Hoàng Vũ Thuật -Ấm tình thơ phương Nam

Thứ Bảy, 18/01/2020, 08:01
Những ngày cuối năm 2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã ra mắt tập thơ "Một mai gió chở tôi về" do NXB Hội Nhà văn ấn hành với sự tham dự của nhiều đồng nghiệp và bạn đọc.


Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, từng là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Bình, Hoàng Vũ Thuật là một trong những gương mặt quen thuộc của nền thi ca Việt Nam mấy mươi năm qua, ông đã đạt một số thành tựu về thơ truyền thống trước khi chuyển mình kiên trì con đường cách tân thơ và tiếp tục gặt hái thành quả...

Với bậc đàn anh Hoàng Vũ Thuật, tôi có nhiều kỷ niệm với ông từ Sài Gòn đến Phú Yên và ngay ở Quảng Bình quê hương của nhiều bậc tài danh như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… Trong mọi cuộc trò chuyện bao giờ ông cũng say sưa nói về văn chương, nhất là sự trì trệ lẫn đổi mới của nền thi ca Việt. Ông yêu mến và quan tâm đến các bạn thơ trẻ tài năng nhưng chưa có điều kiện xuất hiện hay phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật - tranh của họa sĩ Lê Sa Long.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật sinh năm 1945 ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Những năm gần đây do điều kiện gia đình ông thường xuyên gắn bó các hoạt động văn học ở TP.HCM. Dù đã ở giữa tuổi thất thập nhưng ông vẫn không ngừng đi và viết, liên tục cho ra đời những tác phẩm mới có giá trị, với những chiêm nghiệm sâu sắc của một đời thăng trầm như trong bài thơ "Tự vấn" ông viết: "ta đi để mà về/ ta về để mà đi/ chẳng quý nhân nào chờ ta trước mặt/ cuộc sống cứ xoay vòng xuẩn ngốc/ thiên đường có trong ta/ địa ngục ở nơi ta".

Đến nay, ngoài tập phê bình "Văn chương tìm gặp" thì Hoàng Vũ Thuật đã in riêng 13 tập thơ, tạo dựng một con đường sáng tạo phong phú về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, kể từ khi tập thơ "Thế giới bàn tay trái" xuất bản năm 1989, hành trình thơ của ông đã rẽ sang con đường mới, dần thoát khỏi y phục truyền thống để tìm tòi cách tân.

Và những tập thơ về sau: "Đám mây lơ lửng", "Tháp nghiêng", "Ngôi nhà cỏ", "Màu", "Mùi", "Cây xanh ngoài lời" và bây giờ "Một mai gió chở tôi về" là những kết quả từ ngã rẽ đổi mới dũng cảm, lặng lẽ, quyết liệt nhưng cũng đầy gian nan, trắc trở.

Ở vùng gió Lào cát trắng khắc nghiệt Quảng Bình giàu truyền thống thi ca và nghệ thuật, thơ Hoàng Vũ Thuật như áng mây xanh lơ lửng tỏa bóng, biến hình kỳ thú, có sức vẫy gọi, gợi hứng cho người yêu thơ cùng sáng tạo, mang lại cái đẹp cái thiện cho đời sống.

Trong lời nói đầu tập thơ mới, Tiến sĩ Mai Bá Ấn cũng có cái nhìn khái quát: ""Một mai gió chở tôi về" của Hoàng Vũ Thuật đa dạng về nội dung, mỗi nội dung lại đa nghĩa, đa tầng, luôn gọi mời người đọc. Đó chính là sức gợi của lý thuyết liên văn bản (intertextuality) mà mỗi bài thơ tự mở ra. Từ dòng sữa của ca dao - dân ca: "Dòng sữa ngọt vành môi sinh nở/ cánh cò vẽ khung trời bình yên/ từ tay chị bước ra" (Dòng phấn trắng) đến truyền thống cha ông "Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên", cọc gỗ Bạch Đằng, sang hoang đường cổ tích: "Tôi đã gặp chú gấu thò ra trong cổ tích/ chùm chìa khóa rơi vào chốn hoang đường" (Cơn ghen của bầu trời)…, rồi mênh mông buồn tràn qua tiền chiến với Lưu Trọng Lư ngơ ngác nai vàng và nhạc hậu chiến một thời bế tắc của Trịnh Công Sơn: "Rừng xưa đã khép lá xưa đã úa/ tiếng nai hay/ tiếng người/ lửa muốn bén vào thu" (Nai vàng)… Không dừng lại ở đó, thơ anh còn như con sóng lan tỏa sang cả những liên văn bản của văn học thế giới như Quách Mạt Nhược, Victor Hugo, Shakespeare, Drunvalo Melchizedek, Evtusenko, Paustovky và đến cả bức ảnh bác sĩ trẻ Piter, người Cuba, lấy đầu bịt họng súng…".

Tại buổi giới thiệu thơ Hoàng Vũ Thuật, một đồng hương Quảng Bình đang sống ở TP.HCM là nhà thơ Lê Xuân Đố cho rằng: "Cánh đồng thơ Hoàng Vũ Thuật được mùa, bội thu. Thơ anh đổi mới liên tục. Tôi được anh tặng thơ khá đều mỗi lần ra thơ. Khi anh cho ra tập thơ "Mùi", tôi nghĩ đây chắc là đỉnh thơ anh.

Các nhà phê bình vẫn một giọng điệu nói rằng thơ Hoàng Vũ Thuật khó đọc, cách tân. Tôi thì không thế, hiểu hay không hiểu do bởi người đọc. Tập thơ "Mùi" hiện đại và đẹp, tôn vinh ngôn ngữ Việt. Cách đây 2 năm Hoàng Vũ Thuật xuất bản tiếp tập thơ "Cây xanh ngoài lời".

Tập thơ này thêm nhiều ẩn dụ cho câu thơ tươi mới ra, nhưng tôi thú thật: "Chữ ở ngoài lời" nên tập thơ tươi tốt mà thiếu… thiếu cái gì nhỉ? Và bây giờ "Một mai gió chở tôi về" đã trả lời câu hỏi ấy". Theo nhà thơ Lê Xuân Đố, tập thơ mới của Hoàng Vũ Thuật là một kỳ công điều tiết, khám phá bản thân, cuộc đời, thế giới, với những câu thơ phát triển đột biến, bất ngờ, tối và sáng, buồn và đẹp, tĩnh và động từ tâm thức, như: "Chiếc thang máy mệt nhọc xuống lên/ Nụ hôn ban mai nóng hổi/ Thảng thốt vòng tay" và "Niềm tin mưa sẽ mọc rễ thịt da/ làm thay đổi đời anh".

Nhà giáo dạy văn Vi Huyền Vi thì cảm nhận mỗi bài thơ Hoàng Vũ Thuật như một ô cửa nhỏ mở ra thế giới kỳ lạ: "Lâu nay bạn đọc thường bắt gặp những vần thơ lấy cảm hứng từ chất liệu đời sống cụ thể, mà người ta thường gọi là đề tài "nóng hổi mang tính thời sự", phản chiếu một vấn đề nào đó đang diễn ra… Thì trong "Một mai gió chở tôi về" lại bàng bạc một giọng điệu trữ tình, một góc khuất thân phận, đời thường trong tình cảm con người.

Góc khuất ở đây chính là cảm quan về tình yêu, niềm vui và nỗi buồn rất cá thể giản đơn và gần gũi, phản chiếu con người ông, từ đó nhìn thấy thế giới rộng lớn đang trải trong thơ: "Anh là hạt muối được vớt lên từ lòng biển/ mặn trên môi em/ như một phiến hoa hồng trầm cảm/ chiếc gai biết nói/ xuyên thủng cả nụ cười nước mắt…". (Phiến hoa hồng trầm cảm). Ông giúp cho độc giả hiểu thêm rằng, thơ không phải là cái nhìn thấy, cái nghe được bằng lối kể lại, tường thuật lại.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật với bạn thơ tại buổi ra mắt tập thơ "Một mai gió chở tôi về".

Báo chí, nhiếp ảnh thời sự, tranh tuyên truyền đã làm việc đó. Thơ cao hơn mọi hiểu biết, sờ thấy hay trông thấy. Thơ đằng sau sự hiểu, cao hơn sự hiểu. Cho nên Hoàng Vũ Thuật luôn dùng hình tượng, biểu tượng, ẩn dụ, đa chiều trong thơ".

Ở góc độ nhà nghiên cứu chuyên sâu, Tiến sĩ Hà Thanh Vân phát hiện: "Trong tập thơ "Một mai gió chở tôi về" có thể thấy điểm nhìn của nhà thơ, hay điểm nhìn của nhân vật trữ tình trong thơ rất đa dạng, phong phú.

Ngoài điểm nhìn quen thuộc là "tôi" (68 bài thơ thì có 22 bài có đại từ nhân xưng là "tôi"). Ngoài ra có rất nhiều đại từ nhân xưng khác như: anh, em, tao, mày, nàng, chị, chúng ta, người ta, ta, họ, con, cha, ông… Điểm nhìn này cho thấy sự mở rộng biên độ trong cách cảm, cách nghĩ, cũng như là những góc nhìn mở rộng từ nhiều chiều kích. Nhiều nhà thơ chỉ quanh quẩn với những đại từ nhân xưng như tôi, anh, em nên thơ thiếu sức gợi, sức khái quát cũng như sự hóa thân, nhập vai vào các nhân vật trữ tình.

Ở điểm này thì nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lại thể hiện sự sáng tạo riêng có khi hóa thân vào nhiều ngôi thứ. Với trường nhìn, điểm nhìn mở rộng, nhà thơ khắc họa những chân dung, tâm tư, tình cảm của những con người luôn trăn trở, tự vấn, băn khoăn với đời, những con người sinh ra và hiện hữu trên cuộc sống này như là thân phận, định mệnh vốn có: "Người ta không nỡ nói hết những gì cuộc đời đã dành cho ông/ định mệnh con giun con dế/ tuổi thơ phải vác trên vai cây thánh giá/ trong danh sách đồng loài/ ông không có tên" (Hồi sinh).

Một bạn đồng niên với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là nhà văn Ngô Thảo nói rằng tỉnh Quảng Trị quê ông rất hiếm nhà thơ nên ông cảm thấy ghen với Quảng Bình láng giềng sinh ra nhiều nhà thơ tài năng thơ như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư,… và sau này là Hoàng Vũ Thuật, một người đã vượt qua những hoạn nạn, bệnh tình để tiếp tục hành trình tìm kiếm, sáng tạo cái mới trong thơ, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về lẽ sống. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cũng thật hạnh phúc khi có cuộc tọa đàm diễn ra tại thành phố phương Nam, trong không gian tình thơ, tình bạn, tình người thật ấm áp.

Phan Hoàng
.
.