Lời tự đề tựa có một không hai

Thứ Hai, 04/12/2006, 15:00

Đó là lời tự giới thiệu cho tập thơ “Những ngôi sao xa” của nhà thơ Raxun Gamzatốp giải thưởng Lênin năm 1963 về văn học nghệ thuật của Liên Xô.

Raxun Gamzatốp sinh năm 1923 ở Đaghextan, người Ava, bắt đầu được in thơ từ năm 1937, các tập thơ chính: “Mùa xuân Đaghextan” (1955), “Năm tôi sinh” (1950, Giải thưởng quốc gia), “Trái tim tôi trên núi” (1959), “Những ngôi sao xa” (1962)... Raxun Gamzatốp còn viết văn xuôi trữ tình, trong đó có tập “Đaghextan của tôi” nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt, làm say lòng cả một thế hệ yêu văn chương ở Việt Nam từ ba chục năm trước. Ông cùng với Aimatốp người Kighixtan, là hai nhà văn dân tộc ít người mà lại có vị trí hàng đầu trong văn chương Xôviết (1917-1991). Khi Liên bang Xôviết sụp đổ, một số giá trị văn hóa được nhìn nhận lại nhưng tên tuổi của Aimatốp và Raxun Gamzatốp thì không hề bị suy chuyển, thậm chí còn được đánh giá cao hơn trước bởi giá trị đích thực của nó.

Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn lời tự giới thiệu đặc biệt độc đáo cho tập thơ “Những ngôi sao xa” của Raxun Gamzatốp.

Cùng bạn đọc

Chào bạn đọc thân mến của tôi! Hôm nay, một lần nữa tôi lại đến với anh. Trước khi bước vào nhà anh, tôi đứng bên cửa, cẩn thận soát lại tất cả, xem có để quên cái gì cần thiết ở nhà không. Tôi lần giở từng trang sách của tôi như lần giở từng trang sách cuộc đời tôi đã sống. Đó là những năm tháng khác nhau, như rất khác nhau các tình cảm, suy nghĩ, quan sát và vui buồn của tôi.

Có nhiều người luôn nghĩ về quá khứ một cách đau buồn và ảm đạm. Ở họ, hiện tại và tương lai cũng thường đau buồn, ảm đạm như thế. Có nhiều người luôn nghĩ về quá khứ một cách trong sáng, đẹp đẽ. ở họ, hiện tại và tương lai cũng thường trong sáng và đẹp đẽ như thế. Nhưng cũng có người quá khứ vừa vui vừa buồn, vừa trong sáng, vừa đen tối; và đối với họ, tình cảm, suy nghĩ về hiện tại và tương lai cũng khác nhau. Tôi thuộc vào loại người này.

Không phải bao giờ đường tôi đi cũng bằng phẳng, cũng như năm tháng đời tôi không phải bao giờ cũng thuận lợi. Tôi và anh, bạn đọc cùng thời của tôi chúng ta đang sống giữa trung tâm thế kỷ, giữa trung tâm thế giới, trong lòng cơn xoáy của các sự kiện lớn - vui và buồn, đẹp và xấu, cao cả và đê tiện. Mỗi chấn động trên trái đất, có thể nói, đó là chấn động trong trái tim của nhà văn. Cái buồn, cái vui của cuộc sống không thể đi qua hững hờ trước con mắt của người nghệ sĩ. Đó không phải là vết chân trên tuyết xốp, mà là vết khắc trên đá. Và bây giờ tôi, tập hợp làm một tất cả các bằng chứng về quá khứ và suy nghĩ về tương lai của tôi, tôi đến đây, đứng trước cửa nhà anh, và nói: “Tôi đây, chào người bạn tốt bụng của tôi! Hãy mở cửa cho tôi vào nhà anh!”.

Thú thật, lúc đầu tôi muốn - và người khác cũng khuyên tôi thế - đến với anh không phải chỉ mình tôi thế này mà định cử đi trước tôi một người nào đấy trong số những người có thể giới thiệu tôi với anh, và bằng cách ấy, sẽ chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho cuộc gặp gỡ của chúng ta. Hay nói một cách khác, một nhà phê bình nào đấy sẽ viết lời giới thiệu cho tập thơ của tôi, dưới một cái tên đại khái như “Về cuộc đời và tác phẩm của Raxun Gamzatốp”. Anh ta sẽ phân tích cho anh biết rõ tất cả mọi động cơ, nguồn cảm hứng, mọi ngóc ngách cũng như mọi cái gốc cái ngọn của thơ tôi, sẽ giảng giải kỹ lưỡng cái bài hát không lấy gì làm phức tạp lắm của đời tôi. Anh ta cũng sẽ biện bạch, che giấu hộ mọi cái xấu của tôi, là phẳng những nếp nhăn trên trán tôi, vân vân… Nghĩa là nói chung, anh ta sẽ giải phóng tôi khỏi cái công việc khá vất vả là viết lời giới thiệu cho tác phẩm của chính mình. Đúng, quả là bất tiện khi tác giả phải kể về bản thân về cuốn sách của mình với người khác. Nhưng biết làm thế nào? Nếu điều đó là cần thiết, thì theo tôi, thà tự mình làm còn hơn gửi một bà mối hay một người trung gian nào đó đến ve vãn bạn đọc. Bởi vì, còn ai, nếu không phải là tôi biết rõ lưng của tôi đang ngứa chỗ nào mà gãi?

Theo phong tục của người miền núi chúng tôi, khi nhà có khách, chủ nhà có quyền đề nghị nâng cốc ba lần, nhiều khi không đơn thuần chỉ để uống rượu, mà còn để nói những điều không nói được trong những dịp khác. Chiếc cốc trong tay là một cái cớ tốt để làm điều đó. Thưa bạn đọc thân mến, bây giờ tôi đang có cái cớ ấy. Tôi muốn nói với anh những gì tôi mang nặng trong tim lâu nay. Tôi sẽ đứng một chân để chỉ nói những điều quan trọng nhất.--PageBreak--

Trong ba lần được nâng cốc, cốc đầu tiên tôi muốn nâng cốc chúc sức khỏe của anh, bạn đọc thân mến, vì sự tốt bụng và lòng tin của anh, vì tình bạn và sự nâng đỡ của anh. Ngay từ khi tôi còn trẻ, anh đã có một cách nhìn rất bao dung, nhân ái đối với những bước đi ban đầu còn bỡ ngỡ và thiếu kinh nghiệm của tôi. Anh nói: “Này, anh chàng miền núi, trong thơ anh không phải không có một cái gì đấy!”. Và sau này, khi anh vẫn thấy được cái gì đấy trong thơ tôi, trên mặt anh đã xuất hiện nụ cười khích lệ, mắt anh để lộ niềm tin. Còn khi cái gì đấy bất chợt mất đi hoặc trở nên hiếm hoi, anh cũng không phẩy tay thất vọng, mà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Vào cái thời bắt đầu ấy, vì hai câu thơ hay, anh đã tha thứ cho tôi mười câu dở, nhưng dần dần, tôi trưởng thành, anh đã yêu cầu ngược lại. Không, không phải anh muốn tôi trở thành một nhà thơ lớn, một nhà thơ vĩ đại. Anh chỉ không muốn tôi bé nhỏ và yếu ớt mãi. Anh bắt buộc tôi phải thành người lớn, cứng cáp.

Bây giờ tôi chuyển sang đứng chân thứ hai, nâng cốc và nói đôi lời về những người đã làm quen tôi với anh, về những người bạn mà thiếu họ, sẽ không có cuộc gặp gỡ này của chúng ta, cho dù chúng ta có gặp nhau, nhưng rồi cũng buộc phải chia tay, người nọ không hiểu người kia. Bởi vì thiếu bản dịch, đối với anh, thơ của tôi chỉ là những âm thanh vô nghĩa của một ngôn ngữ xa lạ. Thế giới quanh ta tràn đầy những âm thanh và tiếng động khác nhau - tiếng khóc của đứa trẻ mới sinh, tiếng mưa rơi trên núi, tiếng chim hót trong rừng. Thậm chí cả những tảng đá, những dòng sông, ngọn gió cũng có giọng nói riêng của mình. Nhưng những âm thanh ấy, tự mình chưa phải là thơ, chưa nói đến những khái niệm khác như tư tưởng, hình ảnh, cấu trúc v.v…

Nhưng may thay, trên đời có những con người kỳ diệu. Họ xuất hiện và làm nên cái điều kỳ diệu là đưa tôi, một nhà thơ miền núi, ra con đường lớn của thơ ca, và nói: “Ê, hãy lắng nghe thơ anh ta! Anh ta viết bằng tiếng Ava, và chúng tôi đã dịch ra tiếng của các anh!”…

Còn bây giờ, thưa các bạn đọc thân mến của tôi, trước khi nâng cốc lần thứ ba, tôi xin được phép ngồi xuống và mời anh cùng ngồi cạnh chú ý lắng nghe. Tôi sẽ kể đôi lời về tôi và dân tộc tôi. Đúng hơn không phải kể, mà chỉ nhắc lại những gì tôi viết nhiều năm trước. Vâng, mời anh lắng nghe, nó được gọi đơn giản như tôi đã nói.

Đôi lời về bản thân

Ở làng Xôpera, Đaghextan - một làng nổi tiếng về những người giỏi đi trên dây - ngày sinh là ngày đầu tiên cậu bé được đi trên dây. Còn ở làng Cubasi của những người thợ mỹ nghệ vàng bạc nổi tiếng, sinh nhật là ngày cậu bé mang lại cho bố tác phẩm đầu tiên của mình - chiếc đĩa bạc được khắc những hình hoa văn tinh xảo. Và chỉ lúc ấy, người bố mới kêu lên sung sướng: “Thế là cả nhà tôi cũng sinh con trai!”.

Về những người không có ước mơ và tài năng, không mang lại lợi ích cho người khác bằng lao động của mình, không có tình bạn chân thật, không dám nghĩ tới chiến công, ở miền núi chúng tôi, người ta thường nói: “Ông ta sống đến bạc đầu nhưng vẫn chưa sinh ra trên trái đất!”.

Bây giờ tóc tôi có chỗ đã ngả màu, nhưng thực tình tôi cũng khó nói được chính xác: Tôi đã sinh lúc nào?

Có thể lúc tôi lên mười một tuổi, chưa biết cưỡi ngựa, nằm trên mái nhà và viết bài thơ đầu tiên.

Tôi cũng không biết lúc nào bố tôi, một người nghiêm khắc ít khen con cái, đã tự nói với mình: “Và thế là cả nhà tôi cũng sinh con trai!”. Hay có thể bố tôi chết đi mà vẫn chưa kịp nói điều đó?

Tôi - con của một dân tộc nhỏ nhưng kiêu hãnh về số dân như người ta vẫn nói, cả dân tộc tôi có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Chỉ hai mươi lăm nghìn người Ava trên trái đất! Những đỉnh cao mây phủ khắc nghiệt của vùng núi chúng tôi đã sinh ra những con người có trái tim đại bàng. Đời này qua đời khác, dân tộc tôi hát mãi những bài ca kỳ diệu về các anh hùng dũng cảm. Bị dồn vào một vùng núi hẻo lánh dân tộc tôi luôn phải đấu tranh chống đủ các loại xâm lược và áp bức. Chính vì vậy mà có câu tục ngữ: “Người Ava sinh trên yên ngựa”. Từ rất trẻ, con trai của dân tộc tôi đã phải cầm vũ khí trong tay, ít khi được buông xuống cầm bút. Nhưng tôi may mắn được sinh ra vào lúc người Ava chúng tôi có thể yên tâm treo dao găm lên tường, không còn lo kẻ thù bất ngờ kéo đến. Tổ quốc của chúng tôi đã trở thành đất nước Xôviết vĩ đại. Bố tôi – nhà thơ nhân dân Đaghextan, Gamzát Xađáx - đã viết những bài thơ hay nhất về nó. Và cùng với số phận vĩ đại của nó là thơ của tôi, nỗi buồn và niềm vui của tôi.

Vì vậy, bây giờ, thưa bạn đọc thân mến, tôi xin nâng cốc chúc mừng Đaghextan, chúc mừng đất nước Xôviết vĩ đại của tôi, chúc mừng ngôi sao năm cánh trên áo người Ava năm 1917, người hôm nay đã nối tôi với anh, với thời đại, với thế giới.

Cuộc đời của tôi chẳng có gì nổi bật, hoàn toàn giống cuộc đời của những người đồng hương cùng thời, nhưng tôi không muốn thơ của tôi giống thơ của các nhà thơ bè bạn khác. Mong sao cuộc đời của chúng ta chung và giống nhau như con đường quốc lộ, nhưng thơ của mỗi người khác nhau, như những lối mòn trên núi…

Người ta vẫn nói: “Hãy coi chừng anh chàng Ava nào lúc đầu từ chối không ăn, nhưng sau bỗng nhiên lại ngồi vào bàn!”. Vâng, quả đúng thế. Một khi đã cầm lấy đàn thì cứ muốn chơi mãi. Lúc đầu tôi chỉ định viết mấy lời, thế mà bây giờ, dòng này tiếp dòng khác, một chốc đã thành một lời nói đầu không ngắn. Nhưng đừng lo, tôi xong rồi đây. Bây giờ đến lượt anh, thưa bạn đọc thân, tôi đã nói hết những gì muốn nói

Cảo Mãn Đường (theo sách “Con người và những ngôi sao xa”, NXB Lao động 1983, Thái Bá Tân dịch)
.
.