Khu di tích Bác Hồ ở Thái Lan và tấm lòng bà con Việt Kiều

Thứ Hai, 05/02/2007, 11:00
Tháng 12/2006, trong dịp đi công tác tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, được biết tại một tỉnh biên giới Thái Lan giáp Lào - tỉnh Uđon Thani, vừa khánh thành Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhớ thời gian Bác từ châu Âu về hoạt động tại Đông Dương theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, chúng tôi đã háo hức đến thăm. Tận mắt chứng kiến Khu di tích đẹp mà giản dị như cuộc đời của Bác, không ai cầm được nước mắt.

Hình ảnh Bác sống mãi trong lòng bà con Việt Kiều

Theo tư liệu lịch sử và qua lời kể của người dân và Việt kiều ở Uđon Thani, có thể hình dung lại: Giữa năm 1928, nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm (Thái Lan) vào tháng 7 với thẻ nhập cảnh mang tên Nguyễn Lai. Bác đi trên tàu biển chở khách và cập cảng tại Băng Cốc (thủ đô Thái Lan). Ở Thái Lan, Bác mang các tên Thầu Chín, Ông Thọ, Nam Sơn, đã đến tỉnh Phi Chịt (miền Trung Thái Lan), nơi đây có Trại Cưa do cụ Đặng Thúc Hứa, một Việt kiều yêu nước (chú của nhà văn hóa Đặng Thai Mai) thành lập để chuyên đón tiếp những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang (cụ Hứa cùng các vị tiền bối khác đã thành lập được ở Uđon Thani Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng và gây dựng một vài cơ sở làm nơi sinh sống, hoạt động).

Sau một thời gian ngắn ở Phi Chịt, Bác đã cùng với  một vài người giúp việc đi bộ suốt hơn nửa tháng trời để đến tỉnh Uđon Thani, một tỉnh lớn của Thái Lan, cách Băng Cốc khoảng 600 km. Uđon Thani hiện nay là cửa ngõ thông thương thuận lợi với CHDCND Lào, nhưng những năm 20-30 của thế kỷ trước, thị xã Uđon Thani rất nhỏ, dân cư thưa thớt, rừng rậm chiếm phần lớn với bạt ngàn gỗ quý vây bọc.

Lấy tên là Thầu Chín, Bác đến ga Noỏng Bùa, nơi có vài chục hộ gia đình Việt kiều sinh sống bằng nghề làm vườn. Bác trồng ở đây một số cây dừa, cây xoài nên sau này bà con Việt kiều gọi đó là “Vườn xoài Bác Hồ”.

Cách trung tâm thị xã Uđon Thani khoảng 12 km có làng Noỏng Ổn (huyện Mường), lúc đó rất hẻo lánh nên chỉ có 8 gia đình Việt kiều, không có người Thái. Cụ Hứa đã lập ra Trại Cưa, thu hút những thanh niên trai tráng nghèo (không nhà, không ruộng, không tiền) tụ hợp lại sinh sống bằng nghề chặt, xẻ gỗ rừng. Trại Cưa cũng là nơi đón những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang.

Ở đây một thời gian ngắn, Bác chuyển vào ở trong Trại Cưa. Ngôi nhà chính của Trại Cưa làm nơi nghỉ ngơi, hội họp, còn nhiều lán trại ở ngay trong rừng để tiện cho việc đốn cây, xẻ gỗ. Ở Trại Cưa, cụ Hứa đã chú ý đào tạo, nâng cao trình độ chính trị cho họ, nhưng phải đến lúc Bác tới thì việc ăn ở, học tập mới trở thành nền nếp.

Bác chia nhà ra thành nơi ở riêng cho người già, cho thanh niên và cho 3 phụ nữ (chuyên làm giao thông liên lạc kiêm mua, đổi thực phẩm về cho trại). Gian chính giữa được kê bàn ghế cho việc học tập văn hóa, chính trị. Bác quan niệm lao động sản xuất để đảm bảo cuộc sống và học tập, rèn luyện phẩm chất năng lực, đạo đức, chính trị, quân sự đều là nhiệm vụ quan trọng như nhau.

Đêm đêm, sau giờ làm việc, Bác tập hợp anh em lại, trò chuyện, kể cho họ nghe về tình hình phong trào cách mạng đang diễn ra trong nước và trên thế giới. Bác phác họa tương lai cách mạng Việt Nam. Bác còn chủ trương viết tờ báo Thân ái cho anh em đọc. Bác nhắc nhở mọi người phải tôn trọng phong tục tập quán, sống hòa thuận với đồng bào Thái và phải học tiếng Thái, bản thân Bác cũng chú trọng học tiếng Thái.

Rồi Bác chọn ra một số người có khả năng tiếp thu, dạy họ học tiếng Anh. Những đồng chí từ đây được điều đi xây dựng phong trào nơi khác đã nhân rộng cách làm việc, nền nếp mà Bác đặt ra tại Trại Cưa.

Sự kiện hoạt động tại Thái Lan của Bác đã được ghi lại trong một báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/2/1930, Người viết ngắn gọn nhưng súc tích, khái quát chính xác tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ở vùng đông bắc Xiêm từ năm 1928 đến 1930:

“1. Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về công tác ở Đông Dương, tôi từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7/1928. Tôi đã làm việc với một số người An Nam di cư tới đây từ tháng 11/1929.

2. Những điều kiện ở Xiêm:

a) Dân cư rất phân tán, hầu hết theo đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên Chúa.

b) Chừng 10 hay 15 nghìn người An Nam di cư ở Xiêm và Lào. Hơn một nửa trong số họ đã nhiều thế hệ theo đạo Thiên Chúa.

c) Kinh tế - không có công nghiệp, nông nghiệp tự nhiên và lạc hậu, điều đó dẫn đến chỗ đồng ruộng bỏ hoang; người ta có thể sử dụng bao nhiêu đất tùy ý, không hạn chế, không đánh thuế. Thương nghiệp ở trong tay người Trung Quốc.

d) Thiên nhiên - nửa năm nóng, nửa năm lạnh, và ở mùa này, tất cả mọi thứ giao thông liên lạc đều không thực hiện được”.

Thời gian hoạt động cách mạng ở Uđon, với tấm lòng của một nhà cách mạng vô sản quốc tế, Bác còn tham gia gánh gạch xây chùa Vắt Phô, một ngôi chùa to đẹp nhất tỉnh Uđon. Theo các nhà nghiên cứu Thái Lan thì “Cụ trụ trì chùa còn mời ông Nguyễn tham gia chỉ đạo xây dựng chính điện ngôi chùa”... Bác còn rất quan tâm đến đời sống của bà con người Thái, giúp đỡ họ chữa bệnh, phòng bệnh sốt rét... nên đi đâu Bác cũng được mọi người yêu mến, kính trọng.

Mặc dù thời gian hoạt động của Bác ở Uđon không dài, nhưng hình ảnh của Người mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người Việt ở Thái Lan. Với tình cảm yêu kính vị Cha già dân tộc, bà con Việt kiều đã trăn trở rất lâu, mong muốn dựng lại Khu di tích về Bác tại làng Noỏng Ổn.

Năm 2003, bà con đã đóng góp tiền của, và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Khu di tích đã được tiến hành xây dựng. Trên nền nhà cũ của Trại Cưa, ngôi nhà chính, nhà chứa thóc, cùng những đồ dùng mộc mạc (giường ngủ, bàn ghế, chum vại đựng nước...), chuồng trại chăn nuôi gia cầm... được dựng lại bằng gỗ, tre, nứa giống như thời gian Bác hoạt động tại đây.

Quang cảnh khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Uđon Thani – Thái Lan.

Đặc biệt, phía sau khu nhà được trồng rất nhiều tre, tre xanh tốt um tùm, khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy như đất Việt thân yêu và hình bóng Bác đang hiện hữu. Bên cạnh khu nhà chính, bà con Việt kiều đã dựng thêm một ngôi nhà để đặt bàn thờ Bác, trong đó đặt trang trọng tấm ảnh Bác với đôi mắt sáng và chòm râu bạc, khiến ai đến thắp hương tưởng nhớ cũng rưng rưng lệ.--PageBreak--

Tấm lòng của những người con xa tổ quốc

Khi ở thủ đô Viêng Chăn (Lào), mặc dù hồ hởi mong được đến Noỏng Ổn thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng trong lòng chúng tôi vẫn còn có chút e ngại. Thật không ngờ, Ban quản lý đã cử ông Vũ Mạnh Hùng đi đón, dẫn đường cho chúng tôi, và khi xe ôtô chúng tôi vừa đỗ thì bà con Việt kiều đợi sẵn ùa ra đón, hồ hởi, mừng vui, tay nắm lấy tay, như người thân xa lâu ngày gặp lại.

Chúng tôi còn ngạc nhiên vì hầu hết các bà các chị đều mặc áo dài Việt Nam rất đẹp. Mọi người giải thích: Chúng tôi xa Tổ quốc lâu năm, nhớ lắm, mong mỏi gặp người từ bên nhà sang để hàn huyên, áo dài luôn được sử dụng nhằm giữ gìn truyền thống quê hương.

Mấy chục Việt kiều vây quanh chúng tôi, cảm động rưng lệ, lặng nghe Giáo sư Xổm Dát, người Thái, giảng viên đại học ở Băng Cốc, Trưởng ban Quản lý di tích Bác Hồ giới thiệu về khu di tích cứ như họ chưa từng nghe mặc dù họ đã nghe nhiều lần.

Sau Lễ dâng hương kính cẩn trước ban thờ Bác, các bà, các chị Việt kiều quấn quýt hỏi thăm chúng tôi về chuyện quê hương, về thủ đô Hà Nội. Bà Hải đã gần 80 tuổi sụt sùi: “Quê tôi ở Ninh Bình. Tôi xa quê vừa tròn 60 năm, gần đây mới được về quê, nhưng tôi đã về 3 lần liên tục, mỗi lần con cháu lại may cho một cái áo dài mới”.

Chúng tôi hỏi thăm đời sống của bà con Việt kiều, được ông Vũ Mạnh Hùng cho biết: Bà con người Việt mình ở đây đa số có đời sống khá hoặc đầy đủ, không còn ai nghèo. Có cuộc sống ổn định như vậy cơ bản là do bà con đều biết tận dụng nghề cổ truyền từ làng quê của mình để sản xuất kinh doanh. Bản thân gia đình ông Hùng sống bằng nghề làm giò chả, sản phẩm được nhập cho các siêu thị và các nhà hàng “món ăn Việt Nam” trong tỉnh...

Trò chuyện cởi mở, chúng tôi càng cảm động khi biết rằng, các bác, các chị hầu hết đều không sinh sống trong làng Noỏng Ổn, khi được báo tin có đoàn khách trong nước sang thăm Khu di tích, mọi người đều gác lại công việc, lái ôtô đến chờ đón chúng tôi.

Khi biết bà Lê Tuyết Thế, một phụ nữ trong Ban quản lý, đã gần 60 tuổi, sinh ra lớn lên tại Thái Lan mà nói tiếng Việt sõi như người Việt, tôi hỏi thăm, bà thổ lộ tâm trạng: Lo nhất của bà con xa Tổ quốc là con cháu không còn biết nói tiếng Việt...

Tiễn chúng tôi trong không khí hết sức xúc động, bà con ai cũng mong tết Đinh Hợi được về quê hương ăn Tết, sum vầy họ hàng, làng xóm. Ông Vũ Mạnh Hùng thì nắm chặt tay tôi: “Nhờ nhà báo nói giúp với bà con trong, ngoài nước, rằng Khu di tích Bác Hồ ở Uđon Thani luôn rộng mở như tấm lòng của người Việt Nam xa Tổ quốc hướng về cội nguồn, chờ đón mọi người đến thăm”.

Ông còn dặn dò, nếu có đi thăm Khu di tích Bác Hồ tại Thái Lan hãy điện thoại trước cho ông: DĐ 042-223929; NR 081-7170856; hoặc bà Lê Tuyết Thế: 081-7686093

Trần Thu Hằng
.
.