"Gã thợ mộc" và bộ sưu tập tranh thờ độc đáo

Thứ Sáu, 08/10/2010, 09:18
Vừa qua, tại nhà triển lãm Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) đã diễn ra triển lãm "Tranh dân gian cổ Hàng Trống" của nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ. Bộ sưu tập này gồm có 22 bộ tranh với 83 bức và 66 bức tranh lẻ.

Năm ngoái, nhà sưu tầm này cũng đã tổ chức thành công triển lãm "Tranh thờ Đạo giáo - Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam" gồm hơn 300 bức tranh. Là người sở hữu hơn 400 bức tranh thờ của 6 dân tộc Việt là Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chỉ, Dao; Phạm Đức Sĩ đã gây bất ngờ cho những người thưởng thức bởi nghệ thuật  độc đáo và tính thẩm mỹ trong các bức tranh thờ. Cho đến thời điểm này, Phạm Đức Sĩ đang là nhà sưu tầm sở hữu số lượng tranh thờ lớn nhất Việt Nam.

Nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ được bạn bè gọi thân mật là "Sĩ mộc". Vốn dĩ anh làm nghề… thợ mộc và hiện là chủ xưởng mộc đóng khung tranh danh tiếng tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Nhưng có lẽ bạn bè gọi thế vì anh là một con người thực mộc mạc, chân thành. Anh nói với  tôi rằng anh không phải là người hoạt ngôn, không thể nói một cách "hoa hòe hoa sói" về bất cứ việc gì, ngay cả việc sưu tầm tranh - một công việc công phu, tỉ mỉ và khá nhiều chuyện bếp núc để kể. Anh cho biết, công việc làm "hậu kỳ" cho các bức tranh của "thợ mộc" ấy đã cho anh nhiều cơ hội được tiếp xúc với nhiều họa sĩ đương đại của Việt Nam và hiểu sâu hơn về một số dòng chảy của hội họa từ truyền thống đến đương đại.

Qua những câu chuyện của bạn bè, anh biết rằng, có một khối lượng lớn dòng tranh thờ Hàng Trống và tranh thờ của các dân tộc miền núi phía Bắc đang "trôi nổi" trên thị trường, trong đời sống cộng đồng. Dòng tranh ấy, ngoài giá trị tín ngưỡng còn có giá trị văn hóa - thẩm mĩ đặc biệt nhưng đang bị mai một dần nên anh đã rất quan tâm. Hễ nghe nói ở đâu, vùng nào có tranh anh đều tìm cách tiếp cận. Anh tâm sự rằng, có lẽ là do cái "duyên" trời cho, nên nhiều bộ tranh anh mua được một cách rất… ngẫu nhiên: do tình cờ gặp được ở gánh đồng nát, do có người quen giới thiệu, hoặc do "đổi chác" mà có.

Vốn là người sưu tập đồ gốm cổ, đến năm 2001 anh mới bắt đầu chuyển sang sưu tập tranh thờ. Vậy mà đến nay anh đã có một bộ sưu tập khá dày dặn. Ngoài bộ sưu tập gốm Đông Sơn và gốm Hán, bộ sưu tập tranh cổ động trong thời kỳ chiến tranh, anh dành nhiều công sức và đặc biệt hứng thú với bộ sưu tập tranh thờ cúng Đạo giáo - Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam cùng với bộ tranh Hàng Trống. Năm ngoái, anh đã in sách và cho ra mắt triển lãm bộ sưu tập "Tranh thờ cúng Đạo giáo - Phật giáo Việt Nam". Cuốn sách được nhiều nhà nghiên cứu phê bình hội họa, nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá cao và nhiệt tình ủng hộ công việc của anh.

Theo báo cáo điều tra của EFEO (Viện Viễn đông Bác cổ của Pháp) mà Mawrice Durand trích dẫn, đăng trong bài "Imagerie populare Vietnamiene" (Tranh dân gian Việt Nam) in năm 1960 tại Paris thì: "Vào dịp Tết Nguyên đán năm 1957 có tới 300.000 bức tranh đơn và 2.000 bộ tranh bán ra trên thị trường tranh ở Hà Nội và các vùng lân cận" (Tài liệu sưu tầm của Giáo sư Phan Ngọc Khuê). Qua con số ấy mới thấy, chỉ mới cách đây nửa thế kỷ, "thị trường tranh" dân gian còn nhộn nhịp như thế, bởi cả phố Hàng Trống chuyên một nghề làm tranh. Thế mà nay, không còn một nhà nào làm tranh nữa. Phố ấy trở thành phố chuyên bán tranh của các họa sĩ đương đại cho du khách nước ngoài, không tìm đâu ra dấu vết của một thời huy hoàng quá vãng. Nghệ nhân tranh dân gian cuối cùng còn làm việc là ông Lê Đình Nghiên (nguyên cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) thì "dạt" ra ở tận gần phố Lý Nam Đế, ngay dưới đường tàu chạy qua mỗi ngày.

Khắc khoải với sự mất mát không gì cưỡng lại ấy, một số nhà sưu tập đã âm thầm đi "săn lùng" tìm lại những bộ tranh Hàng Trống quý giá. Phạm Đức Sĩ là một trong số những nhà sưu tập đáng nể đó. Bỏ ra nhiều công sức, anh đã có trong tay một số "vốn liếng" kha khá. Song song với việc sưu tầm tranh Hàng Trống, anh sưu tầm dòng tranh thờ của các dân tộc miền núi phía Bắc - dòng tranh vốn có nhiều bức do những nghệ nhân Hàng Trống chế tác theo "đặt hàng" phục vụ các nghi lễ thờ cúng khá đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Gần mười năm đi tìm lại dòng tranh "niên họa" Hàng Trống phục vụ nhu cầu trang trí, chúc lành chúc phúc năm mới hoặc đốt thờ cúng cho người âm, làm bùa "trấn trạch" trong nhà của người thị thành, anh đã cất công tìm và gom lại được hàng chục bộ tranh trang trí vẽ theo các tích truyện "Chiến quốc", "Sơn hậu", "Tam quốc", "Hán Sở tranh hùng", "Chiêu Quân cống Hồ"... Những tranh thờ Đạo giáo của người thiểu số đặt hàng thợ Hàng Trống chế tác như Tam Thanh (dân tộc Tày - Nùng), "Hành say" (dân tộc Dao). Ngoài bộ "Tranh thờ Đạo giáo - Phật giáo của một số dân tộc Việt Nam", anh cũng đã cho công bố nhiều bộ tranh quý như "Dẫn hương độ" (dân tộc Cao Lan), "Cung nghinh thánh lễ" (dân tộc Sán Dìu), "Độ linh" (dân tộc Tày)... Đến nay, Phạm Sĩ Đức còn là người sở hữu một bộ tranh thờ cổ nhất, đó là bộ tranh của người dân tộc Dao, có niên đại cách đây hơn 200 năm.

Ngoài những bức tranh theo bộ, anh còn rất nhiều những tranh lẻ vẽ các ông Hoàng bà Mẫu để phục vụ tín ngưỡng thờ Mẫu như "Ông Hoàng cưỡi cá", "Ông Hoàng cưỡi lốt", "Bà Chúa thượng ngàn", "Bà Chúa thượng thiên", các tranh "trấn trạch" dán ở cửa và trong nhà để trừ tà ma... Anh cho biết, trong bộ sưu tập khổng lồ của mình, đặc biệt quý hiếm là những bức tranh Hàng Trống như nhật ký thời gian ghi lại cuộc sống của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX như "Hội Tây", "Duyệt binh"… Lần này, tuy Phạm Đức Sĩ chỉ trưng bày một phần trong số tranh sưu tập, gồm 22 bộ tranh (83 bức) và 66 bức tranh lẻ nhưng cũng đủ làm người xem hình dung về cả một nền đồ họa Hàng Trống từng phong phú và hoành tráng như thế nào. Việc làm của anh càng có ý nghĩa khi người xem được thưởng thức bộ sưu tập này sát ngày diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Với triển lãm lần này, người xem một lần nữa thấy được sự độc đáo của loại hình tranh thờ Hàng Trống. Đến xem triển lãm của anh, nhiều người bâng khuâng như gặp lại được một góc của Hà Nội xưa cũ, của những năm tháng thủ đô và cả nền hội họa Việt Nam chưa quá ồn ào, chưa quá nhiều màu sắc như bây giờ.

Vốn là một người khiêm tốn, giản dị, Phạm Đức Sĩ không thích nói nhiều về những việc mà anh đã làm được. Anh bảo rằng, trước hết anh sưu tầm là vì sự say mê của chính mình. Từng có nhiều nhà sưu tầm nước ngoài hỏi mua, nhưng anh không bán. Anh bảo rằng: "Càng sưu tầm được nhiều tranh thì anh lại càng thấy thiếu, càng thấy thích thú, càng thấy mình cần phải lưu giữ, bảo vệ nó trước sự hủy hoại của thời gian!", bởi theo anh, đó là cả một kho tàng văn hóa tuyệt vời.

Đúng là "nghề chơi cũng lắm công phu", để có một bức tranh hay bộ tranh của các gia đình người dân tộc đang sở hữu, anh phải đi đi lại lại nhiều lần. Đồng bào ta thường thích tranh mới, nên anh phải tìm đến những nơi có thể đặt in được những bộ tranh mới để "đổi" cho họ lấy tranh cũ. Nhưng cũng có khi đồng bào quý, trân trọng công việc của anh mà tặng luôn, không lấy tiền. Những chuyến đi đến các vùng đồng bào dân tộc đã cho anh một cái nhìn độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Anh tâm sự: "Càng đi, lại càng thấy có nhiều điều nằm trong dân gian cần được lưu giữ, bảo vệ, nếu không muốn chúng dần bị quên lãng!".

Âm thầm đi, âm thầm làm việc, "gã thợ mộc" Phạm Đức Sĩ đang lặng lẽ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng độc đáo của dân tộc để con cháu mai sau được biết đến, được tiếp cận với những di sản phi vật thể vô giá của cộng đồng người Việt

Nguyệt Hà
.
.