đó có "Chuông nguyện hồn ai"...

Chuyện thường ngày ở nhiều nơi

Không chỉ trong quá khứ xa hay chưa xa mới có những tác phẩm văn học đã mang lại tai họa cho tác giả. Năm 1988, nhà văn Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie từng bị các tổ chức Hồi giáo kết án tử hình vì cuốn tiểu thuyết "Những vần thơ của quỷ sa tăng". Cũng có những cuốn sách được nơi này tung hô nhưng lại bị quở mắng ở nơi khác vì những lý do rất khó tách bạch rành rẽ đúng sai. Không ít tên tuổi sáng giá của nền văn học quốc tế hiện nay đã bị lâm vào tình cảnh này.

Lại nói về Kundera: mặc dù ai cũng biết rằng ông là nhà văn lớn nhưng trong con mắt của không ít người Czech, Kundera có vẻ như "hắt hủi" cố hương và thiên vị đối với nền văn hóa phương Tây quá. Chính vì thế nên bản thân người Czech không mấy nhiệt tình trong việc truyền bá các tác phẩm của Kundera. Thậm chí, sau "cách mạng nhung" năm 1989 ở Tiệp Khắc tới nay, Kundera mới chỉ in được 4 cuốn tiểu thuyết tại tổ quốc mình là "Chuyện đùa", "Điệu valse giã biệt", "Sự bất tử" và mới đây nhất, "Sự dễ dàng không chịu nổi của đời sống".

Nữ văn sĩ gốc Ấn Độ Kiran Desai vừa được nhận giải thưởng danh giá Man Booker 2006 với tiểu thuyết "Những mất mát gia truyền". Tiểu thuyết này kể về sự đụng độ giữa hai nền văn minh Đông - Tây và kết cục là phần thua thiệt thuộc về những người di cư tứ tán khắp nơi và các cư dân ở những nước từng là thuộc địa của phương Tây. Một cuốn sách hay nếu nhìn theo các tiêu chí văn chương. Thế nhưng, cư dân ở thành phố Ấn Độ Kalimpong lại vừa tổ chức công khai đốt sách của Desai vì họ cho rằng, nữ văn sĩ 35 tuổi này đã miêu tả không đúng về quê hương của họ, nơi chị đã từng sống khi còn nhỏ.

Những người dân tộc Nepal ở Kalimpong cho rằng, Desai đã xúc phạm họ khi miêu tả họ như những tội phạm lặt vặt và đần độn. Còn người dân tộc Hindu ở đây cảm thấy tức giận vì nữ văn sĩ đã không chú ý đúng mức tới những vụ đụng độ sắc tộc đẫm máu xảy ra trong giai đoạn mà chị chọn để xây dựng tác phẩm của mình. Ngoài ra, Desai còn bị trách móc vì thái độ có vẻ như kênh kiệu của chị đối với các cư dân thành phố...

Tại Mỹ hiện nay mỗi năm đều xảy ra tới hàng chục vụ phản đối và yêu cầu cấm những cuốn sách mà một nhóm người hay tổ chức này hoặc tổ chức khác cảm thấy có hại đối với xã hội. Danh sách những cuốn sách bị phản đối rất đa dạng và lắm khi thực sự bất ngờ. Theo thông tin trên trang web Washprofile, danh sách 5 cuốn sách bị những người Mỹ tự coi mình là chân chính, có đạo đức phản đối nhiều nhất như sau: Chùm tác phẩm về Harry Potter của JK Rowling; "Cuộc chiến Chocolate" của Robert Cormier; chùm truyện vừa của tác giả Phyllis Raynolds Naylor; tiểu thuyết "Của chuột và người" của John Steinbeck; Tự truyện "Tôi biết tại sao chim hót trong lồng" của nữ thi sĩ và nhà hoạt động xã hội Maya Angelou.

Trong số những nhà văn có tác phẩm bị một bộ phận người Mỹ phản đối hiện nay thậm chí có cả tên tuổi kinh điển như Mark Twain: mọi phàn nàn đều nhằm vào cuốn tiểu thuyết được nhiều thế hệ độc giả coi là kiệt tác của ông "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn". Mark Twain viết cuốn sách này năm 1884, trong đó phê phán khá nhiều thói hư tật xấu của xã hội Mỹ hồi đó. Gần 150 năm sau vẫn còn không ít người Mỹ nghĩ rằng Mark Twain trong "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" làm thế là nói xấu dân tộc Mỹ.

Lạ kỳ thay!

Châu Hương
.
.