Họa sĩ già“thay áo” cho phố phường

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:00
Hai con hẻm 62 và 64 trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP Hồ Chí Minh luôn làm cho bất cứ khách lạ nào ghé thăm cũng phải trầm trồ. Các bức tường kéo dài khắp con hẻm đều khoác lên mình những bức tranh sinh động. Đó là tác phẩm của người họa sĩ già với nét cọ thấm đẫm một tình yêu Sài Thành tha thiết, đầy phóng khoáng và đôn hậu...


Gặp ông Nguyễn Văn Minh, người ta thường đoán chừng 60 tuổi. Nghe ông biểu “mới có” 75 tuổi hà, ai cũng trố mắt nhìn lại một lần nữa coi thử mình gặp lộn người hông. Hỏi điều gì làm ông trẻ lâu vậy? Ông cười hề hề chỉ ra những bức tranh ngoài hẻm. Nhìn tranh là hiểu được người. Tâm hồn ông còn phơi phới lắm, đâu đã toan về già. Hứng lên là xách xe đạp chạy quanh hẻm nọ đến hẻm kia vẽ không ngơi tay, chẳng kể gì ngày lễ, ngày thường...

Hơn hai năm trước, uống cà phê của cô hàng nước trước hẻm, ông Minh tần ngần trước tấm biển hiệu chỉ ghi vỏn vẹn ba chữ “Cà phê Liên”. Làm nền cho con chữ màu trắng đơn điệu kia là màu đen nhạt nhẽo, mốc thếch. Hỏi cô chủ có muốn biển quảng cáo bắt mắt hơn không, cô gật đầu cảm ơn rối rít. Hôm sau, ông mang sơn và cọ ra, vẽ hình hoa hướng dương và đủ loại cây cỏ sinh động. Từ đó, nghiệp vẽ hẻm của ông bắt đầu.

Thấy những bức tường trống của hẻm bị dán nham nhở giấy quảng cáo, số điện thoại rút hầm cầu và bị viết bậy tùm lum, ông Minh quyết định vẽ để tình trạng này không còn diễn ra. Lột vẻ nhếch nhác của các bức tường, ông khoác cho nó cảnh đồng quê Việt Nam. Là đàn trâu thong dong gặm cỏ giữa cánh đồng trĩu bông vàng rực, là vườn trái cây sai trái, là lũy tre xanh, dòng sông quê hương, nẻo đường đất nước...

Các bức tường trong hẻm 64 Nguyễn Khoái, quận 4, TP Hồ Chí Minh được ông Nguyễn Văn Minh thay áo bằng bức tranh sống động.

Đi nhiều nơi nên những cảnh đẹp non nước quê nhà ông đều gửi gắm vào các tác phẩm của mình, để góc phố trở nên quen thuộc và gần gũi như xóm thôn thuở nào. Mỗi tác phẩm, ông đặt tên theo lời hoặc tên bài hát như: “Bức họa đồng quê”, “Lá hát từ bàn tay thơm tho”, “Mùa xuân chim én về”...

Điều làm người ta quý mến lão họa sĩ là bởi ông không chỉ vẽ bức tranh phong cảnh để làm đẹp thông thường mà còn gửi gắm vào tranh bao thông điệp ý nghĩa. Thuộc nhiều thơ văn nên hầu như bức nào ông cũng “đề từ” một câu hay hay nào đó mà mình nhớ. Vẽ ao mùa thu, có con cá đớp mồi, có ngõ trúc, chiếc thuyền, ông nhớ đến câu thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo...”.

Vẽ lũy tre xanh Việt Nam thì ông tâm đắc câu: “Tre xanh, xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi...” của nhà thơ Nguyễn Duy. Có khi lời đề tặng trên tường là những câu ca dao quen thuộc, là câu Kiều, lời bài hát...  Có khi là những câu châm ngôn sống như: “Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai, sống chan hòa với người chung sống”, “Cuộc sống phải lạc quan, người bi quan sẽ chỉ là khán giả”...

Ngoài ra, kèm theo bức tranh, ông còn ghi rất nhiều lời kêu gọi mọi người bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh chung, lưu ý bà con khi lưu thông trong hẻm như: “Hẻm chật hẹp, hãy chạy xe thật chậm”, “Lưu ý, xe ra vào, trẻ em đông, hãy chạy xe thật chậm, tránh sự cố đáng tiếc”...

Cách làm của ông được chính quyền địa phương ủng hộ hết mình. Nhìn bức tranh tuyệt đẹp, sống động như thế, những người có ý định dán giấy, số điện thoại quảng cáo cũng không nỡ. Ngay cả nhừng chú em muốn “giải quyết nỗi buồn” cũng không dám “úp mặt” vào tác phẩm công phu với nhiều lời hay ý đẹp như thế. Vậy là hẻm trở nên nền nếp hơn bao giờ hết.

Ngoài những bức tường công cộng ông vẽ để tránh tình trạng bôi bẩn, quảng cáo lộn xộn, người dân trong hẻm còn mời ông về vẽ cho bức tường, cánh cổng nhà mình. Hẻm bỗng sinh động hẳn, mời gọi sự tò mò thưởng lãm của người nơi khác khi lỡ ghé chân qua nơi đây. Ông Minh vẽ hoàn toàn miễn phí cho bà con. Tiền sơn, cọ, ông tự bỏ tiền túi ra mua. Bức nào hư hại, tróc sơn, ông sơn lại như mới. Nhiều người thấy việc làm của ông hay quá, cũng góp chút tiền biếu ông mua sơn để chung tay làm đẹp khu phố.

Từ ngày ông gắn bó với nghiệp cầm cọ, bà con khu phố trìu mến gọi ông là họa sĩ Minh. Ông sung sướng lắm, và còn sung sướng hơn khi các bức tranh của mình khiến mọi người đáng yêu, vui vẻ. Lão họa sĩ ấy đã cho ra đời khoảng 40 tác phẩm nằm rải rác trên các con hẻm gần khu này. Tiếng lành đồn xa, người bên Phú Mỹ Hưng hoặc ở những quận khác cũng mời ông về vẽ cho hẻm mình. Đặc biệt dịp Tết, người gọi ông càng nhiều. Khắp hẻm, ông trang trí bằng những cành mai, cuội đào rực rỡ.

Ông Minh vốn bị bệnh hen suyễn, rất dị ứng với mùi sơn. Thế nhưng vì tình yêu dành cho nét cọ, hạnh phúc với nụ cười của bà con, ông không ngại. “Vẽ riết rồi đâm nghiền, ngày nào trời mưa, không đi vẽ được là buồn lắm. Mùi sơn giờ với tôi cũng không còn xi nhê gì. Vì hóa ra đến cuối đời, tôi mới được trở thành họa sĩ như mơ ước hồi xưa” – lão họa sĩ tếu táo.

Một tác phẩm vẽ trên tường hẻm của lão họa sĩ Nguyễn Văn Minh.

Ông Minh vốn có khiếu hội họa từ nhỏ. Học môn gì cũng giỏi nhưng ông mê nhất hội họa. Ông quên ăn quên ngủ để vẽ nguệch ngoạc trên nền đất. Mê vẽ nên chuyện ông thi đậu vào trường mỹ thuật ở Sài Gòn không có gì lạ. Nhưng học mới được một năm thì binh lửa ngày càng dữ dội.

Sau năm 1975, ông trở về quê nhà, lóc cóc đạp xích lô kiếm sống. Đất nước lúc bấy giờ khó khăn nên ông Minh cùng gia đình mải miết vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Rồi ông chuyển sang đi dạy cho các em khuyết tật ở quận 4.

Năm tháng trên bục giảng, giấc mơ xưa thảng hoặc quay về nung nấu mỗi khi ông dạy học trò vẽ từng đường nét, chỉ cách tô màu. Một đợt ngã bệnh thập tử nhất sinh khiến ông lại xa rời cuộc vui màu sắc. Chứng mất ngủ kinh niên hành hạ bảy năm ròng. Tay cầm vật gì cũng run. Giấc mơ đứng trước tấm toan trắng tưởng chỉ còn là dĩ vãng. Thế mà nó trở lại với ông như diễm phúc của phước phần.

Ngày đầu cầm cọ, tay ông cầm mãi không chắc, lơi ra một chút là rớt. Đường nét cứng nhắc, run rẩy. Được mọi người động viên, khuyến khích, ông rèn tay mềm mại hơn. Rồi không biết có phải niềm đam mê thuở thơ ấu quá mãnh liệt trỗi dậy níu đỡ nên bây giờ ông có thể lái xe đạp bon bon khắp đầu đường cuối hẻm mà vẽ cho mọi người?

Nghe nhiều về hình thức trang trí tường - chẳng hạn như một ngõ ở Hà Nội, người dân  xếp gốm sứ thành tranh lên các bức tường để tránh vẽ bậy - ông vui lắm. Vui bởi mình không lẻ loi.

Lối nhỏ vào nhà ông đương nhiên đều ngập tràn màu sơn, nét cọ. Ngay bức tường trước nhà mình, ông vẽ một đóa hướng dương lớn, phía trên đề một câu: “Hoa mặt trời (hướng dương) biểu trưng sự sống, vươn lên mãnh liệt”. Ai cũng hiểu đó là loài hoa mà ông luôn hướng về với một niềm tin yêu tha thiết.

Người họa sĩ ấy bảo rằng khi nào còn sức khi đó còn vẽ. Ông muốn nhân rộng mô hình này để khắp các con hẻm của thành phố mang tên Bác là một màu sắc giản dị, ấm áp và văn minh. Gắn bó với thành phố này, ông yêu phút giây bình yên của những hẻm vắng nho nhỏ, yêu như sự sống, hơi thở từng phút của mình. Lang thang khắp phố phường trên chiếc xe đạp cũ, lóc cóc nào sơn nào cọ, nghêu ngao ông hát:

“Thành phố tôi rất trẻ
Bạn có nghe họ hát về mình
Bằng trái tim rất trẻ
Bằng khát khao bỏng cháy...”.

Chợt thấy tuổi 75 có hề hấn gì. Vẫn trẻ lắm khi giấc mơ thơ bé giờ này mới chỉ là bắt đầu...

Phan Thi Uyên
.
.