Học giả Nguyễn Văn Vĩnh: Những "điểm nhấn ấn tượng"

Thứ Tư, 13/07/2011, 08:10
Trong một bộ phim làm về Nguyễn Văn Vĩnh có một tình tiết: Khi ông cụ thân sinh mắng Nguyễn Văn Vĩnh: "Mày muốn chăn bò hay kéo quạt", Nguyễn Văn Vĩnh đã không chút ngập ngừng chọn làm cậu nhỏ kéo quạt thuê cho lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở tại đình Yên Phụ. Người bố đâu hay, đây chính là bước ngoặt quan trọng mở ra một tương lai sán lạn cho cậu con trai rất đỗi thông minh, có tư chất "thần đồng" của mình.

Nhắc tới Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), nhiều người biết đó là một trong những trí thức tiêu biểu của nền tân học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XX, là nhà báo, nhà văn, nhà biên dịch xuất sắc. Trên "đại cương" là vậy, song có những chuyện ngỡ là "vụn vặt" liên quan đến tâm tính, lối sống của ông thì không phải ai cũng biết, mà - như một nhà văn đã nhận xét, đôi khi chính chi tiết nhỏ lại giúp ta hiểu ra những vấn đề lớn. Hơn thế, với Nguyễn Văn Vĩnh, có thể chính những chi tiết nhỏ ấy lại là những "điểm nhấn" cần thiết góp phần để bạn đọc hình dung ra bức chân dung hoàn chỉnh của ông...

Tuổi nhỏ tài cao

Nguyễn Văn Vĩnh quê gốc ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Phú Xuyên, Tp Hà Nội). Vì gia cảnh quá nghèo, bố mẹ ông đã phải bỏ quê ra sống nhờ nhà ông nghè Phạm Huy Hổ ở phố Hàng Giấy và tại đây, họ đã sinh hạ cậu con trai Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm Nguyễn Văn Vĩnh lên 8 tuổi, cậu phải đi chăn bò thuê ngoài bãi sông Hồng.  Bấy giờ, ở đình làng Yên Phụ, người Pháp có mở một lớp dạy học sinh làm thông ngôn (tức phiên dịch). Trong những phút lang thang, cậu bé Nguyễn Văn Vĩnh đã phát hiện ra lớp học "hấp dẫn" này. Thế rồi một ngày, cậu đề đạt nguyện vọng và được bố mẹ ưng thuận xin cho một chân kéo quạt ở lớp học.

Lớp thông ngôn do một viên chức người Pháp tên gọi D'Argence làm Hiệu trưởng. Ông này cũng trực tiếp tham gia giảng dạy. Trường dạy cả chữ Quốc ngữ để học sinh có thêm cơ sở học tiếng Pháp. Cậu bé Nguyễn Văn Vĩnh ngồi ở cuối lớp, vừa kéo quạt phục vụ lớp học vừa tò mò nghe thầy giảng. Cũng đã có lúc cậu bị bẹo tai, "nếm" đòn vì buột miệng nhắc bài cho một số học sinh trong lớp. Tuy nhiên, sự hiếu học, khả năng "tiếp thu" nhanh của cậu đã lọt vào sự chú ý của thầy D'Argence. Và, không phải ai khác mà chính thầy Hiệu trưởng D'Argence đã quyết định cho cậu thi thử khi lớp học mãn khóa (năm 1893). Thật bất ngờ, cậu bé giữ chân kéo quạt đã đỗ thứ 12 trong số 40 học sinh.

Vì khi ấy Nguyễn Văn Vĩnh còn quá nhỏ tuổi nên thầy D'Argence đã đặc cách xin cho cậu học bổng để trở thành học sinh chính thức của khóa thông ngôn tiếp theo (1893-1895). Kết thúc khóa học, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa. Một năm sau, ở tuổi 14, Nguyễn Văn Vĩnh được tuyển vào làm thông ngôn tại tòa xứ Lào Cai. Tại đây, cậu tiếp tục học thêm tiếng Hoa và tiếng Anh. Đây cũng là thời gian Nguyễn Văn Vĩnh trang bị cho mình một vốn liếng tri thức văn học dồi dào, giúp rất nhiều cho công việc sau này…

Khả năng làm việc phi thường

Trong cuộc đời trải dài vẻn vẹn có… 54 năm của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã làm được rất nhiều việc. Chỉ riêng trong lĩnh vực dịch thuật, ông cũng thể hiện là một tài năng đa dạng: Ông dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt tác phẩm của nhiều nhà văn, nhà thơ Pháp nổi tiếng: La Fontaine, Hugo, Dumas, Balzac…; dịch từ tiếng Hán sang tiếng Pháp các tác phẩm của tác giả Trung quốc Tô Đông Pha; đặc biệt, ông là người đã dịch sang tiếng Pháp "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. Không chỉ dịch thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, Nguyễn Văn Vĩnh còn chuyển ngữ nhiều vở kịch cổ điển Pháp sang tiếng Việt. Thậm chí, khi vở "Trưởng giả học làm sang" của Molière được công diễn thì chính ông lại tham gia đóng vai nhân vật Juordain trong vở kịch.

Nhà văn Vũ Bằng, trong hồi ký "Bốn mươi năm nói láo" đã kể lại khả năng làm việc lạ kỳ của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh: "Ông dịch miệng "Telemac phiêu lưu ký" cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sư Pháp có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngừng chống nhà vua". Còn theo những người con của Nguyễn Văn Vĩnh kể lại thì không ít lần thân phụ họ vừa ăn vừa đọc một lúc cho… ba người chép: Một người chép bài khảo cứu; một người chép bài báo, và người thứ ba thì chép đoạn dịch cuốn "Manon Lescaut" (bấy giờ lấy tên là "Mai Nương Lệ Cốt") - một cuốn sách mà ông yêu thích (của tác giả người Pháp Prevost"). Sau mỗi lần dịch xong chừng mươi trang cuốn tiểu thuyết, ông lại cho người mang sang trang trại bên Gia Lâm cho một phụ nữ người Pháp lai, là bà Suzanne thưởng thức. Cách xử sự lãng mạn như thế làm gì chẳng khiến bà Suzanne rung động. Kết cục là bà Suzanne sau này đã trở thành phu nhân của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Đây là người vợ thứ ba của ông. Bà đã sinh cho ông ba người con, trong đó có ông Nguyễn Phùng mà quý danh hiện được đặt tên cho một đường phố ở Pháp.

Giản dị và kiêu hãnh

Một thời, do thiếu hiểu biết, có người đã viết rằng Nguyễn Văn Vĩnh có lối sống "sùng ngoại", tiêu pha bốc giời, mang đậm "dấu ấn thực dân". Kỳ thực, đó là con người có lối sống giản dị, gần gũi với thời đại, và nhiều lúc cũng không để ý tới hình thức của mình.

Năm 25 tuổi, được cử sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa, được tận mắt chứng kiến nền văn minh châu Âu, sau khi về nước, Nguyễn Văn Vĩnh xin thôi ngạch quan chức để chuyển sang làm báo. Cũng từ sau chuyến đi ấy, ông quyết định thôi búi tó, khăn xếp, từ bỏ áo dài. Ông chuyển sang mặc áo quần Âu, cắt tóc ngắn, đội mũ cát, đi giầy da. Từ Pháp, ông mang theo về chiếc xe môtô hiệu Terrot và thường xuyên sử dụng chiếc xe này. Trên một số bài viết, ông lấy bút danh Tân Nam (tức người Nam mới).

Nhưng tất cả điều ấy chưa đủ nói lên rằng, Nguyễn Văn Vĩnh mang đậm "dấu ấn thực dân". Bằng chứng là sau này, nếu để ý kỹ, mọi người sẽ nhận thấy, thật ra Nguyễn Văn Vĩnh không để ý tới cái sự ăn mặc lắm. Ông chỉ có vài bộ quần áo Tây bằng vải tuytso hoặc kaki, và quanh đi quẩn lại vẫn là cái mũ "cát cô lô" cũ nhàu. Không những thế, mặc dù là một trong những người có ôtô vào loại sớm ở Việt Nam, song Nguyễn Văn Vĩnh bao giờ cũng trực tiếp lái xe chứ không thuê người lái. Đi lại trong thành phố, ông thường dùng xe đạp chứ không chịu dùng xe tay có người kéo. Dường như, ngồi thảnh thơi trên sự vất vả của người lao động, ông không đành lòng.

Với chính quyền thực dân và chính phủ bù nhìn, Nguyễn Văn Vĩnh từng thể hiện cách hành xử cứng cỏi, đầy kiêu hãnh. Ông đặt tên con trai (với người vợ hai) là Nguyễn Nhược Pháp (nhà thơ, tác giả bài "Chùa Hương"), là tỏ thái độ không qui thuận của ông với người Pháp. Từng có lần ông bị đồn là sẽ bị "xử trảm" vì tội… khi quân: Như các vị quan người Pháp, ông đã dám… bắt tay vua Khải Định mà không sụp lạy như các quan lại Việt Nam khác.

Trong suốt cuộc đời mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã nhiều lần từ chối những "phần thưởng" do triều đình Việt Nam và Chính phủ Pháp "ban tặng", trong đó có cả Huân chương Bắc đẩu bội tinh.

Bài học quý dành cho con cháu

Nguyễn Văn Vĩnh ra đi đột ngột nơi đất khách quê người (ông mất vì sốt rét ác tính khi sang Lào khai thác vàng), trong tình trạng công nợ chồng chất. Như vậy, về tài sản, gần như ông không để lại được gì cho con cháu. Tuy nhiên, trong số những kỷ vật ít ỏi ông để lại, có bộ tràng kỷ khảm trai hiện được một người cháu nội của ông gìn giữ như báu vật. Điều đáng nói là trên mặt ghế của bộ tràng kỷ, Nguyễn Văn Vĩnh đã cho khảm trai 6 bức tranh minh họa 6 câu chuyện ngụ ngôn La Fontaine mà ông dịch. Cuối mỗi bức tranh đều có chữ ký của ông. Ví dụ, một bức tranh có hình con cáo tham ăn, bị hóc xương, may nhờ có con cò đi ngang qua móc hộ. Xong việc làm phúc, cò chờ tiền "bồi dưỡng" thì cáo thản nhiên nói: "Đã thoát khỏi thì thôi làm phúc/ Lại chưa mừng còn chực đòi công". Hay như chuyện về con chó rừng gầy gò gặp chó nhà béo tốt. Chó rừng muốn theo chó nhà về để được ăn no, ở ấm, nhưng khi phát hiện thấy dấu xích buộc trên cổ chó nhà thì ba chân bốn cẳng chạy vội vào rừng, vì "Ở đời sướng nhất tự do".

Đó là những điều tâm huyết Nguyễn Văn Vĩnh muốn truyền lại cho con cháu.

Trước đây, trong hồi ký của Vũ Bằng có kể việc Nguyễn Văn Vĩnh cho khảm trai minh họa câu chuyện ngụ ngôn "Con ve và con kiến" (cũng của La Fontaine) trên bộ tràng kỷ. Trả lời báo chí về tình tiết này, ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho hay: Đó là do nhà văn Vũ Bằng nhớ nhầm. Kỳ thực, bức tranh khảm trai minh họa câu chuyện ấy không phải được thực hiện trên đôi tràng kỷ mà trên một chiếc tủ chè (đến nay đã thất lạc). Ông Bình cũng cho biết, trong một lần sang Pháp làm bộ phim "Mạn đàm về người Man di hiện đại" (về Nguyễn Văn Vĩnh), ông rất ngạc nhiên khi thấy, ở chân mộ của La Fontaine cũng có bức phù điêu truyện "Con cáo và con cò" giống y chang hình khảm trên bộ tràng kỷ nhà mình. Từ đó, ông Bình kết luận, chắc chắn ông nội ông đã từng có lần tới viếng mộ La Fontaine

Nguyễn Trọng Mừng
.
.