(Nhân đọc tập truyện ngắn “Cây mạ ly huyền bí”của nhà văn Thiên Sơn, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2020)

Hiện thực nhức nhối trong “Cây mạ ly huyền bí”

Thứ Sáu, 11/12/2020, 11:17
Cây mạ ly là tên một loài cây hư cấu – sản phẩm của trí tưởng tượng, xuất phát từ một tình huống nào đó mà nhà văn Thiên Sơn may mắn nắm bắt được. Anh đặt tên, đưa nó vào trang viết, suy nghĩ, trăn trở viết nên “Cây mạ ly huyền bí”. Nhan đề truyện ngắn này cũng được lấy chung cho cả tập.


Ở góc độ thể loại thì đây là tập truyện ngắn thứ hai của anh, xuất hiện sau “Người bên lề” hơn mười năm. Nếu “Người bên lề” đầy đặn cả về số trang in, số chữ trong từng truyện ngắn, quyết liệt trong cách lựa chọn vấn đề, nhân vật và ngôn ngữ kể chuyện, thì “Cây mạ ly huyền bí” mang dáng dấp mảnh mai hơn, ngôn ngữ kể chuyện nhiều tầng bậc màu sắc, cho thấy sự từng trải của người viết điềm tĩnh hơn, bén ngọt hơn, nhưng vẫn quyết liệt, vẫn thôi thúc đi đến tận cùng  vấn đề, góp phần vào sự thay đổi, tái sinh con người, từ bên trong.

Nhà văn Thiên Sơn.

Nhân vật trong mười hai truyện ngắn của “Cây mạ ly huyền bí” khác biệt nhau về thân phận, hoàn cảnh, tính cách, nhưng dù ít dù nhiều, họ đều ở trong tình trạng bị mắc kẹt. Mắc kẹt trong cuộc đời. Mắc kẹt trong xã hội. Mắc kẹt với chính mình. 

Đó là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết những truyện ngắn phê phán mạnh mẽ mặt trái của xã hội đương thời, nhưng dao sắc không gọt được chuôi, đứa con trai duy nhất sa vào nạn cờ bạc, bỏ thân trong chốn giang hồ, bản thân ông cũng lạc lõng ngay trong cộng đồng và trong chính giới cầm bút. 

Đó là người nông dân cả đời tảo tần nhưng phải chết bất đắc kỳ tử trên chính mảnh đất do mình gây dựng. Đó là cô gái với tâm hồn trong sáng, tinh khiết, trong khoảnh khắc lại trở thành kẻ giết người không ghê tay. Đó là kẻ ham làm giàu, ham mộng đế vương, sẵn sàng chọc mù mắt những con chó quý, biến chúng thành kẻ đui mù trung thành bảo vệ cho tham vọng mà ông ta đã xây nên cho mình…

Có thể nói, các kiểu dạng nhân vật là một điểm sáng của tập truyện ngắn này. Nông dân, nhà khoa học, thương nhân, trí thức, văn nghệ sỹ, giới giang hồ…  Không có nhân vật hoặc mô tip nào bị trùng lặp. Họ tồn tại độc lập trong cuộc đời hay dở của chính họ. Mỗi người có một quyết định riêng, một kiểu hành động riêng, một sắc màu tâm lý riêng. 

Họ là những cá thể không nhằm mục đích đại diện cho ai, nhưng số phận họ, những nút thắt trong cuộc đời họ, cách họ đối mặt hay gục ngã… lại gợi cho ta rất nhiều về một phần của chính ta, về những người lạ người quen xung quanh ta. 

Rất nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội tiếp tục được xới lên, ngổn ngang và đau xót: vấn đề đất đai với người nông dân; quyền lực, tham vọng, đồng tiền và sự tha hóa; những mặt trái của xã hội hiện đại, những ẩn ức thuộc thế giới bên trong… 

Ở chủ đề nào nhà văn Thiên Sơn cũng lựa chọn một góc quan sát, tổng hợp, phân tích, rồi dồn đuổi theo những con chữ. Song anh không bắt con chữ miễn cưỡng phục vụ ý đồ chủ quan của mình. Anh thổ lộ với chúng suy tư của người cầm bút, để chúng ào ra, để chúng tự sắp xếp đội hình, để chúng lúc khóc lúc cười, lúc mộng mơ, lúc dữ dội quyết liệt, lúc thẳm sâu u hoài, lúc lại chạm vào cái huyền ảo, mênh mang, vô cớ. Bao trùm lên là những suy tư, chất vấn, băn khoăn, và cả dự báo về tư thế tồn tại bấp bênh của con người. 

Chúng ta sẽ sống ra sao trong một thế giới mà tình thương yêu ngày càng cạn kiệt, đồng tiền lạnh lùng áp đảo sai khiến, những giá trị từng được gìn giữ bị xúc phạm, tham vọng của con người được nhân lên nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cùng với tham vọng là nhu cầu được hưởng thụ, được thỏa nguyện ham muốn cá nhân, bất chấp ham muốn đó đi ngược lại những chuẩn mực xã hội.

Ở truyện ngắn “Những khuôn mặt”, nhà văn xây dựng hai tuyến nhân vật: một tuyến nhân vật là nhà nghiên cứu độc lập, chấp nhận cô đơn, bỏ lại phồn hoa phố thị để dấn thân cho đề tài khoa học, khao khát phục dựng lại gương mặt của tổ tiên người Việt từ hàng nghìn năm trước. Tuyến nhân vật kia là đám đông hỗn loạn chủ ý phẫu thuật, biến gương mặt của mình thành những loài động vật như hổ báo nhằm thỏa mãn nhu cầu bản năng, nhu cầu phần dã thú trong con người mình. 

Trong đám đông ấy có người vợ đã ly hôn của ông. Ngay cả cô con gái, điểm tựa, niềm an ủi lúc cuối đời của ông cũng vì đồng tiền mà chấp nhận mang gương mặt người đã chết. Nhà nghiên cứu đã thành công, phục dựng lại được gương mặt người Việt cổ. Nhưng những con người quanh ông thì đang biến dạng từng ngày. Công trình của ông, khát vọng cả một đời theo đuổi, rốt cục có mang đến sự thay đổi gì cho cộng đồng, cho chính ông, khi cả xã hội đang trong cơn lên đồng tập thể? 

“Những khuôn mặt” là một truyện ngắn có yếu tố viễn tưởng, mang tính biểu trưng sâu sắc và đặc biệt đa nghĩa. Trong con người chúng ta cũng có những gương mặt khác nhau mà đôi khi chính ta cũng không thể hiểu rạch ròi khi nào ta sống với mặt thú, khi nào ta sống với mặt người.

Bìa “Cây mạ ly huyền bí” của nhà văn Thiên Sơn.

Cũng là sự nắm bắt chiều sâu tâm lý, tìm hiểu những mặt khác nhau trong đời sống nội tâm và cả tâm linh con người, ta có thể đọc “Tiếng đàn trong đêm trăng”, “Gió đêm”, “Lệ” – những truyện ngắn mang giọng điệu trữ tình pha trộn yếu tố hình sự. Mỗi truyện là một vụ án mạng. Kẻ gây án có thể là cô gái đẹp quen cuộc sống sa đọa ăn chơi, có thể là một thiếu nữ trong sáng có học thức có tâm hồn, lại cũng có thể là một kẻ thất tình. 

Họ hoặc bị kích thích bởi cơn cuồng nộ, hoặc tuyệt vọng/ căm hận khi đang ở đỉnh cao hoan lạc, hoặc rơi vào trạng thái vô thức, hoang tưởng. Án mạng xảy ra trong tích tắc, người bị giết chưa kịp hiểu vì sao, và chính kẻ giết người cũng không thể hiểu, không hề ân hận. Đó là điểm riêng của những truyện ngắn này. 

Nếu quan sát đời sống xã hội đang diễn ra mỗi ngày với hàng chục tin giật gân liên quan đến tình – tiền – tù tội thì những điều mà nhà văn Thiên Sơn đặt ra qua các truyện ngắn đâu có là ngoại lệ. Cái ác đang tồn tại trong sự vô cảm của nhiều người. Con người tha hóa mà không biết mình đang tha hóa. 

Mặt khác, điều này quan trọng hơn, đó là trong thẳm sâu vô thức của con người, có những biểu hiện tinh thần mà chính ta, ở những khoảnh khắc nhất định không thể khống chế được, bị kích thích dẫn đến tội ác. 

Xã hội hiện đại, ở một mặt nào đó, đã làm phát lộ hoặc gia tăng những biểu hiện đó. Bằng chứng là những vụ án giết người không ghê tay vì những lý do rất nhỏ, thủ tiêu hoặc phân xác nạn nhân mà báo chí vẫn đưa tin hằng ngày đó thôi. Con người ác mà không biết mình đang ác. Và đó là điều tồi tệ nhất.               

Ở truyện ngắn “Lão Hành”, người nông dân bị những thế lực nhân danh đổi mới, nhân danh hội nhập làm cho tan nát gia sản, đến tính mạng cũng không giữ được. Từ vị trí người khai mở đất, họ trở thành nạn nhân của những âm mưu bức hại trắng trợn bỉ ổi. Và họ hoàn toàn không có khả năng kháng cự, phải chết trong tận cùng cô đơn, thê thảm. 

Nhân vật lão Hành gợi ta nhớ đến nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Ở đây, bi kịch của lão Hành còn đau đớn hơn dữ dội hơn. Đất nước đang trong quá trình đô thị hóa. Để tới được cái đích đã vạch ra, còn phải trải qua nhiều đớn đau vật vã. Nhưng những kẻ có tiền có quyền không được phép lợi dụng danh nghĩa để chà đạp lên những phận người bé nhỏ lam lũ. Cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc, những hành lang pháp lý bảo vệ con người trước sự sụt lở của đạo đức xã hội và niềm tin công lý.

Với hai trăm trang in, “Cây mạ ly huyền bí” là tập truyện ngắn có sức nặng, chuyển tải những ý tưởng sâu sắc. Những truyện ngắn đầy ắp chi tiết và chất liệu hiện thực, nhịp văn nhanh, lúc mạnh mẽ, lúc trầm sâu xa xót, lúc lại vút lên đầy khao khát. 

Nhân vật trong truyện ngắn Thiên Sơn thường bị đẩy vào những tình huống/ cảnh ngộ khá éo le nhưng vẫn không mất đi mọi điểm tựa. Bản chất cuộc sống vốn đẹp đẽ, nhân hậu và ắp đầy tình thương yêu. Chỉ có điều ta có đủ sáng suốt để nhận ra!

Anh Thư
.
.