Lời thề độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử

Thứ Sáu, 02/09/2005, 10:48

Vào nửa đầu tháng 8/1945, miền Bắc trời đầy mây, u ám, nặng nề lúc mưa lúc tạnh. Nhưng từ 19/8 trở đi, trời nắng hửng dần, nước cũng rút dần. Ngày 2/9/1945 là một ngày tuyệt đẹp. Bầu trời xanh hơn, nắng vàng rực rỡ hơn. Cái nắng mùa thu không oi bức, ngột ngạt như nắng mùa hè mà dịu nhẹ. Bầu trời sáng và cao, không gian trong lành. Đường phố Hà Nội rực rỡ sắc màu cờ hoa.

Ngay từ sáng sớm, người dân ngoại thành qua các cửa ô Cầu Giấy, Chợ Dừa, Cầu Dền, Ngã Tư Vọng, Kim Liên, Đống Mác, Yên Phụ... nườm nượp đổ vào nội thành; già, trẻ, gái, trai ai cũng chọn cho mình bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất để mặc. Người quen biết gặp nhau, chào nhau, bắt tay nhau, ôm chặt nhau mà nước mắt rưng rưng. Người không quen nhau cũng chào nhau thân ái. Một cái gì đó thật mới mẻ đến với mỗi cuộc đời, mỗi con người. Ánh nắng mùa thu rực rỡ làm gương mặt ai cũng bừng lên rạng rỡ.

Từ 12 giờ trưa, các đoàn người đã tập kết đông nghịt về Quảng trường Ba Đình. Cả một biển người, cả một rừng cờ đỏ sao vàng nhấp nhô những băng rôn, khẩu hiệu:

- Nước Việt Nam của người Việt Nam!
- Ủng hộ Chính phủ lâm thời!
- Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!
- Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp!

Tất cả cùng hướng về phía lễ đài. Xung quanh lễ đài, hàng quân danh dự đứng nghiêm trang, tề chỉnh. Lễ đài được ghép bằng gỗ, mới được dựng vào những ngày trước đó. Bốn mặt lễ đài phủ vải đỏ, ở giữa có hình nổi ngôi sao vàng năm cánh, trang nghiêm mà giản dị.

Đúng 14 giờ, đoàn xe của các thành viên Chính phủ xuất hiện có đoàn tiêu binh đi hộ tống hai bên. Đến sát lễ đài, đoàn xe từ từ dừng lại. Một ông già dáng cao gầy, trán cao, mắt sáng, mặc bộ kaki màu vàng nhạt, đội chiếc mũ vải đã cũ, dẫn đầu các thành viên Chính phủ bước lên lễ đài. Đó là lần đầu tiên người dân Thủ đô được nhìn thấy vị Chủ tịch kính yêu của mình, lần đầu tiên Bác Hồ xuất hiện trước quốc dân đồng bào.

Khi Bác Hồ và các thành viên Chính phủ đã tề chỉnh trên lễ đài, lễ chào cờ trang nghiêm được cử hành. Sau lễ chào cờ, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Cả biển người im phăng phắc khi chất giọng miền Trung ấm áp của Người vang lên trên Quảng trường:

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho  họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...

Cả biển người lặng nghe như uống từng lời của Người. Giọng Bác đầm ấm, rõ ràng, khúc chiết. Đọc xong một đoạn, Bác dừng lại giữa những tràng vỗ tay hoan hô không dứt, rồi thân mật hỏi:

- Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?

Người vẫn sợ rằng, với giọng nói xứ Nghệ, âm sắc nằng nặng, có thể nhiều người nghe không rõ. Nhưng cả quảng trường đã đồng thanh hô vang như sấm dậy: “Có!”. Từ lúc đó, khoảng cách giữa Lãnh tụ và người dân không còn. Ai cũng cảm thấy rằng, vị Cha già dân tộc đối với mình như người Ông, người Cha gần gũi, thân thiết nhất.

Bác Hồ đọc xong Tuyên ngôn độc lập, tiếp đến các thành viên của Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ dưới lá quốc kỳ, trước sự chứng kiến của hàng triệu người tham dự lễ míttinh trên quảng trường:

“Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại biểu đại hội cử lên, xin thề rằng: Chúng tôi sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đặng mang lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Trong lúc giữ vững nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ. Xin thề!”.

Những cánh tay mạnh mẽ vung lên, dứt khoát và kiên quyết.

Sau lễ tuyên thệ của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trình bày về tình hình trong nước và những chủ trương, chính sách của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu báo cáo trước quốc dân về chuyến đi của đoàn đại biểu Chính phủ vào Huế, tiếp nhận ấn kiếm của Bảo Đại. Bộ trưởng một tay giơ cao chiếc “Ấn Quốc bảo”, tay kia giơ cao thanh kiếm báu tượng trưng cho quyền lực của nhà nước quân chủ, nay đã về tay nhân dân.

Ông Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh nói về những chương trình hành động của Việt Minh, hô  hào toàn dân tham gia Việt Minh ủng hộ Chính phủ thi hành triệt để các chương trình kiến quốc của Việt Minh.

Tiếp đến, toàn thể quốc dân đồng bào làm lễ tuyên thệ:

- Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam xin thề: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin thề!

- Chúng tôi xin thề: Cùng Chính phủ giữ vững nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu đồ xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng. Xin thề!

- Nếu thực dân Pháp đến xâm lược nước ta lần nữa thì chúng tôi xin thề:

Không đi lính cho Pháp
Không làm việc cho Pháp
Không bán lương thực cho Pháp
Không đưa đường cho Pháp. Xin thề!

Một triệu con người cùng hô to đến vỡ lồng ngực: “Xin thề! Xin thề!”. Đó là lời thề Độc lập thiêng liêng mà một triệu người dân Thủ đô kể cả nội và ngoại thành, được vinh dự thay mặt cho cả nước thề cùng Chính phủ giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. Những lời thề độc lập lịch sử năm ấy vang lên trong lòng người, kể cả những người được tham dự tại Quảng trường Ba Đình, cả những người chỉ được nghe qua loa truyền thanh ở khắp chợ cùng quê, miền xuôi, miền ngược. Những lời thề độc lập ấy sẽ còn vang vọng mãi trong lòng những người con của Tổ quốc, vững bước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ bền bỉ sau này; để tạo thành sức mạnh, làm nên những chiến thắng liên tiếp suốt chiều dài lịch sử: Việt Bắc, Biên giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên...

Với lời thề độc lập thiêng liêng, chưa bao giờ người dân lại thấy từng số phận bé nhỏ của mình gắn bó với vận mệnh của đất nước như lúc ấy. Người xưa nói: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, đất nước thịnh hay suy, người dân bình thường cũng có trách nhiệm. Nhưng trước đây người ta chỉ hiểu một cách mơ hồ. Qua lễ tuyên thệ này, người ta bỗng hiểu ra tất cả. Điều đó thật thiêng liêng nhưng lại cụ thể vô cùng.

Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu kết thúc buổi lễ. Người kêu gọi đồng bào cả nước đồng tâm nhất trí, muôn người như một, cùng Chính phủ kiên quyết giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được.

Lễ míttinh bế mạc, dân chúng tỏa ra các ngả, biến thành các cuộc biểu tình tuần hành, biểu dương lực lượng, rầm rộ khắp các đường phố. Các đoàn vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ lâm thời, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 2/9/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như ngày Độc lập đầu tiên, đánh dấu một thời kỳ lịch sử đã sang trang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên mới của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Nhân dân ta quen gọi ngày đó là ngày Tết Độc lập

Phan Duy Kha
.
.