Hóm hỉnh chuyện ở Lý Đại Hòa

Thứ Tư, 22/02/2017, 08:00
Mỗi làng quê xứ Việt thường có một đặc trưng nào đó, do nết đất mạch nước mà ra, cái đó gọi là tính cách làng. Sự trào lộng trong lối ăn nói cũng là một nét tính cách làng. Về làng Đại Hòa (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), ta có thể nghe được những câu pha trò hóm hỉnh lập tức bật cười ngay và nhớ lâu. 


Lối hóm hỉnh đó là một biểu hiệu của tính thông minh được truyền thừa, mà tiêu biểu cho lớp tiền bối của làng là nhà toán học Nguyễn Hữu Thận. Các thế hệ sau đó cho đến nay cũng có lối sống giản dị và hóm hỉnh, rất nhiều người làng Đại Hòa biết cách nói lý lẽ vui vẻ, đến nỗi "chết danh" một thành ngữ: Lý Đại Hòa.

Chẳng hạn ngày Tết đến chơi một nhà trong làng, chủ nhà nhiệt tình mời thưởng thức các món ăn và nói: "Cứ tự nhiên nghe, chúng ta đều là người trong nhà, không ai ở ngoài sân cả!". Đấy là lối chơi chữ rất hoạt, cụm từ "người trong nhà" theo nghĩa bóng là thân thích không cần khách sáo, nhưng nghĩa đen là đều đang ở trong nhà, không phải ở ngoài sân. Ở đây đã có sự hoán vị, chồng lắp nghĩa đen và nghĩa bóng. Hiểu theo cách nào cũng thâm trầm ý nhị.

Cũng cách chơi chữ đồng âm này, khi vài ba người ngồi than thở cảnh nhà nghèo khổ, một người kết luận: "Đời ai cũng khổ như nhau". Một người Đại Hòa sẽ phản bác ngay: "Không có khổ nào giống cái khổ nào". Có "khổ" cũng có nghĩa là kích thước chiều ngang cuộn vải.Riêng chuyện kích thước, người làng Đại Hòa đã có khối cái lý lẽ vui. Kể thêm, có lần gặp một người làng Đại Hòa mua ống nước, tôi hỏi ống này mét bao nhiêu? Được trả lời: "À, ống này một mét là đúng… mười tấc đây". Câu hỏi giá cả đã được trả lời thành một câu quy độ dài.

Cổng làng Đại Hòa.

Từ chuyện nói chữ, người làng sinh ra kiểu chơi khăm, trêu chọc nhau.Có mấy người tới làng Đại Hòa đi mua mạ về cấy ruộng thì được chỉ đến nhà một ông mất vợ, bảo nhà đó thừa mạ nhiều lắm.Tại sao thừa nhiều mạ. Vì ông đó không có cấy! Chữ "cấy" trong phương ngữ miền Trung là vợ (cấy dôông - vợ chồng). Và chữ "cấy" cũng là một động từ: Cấy mạ.

Những điều giản dị trong đời sống, trong công việc nhà nông đều được người làng Đại Hòa chuyển hóa thành những câu chuyện lý thú.Ngoài chuyện cấy mạ trên, còn có chuyện ủ giống, người Quảng Trị gọi là đổ giống.Một ông than giống lúa nhà tôi đổ mấy lần cũng không ra mộng để đem đi gieo.Người Đại Hòa hỏi ông có cột chặt bao không?Có chứ, ủ giống đúng quy trình phải cột chặt bao mới ra mộng. Người Đại Hòa bật cười: "Ông phải mở bao thì đổ mới ra, chứ cột bao làm sao nó ra được". Chữ "đổ" là ủ, nhưng chữ "đổ" còn có nghĩa là xổ ra, đổ đi.

Trong những cuộc trà dư tửu hậu, khi có người làng Đại Hòa thì đều có chuyện vui, thậm chí là bị bắt bẻ vì cái… lý Đại Hòa. Có ai đó khoe nhà mình giàu có chẳng hạn, khoe con mình khôn ngoan chẳng hạn, người Đại Hòa sẽ bảo: "Nhà ai khôn chi cũng có cái dại". Chữ "dại" ở đây là dại dột, nhưng cũng có nghĩa là cái chái phía sau lưng nhà dùng để làm kho hoặc phơi phóng.Nó thật đúng với câu "nhân bất thập toàn", ai rồi cũng phải mắc sai lầm.Và cũng đúng với lối làm nhà của người quê, phải có cái mái phụ đằng sau.

Có một câu chuyện tiếu lâm cũng xuất phát từ làng Đại Hòa về cái dại phía sau nhà. Một chàng trai đến nhà cụ ông, thấy cụ làm một cái dại lớn liền nói: "Chà, ông làm cái dại to quá. Dại chi mà dại dữ rứa ông!".

Trước là câu khen, sau là câu trào lộng, thậm chí là câu trách.Chữ "dại" ở câu trước là danh từ (cái dại), chữ "dại" phía sau là tính từ (dại dột).Ngôn ngữ đồng âm biến hóa khôn lường chỉ trong một lời nói.Vui vẻ thế mà thâm trầm, người nghe cũng chỉ bật cười mà không trách mắng vì… có lý quá.Lý lẽ Đại Hòa là ở chỗ ấy, có lý nhưng phải vui vẻ hòa thuận, được lòng người khác.

Cũng lại là chuyện làm chái nhà.Một ông khác làng đến thấy người làng Đại Hòa làm cái chái nhà rộng nhưng chỉ một mái thì bảo cái đó phải làm kiểu hai mái mới hợp. Người đang lợp nhà bảo: "Sức tui một mái đã mệt rồi. Hai mái chịu không nổi". "Mái" là mái nhà, nhưng "mái" cũng là giống cái, hay là bà vợ. Hầu một bà vợ đã mất nhiều sức, đào hoa hầu hai bà thì hao lực lắm!

Ngôn ngữ trào phúng cũng được dùng để châm biếm, mỉa mai. Khi nói về một cơ quan thường xuyên ăn uống nhậu nhẹt, người Đại Hòa bảo: "Cơ quan đó trời đánh cũng không chết". Hỏi tại sao. Trả lời: "Vì trời đánh tránh bữa ăn, mà nó ăn suốt có hở đâu để trời đánh". Hoặc, có một cô tên Thắm nhưng ăn mặc không được đẹp, người ta bảo: "Có thấy thắm gì đâu, chỉ thấy mờ mờ".

Nhờ cậy một người làng Đại Hòa đôi khi bạn sẽ gặp rắc rối chút ít.Tại chưa hiểu ngôn ngữ tếu táo của người làng. Ví dụ đi qua làng Đại Hòa, gặp một đám đông đứng giữa đường, ta nói: "Cho đi với". Nhóm người sẽ bảo: "Biết ta đi đâu mà xin đi theo". Người Đại Hòa hoạt ngôn đã biến câu xin nhường đường thành câu xin đi nhờ quá giang.

Hoặc đi vào làng Đại Hòa hỏi nhờ mua heo về làm thịt chẳng hạn, người hỏi: "Bác biết có con heo nào kha khá "moóc miệng" cho với". "Moóc miệng" là từ người quê dùng để nói bày vẽ, chỉ cách, chỉ chỗ. Người làng Đại Hòa nói: "Gì chứ heo là tui không dám moóc miệng. Vì sợ nó cắn". Chơi chữ trong lời ăn tiếng nói, người Đại Hòa còn chơi chữ trong cả cách sống.

Quả chuông do cụ Nguyễn Hữu Thận tặng làng năm 1810.

Có lần một người đan thúng.Đan được tấm liếp rồi nhưng đến phần lận lưng (tức là bỏ góc) thì chịu, liền đến nhờ một cụ giỏi đan trong làng.Ông cụ cầm tấm liếp đem bỏ góc nhà rồi ra ngồi uống trà. Người đến nhờ chờ mãi cứ thấy cụ uống trà mà không chịu giúp liền hỏi thì cụ bảo: "Anh nhờ tôi bỏ góc, tôi đã đem bỏ đầu góc rồi đấy!".

Chuyện gì cũng có thể tếu táo được, đùa được với cả chuyện thời gian.Một tháng thiếu ngày, người làng Đại Hòa sẽ bảo mai có đám cưới.Hỏi đám cưới ai lấy ai?Trả lời là "Hai mươi chín lấy Ba mươi".Thật thú vị, trong đời sống dân Việt, người ta có cách tính lấy ngày Hai mươi chín của tháng thiếu thành ngày Ba mươi.Hai Chín lấy Ba mươi, lấy nhau là đám cưới chứ gì nữa.

Nếu cái tháng thiếu ấy rơi vào tháng Chạp, ngày hai mươi chín sẽ là ngày tất niên. Dân làng Đại Hòa hóm hỉnh: "Người ta hay nói Ba mươi chưa phải là Tết. Nhưng năm nay ba mươi là Tết rồi". Ba mươi sao lại là Tết? Vì tháng này chỉ có hai chín ngày, nên ngày Ba mươi là nhảy sang mùng Một Nguyên đán rồi, là Tết chứ gì nữa. 

*

Còn rất nhiều chuyện lý sự tếu táo của người làng Đại Hòa được lưu truyền từ xưa đến nay, cùng với ngôn ngữ đời sống mới được người đương thời chế tác thành một thứ tiếu lâm để thư giản, mua vui và trêu đùa. Những lớp ngôn từ được người quê khai thác, làm cho lời nói càng giàu sắc thái, đa tầng đa nghĩa.Tạo nên một truyền thống dân gian (folklore) đặc biệt, khiến người ta nhớ đến nét riêng của làng.

Nhưng tính cách trào lộng trong ngôn ngữ không có nghĩa là sự xuề xòa trong đời sống. Thực ra, người làng Đại Hòa có một cách sống rất lễ nghi và chỉn chu. Ví dụ lễ cúng làng hiện nay được giữ nguyên các nghi thức cũ, nghiêm cẩn mọi khâu.Riêng chuyện rót rượu lên cúng phải có quy trình thỉnh rước rượu từ ngoài tiền đường vào hậu chẩm.

Trong làng có việc lễ trọng, nếu ai lỡ phát ngôn tục tĩu sẽ bị làng phạt bằng lễ vật, phạt phê phán và phạt làm công ích. Mỗi khi bắt đầu vụ lúa, làng sẽ quy định ngày được gieo.Nếu ai gieo trước chỉ cần một buổi sẽ bị làng phạt ngay.

Đúng là phép vua thua lệ làng. Chính cái lễ phép này mà làng Đại Hòa còn bảo tồn được nhiều di tích di sản của quê nhà, chẳng hạn một đình làng cổ kính rêu phong, một giếng nước cổ hàng trăm năm phía dưới lót khuôn gỗ ngọc trai, một cái chuông của cụ Nguyễn Hữu Thận tặng làng cách đây hai trăm năm qua bao biến thiên của lịch sử nay vẫn còn lưu giữ. Đất làng không quy định "cấm cảnh" nhưng người làng khác không dám đến mua ở.

Và những câu chuyện trào lộng, những lý lẽ trong cuộc sống vẫn được người làng Đại Hòa hôm nay tiếp tục dùng rất linh hoạt. Tự nhiên nhi nhiên như đời sống dân quê vốn thế. Vui buồn sướng khổ thường ngày đều chuyển hóa thành những lời nói tiếu lâm mua vui.Đến như "Truyện Kiều" ai oán thế mà cụ Tố Như bảo "Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh".Huống chi là lý Đại Hòa.

Hoàng Công Danh
.
.