Hữu Ngọc - rong ruổi trên những nẻo đường văn hóa

Thứ Sáu, 29/09/2006, 09:00

Nhiều năm qua, Hữu Ngọc hoạt động văn hóa không mệt mỏi dưới ba hình thức: viết, nói và làm. Ông viết bằng tiếng Việt để “nhập khẩu” văn hóa nước ngoài; bằng tiếng Pháp, tiếng Anh để “xuất khẩu” văn hóa Việt Nam.

Nhà hoạt động văn hóa lão thành nổi tiếng, nhà sư phạm, nhà báo, dịch giả Hữu Ngọc có một vị trí khá đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động giao lưu, truyền bá văn hóa ở Việt Nam và trên thế giới. Ông thuộc số ít người làm công việc vừa giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, vừa giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Một cuốn sách về cuộc đời rong ruổi của ông, dày 800 trang khổ 16 x 24 cm, cuốn “Hữu Ngọc, những nẻo đường văn hóa”, vừa ra mắt độc giả. Cuốn sách này thuộc những bộ sách tham khảo lớn nhất của Nhà xuất bản Giáo dục, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục sâu sắc, được trình bày và in ấn đẹp, gọi là sách tham khảo đặc biệt.

Cuốn sách gồm 3 phần. Phần một: “Đường xuyên đất Việt” gồm 3 chương, có 76 bài, nói đến các miền quê đất nước Bắc - Trung - Nam, bản sắc dân tộc và những giá trị, những chân dung văn hóa và những kỷ niệm, hồi ức của nghệ sĩ. Phần hai: “Những chân trời xa”, có  57 bài, nói đến các nền văn hóa trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Khmer, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Ba Tư. Phần ba: “Những ngã ba”, có 38 bài, nói đến giao lưu văn hóa Đông - Tây từ cái nhìn của hôm nay.

Phần phụ lục của cuốn sách gồm 70 trang, có rất nhiều ý kiến đánh giá về những đóng góp của Hữu Ngọc và tiếp theo đó là thư mục Hữu Ngọc. Riêng thư mục Hữu Ngọc trình bày tóm tắt 38 cuốn sách của Hữu Ngọc và 14 cuốn sách có bài viết về Hữu Ngọc. Cuối cuốn sách, cũng thuộc phần phụ lục, có nhiều bức ảnh đẹp, sinh động phản ánh cuộc sống và sự nghiệp của ông.

Nhiều năm qua, Hữu Ngọc hoạt động văn hóa không mệt mỏi dưới ba hình thức: viết, nói và làm. Ông viết bằng tiếng Việt để “nhập khẩu” văn hóa nước ngoài; bằng tiếng Pháp, tiếng Anh để “xuất khẩu” văn hóa Việt Nam. Ông “nhập khẩu” văn hóa hay “xuất khẩu” văn hóa đều cùng một phong cách: thâm thúy, có tính triết lý, hấp dẫn, nhẹ nhàng, giản dị, cụ thể, hóm hỉnh, giàu thông tin, các kiến giải đưa ra đều chừng mực, thận trọng, khoa học mà vẫn in đậm dấu ấn cá nhân.

Hữu Ngọc cũng “xuất nhập khẩu văn hóa” bằng lời. Khi đi thuyết trình về văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hay thuyết trình cho các đoàn nước ngoài đến Việt Nam, ông có dịp làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ về văn hóa, về đất nước và con người Việt Nam.

Trong mấy chục năm, Hữu Ngọc làm công tác xuất bản. Với cương vị lãnh đạo Nhà xuất bản Ngoại văn, ông cho ra đời hàng nghìn đầu sách bằng nhiều thứ tiếng. Ông làm Tổng biên tập các tạp chí “L’Entincelle, Le Vietnam en Marche”, “Vietnamese Studies” trong nhiều năm, giữ tốt mối liên hệ văn hóa khăng khít giữa Việt Nam và thế giới.

Từ hơn chục năm nay, ông là Chủ tịch hai Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam và Đan Mạch – Việt Nam. Hai Quỹ này đã thực hiện hơn một nghìn dự án bảo tồn di sản văn hóa và phát triển văn hóa mới trên khắp các miền đất nước Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi.

Là một tập hợp tuyển chọn một số công trình về văn hóa của Hữu Ngọc những năm gần đây, “Hữu Ngọc, những nẻo đường văn hóa” là một cuốn sách quý, có giá trị về lý thuyết và thực tiễn cao.

Nhiều chính khách, nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước đã đánh giá cao cống hiến của Hữu Ngọc. Hẳn bạn đọc rất trân trọng ý kiến của ngài Borje Lunggren, Đại sứ Thụy Điển: “Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp một người “bắc cầu giữa các nền văn hóa” như ông Hữu Ngọc: Cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác.

Khi chúng tôi thắc mắc về một truyền thống Việt Nam đặc biệt hay về một nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi chẳng hạn, chúng tôi quay về cuốn sách “Sketches for a portrait of Vietnamese culture” của ông. Không ai có thể nói về lịch sử Việt Nam trong 20 phút như ông Hữu Ngọc.

…Giờ tôi xin phép ông Hữu Ngọc được gắn Huân chương Ngôi sao phương Bắc lên trên áo ông. Ông Hữu Ngọc là người  Việt Nam đầu tiên được nhận tấm huân chương này” (trang 728).

Và tiếp đây là ý kiến của ngài Claude Blancheaison, Đại sứ Pháp tại buổi lễ trọng thể tổ chức tại Đại sứ quán Pháp tối 14/12/1992. Ngài Đại sứ Pháp trân trọng gắn Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho ông Hữu Ngọc và khẳng định đây là niềm vinh dự rất có ý nghĩa đối với mình trong thời gian cuối của nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Nếu có một nhà trí thức nào, một nhà văn nào xứng đáng nhận huân chương này từ lâu, thì đó là ông Hữu Ngọc, nhà văn hóa và nhân văn lớn”. (trang 729).

Nhà văn Mỹ Lady Borton cũng đánh giá cao Hữu Ngọc mà chúng ta không thể không đồng tình với bà: “Hữu Ngọc là một nhà nghiên cứu bao quát. Tri thức bách khoa của ông gồm 3.000 năm Lịch sử Việt Nam và 1.000 năm Văn học Việt Nam tồn tại, hiểu biết âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật Việt Nam, những truyền thống và tập tục của các nhóm dân tộc Việt Nam. Mặc dù uyên bác, phong cách viết của ông không bí hiểm hay hàn lâm mà năng động và dễ hiểu” (trang 729).

Khi đọc cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của Hữu Ngọc, nhà văn Lady Borton nhận xét: “Hữu Ngọc cho tất cả chúng ta một đặc ân lớn, mài giũa nền văn hóa truyền thống Việt Nam thành một viên ngọc quý mà ta có thể nâng niu mãi mãi… Đây là một món quà tuyệt vời từ Việt Nam” (trang 790).

Đã bước sang tuổi 88, ông Hữu Ngọc vẫn còn khỏe, say mê rong ruổi trên các nẻo đường văn hóa. Có thể chỉ vài năm nữa thôi, một cuốn sách mới của ông lại sẽ đến với bạn đọc, mà ở đó chắc chắn chứa đựng biết bao điều mới mẻ, lý thú

Phạm Đình Ân
.
.