Giấc mơ trên những luống cày của một lão nông

Thứ Tư, 16/03/2005, 07:21
Lão Khúng trong hai truyện ngắn Khách ở quê raPhiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu là một con người khổ hạnh, suốt đời gắn bó máu thịt với bùn đất, với những luống cày... đã ám ảnh trong tâm trí những ai từng “quen biết” hay có ký ức về lão...

Có lần, nhà văn Nguyễn Minh Châu tâm sự với một người bạn rằng: “Mình là người con của Quỳnh Lưu, song mình viết về quê hương chưa nhiều. Tuổi trẻ mình đã dành trọn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những ngày cuối đời, mình phải viết cái gì đó về nơi mình sinh ra và nuôi lớn mình những năm tháng tuổi thơ, đồng thời cũng là một miền quê có nhiều điều để nói...”.

Để hiểu thêm về nhà văn Nguyễn Minh Châu và nhân vật lão Khúng, tôi đã tìm gặp người vợ hiền của ông là bà Nguyễn Thị Doanh (hiện sống trong khu tập thể Bộ Thương mại). Trong ký ức của bà, quê hương họ là một vùng ven biển huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, có cửa sông Thơi rất đẹp.

Chiều đến, phụ nữ thường bế con ra bến cá chờ chồng từ ngoài khơi xa về. Đàn ông ở cái làng Văn Thai của ông, thường có tính cách nóng nảy và quyết liệt, uống rượu rất nhiều, chửi tục và đánh cả vợ. Thỉnh thoảng, sau cơn bão, hàng chục người đi biển không về... Hôm sau, cả làng chít khăn tang trắng xóa.

Đời sống vất vả, cực nhọc của dân làng, của chính những người thân trong gia đình, đã in đậm trong ký ức rồi ám vào từng con chữ của Nguyễn Minh Châu. Bởi vậy, người ta thấy lão Khúng  vừa quen vừa lạ, cứ như thể nhà văn hiểu từ gốc rễ, ngọn ngành những suy nghĩ, quy luật ứng xử của những người nông dân nghèo tội nghiệp quanh ông.

Người nông dân mà Nguyễn Minh Châu trân trọng nhất

Truyện ngắn Khách ở quê ra được tác giả hoàn thành năm 1983, còn Phiên chợ Giát được tác giả viết vào những ngày tháng cuối cùng trên giường bệnh (cuối năm 1988). Xuyên suốt hai truyện ngắn, người đọc thấy trào dâng một niềm thương cảm pha chút ngậm ngùi mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã dành cho nhân vật của mình.

Tình cảm ấy đã vượt ra khỏi gia đình, vươn ra với chòm xóm, đến với hàng ngàn làng quê Việt Nam - nơi có những con người cần lao, những thân phận quanh năm cặm cụi với ruộng nương như lão Khúng; với “chân lý sống” chỉ đơn giản là: “Người ta sống ở đời, chưa có miếng ăn thì gò lưng xuống mà kiếm miếng ăn, có miếng ăn rồi thì ngẩng cao mặt cho thiên hạ biết mặt. Đến con cua, con cáy cũng có lúc phải khuơ cái càng lên trời cơ mà...”.

Lão Khúng có một niềm đam mê với đất đai, suốt đời lão chỉ chúi mũi vào hòn đất, đúng như nhà văn từng nhận định: “Đất là linh hồn của người nông dân. Đất là nước mắt, là mồ hôi, là máu của người nông dân. Đất là mồ của cha ông và đời đời con cái của nông dân...”. Trong khi vợ lão - một người phụ nữ thành phố, suốt hai mươi năm cố chôn vùi đi cái gốc gác của mình ở cái chốn hoang vu ấy, trong đầu thị thỉnh thoảng vẫn lóe lên ánh sáng về một thành phố tương lai...

…Từ hai đáy mắt khô cằn của lão, đã rơi xuống đám cỏ ống một thứ nước đặc quánh, khi lão phải quyết định mang con khoang đen xuống chợ Giát cho người ta làm thịt. Lão thấy rằng, thịt da con khoang cũng là thịt da của lão, mồ hôi của con vật và của lão đã quyện vào nhau; phân nó thải ra suốt mười mấy năm đã làm tươi xanh ruộng vườn, cây cối của lão - nguồn sống con cái lão.

Chỉ có lão Khúng mới thấy rằng, mùi phân bò thật... nồng nàn. Cũng chỉ có lão mới cảm nhận được “từ mái tóc và hơi thở của đứa con gái nhỏ phả ra một mùi cỏ rất tươi non của đồng nội, vừa đắng, vừa ngọt... Có cái mùi cỏ ống vừa cắt, cả mùi đất rừng hoang dã rất xa xưa đã ngủ kỹ trong ký ức nhiều năm...”. Đau đớn nhất là giấc mơ của lão: lão Khúng thấy mình biến thành một con... bò, đang cùng ông chủ tịch đi trên những vùng đất phì nhiêu, khát cháy cổ, nhưng ngây ngất say sưa trong hương vị của... đất mới cày...

Lão Khúng mang dòng máu của nhà văn Nguyễn Minh Châu...

Sở dĩ có những trang viết sâu đằm, thương mà đau như thế, ấy là vì giữa nhà văn và lão Khúng có một tình yêu thương sâu nặng, khó nói thành lời: Nguyễn Minh Châu đã lấy nguyên mẫu nhân vật này từ người cháu ruột khốn khổ, tội nghiệp, gọi nhà văn bằng chú (con người anh cả mất sớm của nhà văn).--PageBreak--

Đó là “thằng cháu đích tôn” đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Huy của nhà văn mà ông thương yêu nhất... Bố cháu mất sớm, gia đình lại có một biến cố, nên từ khi còn nhỏ dại, “cháu Khúng” đã sống trong cảnh thiếu thốn cơ hàn, lại không được học hành.

Cả cuộc đời nhọc nhằn của Khúng, chỉ ra thăm chú được có hai lần; một lần ra chơi trong chuyến  tiễn thằng con trai đầu đi bộ đội, đồng thời nhờ chú đi mua cho một đôi lốp ôtô để về thay thế chiếc xe cút kít như trong truyện Khách ở quê ra, còn lần thứ hai, ra thăm chú Châu bị trọng bệnh, còn mua cho chú một túi cam...

Bà Doanh kể lại: “Còn ít tuổi nhưng trông cháu còn già hơn cả chú, trông vất vả lam lũ lắm! Chân tay của cháu thì đúng như Nguyễn Minh Châu đã tả trong truyện, đấy là: “Hai bàn tay lão đầy những chỗ nổi u, nổi cục, các ngón tay vặn vẹo và bọc một lớp da giống như một lớp vỏ cây, và cả bàn tay lão giống như một tòa rễ cây...”.

Bữa cơm đầu tiên đón cháu ra chơi, nhà văn đi mua một chai rượu trắng, rót ra cái chén hạt mít mời cháu, uống xong, chả thấy bõ bèn gì liền cầm ngay chai rượu đổ ồng ộc vào cái bát sứ Hải Dương, uống một hơi cạn sạch. Hiện nay gia đình nhà văn Nguyễn Minh Châu còn giữ cái chén và cái bát ấy làm kỷ niệm. Sau đó, hai chú cháu đi lùng khắp Hà Nội mới mua được một đôi lốp ôtô về để cho lão làm cuộc “cách mạng công nghiệp vận tải” của gia đình: Thay thế xe cút kít bằng xe bò.

Đôi lốp ấy nặng lại cồng kềnh, nên không thể cùng lão lên tàu về quê được, phải để tạm dưới giường nằm của nhà văn. Sau đó, nhờ xe của cơ quan đi công tác qua cầu Giát, gửi vào theo rồi nhắn hai bố con người cháu ra lấy.

Trong một chuyến đi thực tế sau này, nhà văn có ghé thăm người cháu ở vùng khai hoang, thì đôi lốp ấy đã hỏng. Người cháu đã mua đôi lốp mới và bảo chú: “Thời ấy, mua được bộ lốp xe bò khó quá. ở tận Hà Nội mà chú cũng phải đi lùng mãi mới mua được cho cháu. Còn nay thì ở ta cũng bán đầy đường!...”.

Nhà văn từng “ôm mộng” sẽ phát triển truyện ngắn Khách ở quê ra thành một tiểu thuyết về nông thôn. Nhưng khi mới viết được chừng ba mươi trang của Phiên chợ Giát, nhà văn đã phải nằm bệnh. Vợ ông đã mang bản thảo này gói ghém lại, rồi cất lên gác xép. Một thời gian, nhà văn tỉnh táo và lại muốn viết tiếp. Sau nhiều lần nài nỉ vợ, ông đã có tập bản thảo Phiên chợ Giát viết dở giấu dưới gối, thỉnh thoảng lại giở ra viết “trộm” vợ và bác sĩ. Đến tháng 10 năm 1988 thì truyện hoàn thành.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng tiết lộ với vợ rằng, cũng như Khách ở quê ra, truyện này ông vẫn viết về đứa cháu lầm lụi đến tội nghiệp của họ, về một thế giới đầy nhọc nhằn mà thân thiết, về thân phận người nông dân trong cái làng nhỏ sống dậy từ hun hút trong ký ức những ngày xa quê của nhà văn...

Nguyễn Thị Việt Hà
.
.