Họ là những người yêu thơ nhất Việt Nam?

Thứ Bảy, 12/02/2005, 09:04

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất yêu thơ. Gần như ai nấy trong đời đều đã từng có lần nổi hứng làm thơ, và trong số ấy, không ít người còn coi thơ như cơm ăn, nước uống. Bằng sự trải nghiệm của chính mình, tôi vẫn muốn quả quyết rằng, những nhân vật mà tôi đề cập tới đây, dù tài năng được thừa nhận tới đâu, thì đã và vẫn mãi xứng đáng được liệt vào danh sách những người yêu thơ nhất.

Vâng, yêu đến mấy thì cũng chỉ đến thế… là hết. Đấy là tôi muốn kể tới trường hợp của cố nhà thơ Tô Hà (1939-1991). Tại trụ sở của báo Người Hà Nội, số nhà 19 phố Hàng Buồm, cùng với nhà thơ Chử Văn Long, nhiều buổi ông ngồi nói chuyện thơ… thông tầm quên cả ăn trưa. Ở cơ quan thì thế, khi về nhà rồi, chuyện thơ vẫn dai dẳng đeo bám ông. Và khi thấy khách thơ đến nhà thì ông mừng lắm. Bát phở còn nghi ngút khói, đang chuẩn bị ăn, nhưng sợ bạn ngồi đợi lâu, ông hãy cứ bưng vào phòng trong, vài ba tiếng sau mới… dùng đến. Ôi chao, cơm nguội còn ăn tạm chứ phở nguội thì nuốt thế nào. Ấy vậy mà Tô Hà coi như chuyện thường. Với ông, chỉ có chuyện thơ là không bao giờ nhàm chán.

Viết đến đây, tôi lại nhớ ngày đầu đến chơi nhà Tô Hà. Trước đấy, tôi dự buổi giao lưu “nhà thơ và công chúng” tại Thư viện Hà Nội. Cùng nhiều bạn đọc khác, tôi được ông - với tư cách diễn giả - mời đến nhà chơi. Tất nhiên ông mời xã giao thôi, nhưng vì lòng yêu thơ, tôi vẫn cứ tìm đến. Tô Hà tiếp tôi không khách khí, mặc dù cả buổi ông chẳng hỏi lấy một lời rằng tôi là ai, làm gì, ở đâu? Thế mà tôi cứ xoay tròn quanh chuyện thơ ca với ông và cả hai đều rất say sưa. Khi tôi đứng dậy chia tay, ông nhắn tôi bất kể lúc nào rỗi lại đến chơi, nói chuyện tiếp. Lần thứ hai tôi đến, ông vẫn say sưa như thế, song như lần trước, ông cũng vẫn chưa hỏi tôi là ai. Cho đến cuối buổi, khi thấy trong cách nhìn nhận thơ ca giữa tôi với ông có những điểm tâm đầu ý hợp, ông bèn rút trên giá sách tập thơ Thành phố có ngôi nhà của mình vừa mới in xong, kê lên đầu gối viết lời đề tặng. Sau khi viết đủ bốn chữ Rất thân quý tặng, bấy giờ mới là lúc ông quay ra hỏi tên tôi. Thì ra, với Tô Hà, là ai không quan trọng bằng nói những gì. Và tất cả những ai yêu quý thơ ca như ông đều là những người ông rất thân quý.

Vẫn liên quan đến chuyện yêu thơ của Tô Hà, hiện bạn bè hay nhắc tới một tình huống mà vì nó, Tô Hà suýt… chết. Lấn ấy, được tin Tô Hà mắc bệnh, phải nằm nhà điều trị, bạn bè rủ nhau xuống thăm ông. Ngặt một nỗi, vừa đúng lúc nhà thơ lâm vào tình trạng nguy kịch, yếu mệt đến mức gần như không nói, không đi được. Nhà lại chẳng còn ai (vợ công tác xa chưa về, con đi học). Hốt hoảng - mọi người phải gọi điện ngay về báo Người Hà Nội, cấp tốc xin xe đưa ông đến nhà một bác sĩ mà một người trong nhóm quen biết.

Vốn là người yêu thơ, có làm thơ, lại được tin bệnh nhân không phải ai khác mà chính là nhà thơ Tô Hà, bác sĩ vội vàng bắt chuyện ngay với ông… Cứ thế, vừa dìu nhà thơ vào phòng khám, ông ta vừa sôi nổi đọc cho Tô Hà nghe liền mấy bài thơ của mình. Cũng may, khi ấy Tô Hà đã hơi tỉnh tỉnh. Theo “thói quen nghề nghiệp”, nhà thơ bèn ra hiệu cho bác sĩ đọc lại, sau đó mới yếu ớt cất lên vài lời nhận xét, đánh giá. Mọi người đi theo nhà thơ hôm ấy đã bị một phen hú hồn, phải vội vàng can ngăn bác sĩ và bệnh nhân hãy tập trung vào việc chẩn, chữa bệnh, còn việc thẩm thơ, chữa thơ ấy hãy để tạm lui vào… một dịp nào sau đó.

Cũng giống như Tô Hà, cố nhà thơ Trinh Đường  là một người yêu thơ đến nồng nhiệt. Những năm 1995, 1996 mặc dù đã ở tuổi ngoài bảy mươi (Trinh Đường sinh năm 1919), song ông vẫn hăm hở làm tập tuyển đồ sộ Một thế kỷ thơ Việt và để khuyến khích người làm thơ khắp nơi trong nước gửi bài về, ông lập hòm thư lưu ký nhằm gánh hộ mọi người tiền… tem thư. Chuyện ngỡ nhỏ, ai dè vì việc này  mà kinh tế ông xuống dốc trầm trọng, phải một phen lao đao bởi số người gửi bài về… quá đông!

Với Trinh Đường, kiếm tiền là kiếm tiền, làm thơ là làm thơ. Đây là hai việc chẳng liên quan, dính dáng gì đến nhau. Chính bởi quan niệm thế mà khi cho xuất bản 2 tập thơ Quán trọHội hóa trang, ông đã cho ghi ở góc cuốn bìa sách mấy chữ Thơ không bán. Có người thấy vậy nói: “Nếu bác không muốn bán thì cứ việc không bán. Cần gì phải đề thế”. Trinh Đường giải thích: “Đề như thế để khỏi phải lo phát hành, mà mình cũng thoải mái, mạnh tay hơn khi ký tặng những người yêu thơ”. Tất nhiên, ông nghiêm túc nói vậy, nhưng có kẻ lại đùa. Sách có trong tay, họ lấy bút đề thêm cho dòng chữ sách không bán thành sách không bán được. Chuyện đến tai Trinh Đường nhưng ông chẳng giận.

Là người cần mẫn tham gia các buổi sinh hoạt thơ, Trinh Đường đồng thời cũng là người thích đọc thơ, truyền bá thơ trong công chúng. Hiềm nỗi, ông là người Quảng Nam nên giọng rất khó nghe. Chẳng hạn khi đọc mấy câu trong bài Cỏ bồ đề:

Tần ngần chẳng dám bước lên
Dưới chân e ngọn cỏ mềm kêu đau

thì ông đọc… nghe ra là:

Tè nghè chả dám bước le
Dưới che e ngọ cỏ mè kêu đe

khiến chủ tọa suýt phải chạy tìm người… phiên dịch. Điều này nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã có lần kể lại.

Yêu thơ, thích đọc thơ, Trinh Đường cũng là người ráo riết trong việc thôi thúc anh em làm thơ năng cầm bút. Thậm chí, để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, có lúc ông còn ép anh em phải có thơ ngay tức thì. Nhà thơ Quang  Huy  từng có lần rơi vào cảnh ngộ này và mặc dù anh đã dùng đến mẹo giả đau dạ dày, song nhà thơ đàn anh vẫn quyết… không tha. Ông tức tốc  kiếm bằng được 1 chai mật ong (một trong những phương thuốc chữa đau dạ dày) và bắt Quang Huy phải uống để… làm thơ. “Khi nào làm xong bài thơ mới được đi ngủ” - Ông dứt khoát yêu cầu vậy.

Những người yêu thơ thường dễ đến với nhau nên sinh thời, cố nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001) cũng chơi khá thân với các nhà thơ Trinh Đường, Tô Hà, tuy về tuổi đời anh còn kém xa các vị.

Nguyễn Lương Ngọc qua nét vẽ của hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp.
Thích tranh luận học thuật, mà chủ yếu là xoay quanh chuyện thơ, dường như trong trí tưởng của mọi người, Ngọc chỉ có một bức chân dung này và các đường nét của nó ngày càng thêm đậm bởi những “tai nạn” mà Ngọc lãnh đủ.

Đã có lần, vì yêu thơ mà Ngọc tìm đến nhà một nhà thơ đàn anh. Tại đây, không biết trong cuộc tranh luận nảy lửa về giá trị đích thực của thơ, anh đã phát ngôn những gì để rồi nhà thơ đàn anh kia quầy quậy đuổi anh ra khỏi nhà: “Đừng có hét lên như thế! Chẳng biết ai yêu thơ hơn ai đâu!”.

Nghe nói, cái tai nạn xe máy hiểm ác đẩy Ngọc đến tình trạng bán thân bất toại 5 năm trời và sau đó là cái chết cũng có căn nguyên từ lòng yêu thơ. Hôm đó, Ngọc tranh luận kịch liệt với một người bạn về kết quả Giải thưởng thơ của báo Văn nghệ, trong đó có việc dùng chữ chưa chính xác hay là đặt sai dấu chấm, dấu phảy gì đó ở một bài thơ được giải. Khi mọi sự sai đúng vẫn còn rối ren thì Ngọc và người bạn kia rủ nhau đi uống rượu để tranh luận tiếp. Thế là mọi sự được biết đến sau đó chỉ là việc Ngọc và chiếc xe máy anh đi mượn đổ văng trên đường mà trách nhiệm không thuộc về ai… Bạn bè tiếc thương Ngọc chỉ biết thốt lên: Ấy là do Ngọc nặng lòng với thơ quá đấy thôi!

Hà Khải Hưng
.
.