Kỷ niệm đáng nhớ với dòng họ Lavrenhiov

Thứ Năm, 21/03/2013, 08:00

Suốt hàng chục năm qua có nhiều dịp gặp gỡ trao đổi công việc, hợp tác với nhau trong nhiều hoạt động hữu nghị Việt - Nga, mãi gần đây tôi mới có cơ hội chuyện trò tâm tình với ông giám đốc, người mang cái họ Lavrenhiov giống họ của nhà văn Nga Xôviết mà tôi  có cái duyên quen biết trước đó nhiều năm. Ông Alekxei Iurievich lập tức vui vẻ trả lời tôi: "Tôi là cháu nội của nhà văn Boris Lavrenhiov". Và suốt một buổi chiều hôm ấy chúng tôi đã chuyện trò với nhau về ông nội của ông Alekxei Iurievich, nhà văn Nga Xôviết nổi tiếng Boris Lavrenhiov...

Vào cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước, là một thanh niên mới lớn lên sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên nửa nước sau Hiệp định Giơnevơ, tôi bắt đầu được tiếp cận thật nhiều với văn học nghệ thuật Nga Xô viết - các tác phẩm văn học cổ điển Nga, văn học Xôviết được dịch ra tiếng Việt xuất bản liên tiếp, hàng loạt bộ phim Xôviết được trình chiếu, rồi nhiều vở kịch Xôviết được bắt đầu thể nghiệm trên sân khấu Việt Nam. Nhiều tác phẩm trong số đó còn để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức không ít khán giả, độc giả Việt Nam cho đến tận ngày nay. Riêng tôi đặc biệt có ấn tượng với một loạt tác phẩm của một tác giả Nga Xôviết: Nhà văn Boris Lavrenhiov (1891-1959).

Bắt đầu từ bộ phim "Người thứ 41" do đạo diễn nổi tiếng Tsukhorai G.N, lúc đó mới hơn ba mươi tuổi (ông sinh năm 1921), xây dựng vào năm 1956 theo truyện của nhà văn Boris Lavrenhiov, liền được giải thưởng Liên hoan phim Quốc tế ở Cannes. Cùng với hàng loạt bộ phim Xôviết đặc sắc "Đàn sếu bay qua", "Bài ca người lính"… tôi được xem khi ấy, phim "Người thứ 41" đã làm tôi xúc động bởi một câu chuyện tình yêu thật lạ lẫm đối với thế hệ chúng tôi, những người lớn lên trong chiến tranh. Sau đó, được đọc tác phẩm của Boris Lavrenhiov, tôi càng thấm thía qua những bức tranh thiên nhiên vùng hoang mạc cát và biển Aral Trung Á, qua những diễn biến tình cảm, tâm lý của các nhân vật, đặc biệt là cô gái làng chài Axtranhan Maruutka… Mối tình nảy nở tự nhiên giữa người nữ chiến sĩ cận vệ đỏ được giao trọng trách giải tên tù binh sĩ quan bạch vệ về căn cứ, trong bối cảnh chỉ còn hai người sống sót trên một hòn đảo không người, đói, khát, ốm đau, cưu mang lẫn nhau mà chờ đón thời cơ. Thời cơ đến. Nhưng là thời cơ của bên thù địch. Và cô gái đã quyết định theo mệnh lệnh lý trí, gạt bỏ tiếng gọi của trái tim. Người nữ chiến sĩ cận vệ đỏ đã nâng súng bắn bỏ kẻ phản bội…

Dịch giả Thúy Toàn và ông Alekxei Iurievich Lavrenhiov - Giám đốc Trung tâm Khoa học văn hóa Nga, cháu nội của nhà văn Boris Lavrenhiov.

Duyên số thế nào đó còn cho tôi tiếp xúc với một vài tác phẩm khác của Boris Lavrenhiov. Năm 1957, đang học năm thứ hai Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Moskva mang tên Lênin, tôi lại được chứng kiến đoàn làm phim của Xưởng phim Mosphim đến quay bộ phim "Ngọn gió" cũng dựa theo tác phẩm của Boris Lavrenhiov, ngay tại sảnh lớn của tòa nhà chính của trường, trên phố Malaga Peragovskaya. Cũng thời gian đó, tôi bắt đầu đi sâu vào chuyên đề thơ trữ tình của thi hào Pushkin, nên một giáo sư của trường giúp đỡ tôi đã giới thiệu cho các tài liệu tham khảo, trong đó có một tác phẩm liên quan đến Pushkin mà tác giả cũng lại là nhà văn Boris Lavrenhiov. Đó là câu chuyện về vị tư lệnh bônsevich có tên họ trùng với tên họ thi hào, cũng là Aleksandr Pushkin, chỉ khác có phụ danh, một đằng phụ danh của thi hào là Sergeyevich, còn của vị tư lệnh là Simienovich. Vị tư lệnh được cử về chỉ huy phòng tuyến bảo vệ Petrograd đỏ, nằm ở Hoàng thôn (Tsarskoe Selo), nơi thi hào đã ăn học thuở thiếu thời. Ở đây, vị tư lệnh trùng tên họ với thi hào đã gặp bức tượng đồng tạc Pushkin đang ở tuổi thiếu niên khi đó, có khắc một câu thơ của ông: "Quê hương của chúng ta đây Hoàng thôn".

Là một nhà cách mạng bônsevich kiên định, nhưng lớn lên từ nghèo khổ, thất học, vị tư lệnh Aleksandr Simienovich Pushkin thoạt đầu không hiểu Aleksandr Sergeyevich Pushkin là ai, chỉ biết người đó lại gọi "Hoàng thôn là quê hương chúng ta", có nghĩa là "dính dáng" đến vua chúa, thế là có ác cảm. Nhờ có viên sĩ quan phụ tá, một cựu trí thức già và một ông giáo, người am hiểu và yêu quý Pushkin, nên Pushkin chính ủy dần hiểu ra và rồi không những ông đã giữ được không cho những người vốn thất học như ông xâm phạm đến các di tích lịch sử của dân tộc, mà bản thân ông còn là chỉ huy, và đã hiến dâng cuộc đời để đánh tan quân địch, giữ được vẹn toàn những gì quý giá liên quan đến thi hào Pushkin - người con vĩ đại của dân tộc Nga…

Tượng của nhà văn Boris Lavrenhiov ở nghĩa trang danh nhân Novodevichy - Moskva.

Sau này về nước công tác, đi sâu tìm hiểu quá trình văn học Nga ở Việt Nam, tôi lại phát hiện ra một điều: Không phải tác phẩm "Người thứ 41" của Boris Lavrenhiov được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 1961 là một tác phẩm đầu tiên của ông được dịch ra tiếng Việt, mà ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, năm 1949 -1950, ở chiến trường Nam Bộ cũng đã có tác phẩm của Boris Lavrennhiov được dịch và xuất bản. Ấy là truyện ngắn "Tiếng ca tuyệt diệu" của ông được dịch giả Xích Liên dịch từ Tạp chí Văn học Xôviết bằng tiếng Pháp do thủy thủ tàu Pháp đưa bí mật từ Paris tiếp tế cho lực lượng kháng chiến của ta trong chiến khu Nam Bộ. Truyện ngắn ấy đã được dịch và in trong "Vệ quốc chiến", một seri sách do phòng chính trị quân khu 8 xuất bản với số lượng 10.000  cuốn mỗi tập ở chiến khu Nam Bộ năm 1950.

Vậy đó, tên họ của nhà văn Xôviết Boris Lavrenhiov trở nên một kỷ niệm thân quen với bản thân tôi. Và vì thế, ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên ông Alekxei Iurievich, Giám đốc của Trung tâm Khoa học văn hóa Nga mới sang nhận nhiệm vụ đúng vào dịp tòa nhà của Trung tâm Khoa học văn hóa Nga vừa xây dựng xong trên góc đường hai phố Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, cách đây chừng trên dưới mười năm, tôi đã ngờ ngợ chú ý ngay đến họ Lavrenhiov của ông. Có gì liên hệ giữa hai cái họ ông Giám đốc Alekxei Lavrenhiov và nhà văn Boris Lavrenhiov ở đây chăng?

Suốt hàng chục năm qua có nhiều dịp gặp gỡ trao đổi công việc, hợp tác với nhau trong nhiều hoạt động hữu nghị Việt - Nga, mãi gần đây tôi mới có cơ hội chuyện trò tâm tình với ông giám đốc, người mang cái họ Lavrenhiov giống họ của nhà văn Nga Xôviết mà tôi  có cái duyên quen biết trước đó nhiều năm. Ông Alekxei Iurievich lập tức vui vẻ trả lời tôi: "Tôi là cháu nội của nhà văn Boris Lavrenhiov". Và suốt một buổi chiều hôm ấy chúng tôi đã chuyện trò với nhau về ông nội của ông Alekxei Iurievich, nhà văn Nga Xôviết nổi tiếng Boris Lavrenhiov.

Khi nhà văn Boris Lavrenhiov qua đời năm 1959, ông Alekxei Iurievich còn là cậu bé 6 - 7 tuổi. Hơn thế nữa, ông nội cậu bé đã không ở với bà nội của cậu, mà ở với bà vợ kế, thành thử cậu bé Alecxey cũng không nhớ nhiều về người ông nội của mình.

Tuy nhiên, Alekxei Iurievich vẫn cho tôi biết thêm nhiều chi tiết lý thú về cái họ Lavrenhiov của mình. Phụ thân của ông nội ông; tức là cụ nội ông Alekxei Iurievich, mang một họ khác - Xergeev. Lavrenhiov là họ ông nội ông lấy làm bút danh và khi Boris Lavrennhiov đã thành danh hiệu của một nhà văn Nga Xôviết có tầm cỡ, thì từ đó cái họ Lavrenhiov chính thức trở thành một dòng họ cha truyền con nối. Còn về cái họ Xergeev của cụ nội ông Alekxei Iurievich, kể ra cũng lại là cả một câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại. Cụ nội vốn là một trong 3 đứa trẻ một gia đình khá giả, nhưng cả gia đình đã bị cướp trên đường cái quan. Cha mẹ bị giết, của cải, giấy tờ bị mất sạch, 3 đứa trẻ được cứu sống, được đưa về làm con nuôi một gia đình mang họ Xergeev tại thành phố nhỏ Kherson của Ukraine. Cụ nội ông Alekxei Iurievich được mang họ cha nuôi là Xergeev vì thế…

Ông Aleexey Iurievich cho hay ông nội - nhà văn Boris sau khi qua đời đã được an táng tại Nghĩa trang danh nhân Novodevichy ở Moskva. "Mộ ông tôi đặt gần mộ tướng Panferov huyền thoại" - Ông Alekxei Iurievich cho biết, và lấy ra cho xem bức ảnh ngôi mộ lưu trong máy tính của ông.

Cho tới nay, tác phẩm của ông nội ông - nhà văn Boris Lavrenhiov vẫn được đánh giá cao trong di sản văn học Nga, văn học Xôviết. Tên tuổi Boris Lavrenhiov vẫn được đưa vào các từ điển văn chương, từ điển bách khoa Nga, sự nghiệp sáng tác của ông vẫn được nghiên cứu, đưa vào sách lịch sử văn học Nga, sách giáo khoa… Nhiều tác phẩm của ông, như "Người thứ 41" (theo đúng nghĩa của nó, có lẽ phải là "Con mồi thứ 41" hay gì gì sát hơn chăng?), "Ngọn gió", "Truyện về sự vật bình thường" hay những vở kịch, như "Đứt gãy", "Bài ca về những người thủy thủ biển Đen", "Về những người trên biển"… vẫn được coi là những cái mốc đáng kể trong quá trình phát triển của văn học Nga. Sau khi Boris Lavrenhiov qua đời, tác phẩm của ông đã nhiều lần được sưu tầm, biên soạn, xuất bản thành bộ tuyển: thoạt đầu gồm sáu tập, ra mắt bạn đọc trong các năm 1962 - 1965, 1982 - 1984 và toàn tập tám tập ra trong năm 1996.

Những ngày Tết Quý Tỵ

Thuý Toàn
.
.