Kỷ niệm cuối cùng với nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc

Thứ Ba, 31/12/2013, 08:00
Gặp Ngọc, điều ấn tượng nhất với tôi là một ngoại hình có phần dị biệt. Có lẽ do nắng gió công trường "đày ải" những năm tuổi trẻ làm thợ thủy điện, đã khiến con người anh gân guốc, già nua trước tuổi. Khát vọng văn chương đã âm ỉ cháy trong anh từ những năm tháng lao động nhọc nhằn, giờ như được sổ lồng, được bùng lên khi anh rời bỏ hẳn sự ràng buộc bởi những việc khô khan chốn cát bụi công trường, được toại nguyện theo đuổi niềm đam mê sáng tạo.

Đến bây giờ tôi không còn nhớ chính xác là đã gặp và quen Nguyễn Lương Ngọc trong hoàn cảnh nào. Chỉ nhớ rằng đó là khoảng thời gian 1987- 1988, khi Ngọc rời Thủy điện Hòa Bình về học khóa 4 - Trường Viết văn Nguyễn Du. Cùng đợt ấy với Ngọc từ Hòa Bình về còn có Tạ Duy Anh, Vũ Hữu Sự…Gặp Ngọc, điều ấn tượng nhất với tôi là một ngoại hình có phần dị biệt. Có lẽ do nắng gió công trường "đày ải" những năm tuổi trẻ làm thợ thủy điện, đã khiến con người anh gân guốc, già nua trước tuổi. Khát vọng văn chương đã âm ỉ cháy trong anh từ những năm tháng lao động nhọc nhằn, giờ như được sổ lồng, được bùng lên khi anh rời bỏ hẳn sự ràng buộc bởi những việc khô khan chốn cát bụi công trường, được toại nguyện theo đuổi niềm đam mê sáng tạo.

Từ năm 1985, tôi đã có một ngôi nhà nhỏ ở gần cống Mọc, làng Giáp Nhất, bên kia sông Tô Lịch. Nhưng vì độc thân, nên ít khi ở, phần nhiều thời gian khóa cửa để đấy, hoặc cho bạn bè mượn. Tại ngôi nhà này, có lần trên một cái thớt kê tạm làm bàn, nhà thơ Trần Quang Quý đã hoàn thành bài bút ký nổi tiếng "Con đường có máu chảy" viết về những xung đột ở nông thôn Thái Bình những năm đầu đổi mới. Tôi hàng ngày làm việc ở cơ quan, hết giờ không về nhà, mà lọc cọc xe đạp tìm chốn bạn bè giao du bù khú. Trong nhiều địa chỉ quen thuộc, có Trường Viết văn Nguyễn Du tôi thường lui tới, vì ở đấy có nhiều bạn viết mới quen, cùng lứa, lại thấy nhiều người có vẻ hợp với mình. Trong số bạn văn ở Trường Nguyễn Du khóa ấy, thì người gần gũi với tôi nhất là Nguyễn Lương Ngọc và Dương Thuấn. Hầu như không có cuộc vui nào vắng mặt các anh.

Với Nguyễn Lương Ngọc, trời cho anh có gương mặt dị tướng, trán rộng, mắt sâu, cằm dài, thân hình cao lêu đêu, bình thường nói năng nhỏ nhẻ; ẩn sau dung nhan ấy là một tấm lòng trân quý bao dung với bạn bè, thể hiện ở tác phong giao tiếp, ứng xử xuề xòa hàng ngày. Anh rất quý nhà thơ Trinh Đường và nhà thơ Trinh Đường cũng rất yêu quý anh. Hình như cứ rảnh rỗi là nhà thơ Trinh Đường lại đến chơi với Ngọc.

Có lần nhà thơ Trinh Đường nhận được bài thơ lục bát hay của Nguyễn Thanh Mừng từ Nghĩa Bình mới gửi ra, cũng đem đến đọc cho Ngọc nghe. Nói vậy để thấy họ trân quý nhau đến mức nào. Nhưng những ai chơi với Ngọc, hiểu Ngọc, mới thấy anh là người cực kỳ khó tính, rất quyết liệt bảo vệ các quan điểm của mình, một khi anh cho là đúng. Với thơ lúc này anh đang có dấu hiệu cựa quậy đổi mới cách tân. Ngọc làm thơ như là đánh vật với từng con chữ, với lý trí, như là nhìn vào những cái vô hình, cái tưởng tượng, đảo lộn mọi thứ vốn đã thành trật tự lâu nay mà làm ra thơ.

Khi mỗi bài thơ mới ra đời, anh đem trình làng trong các buổi sinh hoạt đọc thơ ở Hội Thơ Thanh Xuân. Những bài thơ đầu tiên của Nguyễn Lương Ngọc sau đó được tập hợp in trong tập "Từ nước", tập thơ đầu tay này đã có bút pháp, không khí khác hẳn mạch thơ bấy giờ. Không chỉ làm thơ, Ngọc còn có năng khiếu hội họa. Với màu sắc, đường nét anh cũng rất kỹ tính. Tôi nhớ lần Ngọc giúp tôi làm cái bìa tập thơ đầu. Ngọc đến nhờ một họa sĩ - bạn thân của Ngọc. Phác thảo xong bìa, khi xem, tôi bảo đẹp rồi, nhưng Ngọc bảo chưa được, phải làm đi làm lại theo ý Ngọc mới xong. Đến cuốn thứ hai, Ngọc tự nhận làm bìa cho tôi, anh tỉa tót đến sốt ruột. Có lẽ kỷ niệm còn lại duy nhất là cái bìa sách của anh đến nay tôi còn lưu giữ.

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc trong chuyến hành trình xuyên Việt năm 1993. Từ trái qua: Nhà văn Hòa Vang, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà thơ Hoàng Cầm.

Bấy giờ kinh tế eo hẹp, đời sống sinh viên vất vả. Chị Oanh, vợ anh là giáo viên ở Sơn Tây vừa dạy học, vừa nuôi con gái nhỏ. Chị lại mắc bệnh tim, ốm đau thường xuyên, bản thân Ngọc là trụ cột mà chả giúp được gì cho gia đình. Dẫu gì thì vẫn cứ phải học cho xong đã. Thời gian Ngọc học ở trường, bấy giờ có một nhóm bạn viết trẻ ở Hà Nội lập Hội thơ Thanh Xuân cốt để lấy chỗ sinh hoạt vui vẻ. Hội do nhà thơ Trương Nhân Huyền làm Chủ tịch (tự phong), Nguyễn Quang Thiều làm Tổng Thư ký, thành viên gồm Trần Quang Quý, Nguyễn Hùng Vỹ, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Sỹ Đại…dễ đến 30 người. Sau đông người tham gia, phải làm lễ kết nạp, ai muốn vào phải có đơn. Ấn tượng nhất là lá đơn chung xin vào hội của vợ chồng nhà thơ Trần Hòa Bình - Quỳnh Liên đọc trong buổi lễ rất trang trọng. Ngọc là người tham gia muộn nhưng hăng hái nhất. Nhớ hình ảnh Ngọc, là nhớ dáng anh cao lêu đêu cưỡi chiếc xe đạp đua Liên Xô tồng tộc, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội.

Mấy năm gần gũi bên nhau, chia sẻ mọi vui buồn. Năm 1992 Ngọc ra trường, bấy giờ anh mới có thời gian vừa tìm việc làm, vừa lo chữa chạy cho vợ. Ngày đó gia đình tôi có ông cậu ở Cao Bằng làm nghề Đông y giỏi, nhận lời chữa bệnh cho vợ Ngọc. Thế là từ đó Ngọc thường xuyên lui tới sinh hoạt với gia đình tôi. Vợ tôi quê ngoại cũng là đất Đường Lâm, Sơn Tây cùng với Ngọc nên mọi người dễ đồng cảm. Khi đã quen như người nhà, Ngọc còn đưa nhiều bạn bè đến chơi, và không ít lần Ngọc lên tận Trùng Khánh, Cao Bằng, chỗ ông cậu tôi để lấy thuốc cho vợ. Ra trường chưa có việc làm, suốt ngày Ngọc lượn lêu têu. Một hôm mới sáng ra, ông anh đồng hao với tôi gọi điện, bảo: "Chú xuống đây ăn sáng cùng chú Ngọc vừa ở Cao Bằng xuống". Thì ra Ngọc đi lấy thuốc, nhảy xe Cao Bằng từ chiều hôm trước, tinh mơ hôm sau đã đến Hà Nội.

Hôm ấy sau Tết, trời rất lạnh, trông Ngọc phờ phạc vì mất ngủ, hai con mắt đã sâu, càng sâu thăm thẳm. Ngọc bảo đất Cao Bằng rất đẹp. Ngọc có dự định đi một chuyến vào Nam để biết đây, biết đó. Dự định đó đã thành hiện thực, đó chính là chuyến Ngọc đi bộ xuyên Việt cùng nhà văn Hòa Vang. Thú thực, lúc đầu nghe nói Ngọc đi bộ xuyên Việt tôi không tin, vì trước đó tôi đi ra, đi vào nhiều lần, biết đường đất rồi. Hai con người ốm yếu thế, tinh thần thì hăng hái, nhưng sức đâu mà đi. Nghe nói quanh chuyến đi có nhiều chuyện đàm tiếu, cười ra nước mắt, nhưng đến khi về không thấy Ngọc nói gì, tôi cũng không hỏi. Sau này khi Ngọc mất, mấy lần ngồi uống bia cùng nhà văn Hòa Vang ở phố Lý Thường Kiệt, lúc vui tôi định hỏi Hòa Vang về chuyến đi ấy, nhưng rồi lại thôi, vì nghĩ chuyện qua rồi. Bây giờ cả hai ông đã ra người thiên cổ, không biết ở dưới ấy đã gặp nhau chưa, có nổi hứng cùng nhau đi đâu nữa không.

Tập việc mãi rồi Ngọc được nhận làm hợp đồng ở chuyên đề Văn học Dân tộc thiểu số, Báo Văn nghệ. Nhớ một năm, vào mồng 3 Tết, khoảng 8 giờ tối, Ngọc đến nhà tôi ở đường Trường Chinh. Mặc dù có sẵn hơi men, Ngọc vẫn vui vẻ bữa tối cùng gia đình. Sau đó anh nổi hứng bảo tôi đi thăm nhà thơ Tạ Vũ. Vì trời đã khuya và Ngọc cũng uống rồi, nên tôi gàn, nhưng Ngọc vẫn nhất quyết. Anh còn giành cầm lái xe máy của tôi. Vì tôi không biết nhà anh Tạ Vũ, nên đành để Ngọc cầm lái.

Tôi nhớ không biết bao lần Ngọc loạng choạng va quệt, thậm chí đâm vào tường, vì đường nhỏ ngõ ngách, gấp khúc. Tôi bảo để tôi cầm lái, nhưng Ngọc nhất quyết không cho. Hóa ra là Ngọc mới tập đi xe máy nên ham. Đến nhà anh Tạ Vũ, Ngọc đã say rồi, vào nhà lại thấy Tạ Vũ đang ngồi bệt giữa căn phòng trống hoang, tay vẫn cầm chai rượu, mặt đã chín dừ. Chị Điều vợ anh Tạ Vũ thấy chúng tôi đến, hăng hái pha nước. Tạ Vũ bảo dẹp chuyện nước, để uống rượu. Đêm ấy Ngọc say, tôi phải khốn khổ mới đưa được Ngọc về. Ngọc mới tập nên đi xe máy vẫn chưa thạo, thế mà sau đó chỉ vì cuộc tranh luận về cái giải văn chương gì đó, anh đã thể hiện mình quá chén ở nhà một người bạn, để rồi đi xe lạ, lái không vững, bị tai nạn.  Bao ước mơ dở dang đã bị cánh cửa số phận vĩnh viễn khép lại.

Trước khi Ngọc bị tai nạn mấy tuần, có hôm tôi bất ngờ gặp anh ở đoạn 51 Trần Hưng Đạo. Tôi gọi mời anh vào quán nước cạnh nhà xuất bản Văn học cũ, làm mấy chai bia Hà Nội. Uống xong rồi vội vã chia tay vì cả hai đều có việc. Không ngờ đó là cốc bia cuối cùng với nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc. Lúc anh bị nạn, tôi đến thăm, nhưng bấy giờ anh có còn biết gì nữa đâu. Đến đây, tôi bỗng nhớ câu thơ trong bài "Gọi Hạc" của Nguyễn Lương Ngọc: "Hạc trắng/ Hạc trắng/ Những con sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra".

Cái triết lý sự sống ấy đâu chỉ thuộc riêng về loài chim chóc. Phải không Ngọc?.

Cuối năm 2013

Hà Văn Thể
.
.