Giọng ca còn mãi với thời gian

Thứ Năm, 07/07/2011, 08:06
Thế hệ trẻ chúng tôi sau này nhìn ông biểu diễn trên sân khấu, cho dù ông không còn trẻ nữa, vẫn có thể nhìn ra sức hấp dẫn lan tỏa từ người nghệ sĩ đẹp và hào hoa thuở nào. Vẻ đẹp ngoại hình đó như được nhân lên bởi giọng hát truyền cảm và tinh tế của ông. Ông chính là người đã làm nên nhiều cái "nhất" trong âm nhạc Việt Nam.

Trong ký ức của khán giả, NSND Quý Dương thời trẻ đẹp như một vị thần.  Ông sở hữu một vóc dáng cao chuẩn, rất nổi bật, khuôn mặt rạng rỡ, biểu cảm. Sau này ông kể lại, thời đó, nhiều cô gái mê và thần tượng ông đến nỗi, mỗi khi ông đi diễn về, họ thường đứng nấp sau gốc cây để ngắm nhìn ông...

Cái "nhất" quan trọng đầu tiên: NSND Quý Dương là người hát opera đầu tiên ở Việt Nam. Nhờ có ngoại hình đẹp và giọng ca trời phú mà Quý Dương đã ngay lập tức lọt vào mắt xanh của các chuyên gia âm nhạc Xôviết khi họ tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1960 để dựng vở opera kinh điển "Epghenhi Onhegin" - vở nhạc kịch của Tchaikovsky, dựa theo thi phẩm của thi hào Nga Pushkin. Năm đó Quý Dương mới ngoài 20 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam. Sau thành công của vở diễn, Quý Dương liên tiếp được chọn vào vai chính trong các vở nhạc kịch nước ngoài khác như vở "Núi rừng lên tiếng" của Triều Tiên, rồi vở "Ruồi trâu", "Madam Butterfly"…

Sau này, khi về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Quý Dương tiếp tục giữ vai trò solist của nhà hát. Ông cũng là người đóng vai chính trong vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam: vở "Cô Sao" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Theo đánh giá của nhiều ca sĩ cùng thế hệ với ông, thì Quý Dương cũng là người đã hát trên sóng phát thanh nhiều nhất. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gần như tuần nào ông cũng đến đài phát thanh để thu âm bài hát. Hàng ngàn ca khúc đã được truyền đi để phục vụ bộ đội, nhân dân qua giọng hát đẹp của Quý Dương.

Vào thời điểm bom Mỹ đánh phá Hà Nội, Quý Dương còn túc trực ngay tại đài phát thanh để khi có bài hát nào mới là thu âm ngay và gần như phát trực tiếp trên sóng. Sau này, Quý Dương cũng chính là ca sĩ đầu tiên hát trên sóng truyền hình. Đó là những cái "nhất" mà mỗi khi nhắc tới lịch sử âm nhạc Việt Nam, không thể không gọi tên Quý Dương…

Là một nghệ sĩ sinh ra trong thời kỳ đất nước khó khăn, lại phải trải qua chiến tranh, bom đạn, Quý Dương, giống như rất nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ ông đã vượt qua nhiều gian nan, xem nghệ thuật như một thứ vũ khí để chiến đấu với kẻ thù và phục vụ đời sống tinh thần của chiến sĩ, của nhân dân. Những ca khúc quen thuộc gắn với tên tuổi Quý Dương có thể kể ra như "Trường ca sông Lô", "Ngọn đèn đứng gác", "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng", "Tình em", "Đàn chim Việt", "Tấm áo mẹ vá năm xưa"... Quý Dương có mặt trong đội văn nghệ xung kích, có mặt tại các chiến trường khốc liệt như tuyến lửa Vĩnh Linh, đường 5, đường 9 Nam Lào… hát dưới trời bom đạn để cổ vũ, động viên tinh thần của chiến sĩ, bộ đội ta. Và cảm động hơn nữa, ông cũng chính là người nghệ sĩ tài hoa đã hát ca khúc "Tình em" lãng mạn, thiết tha bên mâm pháo của trận địa phòng không trong 12 ngày đêm của trận đánh "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng trong lịch sử.

Có lần ông chia sẻ: "Nhớ lại những ngày gian khổ theo bộ đội vào Nam kháng chiến đã tạo cho lớp nghệ sĩ chúng tôi một nhận thức về trách nhiệm và lối sống của mình. Những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật khi đó cũng được coi là chiến sĩ. Nếu không có tâm hồn chiến sĩ, không thể hoàn thành công việc đem lời ca tiếng hát động viên mọi người. Tôi biết ơn những ngày gian khổ đó vì nó giúp tôi hiểu giá trị giọng hát của mình".

Học âm nhạc trong nước, rồi được cử đi học nâng cao về âm nhạc ở Bulgari, trở về làm giảng viên thanh nhạc, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, nghĩa là ở trong nhiều vị trí khác nhau, nhưng với NSND Quý Dương, mỗi khi được hát trên sân khấu là một niềm hạnh phúc lớn. Ở đó ông được là chính mình, được cảm nhận tình yêu âm nhạc đang chảy trong máu thịt, được ngắm nhìn khán giả trong niềm hân hoan của âm nhạc. Vì thế, ông và hai người bạn là NSND Trung Kiên và NSND Trần Hiếu đã tập hợp thành một tam ca mà ông gọi đùa là "Tam ca 3 C" (tức tam ca "3 cụ"). Mỗi khi họ xuất hiện trên sân khấu thì lập tức tiếng vỗ tay của khán giả vang lên. NSND Trung Kiên tâm sự: "3 ông già chúng tôi đã hát với nhau từ lúc nào cũng không còn nhớ nữa. Có khán giả còn nhắc đến những ấn tượng khó phai về bộ ba chúng tôi trong các chương trình biểu diễn trước quảng trường Cách mạng Tháng 8, sân khấu ngoài trời của Nhà hát Lớn... cách đây ngót nửa thế kỷ. Các bài hát của Nga, những ca khúc ca ngợi Đảng, Cách mạng, Bác Hồ… đã được chúng tôi biểu diễn trên rất nhiều sân khấu. Trong cuộc sống mỗi người đều có những nỗi buồn riêng, nhưng chúng tôi đã chia sẻ với nhau như những người bạn chí tình".

Người làm nghệ thuật không mấy khi đời riêng được suôn sẻ. Trong nhóm "3C" thì NSND Quý Dương và NSND Trần Hiếu có nỗi buồn riêng nhiều hơn. Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ đã để lại cho Quý Dương nhiều ưu tư, trong đó ưu tư lớn nhất là không có điều kiện gần gũi, chăm sóc hai con của mình, trong đó có một người sau này đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng trong làng kịch nghệ, đó là NSƯT Chí Trung. Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, nói về cha mình, NSƯT Chí Trung chia sẻ: "Tôi được cha rèn cho tính cách tự lập từ rất sớm. Việc học hành của tôi, ông thường im lặng theo dõi, không bao giờ mắng mỏ, đe nẹt. Ban đầu ông hướng cho tôi đi theo con đường âm nhạc, nên ông mang tôi vào Nhạc viện, cho tôi theo học đàn violon. Sau 4 năm, thấy tôi không tiến bộ, ông lại đưa tôi tới gặp NSND Doãn Hoàng Giang - một người bạn của ông và bảo: "Cậu giúp nó xem có nên cơm cháo gì không". Nhờ thế hôm nay chúng ta có một nghệ sĩ Chí Trung, rất nổi tiếng trong những vai diễn hài kịch và là "thủ lĩnh" đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ.

Chí Trung kể về những lần cha anh đi xem các vở diễn mà anh tham gia. Sau mỗi buổi ông thường đưa ra những ý kiến riêng của mình. Ông chỉ đưa ra ý kiến để anh tham khảo, lựa chọn chứ tuyệt nhiên không áp đặt. Ông luôn trân trọng thành quả lao động của con, dù là nhỏ bé, không ngừng động viên con ngay cả lúc ông biết con đã làm sai.  Đưa ra những ý kiến mở để con tự quyết định, sắp xếp, là cách giáo dục mà bản thân Chí Trung rất tâm đắc. Anh cũng làm như vậy đối với các con mình, như cách mà cha anh đã dạy dỗ anh. "Cha tôi thường bảo "Khóc - hèn, rên - nhục, van - yếu đuối". Câu nói ấy là kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi, là một phương châm sống quý giá để tôi tự soi mình mỗi khi xảy ra bất cứ điều gì. Đó cũng chính là bài học về bản lĩnh đàn ông, dám đối diện với mọi sóng gió trong cuộc đời bằng ý chí mạnh mẽ và lòng quả cảm".

Là người khái tính nên về đời sống vật chất, NSND Quý Dương không dư dả gì. Sau khi tan vỡ cuộc hôn nhân đầu tiên, ông lập gia đình với một người phụ nữ khác và có thêm 2 người con. Các con ông đều theo nghệ thuật, nhưng mỗi người đi một con đường khác nhau. Ông không có của cải vật chất gì nhiều để dành cho các con, thậm chí cũng không giúp đỡ họ được nhiều những lúc khó khăn. Nhưng các con ông đều hiểu rằng gia tài lớn nhất mà ông để lại chính là một nhân cách nghệ sĩ luôn hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc và nhân dân, không vụ lợi, toan tính, không đòi hỏi gì riêng cho cá nhân mình. Cuộc đời ông chính là một bài học lớn cho các con ông trong lao động nghệ thuật.

Những năm tháng cuối đời, NSND Quý Dương lâm trọng bệnh. Ông bị tiểu đường, suy thận, phải lọc máu thường xuyên để duy trì sự sống. Thương các con bận rộn công việc, biết bệnh của mình là phải "trường kỳ kháng chiến" nên ông chỉ đồng ý cho các con đưa tới bệnh viện trong thời gian đầu, còn sau đó ông cứ "xe ôm" đi đi về về để chữa bệnh. Không ít lần ông ngậm ngùi thương các con, đặc biệt là Chí Trung, vì ông thực sự không có nhiều thời gian ở cạnh, chăm sóc và dành tình yêu thương cho con. Nhìn con tự bươn trải để vừa đảm bảo cuộc sống vừa giữ ngọn lửa đam mê với nghệ thuật, ông xót xa lắm. Xót xa vì người làm nghệ thuật mà phải "tỉnh táo" quá như Chí Trung, chỉ vì mưu sinh. Ông tâm sự, ở cương vị của mình, chỉ cần một vài lời nói hay một sự nhờ vả nào đấy thì có thể đường đi của các con ông sẽ dễ dàng hơn, nhưng ông không thể làm được, bởi vì đối với ông, lòng tự trọng của người nghệ sĩ cao hơn tất cả.

Là một nghệ sĩ, NSND Quý Dương đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho nhân dân. Là một người thầy, ông đã đào tạo nên nhiều học trò xuất sắc. NSND Quý Dương là niềm tự hào của âm nhạc Việt Nam. Ông đã sống một cuộc đời thật đẹp theo nghĩa chân chính nhất của người nghệ sĩ. Trái tim ông ngừng đập ở tuổi 75, nhưng trong trái tim hàng triệu khán giả yêu âm nhạc, hình ảnh của ông vẫn luôn đẹp đẽ, rạng rỡ. Và giọng hát của ông sẽ còn vang mãi với thời gian…

Vũ Quỳnh Trang
.
.