Giấc mơ trên sóng

Thứ Sáu, 08/07/2016, 07:37
Con thuyền nhỏ dập dềnh. Sóng chiều nay êm ả với ngọn gió mơn man. Những đứa trẻ vùng biển hẳn đã bao lần lon ton theo cha trên cát, nghe kể về những giấc mơ nằm ở phía cuối chân trời xanh thẳm. Cô giáo Liên cũng thế. Chỉ là giấc mơ bé mọn nhưng đã bị bão tố cuốn phăng đi khi đời người chưa tròn...


Căn nhà nhỏ của gia đình cô Lê Thị Thanh Liên nằm nép mình ở một góc nhỏ của TP Phan Thiết, Bình Thuận. Ngồi nhìn di ảnh con gái, ông Lê Chí Dũng - cha cô Liên thẫn thờ bảo rằng: "Nó chỉ đâu đó một lúc rồi về thôi". Người cha già khốn khổ ấy hiểu mình tự đánh lừa bản thân để xoa dịu cho vết thương đang toang hoác tâm can. Anh Trần Ngọc Anh - chồng cô Liên, mấy ngày nay như người mất hồn. Ôm con gái vào lòng, ngồi trước cửa nhà, anh cũng như đang ngóng ai, đang chờ đợi điều gì.

Vụ tai nạn thảm khốc giữa hai xe khách ở chân đèo Prenn, TP Đà Lạt sáng 19-6 gây chấn động dư luận. Trong số người tử nạn có 3 cô giáo là bạn thân cùng dạy ở Trường THPT Phan Bội Châu, TP Phan Thiết. Trong đó, cô giáo Lê Thị Thanh Liên (37 tuổi, dạy môn Giáo dục công dân) có hoàn cảnh khó khăn hơn cả.

Hai đứa con của cô Liên đều mắc bệnh. Cô con gái lớn Trần Lê Phương Uyên (12 tuổi) bị hội chứng thận hư bẩm sinh. Cậu con trai Trần Lê Gia Khang (4 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ dạng nhẹ. Bé Uyên năm nay lên lớp 7. Dù bệnh tật nhưng sức học của em vẫn tốt, 5 năm tiểu học, năm nào Uyên cũng đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Riêng cu Khang khó khăn lắm mới nói được một câu dài.

Đoàn công tác Báo Công an nhân dân, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh, trao tiền ủng hộ của bạn đọc cho gia đình cô Thanh Liên.

Ông Dũng cho biết Khang chỉ thiểu năng ngôn ngữ, còn thì vẫn hiếu động, tiếp thu rất tốt. Bé có thể chơi điện tử, nghịch ngợm các trò trẻ con. Chính cô Liên đã mày mò tìm hiểu, đưa con đi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh và nhờ một cô giáo chuyên về cải thiện ngôn ngữ cho trẻ thiểu năng kèm cặp nên đến giờ Khang có thể nói được nhiều câu rành mạch. Tình trạng phát triển ngôn ngữ của cháu có dấu hiệu được cải thiện tích cực. Thành công mới bước đầu thì cô ra đi…

Công việc của anh Ngọc Anh bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Lúc còn sống, cô Liên là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào đồng lương giáo viên không mấy dư dật. Cô mất, ba cha con đã vất vả càng thêm lận đận.

Ngày đưa tang mẹ, con gái nhỏ khóc ngất bên quan tài: "Sao hứa mua áo mới cho con mà giờ mẹ không về?". Vất vả bao ngày tháng lo cho chồng cho con, miệt mài trên trang giáo án dạy lũ học trò, cô Liên hầu như chẳng mấy khi dám đi chơi đâu xa. Lần này, chuyến đi là do anh chị em đồng nghiệp trong trường tổ chức nên cô mới tham gia. Món quà ngày về sẽ là tấm áo ấm để hai con mặc ngày lạnh, là món mứt dâu cho chồng, là chiếc khăn cho song thân. Giấc mơ thì vô hạn mà đời người thì tấc gang…

Vợ không về, anh Ngọc Anh cứ ray rứt mãi. Giá như... Buổi chiều trước ngày lên đường, vợ anh đi rút tiền ở các cây ATM nhưng cây nào cũng trục trặc. Anh thấy nóng ruột, khuyên vợ: "Hay thôi, ở nhà đi em ạ". Chị cười, bảo anh cả lo, lên Đà Lạt rồi rút tiền cũng chẳng muộn.

Nhìn vợ háo hức quá, 13 năm mặn nghĩa sắt cầm nhưng có mấy khi chị được thư thái đi chơi đây đó, anh không nỡ cản. Lúc đầu, mọi người định đi Đà Nẵng, nhưng sợ xa quá, ở nhà con dại chờ trông nên mấy cô giáo quyết định đi Đà Lạt cho gần. Theo dự kiến 6h30 xe đón nhưng trễ hơn nửa tiếng xe mới lăn bánh. Ông Dũng cứ lẩm bẩm nếu xe đi đúng giờ hay trễ hơn chút nữa thì biết đâu, biết đâu...

Trên chuyến xe định mệnh, đáng lẽ còn có thêm một cặp vợ chồng cô giáo ở trường khác cùng đi. Nhưng người vợ sợ bị say xe nên họ đi xe máy, gửi đứa con 9 tuổi đi trước với cô Liên. Xe Thanh Lịch 29 chỗ bị nạn, đứa trẻ ấy ra đi khi còn nằm gọn trong vòng tay che chở của cô Liên. "10h20 tôi gọi điện cho vợ hỏi sắp đến chưa, vợ tôi háo hức bảo sắp đến rồi. Tôi còn nghe tiếng đùa giỡn của mấy đứa con nít. 10 phút sau đã nghe tin dữ" - anh Ngọc Anh buồn bã kể.

Cô Thanh Liên có một người em song sinh là Bạch Liên, giống nhau như tạc. Mẹ mất, cu Khang cầm đồ chơi vẫn ngây ngô tin lời ông ngoại: "Mẹ đi chơi xa chưa về". Nó cũng chẳng thắc mắc sao nhà mình mọi người đều mặc đồ trắng, đều khóc thế kia. Chỉ đêm xuống, cu Khang mới khóc thét, gọi mớ "Mẹ ơi! Mẹ ơi!".  Cả nhà phải nhờ chị Bạch Liên dỗ dành, giả vờ là mẹ Thanh Liên. Nhờ vậy cu Khang mới chịu ngủ. Đôi khi, để dịu cơn đau con trẻ, người ta đành đoạn phải nói dối. Chẳng ai nỡ đẩy con trẻ vào tận cùng tuyệt vọng.

Chồng và con gái của cô giáo Thanh Liên.

Tử nạn trên chuyến đi với cô Liên còn có hai cô giáo là Lê Uyên Quỳnh và Nguyễn Thị Ngọc Dung. Ba cô là bạn học với nhau từ thời cấp ba tại chính Trường THPT Phan Bội Châu, rồi họ học chung đại học và cùng về công tác ở trường cũ. Cô Quỳnh với cô Liên là chị em con dì.

Cô Quỳnh chưa lập gia đình. Trước ngày đi chơi, cô Quỳnh đăng trên Facebook dòng cảm xúc: "Vậy là mọi thứ... xong xuôi đi". Ai cũng hiểu, một năm học đã qua, các cô lên đường đi chơi khi hè đến. Bao ngày cha mẹ sốt ruột giục con gái lấy chồng đi nên cô Quỳnh tính sau chuyến du lịch, cô sẽ sắp xếp đưa bạn trai ở Cần Thơ về ra mắt để cuối năm làm đám cưới. Ai cũng mừng. Chưa đến Đà Lạt, chưa đến bờ bến của một giấc mơ bé mọn, tang tóc đã ập đến những cô giáo miền biển. Giấc mơ giản dị xa tầm tay với.

Nhưng cuộc đời còn đó những vòng tay ngay từ trong đau thương mất mát. Ngày biết tin gia cảnh cô Thanh Liên khó khăn, nhà văn Như Bình - Trưởng ban Chuyên đề Văn nghệ Công an, Báo Công an nhân dân đã kêu gọi bạn đọc trên Facebook cá nhân quyên góp tiền giúp đỡ. Xin số tài khoản ngân hàng của gia đình để tiện cho việc gửi tiền ủng hộ thì gia đình từ chối.

Đối mặt với khó khăn, họ vẫn giữ nguyên lòng tự trọng. "Tấm lòng của mọi người chúng tôi xin nhận nhưng chúng tôi vẫn tự lo liệu được" - giọng ông Dũng nghẹn ngào trong điện thoại. Khi chúng tôi thay mặt Báo Công an nhân dân, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh đến tận nhà trao 22 triệu đồng của bạn đọc giúp đỡ, người cha già khô mình vì gió biển ấy vẫn chỉ chỗ bán nước chật hẹp của gia đình, khẳng định chắc nịch thu nhập cũng đủ để nuôi nấng bầy cháu, san sẻ bớt khó khăn cho con rể trong cảnh gà trống nuôi con. Hôm ấy, bé Uyên ngồi vuốt ve con mèo vàng mang bầu. Nghe ai hỏi chuyện, cô bé ôm mèo vào lòng, đôi mắt ướt ngước lên bàn thờ mẹ...

Mai Quỳnh Nga
.
.