Hoạ sĩ Lê Huy Văn và chai Coca Cola đội nón bài thơ

Thứ Năm, 18/11/2010, 11:15
Ngày ấy chúng tôi còn trẻ. Khi tôi về làm phóng viên tờ báo chuyên ngành thủ công mỹ nghệ tại 80 Hàng Gai (Hà Nội) thì họa sĩ Lê Huy Văn cũng đã làm việc ở Viện Mỹ nghệ nơi đó rồi. Biết anh là người say mê với nghề, lại là con trai họa sĩ danh tiếng Lê Quốc Lộc nên chúng tôi thường có những buổi trò chuyện rất thú vị...

Những câu chuyện ngày ấy thường xoay quanh về vẻ đẹp của các sản phẩm gốm, tre đan, thêu ren, chạm trổ gỗ mỹ nghệ hoặc điêu khắc đá... Những làng nghề cổ truyền làm gốm, làm rèn, đúc đồng, chạm vàng bạc, dệt chiếu, chằm nón... luôn tạo những chuyến đi điền dã hào hứng cho chúng tôi.

Anh vốn là người được đào tạo, học hành bài bản về khoa tạo dáng công nghiệp của một trường đại học bên Đức. Về nước, anh không được đến ngay với môi trường sản xuất để phát huy kiến thức được học, mà lại trải qua mấy năm đi làm phiên dịch trên Văn phòng Chính phủ. Anh đến với ngành thủ công mỹ nghệ, ấy là một nhân duyên sau chuyến gặp gỡ ông Nguyễn Văn Thao. Ông Thao vốn là một trí thức, khi ấy đang đứng đầu quản lý ngành sản xuất thủ công nước nhà. Ông là người rất có uy tín với các cơ sở sản xuất và biết tập hợp những người cộng sự có năng lực để phục hưng và phát triển ngành thủ công.

Những năm ấy, chúng tôi thường xuyên đi thực tế ở các làng nghề truyền thống. Đời sống người thợ, đôi tay tài hoa của các nghệ nhân và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ họ tạo ra là niềm khởi hứng bao cảm xúc đắm say với chúng tôi. Những ý kiến góp ý, tham gia cải tiến mẫu mã sản phẩm với các nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị, chiếm được nhiều huy chương vàng, bạc qua các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước. Nhiều học viên của trường dạy nghề thủ công nghiệp Hà Đông dạo ấy, nhờ học lý thuyết tạo dáng công nghiệp do Lê Huy Văn phối hợp giảng dạy, đã trở thành những nghệ nhân xuất sắc trong ngành.

Logo chai Coca-Cola và một số bìa sách do họa sĩ Lê huy Văn thiết kế.

Mở rộng phạm vi hoạt động của mình, Lê Huy Văn còn cộng tác với nhiều nhà xuất bản. Anh sớm trở thành một họa sĩ trình bày bìa sách có uy tín. Nhớ lại thuở ham mê làm bìa sách, anh thấy mình được thể nghiệm kiến thức đồ họa tích tụ bao năm trong trường học. Đấy là giai đoạn anh làm một loạt bìa sách văn học theo phong cách trình bày chữ mà anh học được của ông thầy người Đức - họa sĩ Gnauck. Họa sĩ Gnauck dạy anh cách đưa chữ vào bìa sao cho sinh động. Đương nhiên, bìa sách thì thời nào chả cần chữ và hình tạo nên. Cái khó là người họa sĩ trình bày phải tạo ra sự chuyển động bên trong của mỗi con chữ.

Thời kỳ đó, trên mặt bằng trình bày bìa sách ở ngoài Bắc, chỉ thấy có họa sĩ Nguyễn Thọ và họa sĩ Hoàng Hữu là thành công hơn cả. Nhưng khi bìa sách của Lê Huy Văn xuất hiện, giới họa sĩ trình bày bìa sách phải thừa nhận anh đã sớm tạo ra phong cách riêng của mình. Những bìa sách "Những người thích đùa", "Không chốn nương thân", "Tôi muốn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu"... do anh trình bày đã chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Đó là những bố cục vừa chặt chẽ, vừa bay bổng, lãng mạn.

Công việc nào cũng cần sự đam mê hết mình vì nó. Việc trình bày bìa, ngoài việc cần tạo cảm xúc phập phồng ở mỗi con chữ, còn đòi hỏi sự đặc biệt chuẩn xác. Ngày nay, việc máy tính lập trình, cài đặt hàng loạt phông chữ khác nhau trong máy, người họa sĩ chỉ cần nhấp chuột là gõ ra hàng trăm mẫu chữ khác nhau, chứ như thời anh và bao họa sĩ khác làm bìa, phải gò lưng, căng mắt vẽ thể hiện chữ. Có khi cả buổi mới thiết kế xong một mẫu chữ. Có khi làm ra, không ưng, lại xóa làm lại. Mấy năm trời, với sự miệt mài sáng tạo, Lê Huy Văn đã trình bày được hơn trăm bìa sách, với phong cách không lẫn với bất kì bìa sách của họa sĩ khác.

Cũng thời điểm ấy, anh đã sáng tác hàng trăm lô-gô cho các doanh nghiệp, các nhà xuất bản. Hiện tại, còn nhiều lô-gô do anh thiết kế vẫn đang lưu hành trên thị trường. Nhiều nhà xuất bản lớn đến nay vẫn dùng lô-gô của anh, như Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn... Phải ghi nhận, lô-gô Nhà xuất bản Hội Nhà văn do họa sĩ Lê Huy Văn thiết kế vừa đẹp, vừa ý nghĩa. Chỉ với ba chữ viết tắt HNV xếp hàng dọc, gợi mở, như một ngòi bút, như một cuốn sách đang mở, nom vừa khúc triết, vừa mơ mộng. Cái khó của sáng tác lô-gô là bố cục hình phải giản dị, chặt chẽ, lại có tính khái quát cao.

Họa sĩ Lê Huy Văn tâm sự, mỗi khi gặp một sản phẩm có in lô-gô của mình thiết kế, tâm hồn anh lại trỗi dậy niềm vui khó tả. Anh tự thấy mình đã góp phần nhỏ tạo vinh quang và thành công cho doanh nghiệp đó. Chỉ có điều, sau phút giây thi vị đó, lại là giây phút bùi ngùi thoáng qua. Ấy là mọi người khen hình lô-gô đẹp, nhưng nào có biết ai là người sáng tạo ra lô-gô ấy đâu? Trình bày, thiết kế một bìa sách, tên tác giả còn được in vào trang cuối sách. Còn lô-gô tuy là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng nó lại không bao giờ in tên tác giả sáng tạo ra nó. 

Một kỷ niệm khó quên với đời thiết kế, tạo dáng công nghiệp của họa sĩ Lê Huy Văn là kỳ tham gia cuộc triển lãm "Coca-Cola và nghệ thuật dân tộc" nhân dịp chào mừng kỷ niệm 100 năm tổ chức thế vận hội Olimpic tại Atlanta (Mỹ) năm 1996. Ai cũng biết Coca-Cola là tập đoàn nước giải khát toàn cầu, song cuộc thi lại yêu cầu người họa sĩ phải thiết kế tạo dáng, trang trí chai Coca Cola có vẻ đẹp đặc trưng của khu vực mình. Sau mấy ngày đêm nung nấu suy nghĩ, một hình tượng chợt lóe trong đầu anh. Ấy là anh sẽ tạo dáng cho chai Coca-Cola như một cô gái đội nón bài thơ. Ý tưởng vụt hiện ấy sớm được triển khai thực hiện.

Thoạt đầu, anh làm thử một vành nón nhỏ, đặt hờ hững trên miệng chiếc chai Coca Cola theo kích thước thật. Một tạo dáng đẹp, vừa thơ mộng, vừa có tính khái quát, vừa có phong vị riêng của miền đất anh sinh sống. Phác thảo gửi về ban tổ chức cuộc thi và được hoan nghênh nhiệt liệt. Lê Huy Văn hăm hở về làng tre đan Ninh Sở nhờ các nghệ nhân xuất sắc của làng đan chiếc vỏ chai theo hình chiếc chai Coca-Cola phóng đại. Anh lại về làng nón Chuông, nhờ nghệ nhân nổi tiếng làm chiếc nón bài thơ có đường kính 1,1 mét, thân nón có cải hình đôi phượng múa sống động, chóp nón gắn chiếc gương mặt nguyệt, như gương trang điểm làm duyên của các cô gái làng ưa dùng. Trở về làng lụa Vạn Phúc, nhờ nghệ nhân dệt tấm thao làm quai nón thắt nơ, hai đầu quai nón buông hai cù tua màu rực rỡ. Chiếc nón bài thơ khổng lồ được gắn liên kết với hình chiếc vỏ chai Coca-Cola đan bằng cật tre óng vàng có chiều cao 3,5 mét, tạo vẻ đẹp vừa rực rỡ hoành tráng, vừa tao nhã.

Hình tượng chai Coca-Cola đội nón bài thơ của họa sĩ Lê Huy Văn được đem dự triển lãm ở nhiều nước, được giải nhất khu vực châu Á, rồi được chuyển về dự hội chợ Mácxây (Pháp) và được đưa vào bộ sưu tập của hãng Coca Cola tại Mỹ. Nhiều tờ báo trong nước, ngoài nước in quảng cáo tác phẩm tạo dáng đặc biệt này. Từ thành công này, anh lại nhớ đến người cha của anh, một họa sĩ lặng lẽ và cả quyết với nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà ông có được tác phẩm sơn mài nổi tiếng "Qua bản cũ", hiện được treo trang trọng trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được chọn là một trong số tác phẩm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về lao động nghệ thuật của ông. Tình yêu nghề nghiệp của ông đã truyền sang cho thế hệ con ông, nối mạch sáng tạo hội họa. Lê Huy Văn, Lê Kim Mỹ, Lê Trí Dũng... đều theo học mỹ thuật, đều là hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài thời gian dành cho sáng tác, Lê Huy Văn cũng dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy. Anh từng là hiệu phó Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ, cũng là niềm vui không nhỏ của anh. Anh cũng đã viết và xuất bản gần chục cuốn sách về mỹ thuật ứng dụng trong đời sống.

Ngoảnh lại thời gian, mới hồi nào còn thời trai trẻ, mà nay mái tóc đã bạc.  Nhiều buổi chiều thư thả đạp xe trên đường phố, nhìn dòng người dòng xe đi lại như mắc cửi, bất gặp những chiếc xe Honda Sufat W do mình thiết kế tạo dáng đang lưu hành trên đường phố, niềm vui trong anh rân rân. Đôi khi cùng bạn bè ghé quán bia hơi trò chuyện, cầm chiếc cốc vại thủy tinh thô mộc, anh lại âm thầm vui. Chính anh là người đầu tiên thiết kế ra chiếc cốc vại uống bia đó. Cho dù chiếc cốc nay có bị phiên bản, nhưng nó vẫn giữ  hình dáng đầu tiên và vẫn được sử dụng rộng rãi trên ba chục năm rồi. Với người họa sĩ thiết kế tạo dáng công nghiệp, còn gì vui hơn khi thấy những sản phẩm của mình làm ra, đã góp thêm tiện ích cho cuộc sống và sản phẩm vẫn đang được cuộc sống ưa chuộng, thì đủ là hạnh phúc rồi, phải không anh?

Tháng 10 / 2010

Vũ Từ Trang
.
.