Hillary Clinton người đàn bà “ngoại cỡ”

Thứ Năm, 04/01/2007, 15:00

Nếu tự truyện, hồi ký của ai đó hấp dẫn người đọc bởi chuyện đời tay ba tay tư, những vụ bê bối ly kỳ thì hồi ký của Hillary Clinton lại hấp dẫn ở chuyện bà đã ứng xử như thế nào trước những chuyện bi hài của đời thường, và hơn thế nữa, bà đã coi tình yêu có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cá thể, với gia đình và với xã hội khi cá nhân đó là một biểu tượng.

Bạn đọc Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận với “Hồi ký Hillary Clinton và chính trường nước Mỹ” (Living History) do chính bà Hillary Rodham Clinton thủ bút, qua bản dịch của Xuân Quang và Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First New giới thiệu và phát hành.

Mặc dù sách khá dày nhưng để tìm hiểu sâu sắc về một thế giới khác ta, một nước Mỹ trong lịch sử và hiện tại, hiểu được sự thống nhất và mâu thuẫn về mọi mặt từ xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc cho đến bộ máy quyền lực ở cấp độ cao nhất... thì đây lại là một cuốn sách đáp ứng điều đó.

Không giống như những cuốn hồi ký tuy đầy ắp các dữ liệu nhưng cách thể hiện quá khô khan của một vài chính trị gia nào đó, cuốn sách của Hillary Clinton hết sức sống động bởi cách kể chuyện và các thông tin “đắt giá”.

Tôi thường nghĩ, trí tuệ lớn, nỗi đau cũng lớn, trường cảm nhận và nhãn quan cũng lớn. Với tôi, Hillary Clinton là một người lớn. Bà “ngoại cỡ” ở nhiều phương diện. Ngay từ khi còn nhỏ, bà học giỏi, thường được bạn bè chọn làm người phát ngôn. Năm 1959, bà đã viết tự truyện như một bài tập lớp 6, trong đó đã biết mô tả cha mẹ, anh em, thú nuôi, nhà cửa, sở thích, trường học, các môn thể thao và những dự tính tương lai. Trước khi lấy chồng và bước vào ngưỡng cửa Nhà Trắng, bà đã được rèn giũa kỹ lưỡng từ nền nếp gia đình, từ nhà trường và xã hội - một xã hội vừa hiện đại vừa giàu những nguyên tắc truyền thống.

Thủơ đầu đời, bà mơ ước trở thành nhà giáo hoặc một nhà vật lý nguyên tử. Bà nói: “…Nhà giáo để đào tạo những công dân trẻ, mà không có họ, bạn sẽ không có được một đất nước đúng nghĩa”. Nhưng, có thể do bàn tay số phận, có thể do chính bà tạo nên, hoặc do tình hình chính trị thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đã đánh thức cảm nhận của bà để bà chọn bổn phận tận tâm hơn phục vụ đất nước nên cuối cùng các trường đại học, Khoa Luật và Hôn nhân đã đưa bà đến với trung tâm chính trị Hoa Kỳ.

Trong lịch sử thế giới, chúng ta đã thấy nhiều câu chuyện bi hài của nhiều nhà chính trị, hậu quả do họ tạo ra, mặc dù xuất phát điểm là ý tưởng tận hiến và phụng sự xã hội rất tốt đẹp của họ. Có lẽ bởi từ ý tưởng đến thực hiện là một khoảng cách quá xa cho nên những con người đó đã không đi tới đích, họ đã bị chìm trong vũng lầy, không xử lý được những bề bộn chồng chất do chính công việc mà họ tham gia gây nên. Còn Hillary, trên cái nền văn hóa và kiến thức đã được trau dồi từ thuở đầu đời, bà còn tiếp tục học hỏi không ngừng trên cương vị của một Thượng nghị sĩ và cương vị Đệ nhất phu nhân.

Nếu tự truyện, hồi ký, nhật ký của ai đó hấp dẫn người đọc bởi phần đời thường (về những vấn đề như tình yêu, chuyện đời tay ba tay tư, những vụ bê bối ly kỳ… của chính người viết hay của thân nhân liên quan) thì hồi ký của Hillary Clinton lại hấp dẫn ở phần người đàn bà ngoại cỡ này. Chuyện bà đã ứng xử như thế nào trước những chuyện bi hài của đời thường, và hơn thế nữa, bà đã coi tình yêu có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi cá thể, với gia đình và với xã hội khi cá nhân đó là một biểu tượng.

Trong sách, mặc dù Hillary đã viết nhiều dòng về sự thương yêu và quý trọng cha đẻ, nhưng cũng có chỗ bà viết: “...Bố tôi luôn gây ra rắc rối, lúc thì lén lái chiếc xe mới tinh của hàng xóm đi chơi, khi thì trượt ván có bánh xe trong hành lang nhà thờ... Bố không chấp nhận sự lãng phí... hiếm khi mẹ được mua quần áo mới... Nếu chúng tôi quên đậy nắp ống kem đánh răng bố sẽ ném luôn nó qua cửa sổ. Chúng tôi phải ra ngoài tìm trong các bụi cây ngay cả khi trời đổ tuyết...”.

Về chuyện đau khổ xảy ra giữa bà và Bill Clinton: “Tôi tin tưởng chồng mình khi anh ấy nói với tôi rằng những lời buộc tội là sai sự thật... chuyện chỉ là hiểu lầm... Quả thật là có nhiều tin xấu mà tôi phải đón nhận trong một buổi sáng... Nhưng vào sáng sớm hôm sau, ngày 15/8, Bill đánh thức tôi dậy như cách anh đã làm trước đấy vài tháng (vào trước lúc báo chí đưa tin lần đầu - NV). Lần này anh không ngồi cạnh giường mà đi qua đi lại... anh nói rằng anh đã không thể kể cho tôi nghe... vì anh quá xấu hổ, không dám thừa nhận chuyện đó, anh biết nó có thể làm tôi tức giận và bị tổn thương như thế nào... Tôi cảm thấy vô cùng khó thở. Hít một hơi thật sâu, tôi bắt đầu khóc và gào to lên: Ý anh thế nào? Anh đang nói cái gì đấy? Tại sao anh nói dối tôi? Tôi đã vô cùng giận dữ và càng lúc càng giận dữ hơn. Bill chỉ đứng đấy và cứ lặp đi lặp lại rằng: Anh xin lỗi... Tôi đã chết lặng cả người, cảm thấy trái tim mình tan nát, bị xúc phạm nặng nề vì tôi đã hoàn toàn tin tưởng anh...”.

Bà viết tiếp ở đoạn sau: “... Trong khi chúng tôi đang phải vật lộn với khủng hoảng trong đời sống cá nhân lẫn trước mặt công chúng thì thế giới lại tặng thêm cho chúng tôi một kiểm chứng về thực tế tàn nhẫn nữa...”. Và: “... Trong kỳ nghỉ sau đó... tôi gần như không thể nói chuyện với Bill và nếu có thì cũng chỉ là những tràng đả kích. Tôi đọc sách. Tôi đi dạo trên bãi biển. Anh ấy ngủ dưới lầu còn tôi ngủ trên lầu. Đối với chúng tôi ngày dễ dàng hơn đêm. Bạn sẽ làm thế nào khi người thân nhất của bạn, người luôn giúp đỡ bạn vượt qua những khó khăn, lại chính là người làm tổn thương bạn? Tôi cảm thấy cô đơn không thể chịu được và tôi nghĩ Bill cũng vậy. Anh ấy cố gắng giải thích, xin lỗi nhưng tôi chưa sẵn sàng để ở chung phòng với anh, nói gì đến chuyện tha thứ...”.

Và tiếp nữa: “...ít ngày sau tôi nhìn lên bầu trời đêm đầy sao... Tôi vô cùng biết ơn tất cả những sự ủng hộ và tư vấn, đặc biệt là Don Jone... Don nhắc tôi về một bài giảng của nhà thần học Paul Tillich... Có một câu trong ấy là “Sự tha thứ sẽ đến trong chúng ta khi chúng ta tột cùng đau khổ”... Và sự tha thứ đã đến. Cho đến lúc đó, tất cả những gì tôi cần phải làm là vững bước đi qua mỗi ngày...”.

Nếu là người đọc có khả năng so sánh, định vị các giá trị sẽ hiểu, trong hồi ký, Hillary không cố tỏ ra làm duyên làm dáng, đánh bóng mạ kền cho bản thân mình và cho bất cứ ai mặc dù những người đó là một phần của lịch sử nước Mỹ. Mỗi trang viết của bà được thoát thai từ một bộ óc thông minh, nhạy cảm, tinh tế với một ngưỡng hiểu biết rộng lớn. Tuy nhiên, dù có sáng suốt đến đâu, tự truyện của Hillary vẫn là một cái nhìn rất Mỹ của bản thân người viết về chính họ và về các giá trị khác. Ví dụ, bà viết: “...Hoa Kỳ đã đưa thế giới thoát khỏi họa phát-xít và bây giờ đang là lúc quốc gia chúng tôi làm việc để hợp nhất những đối phương trước đây trong thời hậu chiến, mở rộng những đồng minh và chìa tay ra cho kẻ thù xưa, bảo vệ nền hòa bình và giúp tái thiết một châu Âu, một Nhật Bản đã bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ hai...”, trong khi thực tế giải thoát thế giới khỏi họa phát-xít không chỉ là Hoa Kỳ mà còn có vai trò to lớn của các nước Đồng minh v.v.

Một cuốn sách đa thông tin, nhiều khái niệm và chi tiết... như vậy đòi hỏi người đọc cũng phải có những kiến thức nhất định. Song, nếu chỉ là sự cảm nhận của con tim, không đặt ra bất cứ một soi rọi nào của lý trí thì người đọc cũng tìm thấy ở đây một tâm tình của người đàn bà trong đời thường, về cách nuôi dạy và bảo vệ con gái, cách yêu thương và tha thứ cho những người xung quanh, cách thu xếp nỗi đau khổ của bản thân mình, cách giữ gìn hình ảnh của người chồng trong sự tận tụy chân thật, giàu nghị lực của một người đàn bà.

Người đọc có thể đọc trong cuốn sách này “Lời giới thiệu” của Đại tướng Mai Chí Thọ, sẽ thấy nhiều bức ảnh về đời tư của vợ chồng tổng thống Mỹ giai đoạn 1993-2001 và các tài liệu về chính trường Mỹ trước cuộc bầu cử 1008. Hy vọng “Hồi ký Hillary Clinton” không chỉ là cuốn sách “best-seller” của thế giới mà còn là của người đọc Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hôm nay

Trần Thị Trường
.
.