Gia tộc họ Tống, Vương triều không vương miện

Thứ Sáu, 30/03/2007, 13:00
Người Trung Quốc gọi gia tộc họ Tống là “Vương triều không vương miện”. Danh tiếng của gia tộc này phần lớn được tạo nên bởi ba cuộc hôn nhân nổi tiếng của ba người con gái, Tống Ái Linh, Tống Khánh Linh và Tống Mỹ Linh.

Lịch sử Trung Quốc và châu Á cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chịu nhiều ảnh hưởng của gia tộc họ Tống. Tư tưởng tiến bộ của người cha, nền học vấn tiên tiến và sự thành đạt của cả 6 người con đã mang lại cho gia tộc này nhiều danh tiếng.

Người Trung Quốc gọi gia tộc này là “Vương triều không vương miện”. Đã có rất nhiều tác phẩm viết về gia tộc này, và mới đây là các tác phẩm: “Bí mật gia đình họ Tống” của tập thể tác giả Lương Tình Lượng, Trương Học Kế, Uông Xuân Cát, Lý Tú Trân, Vương Lâm; tác phẩm “Tống ái Linh nữ hoàng không vương miện” của Dương Gia Thạch và một tác phẩm của nhà văn Mỹ Stecling Sclây: “Vương triều họ Tống”.

Trong tác phẩm của mình, Stecling Sclây đã nhận xét về gia tộc này như sau: “Từ gia tộc Paokia (Tây Ban Nha) hồi thế kỷ XVI, XVII đến nay, chưa có một gia tộc nào có thể có một tác động xáo trộn vận mệnh của loài người như gia tộc họ Tống, họ đã gây nên một tác dụng mấu chốt trong sự phát triển của cục diện châu Á và toàn thế giới”.

Danh tiếng của gia tộc này phần lớn được tạo nên bởi ba cuộc hôn nhân nổi tiếng của ba người con gái. Cả ba cô con gái đều được cha mẹ cho du học tại Mỹ, có nhan sắc, học vấn uyên thâm và đều lấy những người đàn ông tên tuổi, nhưng đều đã có một đời, thậm chí hai, ba đời vợ.

Ái Linh là vợ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Khánh Linh và Mỹ Linh trở thành hai đệ nhất phu nhân. Ba cuộc hôn nhân này đã làm cho gia tộc họ Tống trở thành đề tài hấp dẫn cho giới sử học, văn học, điện ảnh... khai thác.

Người đàn ông đầu tiên hỏi Tống Ái Linh làm vợ là Tôn Trung Sơn - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Trung Quốc, một người bạn chí cốt của cha cô, nhưng cô đã từ chối. Cô cho rằng, chủ nghĩa “Tam dân” mà Tôn Trung Sơn theo đuổi chỉ là “một tín ngưỡng xa vời, không thể thực hiện, mà còn làm cho gia đình họ Tống bị liên lụy”.

Cô đã lấy Khổng Tường Hy, hậu duệ đời thứ 75 của Khổng Tử, thuộc dòng dõi cao môn vọng tộc. Ái Linh sớm nhận thấy ở Khổng Tường Hy có sự “khôn khéo trong quan hệ giao tiếp, có năng lực công tác và đặc biệt là biết kiếm tiền đúng cách, có bản lĩnh quản lý tài chính trời cho”.

Hai người đi đến hôn nhân một cách dễ dàng, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, giàu sang. Sau này Khổng Tường Hy đã giữ những chức vụ cao nhất về tài chính trong chính phủ của Tưởng Giới Thạch: Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, Viện trưởng Viện hành chính, Ủy viên Ban kinh tế toàn quốc... và là chỗ dựa tin cậy của Tưởng Giới Thạch.

Khởi đầu cuộc hôn nhân giữa Khánh Linh với Tôn Trung Sơn không được thuận lợi. Sự chênh lệch lớn về tuổi tác và chuyện ông đã có vợ khiến ông bà Tống Gia Thụ kịch liệt phản đối. Chỉ một mình Ái Linh là ủng hộ, vì cho rằng cuộc hôn nhân này sẽ hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho gia tộc.

Từ nhỏ, Khánh Linh đã ngưỡng mộ, tôn thờ Tôn Trung Sơn. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, cô trở về Tổ quốc dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, làm thư ký Anh văn cho Tôn Trung Sơn, rồi trở thành người cộng tác đắc lực của ông.

Lý tưởng và nhân cách cao đẹp của Tôn Trung Sơn đã cuốn hút Khánh Linh sâu sắc. Tình yêu đã nảy nở giữa một người thiếu nữ với một người đàn ông lớn tuổi, đã có vợ và ba người con. Bất chấp sự phản đối của bố mẹ, Khánh Linh đã trốn sang Tôkyô làm lễ cưới giản dị với Tôn Trung Sơn.

Sau này, khi đã là phu nhân Tổng thống, Khánh Linh nói: “Điều vui sướng nhất của tôi chỉ có được khi cùng làm việc với bác sĩ Tôn. Tôi tình nguyện làm tất cả những gì ông yêu cầu tôi làm, cũng như tôi phải trả bằng mọi giá, kể cả sự hy sinh”.

Họ đã có mười năm chung sống hạnh phúc và hoạt động cách mạng. Khi Tôn Trung Sơn bệnh nặng qua đời, Khánh Linh mới 30 tuổi, nhưng bà đã sống cuộc sống độc thân cho đến cuối đời. Người Trung Quốc gọi bà là “Trinh đức thánh nữ”.

Trong ba cô gái họ Tống, Mỹ Linh xinh đẹp và sắc sảo nhất, nhưng lấy chồng muộn nhất. Trong một buổi dạ tiệc tổ chức tại tư gia của Tôn Trung Sơn, Mỹ Linh gặp Tưởng Giới Thạch.

Tác phẩm “Bí mật gia đình họ Tống” đã kể lại lần đầu gặp gỡ đó như sau: “Buổi dạ hội bắt đầu, không khí thật tưng bừng náo nhiệt. Bỗng cả đám đông chợt nổi dậy tiếng trầm trồ kinh ngạc, mọi ánh mắt đều đổ dồn về tiểu thư Tống Mỹ Linh đang ung dung bước tới.--PageBreak--

Cô mặc chiếc áo dài Thượng Hải bằng gấm tía, chiếc thắt lưng xanh bó sát lấy vòng lưng thon thả, lồng ngực tròn căng lên xuống nhịp nhàng theo hơi thở. Cả thân hình ấy, từ mái tóc đen bóng đến gót giày đều toát lên một vẻ đẹp mê hồn...

Tưởng Giới Thạch cũng có mặt trong buổi dạ hội đã thốt ra lời thán phục tự đáy lòng. Nhưng ông ta không chỉ tấm tắc khen ngợi mà còn lẩm bẩm: - Con mẹ nó chứ! Kiếp này đây ta phải lấy được nàng để cả thế giới này biết tay Tưởng này như thế nào! Từ đó đã mở ra cuộc săn đuổi tình yêu 5 năm trời”...

Khi mới gặp Mỹ Linh, Tưởng vẫn còn rất lận đận trên con đường công danh. Theo tính toán của Tưởng, mối nhân duyên với tiểu thư nhà họ Tống sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho sự nghiệp chính trị của mình.

Nếu trở thành con rể của gia đình nổi tiếng này, Tưởng sẽ lợi dụng được uy tín của Tôn Trung Sơn, lại có điều kiện để kết thân với phương Tây và sử dụng chuyên gia tiền tệ Tống Tử Văn để giải quyết khó khăn về tài chính.

Trong “Bí mật gia đình họ Tống”, các tác giả đã viện dẫn lời một nhà báo nổi tiếng của Trung Quốc nhận xét về chuyện này: “Việc tái hôn của Tưởng Giới Thạch là một hành động chính trị được tính toán lâu dài và kỹ lưỡng... Nếu lấy Mỹ Linh, ông ta sẽ có một cái mồm và một cái tay để quan hệ với người phương Tây.

Ngoài ra, ông cũng rất coi trọng chuyên gia tiền tệ Tống Tử Văn...”. Nhà văn Mỹ Stecling Sclây viết: “Cách thuận tiện nhất để Tưởng Giới Thạch nhận được sự tài trợ từ bên ngoài là thông qua gia đình họ Tống, nhất là Tống Tử Văn...”.

Nhưng việc tìm một chỗ đứng trong gia đình họ Tống không phải là việc dễ dàng đối với Tưởng bởi sự phản đối kịch liệt từ phía bà mẹ và người chị gái thứ hai. Thời gian đầu, bà Nghê Quế Trân khăng khăng không chịu gả Mỹ Linh cho Tưởng, vì cho rằng Tưởng có địa vị thấp hèn, không có đạo đức, không theo đạo Cơ đốc.

Bà nói: “Quyết không bao giờ gả con cho cái hạng đã có vợ lớn, vợ bé đầy nhà còn giở thói trăng hoa ong bướm ấy”. Cùng quan điểm với bà mẹ, Tống Khánh Linh phản đối quyết liệt và đã tuyên bố: “Thà tôi nhìn thấy Mỹ Linh chết, chứ không muốn nhìn thấy nó phải gả cho con người tự xưng là chưa vợ con đó. Riêng ở Quảng Châu, ông ta đã tằng tịu với mấy người”.

May thay, Tưởng đã tìm thấy sự ủng hộ từ Tống Ái Linh. Ái Linh cho rằng: “Con người này có một tiền đồ vô hạn. Sau thời Tôn Trung Sơn, gia đình họ Tống muốn nở mày nở mặt, chỉ có họ Tưởng là có thể trông cậy được”.

Ái Linh đã nói với em gái: “Tưởng Giới Thạch sẽ trở thành người thống trị cao nhất Trung Quốc. Lấy Tưởng Giới Thạch đồng nghĩa với việc trở thành đệ nhất phu nhân. (Bí mật gia đình họ Tống). Và Mỹ Linh đã xiêu lòng.

Thời gian đã thay đổi mọi định kiến của gia tộc họ Tống về con người Tưởng Giới Thạch. Sau 5 năm theo đuổi, tháng 11/1927, Tưởng đã sang tận Kôbê Nhật Bản để tiếp kiến bà Nghê Quế Trân và được bà đồng ý cho cưới Mỹ Linh.

Ngay sau đó, Tưởng  mang Mỹ Linh về Trung Quốc, tổ chức họp  báo tuyên bố kế hoạch làm đám cưới. Hôn lễ của hai họ Tưởng - Tống có tới hàng ngàn người tham dự. Vợ chồng Tổng lãnh sự Mỹ, Nhật Bản, Đức, đại diện một số công ty và một số phóng viên nước ngoài cũng có mặt tại hôn lễ.

Các báo thời đó bình luận rằng, sự có mặt của đông đảo khách nước ngoài trong lễ cưới chứng tỏ quốc tế đã thừa nhận Tưởng, và đó là “thu hoạch ngoài lễ cưới”. Mặc dù Tưởng đã công bố sẽ tổ chức đám cưới thật tiết kiệm, khoản kinh phí dùng để đặt tiệc sẽ phát cho bệnh viện quân đội, và xin miễn nhận quà mừng.

Nhưng trên thực tế thì: “Bạn bè và đồng bào khắp nơi tranh nhau đến đưa tặng phẩm, ai đưa tặng phẩm bằng vàng, bằng tiền đều đưa lên gác nhà băng trung ương nhờ nhận giúp... Suốt ngày những người đến ngân hàng đưa tiền tặng nối nhau hết sức đông đảo, nhân viên nhận tiền không một phút ngơi tay...”.

Trong hôn lễ, Mỹ Linh lộng lẫy và đài các: “Cô dâu ôm một bó hoa thạch trúc màu hồng nhạt, trang sức cực kỳ mới mẻ và đẹp mắt... Toàn thân gọn gàng trong chiếc áo dài màu bạc. Mọi người nhìn vẻ đẹp của cô dâu mà tuồng như nín thở”...

Cưới được Mỹ Linh rồi, tâm trạng Tưởng Giới Thạch vô cùng sung sướng, đã cho đăng một bản thông báo với nội dung: “Mao thị không còn là vợ, sớm đã bỏ nhau; Còn hai thị Diêu, Trần vốn chẳng có gì ràng buộc... Hôm nay được kết hôn với người kính yêu nhất là Tống Mỹ Linh nữ sĩ, thật là ngày vẻ vang nhất trên đời”.

Sau lễ cưới 40 ngày, Tưởng Giới Thạch trở thành Tổng thống, Mỹ Linh trở thành đệ nhất phu nhân. Tưởng Giới Thạch vẫn thường nói với bạn bè rằng: “Lấy Tống Mỹ Linh, tôi không chỉ được giang sơn, mà còn được cả người ngọc”

Hiền Mai
.
.