Khởi nguồn của một mạch văn

Thứ Hai, 05/12/2011, 08:00
Truyện ngắn "Nằm vạ" là tác phẩm trình làng của nhà văn Bùi Hiển đăng ở Báo Thời Nay tháng 9/1940, với lời giới thiệu của nhà văn Thạch Lam: "Lối viết của ông giản dị và mạnh mẽ, thoáng qua một chút duyên kín đáo, và có nhiều nhận xét tinh vi"...

"Nằm vạ" cũng là tên tập truyện ngắn đầu tay của Bùi Hiển do nhà xuất bản Đời Nay phát hành năm 1941, được nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan bình: "Riêng những truyện về phong tục dân quê Nghệ Tĩnh là những truyện hay...Có ba truyện ngắn rất đặc sắc". Điều nhà văn không ngờ là "đứa con đầu lòng" của nghiệp văn lại gắn bó với ông lâu bền đến thế.

Năm 1970, sau khi tham gia một chiến dịch lớn ở vùng giới tuyến Vĩnh Linh, đơn vị quay ra Nghệ An để chỉnh quân, tôi tranh thủ về thăm quê, một làng ven biển thuộc xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Lần đầu tiên về làng, bà chị họ dẫn tôi vào một nhà người quen bán hàng tạp hóa và giới thiệu. Nghe chưa dứt câu, bà chủ nhà đã kêu lên "Ôi! Giống ông phán Hiển quá". Còn ông chồng vốn là thầy giáo làng, cười rất hóm: "Con ông "Nằm vạ" trông chững chạc hầy". Tôi nhận thấy, mấy người làng nhắc đến bố tôi với cương vị một nhà văn trước hết là do các nhân vật trong truyện ngắn, bút ký của ông hết sức gần gũi và thân quen với họ...

Không chỉ người làng. Vừa rồi, soạn lại tư liệu của bố tôi, tôi thấy thư của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tháng 1/1982, có đoạn: "Tôi đi thực tế các nơi, gặp nhiều người trí thức ở miền Nam, phần nhiều đều hỏi thăm anh, có cả một bà xơ dòng St Paul, sống ở Pháp đã lâu. Trường hợp lạ lạ như thế khá nhiều, đều đã đọc anh. Tôi trả lời anh vẫn còn trẻ, chưa thấy già đi chút nào, và vẫn sáng tác hết cuốn này đến cuốn khác. Riêng tôi, tôi ngẫm nghĩ về cái sức thâm hậu của một nhà văn trong cuộc sống, trong quần chúng vô danh. Có dễ gì tạo nổi một thế tồn tại rộng lớn và sâu bền như vậy; chính đó là sự tồn tại của một người theo tư cách là một nhà văn". Dù thư không nhắc đến tên một tác phẩm cụ thể nào, song tôi vẫn cảm nhận được sức sống của "Nằm vạ", vì những bạn đọc sống ở miền Nam trước đây chỉ có điều kiện tiếp cận với tác phẩm này...

Nhiều lúc tôi đã nghĩ, phải chăng, ấn tượng của "cái thuở ban đầu" thường lắng sâu? Mặt khác, "Nằm vạ" lại từng được các bậc tiên chỉ của làng văn lúc bấy giờ ngợi khen. Điều ấy đã góp phần làm nó đọng lại lâu bền trong người đọc? Chỉ biết rằng, tên của tác phẩm đầu tay đã theo ông gần như suốt cả cuộc đời, trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.

Đặc biệt, có người chờ đón "Nằm vạ" từ khi sách chưa in, dù là do thú "chơi sách đẹp". Một nhà văn sành chữ như Nguyễn Tuân, chắc chắn không bao giờ chịu "chơi" cuốn sách chỉ đẹp về hình thức. Ngày 2/8/1941, ông đã gửi thư cho Bùi Hiển:

"Tôi là một người thích chơi sách đẹp. Loại giấy Impérial Annam là tôi ưa lắm. Được tin ông sắp ra cuốn "Ngả Vạ", tôi muốn souscrire (đóng tiền mua - cách nói lịch sự) một cuốn Impérial Annam. Vậy ông dành cho một bản. Xin cám ơn ông trước và chờ ông cho biết tôn ý.

Kính.

Nguyễn Tuân".

Trong thư, tác giả "Vang bóng một thời" dùng từ "Ngả Vạ", không hiểu do nghe nhầm hay ông thích dùng chữ theo cách độc đáo của mình, có lẽ giả thiết sau đúng hơn. Một nét nữa cũng rất Nguyễn Tuân: Ông không mở đầu bằng câu giao đãi theo cách thông thường, chỉ đến phần tái bút mới có lời với văn hữu: "Được dịp đọc văn ông, tôi rất tiếc rằng hồi gần đây tôi không có dịp qua Vinh luôn - như trước nữa - để được hầu chuyện một văn hữu có biệt tài". Theo nhà văn Bùi Hiển, khi sách ra ông đã gửi biếu nhà văn bậc đàn anh một cuốn "Nằm vạ" in trên giấy đẹp, theo đường bưu điện có đảm bảo.

Sau này, hai chữ "Nằm vạ" tiếp tục được sử dụng trong bối cảnh và ý tứ khác nhau. Khi "Nằm vạ" sang tuổi 50, nhà thơ Lê Đại Thanh - lúc đó đã ở tuổi 85, mở đầu thư gửi bạn văn: "Thân gửi anh Bùi Hiển tác giả Nằm vạ", thư khác là "Thân gửi Bùi Hiển người ăn vạ ưu tú". Nhà thơ tâm sự chuyện nghề, kèm theo hai bài thơ tiếng Việt (Đám ma tôi, Màu sắc của cái buồn), một bài thơ viết bằng tiếng Pháp và thỉnh thoảng chêm vài câu thơ vui như "Họ buồn họ uống bia hơi/ Tôi buồn tôi sáng tác chơi để đùa/ Gửi Nằm vạ một Bonjour (lời chào)...".

Cuối năm 1999, trong lễ mừng thọ nhà văn Bùi Hiển 80 tuổi, kết thúc phát biểu của mình, nhà thơ Huy Cận chúc nhà văn Bùi Hiển "tiếp tục nằm vạ với đời", chữ "nằm vạ" ở đây gần với nghĩa sáng tác.

Đối với chúng tôi là con cháu trong nhà, tài sản quý báu nhất mà nhà văn Bùi Hiển để lại là một phong cách trong lao động sáng tạo, sự độ lượng và tình cảm chân thành của ông dành cho gia đình. Vào dịp kỷ niệm "đám cưới vàng" của ông bà nội, cháu Cẩm Hà (con gái anh tôi) lúc ấy 14 tuổi, làm bài thơ mừng, sử dụng tên một số tác phẩm của ông nội (để trong ngoặc kép). Ở đây, hạnh phúc cũng biết nằm vạ. Từ tấm gương của ông bà mình, cháu "ngộ" ra rằng: "Hạnh phúc như "chiếc lá" xanh tươi/ Luôn vẫy gọi chào đón mọi người/ Nếu biết giữ gìn và trân trọng/ Sẽ "nằm vạ" lại một cách đáng yêu.." trong ngôi nhà của mình...  

Nhân phân tích mạch văn cũng như ý tứ gửi gắm trong truyện ngắn, bút ký, tiểu luận văn học của nhà văn Bùi Hiển viết sau Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ đồng hương Hoàng Trung Thông đã gợi ý: "Hãy đọc lại Nằm vạ, giọng văn rất Nghệ Tĩnh mà sao người Bắc Hà vẫn thích thú. Có phải vì thị hiếu xa lạ (gout exotique) hay còn do chất văn học nằm trong đó. Đây là truyện phong tục, chỉ là truyện phong tục thôi ư? Hay còn cái gì khác hấp dẫn người đọc? Tôi nghĩ rằng "bí quyết" nằm ở chỗ cây bút trẻ Bùi Hiển lúc bấy giờ đã bắt được vào cái dòng hiện thực miêu tả những con người bình thường, thế rồi trong dòng ấy, lại bắt được vào mạch đời sống dân chài với nhiều vẻ khá độc đáo, những vất vả gian lao hòa trộn với chất thô lậu, chất khỏe khoắn và gân guốc". Phải chăng, một mạch văn được bắt đầu từ đây, cho nên người ta nhớ đến "Nằm vạ" như là điểm khởi nguồn?

Như một số nhà phê bình nhận xét, văn Bùi Hiển là sự chuyển hóa "chất sống" (từ của nhà văn Nguyễn Công Hoan dùng trong bài phỏng vấn nhà văn Bùi Hiển về chuyện nghề) theo cách rất riêng của mình. Và để đạt được điều này, phải đọc, phải học và đặc biệt là phải đi rất nhiều. Riêng trong hai cuộc kháng chiến, vùng chiến sự ở Khu Bốn có sức thu hút ông đến kỳ lạ. Thời chống Pháp: "Niềm khát khao đắm mình trong thực tế để có vốn sống làm nên những tác phẩm hay sau này, đã thôi thúc ông dấn thân say sưa đến mức đi đến "vô kỷ luật" một cách tự giác, nấn ná lại vùng địch hậu (Thừa Thiên) đạn bom tráo trở cả năm rưỡi trời, trong khi thời hạn đi công tác ấn định sáu tháng. Khi ông trở về cơ quan, sổ lương lâu ngày đã bị cắt. Ba người bạn là nhà thơ Lưu Trọng Lư, Chi hội trưởng Văn nghệ (Khu bốn), cùng hai ủy viên thường vụ Hoàng Trung Thông và Chế Lan Viên quyết định bổ sung luôn Bùi Hiển vào ban thường vụ, làm thường trực, cho dù ông chưa có chân trong ban chấp hành" (nhà văn, nhà báo Phan Quang).

Sang thời đánh Mỹ, dù tuổi đã khá cao, ông vẫn thường xuyên đến các điểm nóng: Tháng 2/1965, máy bay và tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt Quảng Bình, Vĩnh Linh, ông đã có mặt tại chỗ để viết bài. Giữa năm 1965, chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra Nghệ An, nhà văn đã ở đây ba tháng, đi khắp các huyện dọc quốc lộ 1A. Năm 1966, tác giả "Nằm vạ" cắm ở Nghệ An, Hà Tĩnh tám tháng liền. Năm 1967, ông đi thực tế Quảng Bình bảy tháng rưỡi. Năm 1968 lại vào Vĩnh Linh và Quảng Bình, năm 1970 ở Nghệ An hai tháng...Nhà văn Trần Công Tấn nhớ lại, trong số văn nghệ sĩ từ Hà Nội vào thâm nhập thực tế ở vùng đất lửa Quảng Bình: "Anh Bùi Hiển là người ở lại với chúng tôi lâu nhất. Nhiều lần tôi đưa anh đi vào giới tuyến, vào cầu Hiền Lương; rồi đưa anh đi theo đoàn xe vận tải chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam. Đến những nơi ác liệt đó, anh nói: "Tấn về để lo công việc của Hội văn nghệ tỉnh. Mình sẽ ở lại đây ít lâu nữa". Tôi đành gửi anh lại, trở về cơ quan.

Nhà thơ Xuân Hoàng biết chuyện kêu lên: "Để anh Hiển ở lại những túi bom ấy nguy hiểm lắm. Chắc phải mời anh ấy trở về". Nhưng anh không về. Mọi người cười, đem tên tác phẩm "Nằm vạ" nổi tiếng của anh gán cho anh: "Ông ấy lại "Nằm vạ" dưới tầm bom!". Trong những chuyến đi nói trên, nhà văn sống cùng đồng bào, hành quân cùng bộ đội. Và những con người bình thường như cán bộ cơ sở, anh bộ đội, cô dân quân, người lái xe, thầy giáo, cô giáo, bác sĩ, y tá, nông dân, ngư dân, công nhân cầu đường, cô gái tật nguyền... mà Bùi Hiển gặp trên nẻo đường chiến tranh đã hồn nhiên, sống động đi vào truyện ngắn, bút ký của ông. Họ luôn là nhân vật chính hiện diện và chiếm lĩnh hầu hết các trang sáng tác của tác giả "Nằm vạ".

Vì sao Bùi Hiển gắn bó với những người trực tiếp lao động và chiến đấu đến thế? Như nhà văn có lần tâm sự: "Họ có lòng kiên định, họ có lương tri mộc mạc, chính vì thế càng gần với chân lý cuộc sống hơn...". Nhà văn đặt vào những con người này, những nhân vật của mình "một niềm tin vững chắc" trong mọi bối cảnh của cuộc sống, kể cả khi một số điều từng được coi là chân lý cũng trở nên "chông chênh"...

Hà Nội, ngày 11/11/2011

Bùi Quang Tuấn
.
.