Kỷ niệm 10 năm Ngày mất của tài tử điện ảnh Marlon Brando

Hoài niệm Marlon Brando

Thứ Sáu, 22/08/2014, 08:00
"Marlon Brando đã qua đời, nước Mỹ mất đi một trong những diễn viên lớn nhất của thế kỷ XX, cả trên màn bạc và sân khấu" - cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã phát biểu như thế khi hay tin "Bố già" huyền thoại Marlon Brando qua đời vào đêm thứ năm, ngày 1-7-2004, tại Los Angeles, thọ 80 tuổi.

Sinh tại bang Nebraska năm 1924 trong một gia đình của một bà mẹ nghiện rượu và một ông bố vũ phu, Brando trốn tránh mọi nguyên tắc và thách thức mọi uy quyền. Bởi thế, chỉ sau vài năm học trên ghế nhà trường, cậu đã bị đuổi học và bị đuổi ra khỏi trường võ bị.

Để "giải thoát" khỏi người cha tàn bạo, Brando từ giã cuộc sống thôn quê, "khăn gói" theo ông thầy Stella Adler để học diễn xuất ở trung tâm đào tạo nam diễn viên Elia Kazan, New York. Tại "lò" này, những tên tuổi như Paul Newman, Robert De Niro và Dustin Hoffman... đã làm rạng rỡ kinh đô điện ảnh Hollywood.

Khởi đầu nghiệp diễn là bộ phim "The man" năm 1950 không mấy thành công, mặc dù Brando phải chịu nhiều hy sinh để vào vai một nhân vật ốm liệt giường liệt chiếu suốt một tháng ròng. Chẳng bao lâu, bộ phim "A streetcar Named Diesire" đã đem lại cho anh đề cử giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất đầu tiên. Nhưng phải đến năm 1954, tên tuổi Brando mới thực sự toả sáng qua vai diễn võ sĩ quyền anh Terry Malloy trong "On the waterfront", khiến 1 giải Oscar đầu tiên đã thuộc về Brando. Từ đây, gương mặt điển trai đầy nam tính của Brando đã đi vào tiềm thức của hàng triệu trái tim phụ nữ...

Marlon Brando (bên phải) trong phim "Bố già".

Song, cuộc đời lại luôn có những khúc rẽ bất ngờ mà người ta gọi đó là định mệnh. Sau một loạt những vai diễn "tầm tầm" như: "Guys and Dolls" (1955), "The Young Lions" (1958), "The wild one"..., ông bắt đầu "đổ đốn" từ năm 1962 với vai diễn trong ''Muting on the Bounty'', một bộ phim có doanh thu thất bại. Phim "lỗ" thẳng cẳng, Brando không bao giờ quên được những ngày tháng thảm hại này. Ông xót xa kêu lên: "Lý do duy nhất khiến tôi ở lại Hollywood là vì tôi không có đủ can đảm để từ chối đồng tiền".

Phải đến 10 năm sau, cả Hollywood mới "bừng tỉnh" trước tài năng, sự hoá thân đến tuyệt vời của Brando qua "Godfather". Chính với phim này, Brando đã giành được 1 Oscar thứ hai đầy thuyết phục. Trên đỉnh cao của danh vọng, ông từ chối đến nhận giải, phản đối cách cư xử tệ bạc của Hollywood với người da đỏ và cử nữ diễn viên người da đỏ đến nhận thay.

Song, thăng trầm dường như là người bạn đồng hành của cuộc đời ông. Nổi tiếng bao nhiêu thì bi kịch lại đến với ông nhiều bấy nhiêu. Đầu tiên là cú giết người của cậu con trai cả Christian của ông năm 1991 (can tội giết vị hôn phu của cô em Cheyene - cùng cha khác mẹ), phải tù 5 năm kế đến là vụ tự tử của Cheyene năm 1995 vì trầm uất, đau khổ. Cuối đời, bà quản gia cũ - cũng là người tình cũ của ông - Christina Ruiz đã kiện ông đòi 100 triệu đôla Mỹ tiền bồi thường để chăm sóc 3 đứa con mà họ có với nhau.

Đau khổ là thế, song - dẫu tuổi già sức yếu - chưa bao giờ Brando mất đi sự kiêu hãnh - cái đã làm nên Brando - nam diễn viên vĩ đại nhất nước Mỹ. Ông còn muốn làm bộ phim về đời mình với nhan đề "Brando và Brando" vào năm 2005 với kinh phí 5,3 triệu USD, song kế hoạch này đã bị dang dở.

80 tuổi đời, hơn 40 bộ phim, 8 lần đề cử giải BAFTAS, 2 giải Oscar, Marlon Brando có tất cả 11 người con với 3 người vợ và các nhân tình. Theo ý nguyện của ông, tro hài cốt của ông đã được rải khắp Tetiaroa, một hòn đảo ở Tahiti mà ông mua hồi những năm 60 của thế kỷ trước

Tuyết Lan
.
.