Chuyện làng văn nghệ

Kỷ niệm không quên!

Thứ Năm, 14/08/2014, 08:00
Nhà thơ Xuân Diệu là vậy, ông nhiều lúc hồn nhiên như trẻ nhỏ - theo tôi - đó là một phẩm chất đáng yêu của nhà thơ, dẫu đôi khi cũng khiến người khác bận lòng.

Anh nói ngắn cho em được nhờ!

Từ độ trường viết văn Nguyễn Du mở ra (1989), Ban giám hiệu có mời các nhà văn, nhà thơ đến nói chuyện sáng tác và phù đạo cho các học viên chọn lọc từ khắp nơi trong nước gửi về. Nhà thơ Xuân Diệu rất hào hứng với chủ trương này và nhiệt tình tham gia. Trước đó, ông đã giảng dạy cho nhiều khóa học ngắn hạn trên Quảng Bá (Hà Nội) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Vào khóa 2 (1983-1985), lần ấy, sau chương trình thơ văn Việt Nam hiện đại, Ban giám hiệu có phân công nhà thơ Thúy Bắc lo tổ chức buổi sinh hoạt thơ Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Xuân Diệu được mời chủ trì buổi sinh hoạt thơ này, ông trình bày khá kỹ về thơ Khoa hồi nhỏ và tập thơ "Bên cửa sổ máy bay" vừa ra mắt bạn đọc. Sợ ông lan man dài dòng, ảnh hưởng đến trọng tâm buổi sinh hoạt và còn để các học viên khác nhận xét về thơ Khoa, nhà thơ Thúy Bắc nhắc: "Anh Xuân Diệu ơi, đề nghị anh nói ngắn và tập trung cho em được nhờ!".

Nhà thơ Xuân Diệu đang hào hứng nhận xét về thơ Khoa bỗng chùng hẳn xuống, ông trễ cặp kính cận nhìn Thúy Bắc: "Này, tôi nể anh Vinh (Huỳnh Khái Vinh - Hiệu trưởng) mới đến đây, theo lời mời của anh ấy. Chứ như chị ứng xử thế này thì còn lâu Diệu mới đến! Tôi sẽ gặp thẳng anh Vinh để anh ấy biết về thái độ của chị!". Không khí sinh hoạt thơ tự nhiên "căng thẳng", đám học viên chúng tôi chưa biết xử trí ra sao trước tình huống này thì nhà thơ Thúy Bắc nhanh trí trả lời, giọng dịu lại: "Anh nói ngắn thì em sẽ báo cáo Ban giám hiệu trả thù lao cao cho anh. Em nói vậy, chứ đâu dám hỗn với anh!". Nghe vậy, nhà thơ Xuân Diệu tĩnh trí trở lại, tươi cười vui vẻ: "Thúy Bắc nói phải. Thôi bỏ quá cho anh nhé. Chúng ta tiếp tục chủ đề thơ Trần Đăng Khoa…" như chưa hề có chuyện gì xảy ra!

Nhà thơ Xuân Diệu là vậy, ông nhiều lúc hồn nhiên như trẻ nhỏ - theo tôi - đó là một phẩm chất đáng yêu của nhà thơ, dẫu đôi khi cũng khiến người khác bận lòng.

Buổi lên lớp cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu

Như thường lệ, chiếc xe đón giảng viên đến lớp đỗ xịch trước sân Trường viết văn Nguyễn Du. Nhà thơ Xuân Diệu xuống xe. Vẫn cái lắc đầu quen thuộc. Vẫn mái tóc bồng bềnh như sóng. Nom ông có vẻ tự tin hơn mọi ngày. Xuân Diệu có hai buổi giảng về thơ và nghề thơ theo kế hoạch của nhà trường. Đám học viên khóa 2 chúng tôi đứng dậy chào ông. Xuân Diệu kê lại bàn, chỉnh lại lọ hoa tươi theo thói quen vốn có của ông. Ông nói về thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương với kiến thức uyên bác và tâm hồn thi sĩ khiến người nghe thật sự bị cuốn hút. Xuân Diệu kể về chuyến đi Bulgaria với những thung lũng thơm ngát hương hoa hồng và lòng yêu thơ đến kỳ lạ của người dân xứ này. Ông không ngại "khoe" với các nhà văn trẻ học viên chúng tôi về cuốn tuyển thơ dịch của ông "Cánh cửa mở vào vô biên": "Họ dịch thế mới là dịch. Xuân Diệu vào cõi bất tử rồi…!". Rồi ông khoát tay: "Xuân Diệu nói hay thế, vỗ tay đi chứ, các bạn!".

Đến nước ấy, không còn cách nào khác, học viên chúng tôi vỗ tay rào rào như để đáp lại sự nhiệt thành của ông. Buổi lên lớp cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu thật ấn tượng. Chỉ có điều, sau đó ít ngày, chúng tôi không ngờ nhà thơ Xuân Diệu giã từ cõi thế tại Bệnh viện Hữu Nghị và học viên chúng tôi tổ chức đi viếng ông ở trụ sở Ủy ban Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam ngay khi Hội nghị những người viết văn trẻ được tổ chức tại Hà Nội.

Thế đấy, "Cánh cửa mở vào vô biên" đã đưa Xuân Diệu vào cõi thiên thu như chính cuốn thơ dịch định mệnh ấy, như chính mấy câu thơ ông đọc tặng chúng tôi vào buổi học cuối cùng ấy: "Hãy để cho tôi được giã từ/ Vẫy chào cõi thực để vào hư/ Trong hơi thở chót dâng trời đất/ Cũng vẫn si tình đến ngất ngư"

Nguyễn Thanh Kim
.
.