Khách quan

Thứ Ba, 19/01/2010, 17:30
Cách nay quãng 4 - 5 năm, trong một lần sang Hợp chúng quốc Hoa Kỳ để tìm hiểu về truyền thông, chúng tôi có may mắn gặp một nhà báo nữ nổi tiếng ở New York. Khi tiếp xúc với chúng tôi, bà nói một câu rất tự tin: "Các bạn có thể nêu bất kỳ câu hỏi và tôi tin rằng câu hỏi nào, tôi cũng có thể trả lời được".

Sau mấy câu hỏi của đồng nghiệp, tôi hỏi một câu:

- Theo tôi, các nhà báo thường chạy theo sự kiện. Vậy trong trường hợp nào thì nhà báo tạo ra sự kiện?

Nữ nhà báo nổi tiếng trả lời:

- Trường hợp vào dịp bầu cử chẳng hạn. Đã có không ít nhà báo tạo ra sự kiện trong thời điểm này. Nhưng nhân đây, tôi cũng nói thêm: Tạo ra sự kiện thường hiếm hoi hơn chạy theo sự kiện. Chưa nói là có nhà báo chỉ phản ánh sự kiện thuần túy qua lời người khác hoặc nói hộ người khác.

Chúng tôi thấy câu trả lời này thật hay. Không chỉ có thế, qua cuộc tiếp xúc, chúng tôi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học đáng quý khác.

Dời New York đến San Francisco ít ngày, chúng tôi nhận được thông tin từ một nhà báo người Mỹ gốc Việt cho biết: "Nữ nhà báo mà các anh, các chị vừa gặp đã bị thôi việc". Chúng tôi hỏi: "Lý do?". Ngay lập tức, chúng tôi nhận được một lời giải thích: Vì không khách quan.

Có lẽ vì sự hối thúc và gấp gáp về thời gian, nữ nhà báo nói trên đã viết một bài phỏng vấn chồng mình. Việc thì đúng nhưng người thì chưa đúng. Và một khi đã phỏng vấn người thân của mình, dù có thế nào, người ta cũng không cho là khách quan. Hay tin này, chúng tôi không khỏi có phần bất ngờ, sửng sốt.

Từ hiện tượng trên, chúng tôi tự rút ra một kinh nghiệm: Đã làm báo thì phải khách quan. Một khi không khách quan thì rất khó thuyết phục độc giả.

Mà chẳng riêng gì làng báo, trong làng văn, cũng rất cần sự khách quan.

Bởi thế thông thường để thẩm định giá trị một tác phẩm, để tăng độ tin cậy, nhiều người  thường viết: "Khách quan mà nói", "khách quan mà nhận xét", "khách quan mà đánh giá"… Tuy nhiên, cái sự khách quan này không thể… tuyệt đối khách quan được.

Đơn giản vì người viết nào chẳng có ít nhiều cảm tính, chủ quan gửi gắm vào bài viết của mình. Hay nói một cách khác: Nếu một bài viết có 90% khách quan và 10% chủ quan, thì cũng là đáng quý và đáng trân trọng lắm rồi, nhất là đặt trong điều kiện, hoàn cảnh có quá nhiều người "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" như hiện nay.

- Thế chả nhẽ, trên nhiều tờ báo, tạp chí bây giờ, ông đọc được nhiều bài viết không khách quan sao? - Có một người sau khi thấy tôi nói nhiều đến sự khách quan, đã hỏi như vậy.

Tôi trả lời: "Đúng như thế!". Rồi tiện thể, dẫn chứng luôn: "Tôi đã đọc khá nhiều bài thiên về đọc sách, điểm sách hơn là phê bình. Những bài viết này thường có một cách nói tương đối giống nhau. Nào là cuốn sách rất đáng đọc. Nào là người viết rất đáng khen. Nào là tác giả tỏ ra có những tìm tòi, phát hiện. Nào là một số bài thơ (hoặc một số truyện ngắn) đã chứng tỏ sự nỗ lực của tác giả… Còn tại sao lại "đáng đọc"?

Tại sao lại "đáng khen"? "Tìm tòi, phát hiện" được bộc lộ như thế nào? "Sự nỗ lực" được bộc lộ như thế nào? Thì không chứng minh được. Theo tôi, đây là những bài viết thuộc diện vô trách nhiệm trước độc giả. Chưa kể trong số này, còn có những bài viết nhằm nhắm đến cái đích "mông má" hoặc "đánh bóng mạ kền" cho nhau.

Nhưng cái sự khen nhau như thế đã nhằm nhè gì nếu đem ra so sánh với một số người vừa là thí sinh vừa là giám khảo (một kiểu "vừa đá bóng vừa thổi còi") trong một số cuộc chấm giải thưởng thường niên về văn học nghệ thuật. Làm ăn như thế thì còn ai tin và còn khách quan vào đâu được nữa!

Đặng Huy Giang
.
.