Một đôi kỷ niệm về nhà văn Vi Hồng

Khắc đi khắc đến

Thứ Tư, 16/09/2009, 10:45
Văn Vi Hồng vừa mang đậm phong vị thơ ca dân gian Tày Nùng vừa đậm chất trí tuệ. Đọc Vi Hồng, tôi thấy hồn cốt văn chương ông gần gũi, thân thuộc, bình dị như cơm tẻ, như bát canh thịt gà gừng, như bánh cuốn nóng, như phở chua mùa hè, như bát coóng phù mùa đông, như ngửi thấy hơi thở mùi măng xào với lá mác mật...

Ngày còn đóng quân dưới chân núi Voi (Đồng Bẩm -Thái Nguyên), tình cờ tôi được đọc một số truyện ngắn của Vi Hồng in rải rác trên báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội. ĐNhàến nay vẫn còn nhớ "Cây su su noọng ỷ", "Cọn nước Eng Nhàn"..., đặc biệt là tiểu thuyết "Vãi Đàng" và "Đin phiêng" (Đất bằng). Tôi đã giật mình vì lần đầu tiên được đọc một giọng văn Tày "xịn" đến thế!

Tôi mê ông từ đấy.

Tôi hỏi thử những người xung quanh về nhà văn Vi Hồng. Nhưng những người lính chẳng ai biết gì về con người này.

Vi Hồng là ai? Câu hỏi ấy trong tôi nối dài ra ngõ. Ra đường cái. Vào các bản làng xa xôi. Về những thành phố lớn....

Tôi ra quân chuyển ngành về công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng. Một buổi sáng cuối thu đầu đông, tôi thấy có ông già tóc mốc, dáng người nhỏ thó, vai đeo chiếc túi "pác mạ" màu chàm, áo bông màu xanh công nhân đã nhàu nhạt, đang lúi húi xuất trình giấy tờ trước cổng thường trực. Lát sau ông thoăn thoắt bước vào cơ quan. Trưởng ty Văn hóa nhác thấy ông, vội vàng ra tận cửa phòng vòng cả hai tay ôm chặt lấy khách. Họ ngồi rì rầm những gì với nhau không biết. Thỉnh thoảng lại một chuỗi cười to, vang, tung tóe lên ngỡ có thể làm rung cả mái ngói.

Ông già đi rồi tôi mới biết đó là nhà văn Vi Hồng. Thật tuyệt vời! Người mà tôi yêu mến bởi tài năng văn chương bỗng nhiên xuất hiện. Kỳ thực năm ấy ông mới ngoài 40 tuổi. Ông là người Tày ở bản Phai Thin, xã Đức Long, Huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, đồng hương với tôi.

Ngay sau đó tôi rủ mấy anh em viết văn làm thơ đi tìm ông. Vi Hồng là một con người thật dễ gần. Ông giản dị thuần phác, hệt một lão nông ở bản. Đặc biệt ở ông có đôi mắt rực sáng và ấm nóng. Đôi mắt biết cười nhưng hầu như rất ít cười. Đôi mắt ông không giấu nổi nỗi buồn. Nỗi buồn trĩu nặng cả hai hàng mi. Ông chăm chú nhìn chúng tôi. Ông nói với chúng tôi như với những người cùng làng. Giọng trầm, ấm. Ánh mắt của ông toát ra niềm tin cậy ngay từ buổi đầu tiên gặp mặt. Cái tình người viết văn làm thơ nó thế. Lạ lắm. Như là có hẹn từ tiền kiếp. Gặp lần đầu mà thân thiết được ngay.

Ông nói tiếng Kinh. Khi phát ra, giọng ông vẫn mang thổ âm đặc sệt của người Tày quê gốc Hòa An, Cao Bằng. Nghe luyến láy và hơi nặng. Một người con xa quê nhà từ lâu, đến khi trở thành một nhà khoa học, nhà giáo có uy tín, vừa trực tiếp giảng dạy vừa làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian Trường đại học Sư phạm Việt Bắc, Thái Nguyên, ông vẫn là người "cày cuốc" và chài lưới, vẫn rất mực "nhà quê".

Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980, mặc dù ông là một nhà văn xuất hiện chưa lâu, tác phẩm xuất bản chưa nhiều trên văn đàn cả nước. Văn Vi Hồng đầy cá tính. Ông có lối viết không giống ai. Một kiểu tư duy nghệ thuật không giống ai. Một cá tính cực đoan không giống ai. Ông từng nói muốn viết văn hay trước hết phải chịu nghèo tiền bạc. Cả đời ông chỉ biết yêu thương những con người lương thiện luôn bị thua thiệt.

Ông coi anh em viết trẻ quê hương Cao Bằng là những người anh em ruột thịt thân thiết. Ông nhiệt tình vô tư giúp những ai thực sự có tâm hồn, có năng khiếu nghệ thuật và muốn trở thành nhà văn. Còn những ai ham thích và mong muốn trở thành nhà này nhà nọ nhưng "ngửi" không thấy có "mùi" văn chương ông cũng thẳng thắn góp ý thôi đừng viết nữa. Hãy tập trung thật tốt chuyên môn của mình còn vinh dự hơn là làm anh nhà văn nhạt hoét. Thoạt đầu cũng có người giận ông, cho rằng ông kiêu căng, ông coi thường người khác. Nhưng càng về sau này họ càng hiểu tấm lòng của ông là chân thật.

Vi Hồng là người có công phát hiện, khơi dậy, động viên, nâng đỡ nhiều anh em cùng lứa với chúng tôi, trong đó có nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Nguyễn Hữu Tiến nhà văn Hoàng Quảng Uyên và tôi.

Ông luôn nhắc nhở tôi: Mình là người Tày, phải hiểu biết cặn kẽ, thấu đáo và chỉ viết những gì gắn bó máu thịt với người vùng mình. Tuyệt đối không vay mượn. Chậm cũng được. Khắc đi khắc đến.

Hình như biết trước quỹ thời gian của đời mình không còn nhiều, Vi Hồng dồn sức cho sáng tác và những công trình nghiên cứu có tầm cỡ. Năm 1979 ông có công trình Sli lượn dân ca trữ tình Tày Nùng. Ngay sau đó, năm 1980 ông cho ra cuốn tiểu thuyết "Đất bằng" và tập truyện vừa "Vãi đàng". Có thể nói đây là những tác phẩm hay nhất, tâm huyết nhất của Vi Hồng. Và từ năm 1984 đến ngày mất, ông liên tục cho ra 14 cuốn tiểu thuyết và truyện vừa. Ông nằm tay gác trán nghĩ và đọc để người vợ yêu của mình ngồi bên giường bệnh ngày đêm chong đèn ghi chép bằng chiếc máy chữ tróc sơn cũ kỹ. Hàng ngàn trang viết ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy. Ông chạy đua với tử thần và hình như không có cả thời gian để ăn và uống thuốc. Liệu có ai tin không? Một nhà văn đang lâm trọng bệnh vẫn miệt mài lao động sáng tạo mà nhiều người khỏe mạnh chắc gì làm nổi. 

Không bao lâu, ông vĩnh biệt người thân, học trò của mình. Nhà văn Vi Hồng trút hơi thở cuối cùng bởi một căn bệnh hiểm nghèo nhiều năm đã ủ sẵn trong người. Tôi còn nhớ đó là một ngày mưa như trút trên quê hương Việt Bắc. Ngày 30 tháng 3 năm 1997. Người bạn văn, một học trò xuất sắc và là người đồng nghiệp của thầy Vi Hồng - Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn nghẹn ngào báo tin ấy cho tôi.

Từ ngày ông về với tổ tiên đến nay đã tròn mười hai mùa nước tràn qua mặt ruộng. Lòng người đã nguôi ngoai, mắt không khóc nữa. Nhưng cứ đến ngày rừng dẻ vỡ hạt là đàn em lại bùi ngùi nhớ đến. Một người nhỏ thó tóc mốc, vừa đi vừa ôm ngực, bước năm bước lại ngồi. Đi được một quãng đường con con lại nhọc nhằn liêu xiêu đứng thở. Ông ngước lên nhìn trời. Trời thấu hiểu lòng ông. Và trời cũng thở dài mà đành bất lực. Ông ngoảnh lại nhìn đàn em văn chương. Đàn em lơ phơ ngơ ngác.

Cảm ơn cha trời đã cho ông trí tuệ thông minh mẫn tiệp. Cảm ơn mẹ đất cho ông tài năng sáng tạo văn chương. Cảm ơn nước suối nguồi bản Phai Thin đã cho ông tấm lòng nhân ái bao dung. Hơi thở nhà văn đã rung lên bao nỗi đắng cay giữa cõi làm người. Muôn năm số kiếp, ngòi bút mãi chảy. Ông Vi Hồng ơi!

Y Phương
.
.