Giới văn nghệ sĩ, trí thức Chile dưới thời cựu độc tài Pinochet

Thứ Năm, 04/01/2007, 16:00

Trong suốt 17 năm cầm quyền của Pinochet ở Chile, từ 1973 đến 1990, đã có 3.197 người bị giết vì các lý do chính trị và hàng chục ngàn người khác bị tra tấn, tù đày, trong đó có không ít các nhà trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Thứ ba ngày 11/9/1973 mãi mãi đi vào lịch sử văn học hiện đại Chile, nơi đã sản sinh cho thế giới hai nhà thơ đoạt giải Nobel là Gabriela Mistral và Pablo Neruda, như phần mở đầu của một chương đen tối nhất. Ngày hôm đó Augusto Pinochet cầm đầu một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống hợp hiến Salvador Allende và thiết lập chế độ độc tài kéo dài 17 năm lên quốc gia từng tự hào là một trong những nền dân chủ thành công nhất thế giới.

Ngay sau khi tiếm quyền, chế độ độc tài lập tức coi các văn nghệ sĩ và văn chương như một mối đe dọa quyền lực. Để chặn đứng nguy cơ đó, Pinochet đã lập ra một hệ thống nhà tù và trại tập trung giam giữ các nhà văn, nhà tư tưởng, cách ly họ với nhau và với thế giới bên ngoài. Trong thời kỳ đen tối này, chính quyền Pinochet ban bố chính sách xiết chặt văn hóa, cấm xuất bản sách và các ấn phẩm văn hóa khác mà không có sự đồng ý của chính quyền quân sự. Ngoài ra, quyền sở hữu những văn hóa phẩm đối lập với tư tưởng của chế độ độc tài bị đình chỉ. Thông qua những điều luật, đặc biệt là những điều luật nhằm vào sản phẩm văn hóa, quyền tự do hội họp bị hủy bỏ. Lệnh thiết quân luật được ban bố, hàng ngàn người đã mất tích, bị bí mật thủ tiêu, bị đẩy vào cuộc sống tha hương. Nhiều nhà hoạt động văn hóa bị tra tấn và hành hạ.

Trong số hàng ngàn người bị giam cầm và hành quyết, vụ sát hại Victor Jara là một trong số những tội ác đi đến tột cùng của sự tàn bạo. Câu chuyện về việc ông bị bắt, bị tra tấn và thủ tiêu tại nhà tù Estadio Chile (vốn là sân vận động) đã được kể đi kể lại suốt hơn 3 thập kỷ qua bởi ông đã trở thành hiện thân của cuộc đấu tranh chống cường quyền và bất công không chỉ ở đất nước Chile mà còn trên toàn châu Mỹ Latinh.

Victor Jara là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà giáo, một đạo diễn sân khấu, một nhà thơ và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Ông cũng là người góp phần phát triển Phong trào tân nhạc Chile dưới thời chính quyền Unidad Popular. Sáng 12/9/1973 Victor Jara cùng hàng ngàn người Chile khác bị bắt và bị giam tại Estadio Chile (tháng 9/2003 được đổi tên thành Estadio Victor Jara). Tại đây ông liên tục bị tra tấn. Những trận đòn thù đã làm gãy xương tay và xương sườn của ông.

Cựu độc tài Pinochet thời kỳ đỉnh cao quyền lực.

Những tù chính trị thoát khỏi địa ngục trần gian này kể lại rằng, sau những trận đòn hiểm ác, Jara nằm trên sàn nhà còn những kẻ bắt ông mỉa mai yêu cầu ông chơi đàn ghi ta cho chúng nghe. Và ông đã ngạo nghễ hát vang một phần của bài hát ủng hộ Unidad Popular. Ngày 15/9, sau những trận đòn tra tấn chết đi sống lại, ông bị sát hại bằng súng máy (đã có cả thảy 34 vết đạn găm vào thi thể ông) trên một con đường ở ngoại ô thành phố Santiago. Ngày hôm sau xác ông được phát hiện và đưa về nhà thờ thành phố. Trước khi chết, ông viết một bài thơ về điều kiện giam giữ tù nhân tại nhà tù này lên một tờ giấy rồi giấu vào trong giày của một người bạn. Bài thơ này không được đặt tên nhưng tất cả đều biết đến nó như “Estadio Chile”. Vợ Jara, Joan Jara, một công dân Anh, được phép đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau khi dự tang chồng, bà bí mật rời khỏi Chile.

Những kẻ chịu trách nhiệm về việc giam cầm, tra tấn và sát hại Victor Jara đã được miễn tội trong suốt 17 năm tồn tại của chế độ độc tài và Luật Ân xá của Hội đồng Tư vấn Quân sự trước khi Chile trở lại chế độ dân chủ. Tháng 12/2004, Chánh án Chile Juan Carlos Urrutia khởi tố trung tá về hưu Mario Manriquez Bravo về tội sát hại Victor Jara. Bravo là sĩ quan cao cấp nhất bị buộc tội vì những tội ác xảy ra tại Sân vận động Quốc gia trong năm 1973, nhưng nhân thân của kẻ đã hành quyết Victor Jara đến nay vẫn còn chưa xác định được.

Nhận rõ vai trò quan trọng của giới truyền thông, chế độ độc tài đã tìm mọi cách thâu tóm “quyền lực thứ ba” vào tay mình. Nếu như trước năm 1973, dưới thời Tổng thống Salvador Allende (từ 1970 - 1973) báo chí được toàn quyền đưa tin về những xung đột chính trị, khủng hoảng kinh tế, sự phân rã về tư tưởng và cả xìcăngđan thì đến triều đại của Pinochet, truyền thông chỉ được sử dụng để đánh bóng những “thành tích” và những chính sách chống lại dân chủ của chế độ độc tài. Bên cạnh đó các biện pháp an ninh cũng được áp dụng ráo riết nhằm hạn chế quyền công dân của cá nhân cũng như tự do báo chí, tự do tư tưởng và tiếp cận thông tin. Chính phủ quân sự điều hành mạng lưới truyền thông qua những quy định ngặt nghèo của Luật Báo chí và cơ quan kiểm duyệt chính phủ.--PageBreak--

Trong số những người bị bắt, bị tra tấn và “biến mất” có nhiều phóng viên và học giả, kể cả người nước ngoài. Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ “biến mất” của học giả Mỹ Charles Horman - người lúc đó đang điều tra cuộc chính biến của Pinochet. Horman mất tích chỉ ít ngày sau cuộc đảo chính và bị sát hại ngày 19/9/1973.

25 năm sau ngày Pinochet tiếm quyền, một loạt ấn phẩm đề cập đến nhà độc tài và thể chế của y đã được xuất bản. Trong số này phải kể đến “Thư ngỏ gửi Pinochet”. Tác phẩm là một bức thư dài mà tác giả, một chuyên gia tâm thần học, tác giả kịch bản, nhà văn tiểu luận và đồng thời là nhà phê bình cự phách Marco Antonio de la Parra gửi Augusto Pinochet. Đây được xem là tác phẩm có sức tố cáo mạnh mẽ và trực tiếp nhất trong lịch sử văn học Chile nhằm vào Pinochet.

Dày hơn 1.000 trang và do Nhà xuất bản Planeta phát hành, “Thư ngỏ gửi Pinochet” xuất hiện tại các nhà sách chỉ một tháng sau khi Pinochet rời khỏi quân đội và trở thành  nghị sĩ suốt đời -một ngày đen tối nữa trong văn học Chile bởi thật ngẫu nhiên, cũng ngày 11/3 (năm 1998), nhà văn và họa sĩ cách tân Adolfo Couve đã tự vẫn tại điền trang Cartagena của ông.

 Tuy nhiên, tác giả duy nhất dám dùng ngòi bút của mình lên án Pinochet và tướng Manuel Contreras khi chế độ độc tài đang tồn tại là Enrique Lafourcade. Mặc dù trong tác phẩm “Kẻ lừa gạt vĩ đại” (xuất bản năm 1984) Lafourcade quả quyết với độc giả rằng các nhân vật trong cuốn sách này chỉ là hư cấu, nhưng tất cả người dân Chile đều biết rõ “tướng Bachelet” trong “Kẻ lừa gạt vĩ đại” chính là Pinochet, và nhân vật “Tulio Aguayo” mười mươi là Giám đốc Cục Tình báo Manuel Contreras.

Mở đầu “Kẻ lừa gạt vĩ đại”, tác giả viết: “Chúng tôi tuyên bố rằng, mục đích của cuốn sách này là tưởng tượng ra một câu chuyện về những nỗi kinh hoàng, tình yêu và bất hạnh”. Dẫu vậy lòng dũng cảm của Enrique Lafourcade cũng ngay lập tức được thử thách bằng hai vụ tấn công vào hiệu sách của ông ở Plaza Mulato Gil.

“Kẻ lừa gạt vĩ đại” của Enrique Lafourcade là một trong số những cuốn sách bị “đạo” nhiều nhất trong lịch sử văn học Chile và trở thành tác phẩm “xuất bản lậu” tầm quốc gia hàng đầu. Chỉ có cuốn “Miễn trừ ngoại giao” của nhà báo Francisco Martorell và “Những cuộc phiêu lưu quỷ quyệt của đại sứ Argentina” tại Chile khi đó, ngài Oscar Espinoza Melo, mới sánh được với “Kẻ lừa gạt vĩ đại” về khoản bị sao chép lậu.

Trong “Nơi cư ngụ của những linh hồn”, nữ văn sĩ Isabel Allende đã đưa ra một cái nhìn của một người bảo vệ nữ quyền về xã hội Chile trước và sau cuộc chính biến của Pinochet. Và gần đây nhất là tiểu thuyết “Hãy nghe giọng nói của mình” của Arturo Fontaine Talavera. Qua câu chuyện của phóng viên Pelayo và cô nhân tình Adelaida, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh đất nước Chile dưới thời Pinochet, quyền lực của giới quân sự và quyền lực của các nhà kinh tế hiện đại bị chính cuộc khủng hoảng kinh tế chôn vùi ở cuối tác phẩm. Đây là bức tranh đồ sộ nhất về một nước Chile phân rã, bị giằng xé giữa những đổi mới về kinh tế và một đất nước Chile chìm ngập trong “những giá trị ngột ngạt của một xã hội tù đọng”. Và dù không được gọi tên, nhưng độc giả vẫn có thể nhận ra bóng dáng của nhà độc tài.

Sau một thời gian dài đối mặt với rất nhiều cáo trạng, ngày 10/12 vừa qua, cựu độc tài Chile Augusto Pinochet đã qua đời tại một quân y viện ở thành phố Santiago sau một cơn đau tim và đột quị, thọ 91 tuổi.

Nhiều người dân Chile coi cái chết của Pinochet là lý do để ăn mừng. Như vậy có thể thấy rằng, những gì chế độ độc tài đã làm vẫn còn tiếp tục gây chia rẽ đất nước Nam Mỹ này, và dù Augusto Pinochet đã chết nhưng di sản chính trị ông ta để lại sẽ vẫn còn ám ảnh Chile trong một thời gian dài nữa

Lương Lê Giang
.
.