Hoàng Tùng - Cây bút chính luận (tiếp theo và hết)

Thứ Tư, 07/07/2010, 11:15

Ông Hoàng Tùng sinh hoạt giản dị. Tôi có cảm giác dường như ông không thích người khác hỏi han công việc của ông. Trừ anh em cùng làm việc ở Việt Bắc, chúng tôi từ các nơi khác về, ít ai rõ cụ thể thủ trưởng trước đây từng kinh qua những công việc gì.

=> Kỳ I

Đến lượt mình, Hoàng Tùng đòi hỏi các cộng sự khi viết chính luận phải chặt chẽ về lập luận, chuẩn xác về văn phong. Thật ra, những điều ấy mỗi lần đồng chí Trường Chinh có dịp đến thăm và nói chuyện với anh chị em ở tòa báo, anh đều nhấn mạnh. Đấu tranh ngôn luận với địch cũng chẳng cần dùng đao to búa lớn. Có ý chí kiên cường, bài viết của mình khắc có tính chiến đấu. Quan điểm mình đúng, kẻ khác đọc phải gờm. Sức thuyết phục của chính luận không ở ngôn từ, mà ở tính khoa học của nó. Lòng người viết trong sáng, văn chương thể hiện ắt sáng sủa. Bao trùm trên hết thảy là sự cẩn trọng, người viết báo luôn luôn phải cẩn trọng, cho dù chỉ viết nên mẩu ngắn vài ba trăm từ. Phải chăm chút văn phong phù hợp với chủ đề. Không bao giờ được phép cẩu thả. Cẩu thả không chỉ là thiếu tôn trọng bạn đọc, trước hết là người viết tự coi thường mình...

Thật lòng, tôi thường "ớn" khi có bài viết vội cho kịp, mà không thể không đưa thủ trưởng duyệt. Cũng có khi có lẽ do ông đang bận, hoặc tại chủ đề bài viết không quan trọng lắm, ông cho qua nhanh. Dấu hiệu bài đã được duyệt là hai ký tự loằng ngoằng viết tắt tên ông: Tg. Anh em chúng tôi nộp bài xong, ngồi chờ. Thấy cậu thư ký trẻ mang bài đã duyệt tới để tác giả xem lại, người viết hỏi: "Têgiê (Tg) chưa mày?". Cậu ta cười, vậy là xong. Cậu lắc đầu, là vất vả rồi đây. Hoàng Tùng có thói quen không xóa hẳn cả đoạn mà gạch từng dòng một, và thể hiện lại bên lề. Nhìn trang giấy, đôi khi thấy các dòng ngang san sát từ trên xuống dưới giống hệt bức mành, anh bạn tôi vốn tính hài hước, nhận xét luôn: "Têgiê kẻ mành mành". Một lần, thấy anh ngồi ở phòng đánh máy, chờ soát lại bài xã luận thủ trưởng vừa cho mang xuống, tôi hỏi anh: "Têgiê chưa?". "Rồi. Yên chí lớn đi" - Anh đáp. Và hóm hỉnh thêm: "Bài mình viết những ngàn từ, còn lại có bốn". Anh em cùng cười. Đã hiểu ý nhau. Bốn chữ ấy là Xã luận ở trên cùng, và Nhân dân, tên ký cuối bài. Còn nội dung bài báo thì thủ trưởng đã viết lại.

Nói cho đúng, Hoàng Tùng chỉ khó tính về văn chính luận. Còn phóng sự, bút ký, nếu cần  ông cũng chỉ xem qua, chẳng mấy khi đặt bút sửa, trừ trường hợp sai chính tả. Tôi vừa chân ướt chân ráo từ Khu 4 ra nhận việc, mươi hôm sau được cử luôn về nông thôn viết bài. Tôi ra Bắc lần đầu trong đời, đến đâu cũng cảm nhận cái mới. Lại điếc không sợ súng, tha hồ vung bút. Bài phóng sự về huyện Kiến Xương (Thái Bình) nô nức vỡ hóa cánh đồng lúa bỏ hoang mấy năm liền vì bom đạn để kịp vào mùa, đăng năm kỳ báo. Thủ trưởng chỉ đọc lướt, và Têgiê luôn. Năm 1962, ông nhờ tôi đưa về thăm lại Khu 4 là nơi tôi quen thuộc. Đi một mạch vào giới tuyến, lúc trở ra ghé thăm, làm việc với hợp tác xã Đại Phong đang nổi tiếng như cồn vì là ngọn cờ đầu phong trào thi đua yêu nước do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát động.

Làm việc với chủ nhiệm hợp tác xã, chúng tôi phát hiện một nghịch lý: Chủ trương của tỉnh muốn ở đâu cũng tăng nhanh diện tích trồng lúa là không thỏa đáng, không kinh tế. Vì làm thêm một vụ lúa, miền Trung gọi "lúa vụ trái" vào giữa mùa mưa bão, vất vả 5 vụ may ra được mùa một vụ, còn lại là thất bát nếu không mất trắng. Chi bằng dùng diện tích ấy trồng cói, nuôi cá chẳng hạn. Trên đường trở ra Bắc, hai anh em trao đổi, ông bảo tôi nên viết thành bài. Tôi nộp "quyển". Ông đọc qua, Têgiê luôn. Còn bảo: "Ký tên chung hai anh em nhé". Bài báo ấy, đăng ngày 18/10/1962, vui sao lại được chọn in vào tập "Những bài báo chính luận" của Hoàng Tùng.

Một trường hợp khác. Tháng 9/1965, tôi được theo ông sang Bình Nhưỡng dự Quốc khánh Triều Tiên, theo lời mời của báo Rodong Simbun. Đoàn được Thủ tướng Kim Nhật Thành tiếp và nói chuyện vui vẻ cả tiếng đồng hồ. Sau mười ngày đi thăm Bắc Triều Tiên, chúng tôi quay lại Bắc Kinh để về nước, thì bạn Trung Quốc nồng nhiệt mời ở lại dự Quốc khánh của bạn, 1/10. Không thể khước từ, ông nói khó để bạn chấp nhận cho ông về trước, tôi thay mặt "đoàn" ở lại. Một tuần sau, gặp tôi ở sân tòa báo, tôi vừa về chưa kịp chào, ông đã nhăn mặt: "Làm gì bên ấy lâu đến vậy?". Nhận thấy mình vô lý, ông hạ giọng: "Anh viết bài ngay cho kịp. Về Triều Tiên, hai bài. Một bài nói phong trào chung. Một bài chuyên đợt thi đua bạn noi gương Anh Nguyễn Văn Trỗi của ta. Viết luôn!". Bài đầu khá dài, chiếm cả trang báo. Ông cũng chỉ đọc qua, không thấy sửa, còn thêm tên của ông vào cuối bài. Tôi hiểu, bài về hợp tác xã Đại Phong là để bài tăng sức thuyết phục đối với địa phương. Còn bài sau, vì đối ngoại!

Nhà báo Hoàng Tùng (thứ tư từ trái qua) tại địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (ảnh chụp ngày 20/4/2005.

Tôi làm quân dưới trướng "tướng" Hoàng Tùng 28 năm. Không ít lần bị ông quạt. Đôi khi cũng ấm ức. Song cuối đời hồi tưởng, còn lại chỉ những kỷ niệm vui vui. Mùa thu năm 1954, tôi được điều về công tác ở báo Nhân dân. Năm ấy, hai tỉnh Bắc Liên khu 4 lụt to. Đê sông Lam vỡ nhiều đoạn. Sông La nước tràn bờ. Kẹt đường, mãi đến đúng ngày 10/10, tôi mới tới được cơ quan báo lúc này vừa từ Việt Bắc về đóng tạm một ngôi nhà cạnh cầu Phùng, huyện Đan Phượng, chờ đưa toàn bộ tòa soạn cùng nhà in vào làm việc tại thủ đô. Gặp anh bạn quen hồi công tác ở Liên khu 4, anh dẫn tôi sang nhà bên chào thủ trưởng. Ông Hoàng Tùng bắt tay tôi: "Chào anh Hoàng Tùng!" (hồi làm việc tại báo Cứu quốc liên khu 4, tôi lấy bút danh Hoàng Tùng). Và cười tủm tỉm. Ông nói tiếp với cái giọng tưng tửng ít lâu sau tôi sẽ quen: "Anh là Hoàng Tùng. Tôi cũng là Hoàng Tùng. Tôi nghĩ ở báo Nhân dân ta có lẽ chỉ nên có một Hoàng Tùng, hoặc là anh hoặc là tôi".

Có lẽ nhận thấy anh chàng nhà quê quá lạ lẫm với đất Hà thành, khoảng vài tháng sau, vào một sáng Chủ nhật, tôi đang thơ thẩn cạnh gốc đa Hàng Trống, ông đến gần hỏi: "Có muốn đi chơi chợ Đồng Xuân không?". Tôi thích quá, đi với sếp thì khỏi lo bỡ ngỡ. Hai anh em la cà suốt buổi sáng trong chợ đông vui, hết gian này sang gian khác, ngó nghiêng nhìn ngắm hàng họ. Đến lúc mỏi nhừ cả chân, ông mới hỏi: "Ta kiếm cái gì ăn trưa ở đây luôn nhá?". Tôi ngỡ thủ trưởng sẽ cho mình vào một hiệu ăn sang trọng nào đó. Hóa ra ông vẫn loanh quanh trong chợ, kiếm gian hàng ăn. Người khách trước vừa quệt mồm đứng lên, ông ngồi luôn vào chiếc ghế thấp tịt, tay chỉ cho tôi ghế của một bà khách khác vừa rời chỗ. Thủ trưởng hôm nay khao lính món bún chấm mắm tôm! Thịt lợn cũng có đấy, song mỗi người chỉ mỗi một xiên mấy lát mỏng và nhỏ bằng đầu ngón tay. Còn là bún, tha hồ ních căng bụng. Tôi nhìn ông nhanh nhẹn vắt nửa quả chanh tươi, cho thêm mấy lát ớt đỏ vào rồi khuấy đều cho mắm tôm sủi, rồi sành điệu chọn ngắt mấy chiếc lá húng; xong ngước đầu nháy mắt ra hiệu, anh em cùng vào cuộc!

Một Chủ nhật khác, ông rủ tôi sang Bắc Ninh chơi. Lần này đi ôtô. Chúng tôi lang thang quanh thị trấn Từ Sơn, trưa vào chợ, lại tìm đến một lều quán tuềnh toàng. Lần này thủ trưởng chiêu đãi canh bánh đa. Ra khỏi quán, ông còn cười, hỏi như thách đố: "Canh bánh đa Bắc Kỳ có những gì khác bánh đa xứ Nghệ, anh nói tôi nghe nào?". Quả thực tôi đâu có thành thạo cái món đặc sản này…

Cho đến bây giờ tôi còn nhớ như in chuyến cùng ông đi Vĩnh Linh, Quảng Bình mùa lụt năm 1962 ấy. Ra tới Hà Tĩnh thì trận lũ to ập về. Nước sông Lam cuồn cuộn tràn bờ. Phà Bến Thủy cắt, cấm mọi phương tiện qua sông. Chúng tôi ghé nhà khách của tỉnh, thấy khá đông khách tắc đường ghé tạm trú, ai nấy sốt ruột hết nhìn nước lại nhìn trời. Duy nhất một người bình tĩnh. Ấy là Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu. Ban ngày trời âm u, cụ bật hết đèn trong phòng khách, cặm cụi viết lách gì đó dưới ánh vàng ệch của cây đèn bàn không đủ soi sáng mặt cái bàn uống nước, không đủ chỗ cho cụ bày mấy cuốn sách dày cộp mang theo.

Hoàng Tùng hơn ai hết càng đứng ngồi không yên. Đi công tác đâu xa, ông cũng lo công việc ra báo ở nhà. Ông bảo tôi, hay là ta cứ đi tiếp ra ngoài. Đến đâu hay đấy. Biết đâu chẳng tìm được cách…

Ôtô xếp dãy dài trên đoạn đường thuộc địa phận huyện Nghi Xuân. Trước mặt chúng tôi là cánh đồng lúa vừa biến thành biển nước đỏ quạch phù sa. Con đường trước mũi hang xe đã lặn mất tăm dưới lũ.

Ba thầy trò chờ ven đường đến chiều thì có mấy xe lội nước của bộ đội Quân khu 4 đi cứu trợ đồng bào bị cô lập tại các xóm hẻo giữa đồng. Tôi móc túi, còn bao nhiêu tem gạo đưa hết cho anh lái xe, mình anh ở lại chờ nước rút, rồi xắn quần bám sát thủ trưởng. Ông đã được anh em bộ đội nắm tay dìu lên. Tôi leo lên theo. Chiếc xe chiến đấu sùng sục lội băng ngang đồng ruộng ngập, đến một chỗ nước sâu thì đỗ lại. Ở đấy có chiếc xuồng máy chờ sẵn. Canô lựa dòng chảy chạy men bờ, ngược dòng sông Lam, đến nơi thuận tiện, vượt sông sang bờ bắc. Ông Hoàng Tùng và tôi lò dò cuốc bộ về nhà khách tỉnh ủy, ở mãi thành phố Vinh. Dù sao vẫn may mắn. Gặp ở đây ông Thứ trưởng Bộ Thủy lợi vừa đáp máy bay quân sự vào Nghệ Tĩnh thị sát tình hình lụt lội, sáng sớm hôm sau trở ra Hà Nội báo cáo Chính phủ. Hai anh em tháp tùng luôn.

Sân bay Gia Lâm ngày mưa vắng tanh. Tôi tìm bốt gác, định gọi nhờ điện thoại về cơ quan gọi xe sang đón. Ông gạt đi: "Thôi, ta cứ lần ra đường 5 cái đã, rồi sẽ tính. Còn nhanh hơn ngồi ở đây chờ xe".

Đường số 5 dạo ấy xe cộ chưa nhiều. Thi thoảng một chiếc từ Hải Phòng lên, phóng vèo qua trước mặt, chẳng ai buồn để ý hai anh chàng quần ống thấp ống cao thất thểu bên đường. May sao - lại may! - Có ông già đang lửng thửng đạp chiếc xích lô cà tàng. Hai anh em sung sướng lên xe. Chiếc xích lô ì ạch tránh các ổ trâu trên mặt đường 5, chậm chạp bò đến đầu cầu Long Biên. Cấm mọi phương tiện vận tải thô sơ qua cầu vào giờ này! Hai anh em chỉ còn cách lại lội bộ. Đến phố Lò Sũ, nhìn thấy ngọn cây đa Hàng Trống phía bên kia hồ, nghe tôi thở phào, ông lại tưng tửng: "Chuyến đi khoái nhá. Đủ loại phương tiện!". Dù quá mệt, tôi vẫn không nén được cười. Đúng. Đủ loại: Ôtô riêng, xe lội nước, canô, máy bay, xích lô và cuối cùng… lội bộ.

Ông Hoàng Tùng sinh hoạt giản dị. Tôi có cảm giác dường như ông không thích người khác hỏi han công việc của ông. Trừ anh em cùng làm việc ở Việt Bắc, chúng tôi từ các nơi khác về, ít ai rõ cụ thể thủ trưởng trước đây từng kinh qua những công việc gì. Cách đây hơn chục năm, tôi được mời tham gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, phần thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình. Hoàng Tùng là một trong số rất ít nhà báo còn sống có tên được đưa vào từ điển. Xem lại mục từ về ông do anh em chuẩn bị, tôi thấy quá sơ sài. Dường như nó được viết dựa vào một đoạn "lý lịch trích ngang" nào đó. Đến tên khai sinh của nhân vật là gì, cũng không rõ. Tôi biên tập lại, thêm thắt ít nhiều theo hiểu biết của mình. Và thêm câu kết: "Ông là người viết chính luận và các bài nghiên cứu, lý luận sắc sảo, là người tổ chức, quản lý báo chí có năng lực, một trong những người có công đóng góp vào việc đào tạo nhiều nhà báo thành đạt" (Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2002, tập II, tr. 338).

Chưa yên tâm, tôi gửi cả hai bản thảo đến nhà, nhờ ông xem lại. Không rõ ông có đọc hay không. Khi nhận lại phong bì, thấy có dòng chữ ghi lên trên: "Nhờ anh Phan Quang xem giúp". Ký Tg. Tôi chắc ông không đọc, không sửa, bởi sau khi từ điển in ra, có một chi tiết sai mà tôi cứ tiếc mãi. Ấy là ông làm báo Kiến thiết, Hà Nội năm 1945, chứ không phải 1946 như in trong từ điển.

Tôi vào Viện 108 thăm ông. Ông "thường trú" (chữ của ông nói với anh em đến thăm) nơi đây đã khá lâu. Trước, hễ có ai vào, ông thích chuyện trò. Ông yếu, nói rất khẽ, tôi ghé tai xuống sát giường mới nghe câu được câu chăng. Lần này, ông nằm thiêm thiếp. Chị y tá bảo: "Bác ấy thức đấy". Tôi đứng cạnh giường, nắm bàn tay trái của ông dưới lớp vải mỏng. Ông mở mắt nhìn thấy tôi, đôi môi hơi động đậy, như mỉm cười. Ghé miệng sát tai ông, tôi hỏi: "Phan Quang đây, anh có nhận ra không?". Ông nhấp nháy đôi mắt, rồi tay phải ông từ từ lật tấm vải ra, đưa lên nắm tay tôi. Chị y tá khẽ nhắc: "Bác giữ cả hai tay bác ấy".

Tôi cảm nhận bàn tay ông ấm, và ông bắt tay tôi khá chặt. Sợ giữ lâu làm ông mỏi tay, tôi nhẹ nhàng đặt hai tay ông xuống giường, kéo tấm vải đắp lên. Vướng cái ống mở thông khí quản, ông không nói được, nhưng đôi mắt vẫn tỉnh táo nhìn tôi. Ông cố làm động tác như thể lắc đầu, đúng hơn là đảo qua đảo lại tròng hai con mắt. Tôi đưa tay chỉ mớ tóc của mình, ghé sát tai ông nói thật rành rọt: "Quy luật cuộc sống, biết làm sao, anh! Đến như tôi mà tóc cũng đã bạc hết thế này". Ông lại làm như thể lắc đầu, đôi môi khô mấp máy như muốn mỉm cười.

Tôi chẳng biết nói gì, làm gì thêm, đứng chắp tay nhìn ông, lòng xôn xao. Lát sau, lại thấy ông lật tấm vải đắp, đưa cả hai tay ra. Chị y tá nói: "Bác ấy muốn chào từ biệt bác đấy". Tôi xiết chặt hai tay ông, khẽ lắc, chào lần nữa, rồi bước ra. Ngồi xuống chiếc ghế đặt ở hành lang để buộc giày, tôi thẫn thờ. Chuyến đi cuối cùng sắp tới, thì dù ông có nôn nóng, vội vàng đến mấy, cũng đành phải bó tay chờ đợi thôi…

2010

Phan Quang
.
.