Khi tình yêu vỗ cánh bay đi

Thứ Sáu, 22/04/2016, 14:45
Trước khi được xem một đoạn phim tư liệu có cảnh ông về đứng tần ngần trước  căn nhà xưa, tôi cũng như nhiều người đã không nhận ra dấu tích của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nơi căn nhà đó. Cũng phải thôi, sinh ra ở đó, tuổi thơ ở đó, nhưng lớn lên, cuộc sống và âm nhạc đã sớm đẩy Nguyễn Ánh 9 vào phiêu dạt không lai hồi cố quận.


Ngụ cư ở Phan Rang, một thành phố bé tí xíu ven biển Nam Trung Bộ đã gần 40 năm, tôi vẫn hết sức bất ngờ khi được một người bạn đồng nghiệp chỉ cho biết ngôi nhà xưa cũ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Hơn nửa thế kỷ vẫn thế, con đường Trần Hưng Đạo bắt đầu từ trước cửa chợ Phan Rang chạy ra phía bờ đê sông Dinh bạt ngàn nắng gió vẫn thường xuyên vắng người qua lại.

Nói như bạn tôi, con đường vắng vẻ vừa đủ, quạnh hiu nho nhỏ, con đường mang nét dở dang, cũng vừa đủ vòng ôm để cưu mang một ngôi nhà nhỏ quét vôi vàng, thâm thấp, buồn buồn - như nhạc của người nhạc sĩ tài hoa một thuở.

Trước khi được xem một đoạn phim tư liệu có cảnh ông về đứng tần ngần trước  căn nhà xưa, tôi cũng như nhiều người đã không nhận ra dấu tích của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nơi căn nhà đó. Cũng phải thôi, sinh ra ở đó, tuổi thơ ở đó, nhưng lớn lên, cuộc sống và âm nhạc đã sớm đẩy Nguyễn Ánh 9 vào phiêu dạt không lai hồi cố quận.

Ông sinh đúng ngày đầu tiên (1-1) của năm Thìn  1940, tên thật là Nguyễn Đình Ánh. Nhìn nhà cũ xây kiểu biệt thự Pháp, 50 năm không đổi, tuy  bây giờ thành thấp nhỏ lọt thỏm giữa phố phường, cũng đủ để giúp hình dung ngày xưa gia đình ông chắc chắn thuộc vào hàng khá giá. Ông chỉ sống ở đó chưa hết thời tiểu học thì gia đình chuyển ra Nha Trang, sau đó lại chuyển tiếp vào Sài Gòn. Thời trung học, ông lại chuyển lên học nội trú tại trường Yersin Đà Lạt.  Học nhạc từ nhỏ, từng chơi dương cầm trong nhà thờ, tại Đà Lạt, cơ duyên đã giúp ông gặp và được nhạc sĩ Hoàng Nguyên truyền cảm hứng, dìu dắt vào âm nhạc. Năm 1958, vì muốn dấn thân vào âm nhạc, ông bỏ nhà ra đi. Cha ông không muốn con cái theo nghiệp cầm ca, tuyên bố từ ông. Phải mất 7 năm sau, khi ông đã 25 tuổi, mối giận hờn của cha con họ mới kết thúc. Đó là khi ông buộc phải tạm dừng gót phiêu bồng, xin cha cho quay về nhà và xin cha cho cưới vợ.

Lúc mới rời gia đình, Nguyễn Đình Ánh được nhạc sĩ Hoàng Nguyên giới thiệu tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài Phát thanh Sài Gòn và Đài Phát thanh Đà Lạt, sau đó tham gia các chương trình văn nghệ thanh niên. Ông khởi nghiệp với vai trò một nhạc công chơi dương cầm. Cho đến cuối đời, dù đã sau hàng chục năm mang danh một nhạc sĩ  tài hoa với nhiều ca khúc - hầu như toàn là tình khúc - được công chúng ái mộ, ông vẫn không bỏ nghiệp nhạc công, vẫn hằng đêm gò mình trên phím dương cầm trong các quán bar, nhà hàng nổi tiếng.

Đời ông đã từng đệm đàn, tôn vinh giọng hát của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng. Nhưng trong đó, với ông, hạnh phúc nhất là khi được chơi đàn cho hai danh ca Thái Thanh và Khánh Ly khoe chất giọng. Rất hợp với phong cách thâm trầm, lặng lẽ nhưng đầy nội lực như  núi lửa sắp phun trào của ông, cả hai ca sĩ tài danh ấy đều mang giọng hát rất liêu trai, ma mị.

Thời trai trẻ ấy, ông đã từng có một mối tình nhưng không đi đến đích. Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là chính cô đề nghị ông đặt, với số 9 là biểu trưng may mắn, viên mãn trong quan niệm phương Đông. Mối tình đầu đã xa lơ xa lắc, nhưng nghệ danh cô đặt thì theo ông suốt cả đời.

Cũng chính trong nghiệp nhạc công dương cầm, ông đã gặp bà Ngọc Hân, vợ ông sau này. Ngày họ cưới nhau, ông 25 tuổi, bà vừa tròn 20, đang là một vũ công có tiếng. Cưới nhau xong, bà tự nguyện bỏ nghề, trọn đời dành thời gian chăm sóc, lo lắng cho sự nghiệp âm nhạc của chồng, cùng ông sinh hai người con trai cũng gắn bó với nghiệp cầm ca là nhạc sĩ Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh.

Nguyễn Ánh 9 đến với sự nghiệp sáng tác khá muộn. Trong một lần đi cùng Khánh Ly sang Nhật biểu diễn tại hội chợ Osaka, dư âm tình cũ chưa phai hẳn, ông đã thoáng tần ngần. Khánh Ly hỏi ông: "Còn thương nó không bạn?". Từ vô thức, câu trả lời của ông là một câu ca: "Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...".

Về nước, Khánh Ly nhắc lại và đề nghị ông soạn thanh bài hát. Không lâu sau đó, "Không",, nhạc phẩm đầu tiên của Nguyễn Ánh 9 đã trình làng, cùng với các ca khúc tiếp theo như   "Ai đưa em về", "Chia phôi", "Lời cuối cho em"… đã nhanh chóng đưa tên tuổi ông trở thành một nhạc sĩ tài ba, đồng thời cũng nhờ chúng mà một danh ca Elvis Phương đã nhanh chóng danh nổi như cồn.

Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Ánh 9 không phải là nhạc sĩ viết nhiều. Nhưng bù lại, nhạc phẩm của ông có chất riêng, như nhiều người nhận xét là tuy vẫn là nhạc vàng, trầm buồn, tha thiết  nhưng không ủy mị, lê thê, không "sến" mà vẫn sang trọng, đầy chất thính phòng. Hơn thế nữa, buồn, chia ly, tan vỡ… nhưng nhạc của Nguyễn Ánh 9 vẫn có một sức sống  mãnh liệt, hàng chục năm sau vẫn sống trong lòng người mộ điệu.

Giới trẻ  thời Pop - rock vẫn say mê những câu ca cũ của ông. Chúng vẫn được vang lên hàng đêm tại nhiều phòng trà, sân khấu thời hiện đại, góp phần giúp tỏa sáng nhiều "ngôi sao" thời chạy show, trong đó có cả "ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng. Trong sự nghiệp của giọng ca sang trọng, cao vút Ánh Tuyết, nhạc của Nguyễn Ánh 9 cũng góp một phần tôn vinh không nhỏ.

Sinh ra, lớn lên ở miền Phan Rang "nắng như phang và nóng như rang", chơi nhạc và định hình phong cách âm nhạc ở xứ sương mù Đà Lạt, nhạc của Nguyễn Ánh 9 tuy buồn nhưng không xuôi chiều một bề mà có sự pha trộn của hai thái cực đối lập trong cảm xúc, giữa một bên là sự khắc nghiệt của nắng gió cực nam và bên kia là nỗi u hoài, trầm mặc pha lẫn lãng đãng yêu thương của xứ cao nguyên lạnh. 

Thêm vào đó là không khí u trầm như  âm nhạc từ dàn đồng ca nhà thờ mà ông tham gia từ thuở nhỏ. Đỉnh cao trong sáng tác của ông là sự hội tụ của đầy đủ các đặc điểm đó, với những "Ai đưa em về", "Buồn ơi chào mi", "Đêm nay ai đưa em về", "Cho người tình xa"… và tất nhiên không thể không  nhắc đến "Không" - nhạc phẩm đầu tay mang nhiều dấu ấn phá cách.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ, vũ công Ngọc Hân tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

Nhiều thế hệ người Việt yêu âm nhạc sẽ còn nhớ mãi những lời ca ông viết từ lâu lắm mà ngỡ như mới hôm qua, trong đó dường như còn phảng phất một chút lãng mạn kiểu Francoise Sagan:

"Buồn ơi ta xin chào mi
Khi người yêu đã bỏ ta đi
Buồn ơi ta xin chào mi
Khi tình yêu chắp cánh bay đi
Buồn ơi ta đang lẻ loi
Buồn hỡi ta đang đơn côi
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa....".

Đến với  âm nhạc từ một nét nổi loạn (bỏ nhà đi), nhưng cả cuộc đời, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lại gò mình trong một cuộc sống lặng lẽ, lánh xa thị phi để ẩn thân trong nỗi cô đơn thức giả. Gần như trọn mối quan tâm sau này ông đều dành hết cho gia đình. Với người vợ chung tình một đời hy sinh, đến tận phút sắp lâm chung, ông vẫn dành bao nhiêu trìu mến và nỗi  hàm ơn. Thu hết sức tàn, ông đã viết  một dòng nhắn nhủ:  "Bà nội ơi! Thương bà nội nhiều lắm, bà nội đừng giận ông nội nhé!'.  Cách gọi vẫn thân tình, gần  gũi và chan chứa như thể  không hề có chuyện cái chết đang cận kề.

Một lúc nào đó, ông đã vô tình vướng vào một cuộc tranh cãi ồn ào đánh đu giữa hai chữ giá và giá trị của cuộc đời sân khấu, nghệ thuật và sự mua vui. Khi sóng gió nổi lên, dù thuộc hàng cha chú, hàng thầy, ông vẫn khiêm cung nhún mình xin lỗi nhưng dứt khoát không rút lại những gì đã phát ngôn.

Rồi cuối cùng, khi cơn hiếu thắng qua đi, "ông hoàng nhạc Việt" cũng đã ôm hoa đến chờ ông biểu diễn xong để gục đầu vào vai ông mà khóc, mà ăn năn "xin bố tha thứ cho con", mà hóa trẻ con ngỗ ngược để  được nhận từ ông - một người thầy, người cha - một sự vỗ về tha thứ. Ngày ông mất - 14-4-2016 - Đàm Vĩnh Hưng cũng như nhiều sao Việt khác đã đến tiễn đưa với rất nhiều nước mắt và thương tiếc chân thành.

Một tài năng đã tắt.

Một nhân cách lớn đã ra đi.

Hẳn giờ đây nỗi cô đơn thức giả của người nhạc  sĩ tài hoa đã trở nên nhẹ nhõm.

Chỉ âm nhạc, sự ngưỡng mộ và thương nhớ là vẫn còn ở lại.

Lâu, rất lâu nữa!

Hồng Lam
.
.