Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc: Tài hoa và đức độ

Thứ Năm, 18/07/2013, 08:00
Chúng tôi được làm việc với thầy không lâu nhưng thầy đã có công đặt những viên gạch đầu tiên cho bộ môn Lý luận văn học. Vạn sự khởi đầu nan, cha ông đã để lại cho hậu thế nhiều quan điểm lý luận về văn nghệ nhưng chưa có một cuốn sách hệ thống các vấn đề lý luận. Tất cả phải bắt đầu từ đầu...

Vào những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, khi thầy Đặng Thai Mai chuyển về làm Viện trưởng Viện Văn học thì thầy Nguyễn Lương Ngọc đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Khoa Văn. Cơ sở làm việc ở trường Trưng Vương cũ, tất cả còn nghèo nàn và chật hẹp. Thầy Nguyễn Lương Ngọc ngoài công việc chung của Khoa cũng phụ trách trực tiếp tổ Lý luận văn học. Tôi nhớ thành viên của tổ ngoài thầy là tổ trưởng có ba người: Lê Bá Hán, Trần Văn Bính và Hà Minh Đức. Thường mỗi tuần tổ sinh hoạt hai lần, chủ yếu là nghe thầy Ngọc giảng về triết học và mỹ học phương Tây. Đến đúng giờ và làm việc căng thẳng trong hai đến ba tiếng. Thầy Ngọc giảng bài khúc chiết, tỉ mỉ những luận điểm mỹ học của từ Aristote, Platon, đến Kant, Hesgel... rồi Marx, Engels. Buổi học có chiều sâu, không có những câu chuyện vui, những nụ cười. Thầy Ngọc tính điềm đạm, ít nói, dáng ưu tư, vừa nghiêm khắc vừa phúc hậu. Ở nơi công cộng, gặp chuyện vui, chuyện buồn nét mặt thầy ít thay đổi. Có người nói đó là cá tính của thầy, nhưng lại có ý cho rằng những trí thức thế hệ thầy có nhiều người luyện phép nén cảm xúc. Họ sống với thế giới bên trong, chuyện đời vui buồn không làm thay đổi nét mặt. Tuy nhiên mỗi lần chúng tôi lên chơi nhà thầy ở phố Châu Long, kể chuyện tự nhiên thầy lắng nghe nét mặt hiền và cởi mở, thỉnh thoảng lại cười nụ cười của ông già còn vương lại nét ấu thơ. Thầy được mọi người quý trọng. Tôi nhớ một lần đi ăn cơm ở bếp ăn tập thể của nhà trường. Theo quy định là mỗi người phải mang theo một vỉ ruồi. Trước hoặc sau khi ăn phải đập đủ mười con. Ăn xong, tôi đã đập đủ mười con, tôi lại gần thầy, thầy mới đập được ba bốn con. Tôi đập tiếp được bốn, năm con nữa và nói với thầy: "Thưa thầy, em đập được mười lăm con, hai thầy trò cộng lại là vừa đủ". Thầy cười và bảo: "Cảm ơn, anh về trước đi để tôi làm đủ phận sự của tôi".

Vào thời điểm ấy có phong trào về giúp dân ngoại thành gặt lúa và giúp việc nhà nông. Anh Phan Cự Đệ được phân công ở nhà ông Thễu, nằm ngủ trên chiếc chõng tre và phải lên ăn cơm tại gia đình tôi ở. Bà chủ nói: "Thầy Đệ ở nhà ông Thễu chẳng có gì ăn. Con gái lấy chồng làng phải mang cơm cho bố một bữa ăn cả ngày. Thầy lên đây ăn với thầy Đức cho vui". Anh Đệ chịu khó. Có lần ông Thễu nhờ lấy hộ gai ở bàn chân. Anh loay hoay mãi mới lấy ra được. Ông Thễu bảo: "Các thầy ở thành phố sướng không phải dẫm vào gai bao giờ". Còn thầy Ngọc được phân ở gia đình nhiều trẻ con. Đến bữa ăn chúng nghịch ngợm, đánh đổ canh, làm rơi vãi cơm. Chị chủ nhà nói: "Các cháu nhỏ nó quấy, ngày mai cháu dọn cơm bác xơi trước". Thầy gạt đi và bảo: "Phiền chị, ăn cả nhà cho vui". Chúng tôi đề nghị chuyển cho thầy đến nhà khác. Thầy từ chối: "Thôi cũng chỉ ở năm ba ngày nữa, chuyển chỗ gia đình họ lại thắc mắc".

Chúng tôi được làm việc với thầy không lâu nhưng thầy đã có công đặt những viên gạch đầu tiên cho bộ môn Lý luận văn học. Vạn sự khởi đầu nan, cha ông đã để lại cho hậu thế nhiều quan điểm lý luận về văn nghệ nhưng chưa có một cuốn sách hệ thống các vấn đề lý luận. Tất cả phải bắt đầu từ đầu. Thầy Nguyễn Lương Ngọc phải dựa vào tài liệu nước ngoài của Liên Xô. Hai tác phẩm lý luận của Abramovích và Timôphiép được dịch vội. Anh Đức Uy dịch nhanh từng chương cho thầy tham khảo cộng với vốn kiến thức về văn học Pháp, văn học Việt Nam, thầy Ngọc đã viết cả bộ Lý luận văn học. Cuốn "Nguyên lý văn học" đã giúp cho cán bộ văn hóa văn nghệ làm quen với quan điểm Marx, Engels về văn học nghệ thuật. Khi chuyển công tác sáng làm lãnh đạo Viện Khoa học giáo dục và từ năm 1967 đến 1975 làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quãng thời gian còn lại gần như thầy dành trọn cho ngành Giáo dục. Thầy trở thành người lãnh đạo đúng hướng, người thầy mẫu mực.

Tuy nhiên trở lại cuộc đời thầy giai đoạn trước Cách mạng, ta như lại bắt gặp một Nguyễn Lương Ngọc nghệ sĩ - tài hoa, với những trang viết sâu sắc. Năm 1942 ở tuổi ngoài ba mươi, thầy tham gia nhóm Xuân Thu Nhã Tập với những tiểu phẩm mang tính triết luận sâu sắc. Trong bài "Tĩnh tụ", thầy viết:

"Hãy có những ngày dưới gốc bồ đề. Hãy nhắm mắt với đời đương qua. Hãy vòng tay cho máu không chảy. Để sáng suốt, để tới Đạo. Đừng cho ma quái nhảy múa trên đường Giác.

Tĩnh tụ không hèn kém. Tĩnh tụ không a dua. Sẽ không thấy chung quanh, không thấy mình, sẽ phá dần những vỏ thành kiến, những lớp văn hóa. Sẽ tới cái "ta" của muôn đời và cảm thông cùng vũ trụ.

Sẽ như người tập bắn nhìn hạt đậu thấy mặt trời. Sẽ như lòng tin chuyển núi lấp sông.

Tĩnh tụ là điều kiện của tri thức, của tiến bộ.

Hơi khác người phương Tây, tôi muốn nhủ tôi:

- Nathanel, hãy nhập thiền!".

Ý tưởng thật sâu sắc và kín đáo. Triết lý nhân sinh tụ lại lắng lại, tĩnh tụ ở bên trong. Tĩnh tụ chính là bộ lọc của chính khí, và thời gian để đến được với chân lý của cuộc đời.

Trước Cách mạng Tháng Tám, thầy Nguyễn Lương Ngọc thực sự đã sống trong môi trường nghệ thuật, là bạn thân của những văn nghệ sĩ tài danh như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương. Thầy trân trọng tài năng và quý trọng tình bạn. Thầy Ngọc nhận xét về Đoàn Phú Tứ: "Anh Tứ đóng kịch giỏi, trong chúng tôi có lẽ anh Tuân và anh là người có tài diễn xuất bẩm sinh. Lời nói của nhân vật, hành động của nhân vật, di chuyển của nhân vật trên sàn diễn các anh tự tìm lấy, chả có đạo diễn nào phải đóng góp ý kiến. Vả chăng chính anh Tứ lại là một đạo diễn vở "Ngã ba" của anh: phân vai, uốn nắn lời nói, chỉ đạo việc di động nhân vật anh đều có sáng tạo".

Thầy Nguyễn Lương Ngọc tuy quý mến, trân trọng tài năng của bạn nhưng cũng thẳng thắn góp ý nhận xét tác phẩm văn chương của họ. Nhân Đoàn Phú Tứ chuyển cho thầy tập thơ của Vũ Hoàng Chương từ miền Nam gửi ra (Vũ Hoàng Chương từng được giới văn sĩ miền Nam suy tôn là thi bá), thầy Ngọc nhận xét: "Đây toàn là lời hoa mỹ, không thấy một chút tình cảm thực nào, khác xa những câu như tôi nhớ lõm bõm:

Ôi ai đã làm chi đời ta
Ta đã làm chi đời ta
Cho đời tàn tạ, đời băng giá
Sương mong manh sớm quạnh thu già

Tuy buồn thương nhưng là cái buồn thực, buồn của một người nghèo".

Thầy Nguyễn Lương Ngọc tuy không chuyên phê bình văn học nhưng qua những trang viết thầy đã thể hiện tư cách của một nhà phê bình. Thầy cũng viết tiểu thuyết và kịch. Trong kháng chiến chống Pháp, hai vở kịch "Cái đèn" và "Gia đình họ Bạch" của thầy được trình diễn ở một số tỉnh miền Trung. Cuối đời, thầy viết tiểu thuyết "Số phận quả chuông" (1992). "Số phận quả chuông" mang ý nghĩa tượng trưng, tiếng chuông mang âm thanh của hồn quê và cô gái Thiều Hoa là bông hoa đẹp của làng, tất cả cũng phải chịu đựng những vui buồn của cuộc sống, quê hương. Tập hồi ký "Nhớ bạn" (1992) có giá trị. Tập sách viết lúc tác giả đã ở tuổi trên tám mươi. Nghĩ lại, nhớ lại tình bạn một thời qua nên chân tình đằm thắm và sâu sắc.

Trong quan hệ bè bạn giữa các nghệ sĩ Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng,... mỗi người đều bộc lộ một phong cách nghệ sĩ riêng, nhưng với Nguyễn Lương Ngọc thì không rõ nét. Ông mang dáng dấp và đường nét của một thầy giáo. Sau Cách mạng càng bộc lộ rõ phong cách, nhân cách của một người thầy thực thụ. Không còn một nét nào của nghệ sĩ nhưng tâm hồn thầy Ngọc vẫn chan chứa tình cảm và lòng yêu mến nghệ thuật. Phải chăng thế mà các con thầy đều đi theo con đường nghệ thuật? Con gái Thụy Vân là diễn viên điện ảnh đã đóng cùng với Thế Anh trong phim "Nổi gió". Con trai của thầy là Tiểu Bạch đi vào ngành hội họa và giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật trong nhiều năm. Thầy Ngọc mất năm 1994, thọ 84 tuổi trong niềm thương tiếc của bạn bè và học trò nhiều thế hệ. Năm 2005 gia đình đăng ký cho thầy giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo quy định mới: Nếu số phiếu không đạt giải Hồ Chí Minh thì cũng không chuyển đổi thành giải Nhà nước nếu đủ phiếu cho loại giải này. Thầy Ngọc là một trường hợp khó đánh giá. Phải có quan điểm lịch sử, trân trọng người có công đầu trong việc xây dựng bộ môn Lý luận văn học, phải thấu hiểu giá trị bề dày tri thức của thầy và công sức giảng dạy, cống hiến cho ngành Giáo dục của thầy. Các công trình lý luận ban đầu không khỏi gặp khó khăn vì đây là môn học mới với ngành Ngữ văn. Ý kiến đánh giá thầy còn phân tán nên thầy không đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, cũng đồng thời không được nhận giải Nhà nước.

Giáo sư Phan Trọng Luận nhận xét: "Đó đây cũng có cách nhìn thiếu tính lịch sử nên không thấy hết giá trị và cống hiến khoa học quý báu của các công trình lý luận văn học của thầy, những cống hiến vào đời sống văn học và văn hóa của đất nước trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Sống vì đạo nhiều hơn đời, thực hơn là danh hẳn thầy ở cõi trên chẳng bận tâm đến giải thưởng này nọ nhưng chúng ta thì phải biết suy nghĩ cho hợp lẽ và cho phải đạo" (bài viết Kỷ niệm 100 năm sinh của Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc).

Giáo sư Hoàng Như Mai nhận xét:

"Nguyễn Lương Ngọc thật là một hòn ngọc ẩn, một người tài đức vẹn toàn mà không hề phô trương mảy may. Than ôi! Không phô trương nên người ta đã quên mất công lao của anh! Và nhớ lại thì đã quá muộn màng".

Những suy nghĩ chân thực và ân tình. Tiếc nuối nhưng chưa muộn nếu nghĩ đến tương lai. Cuộc đời sẽ biết ơn và tôn vinh giá trị của người thầy tài hoa và đức độ.

Hà Nội, ngày 10/2/2013

Hà Minh Đức
.
.