Khi nhà văn muốn thành "ẩn sĩ"

Thứ Tư, 18/02/2009, 14:30
Nhà văn Mỹ Jerome David Salinger vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình trong sự cách ly với tất cả mọi người. Cuộc đời của ông được chia thành ba thời kỳ khác nhau. Ba mươi hai năm đầu tiên không ai biết ông. Trong suốt bảy năm tiếp theo ông được cả thế giới biết đến. Và đã nửa thế kỷ nay Salinger sống ẩn dật tại điền trang Cornish, bang New-Hamgshire.

Đối với nhiều nhà báo được phỏng vấn ông (thậm chí được nhìn thấy ông thoáng qua) đã là một vinh dự nghề nghiệp. Vinh dự ấy dần dần biến thành một đam mê. Nhưng cho đến nay chưa ai có thể nhử được con "ốc sên" văn học này ra khỏi cái vỏ của mình. Trong vòng mấy thập kỷ gần đây, không ai chụp ảnh được Salinger, không ai biết được hiện nay dung mạo ông như thế nào.

Salinger đột nhập vào nền văn học Mỹ và thế giới bằng cuốn tiểu thuyết đầu tay "The Catcher in the Rye" ("Bắt trẻ đồng xanh", đã được dịch sang tiếng Việt), được xuất bản năm 1951. Cuốn sách này ngay lập tức trở nên nổi tiếng và nằm trong danh sách best-seller, đồng thời là sách gối đầu giường của nhiều học sinh, sinh viên.

Tác phẩm miêu tả về cảm giác bị hắt hủi, về những mất mát trong tâm hồn của giới thanh niên mới lớn thông qua nhân vật chính Holden Caulfield, học sinh một trường trung học nội trú bị vứt ra lề đường đô thị. Đây là cuốn tiểu thuyết kinh điển của thế kỷ XX về những phẫn uất và sự chống đối của tuổi trẻ. Nó đã có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là đối với các độc giả tuổi vị thành niên. Tác phẩm trở thành một trong những hiện tượng văn học quan trọng nhất của thế kỷ XX và được giảng dạy phổ biến ở nhiều trường đại học trên thế giới. Hiện sách được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ; được bán tới 60 triệu cuốn với bình quân 250.000 cuốn/năm, được tạp chí TIME chọn là một trong 100 tác phẩm tiếng Anh xuất sắc nhất kể từ năm 1923.

Trong khi tên tuổi đang nổi như cồn, bỗng nhiên năm 1960, Salinger đột ngột "biến mất". Năm 1961, "Franny" và Zooey"- hai truyện ngắn ông viết về gia đình Glasses, được xuất bản. Vào những năm 70, Salinger từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn, còn vào những năm 80, ông thậm chí đã làm đơn lên tận Tòa án tối cao Mỹ, kiện nhà tiểu sử người Anh Ian Hamilton trích dẫn thư từ của ông.

Vậy là, dần dần đã xuất hiện một liên ngành văn học - trinh thám gọi là "Salinger học", nghiên cứu về những gì mà nhà văn - kẻ ẩn sĩ đã làm trong nửa thế kỷ gần đây. Một số người cho rằng nhà văn đã đoạn tuyệt với sáng tác. Số khác cho rằng ông vẫn tiếp tục viết, nhưng viết xong lại đốt tác phẩm của mình hệt như Gogol đã làm với phần hai "Những linh hồn chết". Một giả thuyết khác thì cho rằng Salinger vẫn viết và cất vào ngăn kéo và các tác phẩm của ông sẽ chỉ được xuất bản sau khi ông qua đời. Giả thuyết thứ tư dựa trên bằng chứng của nữ văn sĩ Joyce Maynard, người tình của Salinger đầu những năm 70.  Maynard đã viết hồi ký kể về chuyện tình giữa hai người và bán đấu giá những bức thư riêng tư giữa họ được tới 160.000 đôla.

Theo Joyce Maynard, bà nhìn thấy "những chồng sổ ghi chép" về truyền thuyết gia đình Glasses, rằng trong két sắt của nhà văn hiện có  ít nhất hai cuốn tiểu thuyết mới của ông được lưu giữ.

Giả thuyết thứ năm cho rằng thành công quá lớn của "Bắt trẻ đồng xanh" đã tạo nên sự chú ý và săm soi của dư luận; dẫn đến việc Salinger trốn tránh và không còn sáng tác được như xưa nữa. Tác phẩm cuối cùng của Salinger có nhan đề "Hapworth 16, 24"(1965) xuất hiện trên The New Yorker là vào tháng 6 năm 1965.

Và cuối cùng, một số nhà "Salinger học" nghiêm túc hơn thì tìm cách giải mã hoạt động văn học bí mật của Salinger bằng việc phân tích tác phẩm cuối cùng của ông "Hapworth 16, 24" và tìm kiếm trong đó nguyên nhân dẫn tới cuộc sống ẩn dật của nhà văn

Trần Thanh Hằng
.
.