Izolda Izviskaia với phim "Người thứ 41"

Thứ Hai, 04/12/2006, 15:00

Tháng 11/1956, bộ phim màu “Người thứ 41” ra mắt người xem Hà Nội trong Tuần lễ phim Liên Xô. Phim gây sự cuốn hút vì  có một cảnh “nuy” cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Đó là cảnh thoát y đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Xôviết. Đấy càng là cảnh “nuy” đầu tiên diễn ra trên màn ảnh Hà Nội sau ngày thủ đô được giải phóng!

Sắm vai chàng sĩ quan Bạch vệ “Mắt xanh” trong “Người thứ 41” là nam diễn viên cực kỳ đẹp trai Olek Strigienov và sắm vai nữ chiến sĩ Hồng quân Marutxia là nữ diễn viên khả ái Izolda Izviskaia.

Không “thắng” vì dáng vóc

Nữ diễn viên  Xôviết Izolda Izviskaia sắm vai nữ chiến sĩ Hồng quân Marutxia trong phim “Người thứ 41” - xét thuần túy về ngoại hình không có gì đặc biệt: Vóc dáng cao lớn, vai ngang - có phần hơi thô;  gương mặt thuần phác, dịu dàng như hàng ngàn cô gái Nga khác. Chả thế mà khi “Người thứ 41” sắp tham dự LHP Cannes (Pháp) vào năm 1957, vài tờ báo ở Paris đã diễu cợt “... nữ minh tinh sắm vai Marutxia có cặp giò của một kỵ binh thảo nguyên”. Ấy thế nhưng Izodal Izviskaia trong vai Marutxia đã hoàn toàn chinh phục màn ảnh toàn thế giới.

Đối với bạn đọc trẻ hôm nay có lẽ cần kể lại một chút về bộ phim này. “Người thứ 41” được chuyển thể theo truyện vừa cùng tên của nhà văn Xôviết B. Lavơrennhep. Chuyện đưa người xem trở về với những năm tháng nước Nga Xôviết đang trải qua thời kỳ nội chiến. Một tốp chiến sĩ Hồng quân giải tên sĩ quan Bạch vệ dòng dõi quý tộc Vororukhi, biệt hiệu “Mắt xanh” về cho ban tham mưu để khai thác địch tình. Đoàn người trải qua những ngày thiếu nước, thiếu bánh mỳ tại sa mạc Caracum. Rồi họ phải lên thuyền vượt biển Hắc Hải. Thuyền gặp gió cả sóng lớn bị lật chìm. Hai người duy nhất thoát nạn là chàng sĩ quan Bạch vệ “Mắt xanh” và cô chiến sĩ Hồng quân Marutxia.

Cuộc đời Robinsơn bắt đầu diễn ra với đôi trai gái. Và dần dà giữa họ nảy nở tình yêu. Yêu nhau đấy, nhưng mỗi người vẫn canh cánh hy vọng thoát thân: Marutxia thì đợi đồng đội đến đón, còn “Mắt xanh” thì đợi một chuyến tàu của quân Bạch vệ tình cờ tạt qua đảo. Rồi một ngày kia trên đường chân trời xuất hiện một con tàu mang cờ Bạch vệ. Chàng “Mắt xanh”  reo hò chạy ra đón. Nàng Marutxia gào thét kêu gọi chàng đứng lại. Nhưng “Mắt xanh” đã không nghe lời. Marutxia đã giương súng lên bắn chết người tình của mình. Sau đó nàng Marutxia chạy tới ôm lấy mái đầu tóc vàng với cặp “Mắt xanh” đã vĩnh viễn khép  lại trong vòng tay nức nở khóc…

Ngày hôm nay xem lại “Người thứ 41” vẫn thấy nữ diễn viên Izodal Izviskaia đã lột tả một cách hết sức tinh tế, tài tình thế giới nội tâm giằng xé trong nữ chiến sĩ Hồng quân Marutxia. Tình yêu và nghĩa vụ, tâm trạng của một thiếu nữ đang yêu, được yêu với lý tưởng cách mạng của một nữ Hồng quân. Tuy nhiên Izodal Izviskaia còn nổi tiếng hơn vì chính cảnh “nuy” chị đóng bên cạnh nam diễn viên Olek Strigienov.

Cảnh “nuy” ấy nếu bây giờ chiếu cho một vị ủy viên hội đồng duyệt phim quốc gia khắt khe, khó tính nhất xem, chắc vị ấy cũng sẽ phẩy tay mỉm cười cho qua. Một toàn cảnh, nằm giữa là đống lửa sưởi rừng rực. Chàng “Mắt xanh” và nàng Hồng quân Marutxia vừa gặp một trận mưa đột ngột, quần áo ướt sũng. Và họ lặng lẽ cởi bỏ đồ hong lửa cho khô. Không có cảnh tự cởi bỏ quần áo. Chỉ có hai thân thể ngồi xoay lưng vào nhau, “khoe” với người xem cái bờ vai và một bên đùi của mình. Và trong phim không thêm một cảnh thoát y nào khác nữa. Nhưng bạn tin được không, đấy là cảnh thoát y đầu tiên trong lịch sử mấy chục năm tồn tại của điện ảnh Xôviết. Đấy càng là cảnh “nuy” đầu tiên diễn ra trên màn ảnh Hà Nội sau ngày thủ đô được giải phóng, tháng 10 năm 1954!

Thuở ấy báo chí Xôviết, tiếp bước là báo chí Việt Nam đã tốn rất nhiều giấy mực để thuyết giảng cảnh “nuy” ấy chính là chiếc chìa khóa  để mở ra cánh cửa nhìn vào tâm hồn của nàng Marutxia và chàng “Mắt xanh”. Rằng, cắt bỏ là không thể được. Rằng, hình hài của hai con người như là một sự hòa hợp tuyệt đẹp với mây trời, biển biếc trên hoang đảo. Rằng, cả hai đã sống theo đúng “chất người”, quên đi mọi sự thù địch  trong cảnh  sưởi  ấm  bên  ngọn  lửa như vậy…

Cháy lên để rồi lụi tắt

Tham dự LHP Cannes năm 1957 bộ phim “Người thứ 41” được trao giải thưởng Đặc biệt. Phải nói ngay, đã lâu lắm rồi, sau những “Chiến hạm Pachômkin” của Aydanhxtanh, “Đất” của Đốpgienco, “Ivan bạo chúa” của Pudốpkin,  đến tận năm ấy một bộ  phim Xôviết mới  giành được một giải thưởng tại liên hoan phim phương Tây. Và thế là cùng với phim, Izolda Izviskaia nổi tiếng khắp thế giới như một gương mặt đại diện cho điện ảnh Xôviết.--PageBreak--

Izodal Izviskaia  sinh năm 1932. Tốt nghiệp Khoa Diễn viên Trường đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô (gọi tắt là VGIK) năm 1955. Sau vinh quang chói sáng trong bộ phim “Người thứ 41”, hầu như ngay từ đầu những năm 1960 con đường công danh của chị đã bắt đầu bị lụi tàn. Với điện ảnh, chị tham gia một loạt vai khác, nhưng cả phim lẫn vai đều không lưu dấu ấn trong lòng người xem. Chị bước lên sân khấu kịch nói cũng gặp sự thờ ơ, giá lạnh như vậy.

Đạo diễn của phim “Người thứ 41” Grigori Chukhơrai giao cho chị vai vợ của một người lính đang chiến đấu ở ngoài mặt trận trong bộ phim thứ hai rất nổi tiếng của ông: “Bài ca người lính” - vai diễn cũng không giúp người xem nhận ra Izolda Izviskaia ngày nào.

Giải thích sự “thả dốc” của nữ diễn viên này Grigori Chukhơrai đã nhận xét: “Sự không thành đạt của chị ở cả vai phụ lẫn vai thứ yếu nằm ở một khuynh hướng mới xuất hiện của điện ảnh chúng ta vào những năm đó. Các  đạo diễn tên tuổi, ngay cả các đạo diễn trẻ đều muốn săn lùng những gương mặt lạ để dễ dàng tạo dấu ấn riêng của mình. Và nói chung ra, người ta tránh những khuôn dung đã quen, những tài năng đã được khẳng định”. Có đúng như ông đạo diễn này giải thích không? Vì một nghiệp diễn chỉ có thể khẳng định và lưu danh tên tuổi ở một vai - đâu có là chuyện hiếm trên cõi thế gian này?

Buồn chán, thất vọng, Izodal Izviskaia tìm đến với rượu mạnh để khuây khỏa. Và rượu đã tàn phá rất nhanh dung nhan và sức khỏe người nữ diễn viên này. Đường tình duyên cũng không may mắn gì. Lấy chồng rồi bỏ chồng. Gia tài gom tích được dần dà cũng tiêu tán.

Izodal Izviskaia đã vĩnh biệt cõi đời khi mới 38 tuổi!

Để lại cho đời một kiệt tác điện ảnh

Truyện vừa “Người thứ 41” của nhà văn B. Lavorennhep dưới thời Xôviết đã được nhiều lần chuyển thể lên sân khấu và màn ảnh. Nhưng vì sao bộ phim “Người thứ 41” của đạo diễn Grigori Chukhơrai lại được xem như một bước ngoặt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Xôviết nói chung, trong nghệ thuật điện ảnh nói riêng? Câu trả lời nằm ở cách nhìn, cách thể hiện mối quan hệ giữa hai nhân vật chính: chàng “Mắt xanh” và nàng Marutxia, hay nói khác đi là cách nhìn, cách biểu hiện chất đối kháng địch ta và chất người trong mối quan hệ giữa đôi trai gái này.

Trong phim “Người thứ 41” của Grigori Chukhorai, viên sĩ quan Bạch vệ không bị làm cho lem luốc, hung ác như khi thể hiện kẻ thù trong nhiều bộ phim Xôviết trước đây, mà ngược lại “Mắt xanh” còn có vẻ phong lưu mã thượng, phần nào mơ mộng qua diễn xuất của nam diễn viên Nga nổi tiếng lúc bấy giờ Olek Strigiênốp. Tình yêu giữa đôi trai gái trên hoang đảo cũng được thể hiện như một lẽ  tự nhiên, khá thơ mộng, hợp lý. Và khúc kết: khi “Mắt xanh” chạy về phía chiếc tàu Bạch vệ đang tiến lại gần, Marutxia gọi hắn dừng lại, rồi giương súng lên dọa bắn và khi viên đạn đã giết chết “Mắt xanh”... cái kết cục có thể khác nhau, nhưng Grigori Chukhơrai muốn chất người, tình người cất lên khúc khải hoàn ca trong tác phẩm của mình, ông đã để cô nữ chiến sĩ Hồng quân chạy tới xốc xác chết của “Mắt xanh”, ôm chặt trong lòng và nức nở…

Sự cởi mở, tính dân chủ trong xem xét và thể hiện một đề tài gai góc như vậy chỉ có được vào năm 1956, 1957 khi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Xôviết có những biến chuyển khá căn bản để mở đường cho việc xóa đi bức rào cản giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Chính vì thế “Người thứ 41” sau này được xem như phát súng mở đầu cho một làm gió mới tràn vào công việc làm phim của Liên Xô, để những năm sau đó Điện ảnh Xôviết đã vượt qua căn bệnh ấu trĩ, giản lược cho ra đời một loạt kiệt tác mang đậm tính nhân văn, tính người, vươn đến tầm cao của những khái quát nghệ thuật, đạt được nhiều giải thưởng lớn trong các Liên hoan phim quốc tế như “Đàn sếu bay qua”, “Bài ca người lính”, “Tuổi thơ Ivan”, “Andrei Rubliov”, “Stanker”, “Tấm gương”…

Và giống như nữ diễn viên Tachiana Samoilova, người sắm vai nữ chính trong phim “Đàn sếu bay qua” và cũng nổi tiếng cũng với chỉ vai đó, nữ diễn viên Izolda Izviskaia đã chói sáng lên với vai nữ chiến sĩ Hồng quân Marutxia trong “Người thứ 41” – một bộ phim đã đánh cột mốc  mở đầu cho những năm vàng son của Điện ảnh Xôviết sau này

Tô Hoàng
.
.