Lê Tuấn Lộc: Tìm vỉa mới cho thơ về thợ

Thứ Sáu, 11/12/2020, 11:46
Anh Lê Tuấn Lộc có thơ xuất bản thành tập khoảng ba mươi năm nay. Bây giờ anh đã có tới hai mươi đầu sách. Đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2002. Đã là cộng tác viên thơ của nhiều tờ báo văn chương. Bút lực được như vậy là nhanh. Nhanh hơn nhiều người. Còn thơ hay đến đâu thì hôm nay chúng ta cùng đọc. Đọc kỹ thì nhận xét mới chính xác.


Những tập thơ của Lê Tuấn Lộc mươi năm đầu, tôi xin được  coi như một sự thử bút để trình làng. Nhưng từ năm 2000, khi tập thơ "Thợ mỏ gặp nhau" thì thơ anh đã vào điểm ngắm của bạn yêu thơ. Khi ấy anh mang bút danh Lễ Vũ Hạnh Phúc. Cái tên nghe rất sung sướng này, như anh nói, chỉ để tránh các thủ trưởng ngành khai khoáng nhận ra và e ngại mình lại đắm đuối thơ ca mà xao nhãng đào mỏ. Rồi sau, thấy giấu không được, anh mới dùng tên thực.  

Ở lời Tự bạch của tập thơ "Thợ mỏ gặp nhau" này, tác giả đã tự vạch cho mình nghĩa vụ làm thơ về những người thợ đồng nghiệp. Tập thơ nói về những gian lao và nguy hiểm của nghề khai mỏ và cả vẻ đẹp sáng tạo, đầy cảm hứng của nghề này. 

Tìm mỏ như tìm thơ. Cũng  phát hiện, khai thác rồi tinh luyện. Lê Tuấn Lộc bắt được nhiều chi tiết lý thú và xúc động của cuộc sống người thợ. Thơ nói được cả những chi tiết của công việc, của kỹ thuật. Tập thơ do vậy, mang ngôn ngữ tự sự. 

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc.

Quả có làm hụt đi ít nhiều chất hư ảo, biến hóa và nhất là sự hàm súc, tính đa nghĩa vốn là đặc trưng của thơ. Nhưng lại có lợi thế là khi rõ được sự nên chính xác được tâm. Cái tâm sự ấy người đọc dễ cảm thông, dễ tiếp nhận. 

Cũng giọng thơ "tân văn" này, trong tập "Không tin về Hà Nội mà coi" (NXB Văn hóa dân tộc 2009), Lê Tuấn Lộc lại tạo chất thơ bằng một thủ pháp hóm hỉnh, khá thông minh và ý vị là đem tâm lý và cách quan sát hồn nhiên còn nhiều nét ngây thơ trong trẻo của người xứ núi về nhìn ngắm và thầm bình luận lối sống mà họ cho là "trái khoáy" của người Hà Nội.  

Xin giới thiệu mấy khổ trong bài "Hà Nội không thấy người thiểu số" để bạn đọc thấy một mẹo "khai khẩn" mở rộng chất thơ khá có duyên của Lê Tuấn Lộc,

Hà Nội không thấy người thiểu số
Mình nói thật đấy
Tìm mà không thấy
Đừng gân cổ lên mà cãi
Cho dù em là người Sán Chay 

Người Sán Chay về Hà Nội nói tiếng Kinh
Không nói tiếng Sán Chay
Người Mường về Hà Nội không nói tiếng Mường
Nói tiếng Kinh Thanh Hóa

Hà Nội không thấy người thiểu số
Đêm hội thủ đô không bóng áo chàm
Gái Thái có chồng không búi tẳng cẩu
Cô gái người Dao vòng cổ không đeo

(...)

Không tin về Hà Nội mà coi.

Lê Tuấn Lộc có bằng kỹ sư địa chất, làm việc nhiều năm ở mỏ Tuyên Quang. Anh biết tận dụng sự từng trải thực tiễn của mình mà chiết xuất ra thơ. 

Vài chục năm vừa qua, bạn đọc đã thấy một số cây bút chuyên về đề tài công nhân có sự vận động rõ rệt trong việc khám phá đời sống và khám phá lại chính mình; Làm phong phú thêm nội dung đề tài công nhân; Sáng tạo những chủ đề mới, gần đời hơn; Chia sẻ niềm vui, chia sẻ  cả nước mắt với cuộc sống người thợ. 

Chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt và thiêng liêng của đời sống được kết hợp từ trong bản chất với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng nhân đạo đã tạo nên những xúc động mới có sức tác động thiết thực vào xã hội. 

Tôi muốn nói tới mảng thơ công nhân thành công ở chặng sau Đổi mới của những Trần Nhuận Minh, Thanh Tùng, Thi Hoàng, những bạn thơ của thế hệ tôi hình thành từ thời đấu tranh thống nhất đất nước… 

Tôi cũng muốn nói tới sự im lặng có ý nghĩa của các cây bút từng được bạn đọc hào hứng đón nhận ở thời kỳ đầu của văn thơ về công nghiệp hóa. Tôi nói im lặng có ý nghĩa vì chưa tìm ra đường mới thì cũng không bước theo vết chân cũ. 

Thực tế cuộc sống thời kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi người thợ phải năng động để tồn tại. Khi thì chủ động sáng tạo phá vòng vây cấm vận; Khi thì huy động mọi biện pháp để tận dụng tiến bộ của các nền sản xuất tiên tiến trong cơ hội hòa nhập thế giới. Người viết về họ không thể ngủ lì trong những tín điều cũ kỹ. 

Văn chương vừa phải đáp ứng được khát vọng "hùng tâm" của ông hiệp sĩ Đôn Kihôtê: xóa bỏ bất công cho toàn nhân loại; Lại phải trả lời được câu hỏi rất tầm thường mà không thể né tránh của anh giám mã Xantrô: Thế tối nay thầy trò ta ăn ở đâu, ngủ ở đâu?. Hai tư thế trí tuệ của MighenXervantex ở thế kỷ XVI Tây Ban Nha lại có tác dụng gợi ý cho người làm thơ Việt Nam hôm nay viết về người thợ. 

Lê Tuấn Lộc không hiểu sao đã nghe ra được hai yêu cầu ấy. Có lẽ do anh là người viết khởi bút khi đất nước vào chặng đổi mới. Đổi mới tư duy và đổi mới hành động. Anh lại có điều kiện để kiểm tra tư duy bằng hành động ở cương vị một người điều hành sản xuất, một Giám đốc mỏ. Mỏ không lớn lắm nhưng cũng đủ để anh chiêm nghiệm việc đời. 

Tập thơ "Thơ và thợ" (NXB Hội Nhà văn 2019) là kết tinh của những chiêm nghiệm ấy. Anh có lại câu hỏi của nhà thơ Cộng sản Đức Bertolt Brecht từng hỏi khi thăm Vạn lý trường thành của Trung Hoa, khi anh đứng trước tòa nhà chung cư Keangnam cao nhất Hà Nội:

Những thợ xây tài nghệ ấy
Hết việc anh về đâu

Các tác phẩm của nhà thơ Lê Tuấn Lộc.

Câu hỏi đặt ra khi anh biết ở công trình này đã có tai nạn "ai biết bao thợ xây rơi từ cao 100 mét". Anh chia sẻ với nỗi lòng lửa đốt của người vợ thợ mỏ vùng than nghe tin nơi chồng làm "nước bục lò bị ngập". Anh xúc động với chiếc "Xe rác lù lù ra ngoài thành phố" ngay trước lúc giao thừa. Cả thành phố bận tâm chờ năm mới, mấy ai nghĩ đến dọn rác của năm cũ. Anh đau đớn, phẫn nộ chứng kiến cuộc mặc cả bồi thường ráo hoảnh và tàn nhẫn giữa cai bưởng với gia đình người thợ mỏ bị nạn "Người chết còn nằm đó/ Ngã giá còn chưa xong". 

Anh cảnh báo mà tôi tưởng như cảnh báo cho chính anh: "Giám đốc ngồi xe vi vu/ Có lúc nhìn thấy nhà tù". Không phải tham ô lãng phí gì đâu. Tham ô mà tù thì cũng còn được an ủi là không oan. Đằng này: "Quặng chất thành núi trong kho/ Giá thấp càng bán càng lỗ". Mà lỗ quá thì phải xin phá sản. Sợ bạn đọc chưa hiểu ý nghĩa của phá sản, nhà thơ giải thích thẳng thừng, dù vắn tắt:

Phá sản nghĩa là nợ đìa
Nghĩa là công nhân mất việc
Nghĩa là không còn nhà xưởng
Nghĩa là... chỉ đi ăn mày.

Những chi tiết này trước đây thơ văn ta thường tránh đi cho nó lành. Bây giờ mà tránh thì không có người đọc. Nhưng muốn viết ra thì không thể cứ đi thực tế kiểu cưỡi ngựa xem hoa, nghe báo cáo mà viết được. Phải đặt vào đây cả trách nhiệm làm người của mình, cái thứ trách nhiệm đồng nghĩa với đạo đức xã hội, với lòng nhân hậu tinh khiết. 

Thơ biết đứng về phía người chịu thiệt, đòi cho họ được đền bù. Không phải đòi bằng lý sự, lý sự thì anh em thợ lại thất nghiệp. Thơ đòi bằng thức tỉnh. Thức tỉnh lương tâm vốn ẩn giấu trong tâm hồn con người. Vũ khí mềm mà hữu dụng. Và có thế mới là thơ. Trách nhiệm chính của thơ là hoàn thiện nhân cách để người được thật là người, đứng thẳng dưới mặt trời. Từ đấy nó sẽ có ứng xử đúng.

Phần cuối tập thơ, Lê Tuấn Lộc có ý mở rộng nhiều khía cạnh khác trong cuộc đời người thợ: thành bại trong tình yêu, may rủi duyên phận, tình cảm gia đình, làng xóm... Anh đặt ra câu hỏi Nguyễn Công Trứ ngang tàng, nhiều hành xử trái khoáy mà sao dân yêu, dân thờ. Người dân hai quốc gia chung biên giới thân ái thế bên nhau mà sao mỗi cây rừng nơi đây lại như hương đang cháy ở nghĩa trang liệt sĩ. 

Lê Tuấn Lộc làm thơ như kể chuyện. Chỗ anh hơn người là chọn được điều đáng kể. Anh khéo léo để hiện thực lên tiếng, hiện thực thức tỉnh con người, chứ anh không để lộ ý định khuyên bảo. Nhờ vậy giọng thơ thường khiêm nhường, có khi dấm dẳn mà vẫn thuyết phục.

Lê Tuấn Lộc đã tìm ra một hướng viết, phá công thức về những phẩm chất có tính giáo khoa về giai cấp công nhân. Anh lấy cảm hứng từ hiện thực mà anh đang sống để mở ra những khoảng rộng cảm xúc, những khoảng sâu nghĩ ngợi như ở bất cứ đề tài nào. 

Anh tìm thơ hồn nhiên, thể hiện cũng hồn nhiên. Hồn nhiên nên đôi khi mới xúc được đất đá đã tưởng quặng. Nói kiểu Xuân Diệu: Lê Tuấn Lộc cần mở thêm bãi thải. Không phải những gì viết ra đã là thơ cả đâu. Anh cũng còn những khoảng trống trong bút pháp để hoàn thiện. Đừng ngại tuổi lớn,  thơ anh còn đang sức.

Hà Nội, 30-11-2020

Vũ Quần Phương
.
.