Trần Tử Văn: Gác kiếm chứ không gác bút

Thứ Bảy, 15/07/2017, 11:05
Trần Tử Văn là một tên tuổi của làng báo chí và văn chương TP Hồ Chí Minh. Ông nguyên là Phó Tổng biên tập Báo CAND; Phó Tổng biên tập Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh; là cây bút từng có hơn 30 tiểu thuyết, tập truyện, tập ký sự văn học.... được xuất bản, là tác giả của 10 bộ phim truyện, và kịch bản sân khấu đã được giới thiệu với đông đảo công chúng. Cũng đã từng có hàng chục giải thưởng về báo chí và văn chương, điện ảnh...


Và tập sách "Gác kiếm" tôi đang cầm trên tay là tập sách thứ 31 của Trần Tử Văn. Sách dày dặn, hơn 700 trang in khổ lớn, thấm đẫm tình đời, tình đồng nghiệp, tình con người ...

Trước khi nói về sách, tôi muốn nói nhiều hơn về con người của Trần Tử Văn. Thú thực từ nhiều năm, tôi cứ ngỡ mình là bạn thân của anh, kể từ hàng mấy chục năm trước khi chúng tôi còn liền vách nơi chung cư Lý Thường Kiệt, quận 10, khi anh  còn là một Cảnh sát khu vực, rồi phóng viên Báo Công an TP Hồ Chí Minh...

Ngoài đời tôi thấy anh chàng này luôn tươi trẻ, sung sức, ân tình với mọi người, và đặc biệt rất ham đá bóng. Và lại thấy số Báo Công an nào cũng  có bài của Văn, khi là phóng sự, ký sự, khi là "Năm Tu Huýt", rồi lại thấy sách của Trần Tử Văn hằng năm đều đặn được in ra... nên tôi cứ thầm nghĩ ông là người luôn may mắn, có sức làm việc, sức sáng tạo luôn khỏe khoắn, dồi dào, một thể lực cường tráng và một sức trai lúc nào cũng phong độ trẻ trung. Chỉ khi đọc "Gác kiếm", tôi mới giật mình hiểu, hóa ra không phải như vậy, và cảm thấy vừa thương xót, vừa  khâm phục ông ...

Hãy nghe ông tâm sự: "Từ năm 2003, bệnh xơ vữa động mạch vành bất ngờ bộc phát, gây ra chứng thiếu máu não làm sức khỏe của tôi suy sụp một cách nghiêm trọng. Bạn có nghe tiếng xe cứu thương thường kêu inh ỏi trên đường phố không, tôi đã nhiều lần nằm lên đó để được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhiều buổi đến cơ quan, tôi phải nuốt cả ngụm thuốc và nằm vật vờ với cái đầu tê buốt. Căn bệnh hiểm nghèo này đã tàn phá gần như phân nửa tư duy và sức lao động, khiến tôi phải bỏ dở nhiều ý định nung nấu trong đầu.

Qua nhiều năm chấp nhận sống chung cùng nó, thì một tai họa khác lại đến. Sau nhiều lần đau cứ ngỡ không quan trọng, khi đi siêu âm, bác sỹ bảo tôi đã bể nát sụn của hai đầu gối, phải phẫu thuật. Tháng 4-2011, hai chiếc đầu gối của tôi phải lên bàn mổ, sau đó 6 tháng, bác sỹ lại phẫu thuật lần thứ hai... Ngẫm lại 40 năm lăn lóc với đời, tôi đã mất gần 1/3 thời gian để chiến đấu với bệnh tật, một tháng ngày quá lớn với sự nghiệp cầm bút của mình...".

 Thì ra như vậy, những năm qua không như chúng ta nghĩ, là Trần Tử Văn được sống và viết trong may mắn thể lực của trời cho, viết trong một cuộc sống, một tư thế phơi phới với đời mà nhìn ông bên ngoài ai cũng tưởng vậy. Hóa ra ông phải viết trong một bối cảnh chiến đấu không ngừng với bệnh tật, với sức khỏe, trong bối cảnh có sức cầm được cây bút là may, chứ đừng mong gì đến sáng tạo, đến viết và lách!

 ... Tập sách mới "Gác kiếm" của Trần Tử Văn, được tác giả ghi theo thể tạp văn, với nội dung của nó như biểu dương của cây bút lão thành Vũ Hạnh "Qua tác phẩm này, chúng ta được hiểu rõ hơn, sâu hơn về Trần Tử Văn, bởi anh không chỉ là một nhà báo, nhà văn, còn là một người hoạt động xã hội và ở mức độ nào đó anh đã có những thuyết giáo cùng những suy nghĩ tích cực đối với lẽ sống, đối với con người. Anh không chỉ nhìn sự việc qua lăng kính của một sỹ quan Công an, mà còn vai trò của một nhà báo, quan điểm của một nhà văn, anh thấy vấn đề sâu rộng hơn nhiều nên đã quan tâm nhiều hơn về mặt văn hóa, đặc biệt là sự giáo dục nhân cách lớp trẻ từ nơi học đường và trong khung cảnh gia đình".

Và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: "Trò chuyện và đọc văn chương của Trần Tử Văn hôm nay, nhìn lại chặng đường của anh, gần với dân nghèo, bụi đời hè phố, biết con mắt và cách cảm của anh Công an giàu tình thương. Hiểu thêm những gì anh viết và trăn trở".

 Trong "Gác kiếm", thú vị là lần đầu tiên Trần Tử Văn công bố những sáng tác thơ của mình, cũng dễ đến hàng chục bài. Đọc những dòng thơ ấy, nhà thơ Lê Minh Quốc ghi nhận đó là "một dòng thơ thế sự sâu lắng". Khi đặt ra câu hỏi, Trần Tử Văn đã có gì trong thơ, thì cũng chính Lê Minh Quốc trả lời: "Trần Tử Văn đã tinh tế khi bắt mạch đúng nội tâm chính anh, đó là sự đau đáu trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của người cầm bút trước thế sự, hiện thực của cuộc sống... Nhiều tứ thơ bật ra bất ngờ, sắc lẹm và hằn vết trong trí nhớ...".

 Với tôi, khi cầm "Gác kiếm" trên tay, sự trân trọng lớn nhất của tôi với Trần Tử Văn là một tình yêu mạnh mẽ, một ý thức trách nhiệm lớn lao với cuộc sống, với văn học, để cho dù hoàn cảnh nào của riêng anh, anh cũng không ngừng phấu đấu cho những tác phẩm luôn truyền đến người xem và thúc giục họ vì một cuộc sống và một xã hội nhân văn!

 Xin cảm ơn nhà báo, nhà văn Trần Tử Văn.

Châu La Việt
.
.