Nhà văn Đào Xuân Tùng, đồng tác giả tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa"

Lặng lẽ lưu danh

Thứ Ba, 26/09/2006, 10:00

Giờ thì đã sắp đến ngày giỗ đầu của nhà văn Đào Xuân Tùng, đồng tác giả của tiểu thuyết có cái tên đẹp như một bài thơ "Nhãn đầu mùa". Chẳng hiểu tại sao khi nhắc đến tên ông, tôi vẫn cứ phải kèm thêm một định ngữ phụ "đồng tác giả của Nhãn đầu mùa" vì cứ mơ hồ lo rằng, nhiều người không biết tới ông, dẫu cuốn tiểu thuyết xuất bản từ năm 1960 ấy đã qua 5 lần tái bản.

Dường như  cái sự lặng lẽ khiêm nhường của một ai đó có lúc khiến họ bị nhòa đi giữa muôn người, ít người còn nhớ đến những đóng góp to lớn của họ ở những thời khắc đặc biệt. Hình như nhà văn Đào Xuân Tùng là một người như thế nên cả khi ông vĩnh viễn nằm xuống tại cố hương ở làng quê nghèo Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An cách căn phòng tập thể 10m2 của ông ở phố Châu Long, Hà Nội gần 300 cây số... thì cả những bạn cũ, người thân từng công tác với ông ở Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam phải mấy ngày sau mới biết đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Biên tập của mình, qua đời.

Có cảm giác cả một đời Đào Xuân Tùng chọn cách sống lặng lẽ ấy và biết có thể điều đó khiến mình bị thua thiệt, nhưng mặc, ông vẫn trung thành theo nguyên tắc mà cha ông, một đồ nho, một chiến sĩ cách mạng kiên trung của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã từng dạy.

Đi trước về sau

Trong hồi tưởng của người con trai đầu Đào Xuân Dương (Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội) về cha mình thì nhà văn Đào Xuân Tùng là người khiêm nhường lặng lẽ, lặng lẽ như người ẩn dật. Vợ con ở nhà quê xa, hai bố con nhà văn được Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam phân cho một căn nhà tập thể rộng vẻn vẹn... 10m2 tại phố Châu Long, Hà Nội. Ông ở đây từ năm 1956 đến lúc về hưu năm 1985 thì phần diện tích ấy cũng không được rộng hơn lên để cho người con trai vừa mới ở lính về.

Người ta khó có thể hình dung làm sao trong cảnh sống ngặt nghèo, chật chội và ồn ã gần khu chợ tạm ấy, nhà văn Đào Xuân Tùng lấy đâu sinh lực để có thể viết nên cuốn tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa" với tiếng cười trong trẻo và mối tình đẹp ướt đẫm ánh trăng của những cô gái, chàng trai Đội du kích Hoàng Ngân ở Hưng Yên thời đánh Pháp? Làm sao có thể hình dung chật chội dễ gây ức chế như thế, nhà văn Đào Xuân Tùng lấy đâu sự lạc quan cách mạng và lòng tin yêu ở tương lai để cùng với Cao Đình Báu viết nên kịch bản "Chung một dòng sông", bộ phim nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng (1959), kể về cuộc đấu tranh bất khuất, lòng thủy chung yêu nước nồng nàn, tinh thần luôn hướng về cách mạng của những người dân sống hai bên bờ sông Bến Hải ngày đất nước bị chia cắt?

Sinh năm 1924, nhà văn Đào Xuân Tùng từng chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự giáo dục của người cha, một ông đồ nho, một thầy thuốc vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930-1931 và là người trong nhóm các chiến sĩ cộng sản thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ông từng bị thực dân Pháp bắt, sau nhờ thân phụ có quen biết chút đỉnh với Tổng đốc Nghệ An thời đó nên chỉ bị đưa đi đày ở nhà tù Lao Bảo, nhưng được tha lại lao vào hoạt động.

Dẫu trong vòng nô lệ, ngay từ năm 1933-1943, người cha cách mạng ấy đã đưa con trai cả Đào Xuân Tùng vào học tại Trường Quốc học Huế cho đến hết trung học với ý chí để con trai sau này thực hiện sứ mệnh giải phóng cho thế giới đại đồng. (Năm 1956, cha ông có ra Hà Nội tiễn ông đi học điện ảnh ở Trung Quốc và người em Đào Xuân Lâm đi học điện ảnh ở Liên Xô. Cha ông đã dặn đi dặn lại hai anh em phải học để thấm nhuần tư tưởng cách mạng nước bạn để sau về tiếp tục thực hiện được ước mơ thế giới đại đồng).

Sống ở kinh thành Huế với sục sôi phong trào cách mạng, Đào Xuân Tùng vừa học vừa đi dạy thêm kiếm tiền, vừa được giác ngộ về tư tưởng cách mạng. Nhưng là người có học, những ngày tiền khởi nghĩa tháng 8/1945, Đào Xuân Tùng liền trở về xã nhà để làm Bí thư đầu tiên Mặt trận Việt Minh bí mật, Đội trưởng Đội Tự vệ cảm tử tham gia cướp chính quyền ở xã. Phải chăng đây chính là cảm hứng tương phùng, cơ duyên tình cảm để sau này Đào Xuân Tùng chọn Đội Du kích cảm tử Hoàng Ngân của Hưng Yên để dệt nên chuyện tình yêu bất tử của những người du kích quả cảm?

Và đâu phải chỉ có vậy, trước khi trở thành một nhà văn, Đào Xuân Tùng đã lăn lộn khắp các chiến trường khói lửa khu 4 thời chống Pháp. Những năm 1949-1950, ông đảm trách Phó Trưởng ty Thông tin tỉnh Nghệ An và từ năm 1950-1955 lại được giao Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên thời kỳ Bình Trị Thiên khói lửa, rồi cán bộ nghiên cứu văn nghệ Quân khu IV.

Có thời gian Đào Xuân Tùng đi chiến dịch Trung Lào. Theo lời con gái ông là chị Đào Thị Quỳnh kể lại thì lần đó ông được tiếp kiến Hoàng thân Lào và được một công chúa của Hoàng gia rất mến mộ do giỏi tiếng Pháp, khuôn mặt chữ điền với mái tóc bồng bềnh gợn sóng toát lên phong thái tự tin, lạc quan cộng với sự hài hước có duyên và tầm hiểu biết sâu rộng lôi cuốn đặc biệt...

Sẽ lý giải thế nào về điều đặc biệt ở nhà văn Đào Xuân Tùng, đó là trong sự nghiệp sáng tác của ông, những tác phẩm văn học và điện ảnh thường ghi dấu ấn cho đời sống nghệ thuật nước nhà... lại thường được viết chung với người đồng điệu? "Chung một dòng sông" (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi - Hiếu Dân) bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng thì phần kịch bản lại được sáng tác bởi hai người Đào Xuân Tùng - Cao Đình Báu.

Bộ phim màu đầu tiên của Việt Nam "Ngày ấy bên Sông Lam" (đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung) lấy bối cảnh là mảnh đất xứ Nghệ dạt dào tinh thần cách mạng thời kỳ Xô viết - Nghệ Tĩnh lại được viết kịch bản chung với nhà thơ đồng hương Trần Hữu Thung (nổi tiếng với bài thơ "Thăm lúa"). Ngay như cuốn tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa", văn chương liền mạch tựa khúc tráng ca mà vẫn ghi danh hai người Đào Xuân Tùng và Trần Thanh, một nhà văn trưởng thành từ lực lượng CAND.--PageBreak--

Lẽ thường, ai đã trót dính đến chút văn chương nghệ thuật lại không muốn nổi danh bằng những sáng tạo vốn thăng hoa từ cô đơn cá thể? Nhưng dường như nhà văn Đào Xuân Tùng không hề mảy may nghĩ đến điều đó thì phải. Ông học và giỏi tiếng Pháp, tiếng Hán và có vẻ như ông nhập thế, lao vào cuộc sống chiến đấu gian khổ giành độc lập, giải phóng quê hương với tư cách một cán bộ cách mạng gương mẫu, giàu lòng hy sinh. Phải chăng sáng tạo văn chương, nghệ thuật đối với ông chỉ là để phục vụ nhiệm vụ cách mạng phục vụ đất nước, quê hương như trong cuộc đời ông đã xung phong vào Đội Tự vệ cảm tử? Phải chăng vì thế mà cảm hứng sáng tạo đến với ông cũng có nghĩa là sự sẻ chia với bè bạn đồng điệu về tâm hồn?

Chính ông đã kéo hai người bạn tâm giao Cao Đình Báu và Trần Thanh về Xí nghiệp Phim truyện để cùng gánh vác công việc sáng tác kịch bản buổi ban đầu gian khó. Và rồi ngay cả những người viết chung với ông như Trần Hữu Thung, Trần Thanh đều có tên trong danh sách Hội Nhà văn Việt Nam cũng chỉ làm ông vui và gắn bó hơn, còn ông thì vẫn lặng lẽ như kẻ sĩ giấu mình dành tâm huyết cho sáng tạo. Phải chăng ông là người luôn đi trước "đầu sóng ngọn gió", lại luôn về sau trong nghiệp thành danh? Cũng có thể người như Đào Xuân Tùng không quan tâm đến "phải có cái gì với nước non" mà chỉ lo làm điều gì lợi ích cho cách mạng. Tôi tin vào điều đó khi nghĩ về các nhà văn thế hệ ông.

Trang đời, trang văn

Theo lời kể của anh Đào Xuân Dương thì trong cuốn tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa", về sau bố anh đã lấy làm buồn khi có một chương tuyệt hay về tình yêu đã không được xuất bản trọn vẹn. Đó là những trang trữ tình nhất, ướt át nhất, chuyện tình giữa ba nhân vật Na, Tuấn, Tý bên cây nhãn lồng thơ mộng thời mang "đòn gánh đánh Tây". Anh cũng bảo: "Bố tôi buồn nhưng không hề thấy ông kêu ca phàn nàn gì về ai".

Tài sản của hai bố con lúc ấy chẳng có gì ngoài chiếc quạt con cóc, chiếc xe đạp mang nhãn hiệu Pháp cũ rích. Trong căn phòng chỉ có 10m2, bố anh đã hì hục đêm nào cũng viết, kể cả những ngày máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội, ông cũng không rời mấy mét vuông nhà ấy ở phố Châu Long để viết và tiếp khách văn. Lúc ấy mẹ anh và các em sống ở vùng quê đầy bom đạn, nhà ở Hà Nội chỉ có hai bố con. Bố anh có chiếc giường một, nay ghép thêm một tấm gỗ nữa để hai bố con nằm chung. Có hôm nặng quá, lõm cả giường...

Cũng theo hồi tưởng của anh Đào Xuân Dương thì anh đã từng đọc bản thảo viết tay một tác phẩm do bố mình và nhà văn Sơn Tùng khởi thảo. Đó là kịch bản phim truyện "Con đường năm ấy" (1979), một sáng tạo nghệ thuật về Bác Hồ kính yêu. "Rất tiếc, “Con đường năm ấy” đã không được lên phim và một số tác phẩm dang dở chưa thể hoàn thành thì trận lụt ở Hà Nội năm 1984 đã làm hỏng toàn bộ bản thảo viết tay mà ông chưa kịp xuất bản, có một số tác phẩm chưa kịp đặt tên. Dịp đó, bố tôi đi công tác, tôi có đem phơi những bản thảo bị ngập nước, nhưng không thể hồi phục được vì bố tôi thường viết trên giấy vàng mỏng, chất lượng rất kém. Bố tôi là người ham làm, nói rất ít. Dẫu sau này khi tôi đi lính và trưởng thành nhưng cũng  chưa một lần nghe bố tôi nói về một ước vọng cao xa, to tát nào về nghề văn...".

Các con ông cũng kể rằng, sau lần mất đi gần như toàn bộ "tài sản" mà ông tâm huyết nhiều năm với bao dự định dang dở phía trước thì ông ngã bệnh. Năm 1985, Đào Xuân Tùng về hưu tại quê nhà nhưng vẫn không ngơi nghỉ, lại tiếp tục cho ra đời cuốn lịch sử huyện Diễn Châu. Làng ông ở Diễn Hồng, cạnh làng Hoa Lũy của nhà văn Bùi Sơn Tùng, vùng quê nổi tiếng với câu ca “Đi xa nhớ trống chùa Cuồi, nhớ chuông chùa Bốn, nhớ người làng Hoa”. Còn nhớ bao lần nhà thơ Trần Hữu Thung đạp xe đến, lúc ông đãi bạn khoai lang, lúc đãi lạc luộc, hai ông lại đàm đạo chuyện văn chương để viết tiếp về quê hương Xô viết.

Thời gian sau, ông yếu dần vì trọng bệnh, tay không thể cầm bút nhưng ông vẫn đọc để người cháu chép hộ mang vào cho huyện... Chi tiết này càng chứng minh một điều, dường như Đào Xuân Tùng không hề có điều gì phiền muộn về chuyện công danh, giải thưởng, điều quan tâm nhất của ông có lẽ là còn sống còn sáng tạo, còn sống còn cống hiến... Bù lại, ông có những phần thưởng vô cùng lớn mà vợ con đã dành cho. Bà là con gái nhà giàu, xinh đẹp, đoan trang nhất làng. Vậy mà người con gái ấy đã dám mang lễ vật trả lại, khước từ lời cầu hôn của một chàng trai con nhà quyền quý để đi theo tiếng gọi tình yêu của một chàng trai nghèo là ông. Trong con mắt của 6 người con phương trưởng, ông là một người cha mẫu mực, người cha ấy từng nhiều lần đạp xe từ Hà Nội về làng rồi xuống biển Diễn Châu chở sò đóng gạch xây nên ngôi nhà nhỏ cho vợ con tránh bão mới yên lòng...

Bây giờ đã có đủ độ lùi thời gian để nói: Người ta có thể quên tên tác giả, nhưng "Chung một dòng sông", "Nhãn đầu mùa", "Ngày ấy bên sông Lam"... của nhà văn Đào Xuân Tùng sẽ thật khó phai mờ trong lòng bạn đọc và khán giả. Sự nghiệp của một cán bộ cộng sản trên 50 tuổi đảng đã cống hiến phần đời đẹp nhất cho cuộc sống và lặng lẽ góp cho đời những trang văn tài hoa nhất óng ánh tình người..., điều ấy phải chăng còn quý hơn tất cả những danh hiệu?

.
.